Các hãng hàng không 'căng người' giữ khách mùa dịch

Ngoại trừ Vasco chuyên bay các đường bay nhỏ trong nước chưa có thông báo gì mới liên quan đến hoạt động vận hành, tất cả các hãng hàng không ở Việt Nam, từ Vietnam Airlines lâu đời đến hãng mới Bamboo Airways đều có những thông tin cập nhật liên tục về các hoạt động, chương trình ưu đãi để kéo lại khách hàng.
LAN NHI
18, Tháng 02, 2020 | 11:37

Ngoại trừ Vasco chuyên bay các đường bay nhỏ trong nước chưa có thông báo gì mới liên quan đến hoạt động vận hành, tất cả các hãng hàng không ở Việt Nam, từ Vietnam Airlines lâu đời đến hãng mới Bamboo Airways đều có những thông tin cập nhật liên tục về các hoạt động, chương trình ưu đãi để kéo lại khách hàng.

Vietjet---Mo-ban-2-duong-bay-moi-tu-Da-Nang-1

Nhiều tàu của các hãng phải nằm chờ vì đường bay đến Trung Quốc đóng cửa. Ảnh: Vietjet Air.

Cục trưởng Cục hàng không Đinh Việt Thắng dự đoán cách đây một tuần rằng, thống kê sơ bộ trong chưa đầy một tháng qua, các hãng hàng không đã thiệt hại hơn 10 ngàn tỉ đồng với riêng đường bay đến Trung Quốc. Đó mới chỉ là thống kê rất trực tiếp về thiệt hại khi mới “đóng cửa” thị trường chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của các hãng Việt Nam. Còn những thiệt hại lan tỏa về sự sụt giảm lượng du khách của các đường bay trong và ngoài nước khác là chưa tính đến.

Chỉ tính riêng 3 hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (JPA) và Vietjet Air khai thác đến 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến đến 54 điểm của Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần sẽ hiểu ảnh hưởng của dịch bệnh lớn đến thế nào. Vì đi kèm đó là lượng khách nội địa cũng sụt giảm khoảng 30% và các chi phí phát sinh để xử lý dịch cũng gia tăng.

Tìm giải pháp thích ứng với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, lại phải duy trì sản xuất kinh doanh là điều bắt buộc đối với các hãng. Nhằm thích nghi với tình hình này, cách đây vài ngày, Jetstar Pacific đã công bố chương trình ưu đãi đặc biệt “mua 4 tặng 1” trên tất cả các chặng bay nội địa cho nhóm khách từ 4 người trở lên. Theo đó, khách mua vé khứ hồi hoặc một chiều (đặt chỗ và khởi hành từ 14/2 đến 31/5/2020), trừ thời điểm lễ 30/4 (từ 28/4 đến 5/5/2020) sẽ được JPA hoàn lại tiền một người. Đây là một động thái kích cầu du lịch nội địa ngắn hạn.

Còn công ty mẹ Vietnam Airlines thì tập trung vào chất lượng dịch vụ theo đòi hỏi cao của các khách hàng ở phân khúc “4 sao”. Hãng tuyên bố toàn bộ các tàu bay của Vietnam Airlines đảm bảo chất lượng không khí, an toàn, có trang bị màng lọc không khí HEPA từ đầu, giảm thiểu nguy cơ lân lan vi khuẩn, virus. Toàn bộ các chuyến bay của hãng về từ Đài Loan, Hồng Kong...đều được khử khuẩn.

f08ff_qua_trinh_tang_truong_cua_bamboo_2019

Hãng Bamboo Airways vẫn tiếp tục gia tăng đội tàu để chiếm thêm thị phần nội địa và quốc tế. Đồ họa: Bamboo Airways

Hai hãng hàng không tư nhân thì vẫn không chờ được qua dịch, tốc lực mở các tuyến bay quốc tế theo kế hoạch đã chuẩn bị trước, dù dịch bệnh vẫn hoành hành.

Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé nhiều đường bay quốc tế mới như Hà Nội- Séc, Hà Nội- Incheon (Hàn Quốc), Hà Nội-Cao Hùng (Đài Loan). Rất may là các đường bay đã mở bán vé không phải bay thẳng đến các điểm đến lớn trong Trung Quốc hiện đang bị tạm đóng. Giá vé kèm các tour du lịch của hãng đang chào mời du khách như một động thái cạnh tranh với các hãng hàng không Việt Nam đã kinh doanh lâu trên các đường bay Đông Bắc Á. Hãng này cũng ráo riết mở các đường bay đến các sân bay “ngách” trong năm 2020 như Hải Phòng- Buôn Ma Thuột, Vinh- Nha Trang...và thực hiện tăng chuyến trên đường bay Hà Nội- TPHCM (36 chuyến/ngày).

Vietjet Air đã có chuẩn bị sớm nên cùng lúc mở thêm 5 đường bay từ các điểm của Việt Nam đến New Delhi và Mumbai (Ấn Độ) từ 14/5 với tần suất gần chục chuyến khứ hồi/tuần (cùng nhiều đường bay đã có trước đó). Hãng này muốn chinh phục thị trường 1,3 tỉ dân nhằm thay đổi sự tập trung quá lớn vào các đường bay đến thị trường Trung Quốc hiện có.

Sự thiệt hại của các hãng hàng không vì dịch bệnh đến nay chưa thể thống kê đầy đủ và dự kiến sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Việc thích ứng với tình hình kinh doanh khó khăn và tìm cách vượt qua nó như thế nào sẽ có câu trả lời trong thời gian tới.

Các đường bay Đà Nẵng - New Delhi và Hà Nội - Mumbai được khai thác từ ngày 14/5/2020 với tần suất lần lượt là 5 chuyến khứ hồi/tuần và 3 chuyến khứ hồi/tuần trong khi đường bay TPHCM - Mumbai khai thác 4 chuyến khứ hồi/tuần từ ngày 15/5/2020. Hai đường bay TPHCM/Hà Nội - New Delhi hiện đang được phục vụ với tần suất lần lượt là 4 chuyến khứ hồi/tuần và 3 chuyến khứ hồi/tuần.

Vietjet chọn Ấn Độ để mở cửa thị trường lớn

Việc chuẩn bị cho các đường bay quốc tế lớn đến các điểm đông dân cư là chiến lược "xoay trục" thị trường của Vietjet, nhằm hạn chế dần vào các đường bay thuê chuyến đến Trung Quốc. Hãng này đã được lựa chọn cho chuyến bay đưa đón đại gia đình tỉ phú Ấn Độ tới đảo ngọc Phú Quốc tổ chức đám cưới xa xỉ suốt cả tuần vào năm 2019. Năm 2020 tiếp tục chọn Đại sứ du lịch Ấn Độ - Hoa hậu Liên lục địa Karen Gallman đồng hành cùng chương trình “Bảo vệ hành tinh xanh, bay nhanh cùng Vietjet” với các hoạt động ý nghĩa như chương trình “Hãy làm sạch biển”, “Liên minh chống rác thải nhựa”, những hoạt động nhân đạo từ thiện tại Ấn Độ để gia tăng sự hiện diện của hãng với khách hàng tại thị trường 1,3 tỉ dân.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ