Bóng đèn Điện Quang bao giờ mới 'sáng'?

Nhàđầutư
Tiềm năng phát triển của thị trường đèn LED ở Việt Nam là rất lớn, song để Điện Quang giữ được "miếng bánh lớn" là không dễ, trước sức cạnh tranh gay gắt từ cả các đối thủ trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc.
XUÂN TIÊN
06, Tháng 04, 2019 | 13:42

Nhàđầutư
Tiềm năng phát triển của thị trường đèn LED ở Việt Nam là rất lớn, song để Điện Quang giữ được "miếng bánh lớn" là không dễ, trước sức cạnh tranh gay gắt từ cả các đối thủ trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc.

dien-quang

 

Suy giảm

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán: DQC) đạt doanh thu 1.190 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2017.

Công ty cũng đã mạnh tay tiết giảm các loại chi phí trong kỳ (giảm khoảng 20 tỷ đồng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp). Tuy nhiên giá vốn lẫn chi phí lãi vay tăng mạnh cùng doanh thu tài chính suy giảm khiến lãi sau thuế của Điện Quang co về còn 90 tỷ đồng, giảm 18,4% so với kết quả năm 2017 và chỉ đạt 3/4 kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm ngoái.

Kết quả này cũng thấp hơn 6% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.

Tổng tài sản của Điện Quang tới cuối năm vừa qua là 1.865 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm tới hơn một nửa, với tốc độ tăng lần lượt là 58% và 17%, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 13,6 tỷ đồng, cho thấy các chỉ số tài chính của Điện Quang đang không trong trạng thái "khoẻ mạnh".

Dấu hiệu khả quan hiếm hoi là dù vay nợ tài chính ngắn và dài hạn tăng khá mạnh, thêm hơn 100 tỷ đồng song số dư tổng cộng đến cuối kỳ mới là 237 tỷ đồng, tương đương khoảng 70% vốn cổ phần và 22% vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, uy tín lâu năm giúp doanh nghiệp này được các đối tác, cả bên mua lẫn bên bán cho "chịu" khá nhiều, với số dư lên tới 295 tỷ đồng.

Đây là năm suy giảm thứ 4 liên tiếp của Điện Quang. Lợi nhuận năm 2018 chỉ tương đương hơn 1/3 mức đỉnh năm 2014 (242 tỷ đồng), phần nào phản ánh mức độ khốc liệt ở thị trường thiết bị chiếu sáng, trong bối cảnh các nhà sản xuất trong nước đang phải liên tục giảm lợi nhuận để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán: RAL) - đối thủ số 1 của Điện Quang năm ngoái cũng báo lãi suy giảm 5%, dù doanh thu tăng 11%, với biên lợi nhuận trên doanh thu chỉ là 5,6%, thậm chí còn thấp hơn cả Điện Quang (7,6%).

Thị trường nước ngoài - từng là niềm tự hào của Điện Quang với các đối thủ và được xác định là hướng đi mang tính đột phá, đã giảm "không phanh", từ 522 tỷ đồng năm 2014 về 68 tỷ đồng năm 2017, để rồi chỉ còn vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng doanh thu năm vừa qua.

Bao giờ mới sáng?

Một báo cáo cuối năm ngoái của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định triển vọng xuất khẩu đèn của Điện Quang là mờ mịt khi các đối tới từ Trung Quốc rất mạnh như Donghai, KEOU, DesinLite với giá LED rẻ hơn khoảng 50%.

Thị trường trong nước bởi vậy sẽ là "trận địa" chính và Điện Quang bắt buộc phải giữ vững thị phần, trước khi nghĩ đến những tham vọng khác. 

BSC đánh giá mảng đèn LED chiếm 45% doanh thu của Điện Quang, trong khi mảng đèn truyền thống nắm 55% còn lại. Công ty chứng khoán này cho biết người dân đang có xu hướng chuyển đổi từ đèn truyền thống sang đèn LED là 50%, và do vậy, doanh thu đèn truyền thống sẽ đi ngang và khó tăng trưởng thêm.

Đón đầu xu hướng này, các sản phẩm đèn LED bắt đầu được Điện Quang tiến hành sản xuất từ năm 2013 với tầm nhìn thay thế các dòng sản phẩm truyền thống của thị trường. Trong chuỗi giá trị, Công ty tiến hành nhập chip LED rồi tiến hành dán chip, lắp ráp và thiết kế đèn. Do đó, ngoại trừ chip LED, hầu hết các linh kiện Điện Quang đều có thể tự sản xuất nên tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%.

"Miếng bánh" đèn LED có tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên rào cản gia nhập ngành thấp, không thâm dụng vốn, quay vòng vốn nhanh khiến không chỉ các đối thủ từ Trung Quốc, mà nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ trong nước cũng có thể dễ dàng nhập, ghép và bán các sản phẩm được lắp ráp sơ sài, chất lượng không cao với giá thấp.

Tuy nhiên, cơ hội dành cho Điện Quang không phải là không còn.

Chứng khoán BSC đánh giá chiến lược của Bóng đèn Điện Quang hiện đang phát triển R&D theo xu hướng tiên phong phát triển công nghệ. Do vậy sẽ gặp khó trong giai đoạn đầu. Nhưng về dài hạn sẽ nắm ưu thế do sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự đoán nhu cầu về sản phẩm LED trong những năm tới là rất lớn. Bên cạnh tiêu dùng thông thường, thì nhu cầu thay thế hệ thống chiếu sáng công cộng từ đèn thủy ngân hoặc sodium cao áp sang đèn LED là rất tiềm năng, trong bối cảnh chủ trương tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất chiếu sáng công cộng đang được khuyến khích, đẩy mạnh.

Về phần mình, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận về dài hạn, người tiêu dùng sẽ dần nhận thức được lợi ích về mặt kinh tế khi sử dụng các sản phẩm chất lượng. Thương hiệu, uy tín được xây dựng nhiều năm của công ty là đảm bảo để khách hàng lựa chọn sản phẩm của Điện Quang. Đây là điều đã từng xảy ra đối với đèn Compact trong quá khứ, khi mà các sản phẩm của Điện Quang và Rạng Đông cũng bị lấn át bởi sản phẩm Trung Quốc nhưng đã từng bước chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng.

Biến động sở hữu

Điện Quang thời gian ngắn vừa qua còn phải nói lời tạm biệt với hai cổ đông lớn đã gắn bó từ lâu, là bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương và nhóm nhà đầu tư ngoại Dragon Capital.

Cụ thể, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital trong 11 phiên từ 12/2-26/2 vừa qua đã bán thoả thuận 3,7 triệu cổ phần, tương đương hơn 10% vốn Điện Quang và không còn là cổ đông lớn. Cập nhật trên HoSE tới ngày 5/4/2019, tỷ lệ sở hữu nước ngoài Điện Quang chỉ còn là 3,06%.

Dù không công bố, song bên mua nhiều khả năng chính là Điện Quang, khi doanh nghiệp này đã mua vào đúng 3,7 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 29/1-27/2/2019.

Trước đó, bà Hồ Thị Kim Thoa, người từng có thời gian dài "cầm cương" tại Điện Quang trước khi chuyển sang làm lãnh đạo Bộ Công thương năm 2010, cũng đã bán 1,4 triệu cổ phần đang sở hữu.

Tuy nhiên những thành viên trong gia đình bà vẫn nắm giữ số lượng cổ phần lớn DQC. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hồ Quỳnh Hưng (em trai bà Thoa) đang sở hữu 2,51 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,06% vốn điều lệ. Hai con gái của bà Thoa một là thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Nguyễn Thái Nga và Giám đốc điều hành khối Nguyễn Thái Quỳnh Lê nắm giữ tổng cộng 6,35 triệu cổ phiếu, tương ứng 20,34% vốn. Ngoài ra, mẹ ruột của bà Thoa cũng đang sở hữu hơn 1,22 triệu cổ phiếu DQC.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần 5/4, giá cổ phiếu DQC giảm nhẹ 0,2% về 25.800 đồng/CP. Giá trị vốn hoá là 712 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ