Bộ trưởng GD&ĐT: Không thể tay không bắt chip trong công nghệ bán dẫn

Nhàđầutư
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao nên cũng cần phải có sư đầu tư cao nên "không thể tay không bắt chip trong lĩnh vực này được".
QUANG TUYỀN
01, Tháng 11, 2023 | 18:25

Nhàđầutư
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao nên cũng cần phải có sư đầu tư cao nên "không thể tay không bắt chip trong lĩnh vực này được".

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Thiếu hụt nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn tỉnh Quảng Bình) cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn rất thấp. Đáng quan tâm là sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu việc làm mới nảy sinh từ phát triển kinh tế, tri thức và hội nhập quốc tế.

Theo đại biểu này, tình trạng mất cân đối về cơ cấu, trình độ cơ cấu ngành, cơ cấu vùng miền vẫn là một điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực nước ta và sự đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra trong nhiều kỳ Đại hội Đảng, Đại hội XIII đã xác định đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược; Nghị quyết 16 của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ cũng đã cụ thể cho các yêu cầu thực hiện khâu đột phá chiến lược này. Tuy vậy, kết quả nửa nhiệm kỳ qua theo báo cáo của Chính phủ là tạo nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét.

nguyen thi tuyet nga

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Giai đoạn 2011, Thủ tướng đã có quyết định về chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 do Bộ KH&ĐT chủ trì tham mưu cho Chính phủ. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua triển khai thực hiện, chúng tôi chưa thấy có báo cáo tổng kết cho chiến lược giai đoạn này. Việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực nhiệm kỳ này mới được cụ thể trong việc triển khai xây dựng một số đề án do nhiều bộ thực hiện và vẫn còn chạy song song, thiếu tổng thể và tính liên thông.

"Chúng tôi đề nghị báo cáo nửa nhiệm kỳ của Chính phủ cần đánh giá cụ thể, rõ hơn bằng các tiêu chí con số rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể lâu dài, tương xứng với yêu cầu là khâu đột phá. Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, trong đó cần có chính sách mạnh để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực cho các ngành có giá trị gia tăng cao như các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao", bà Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình cho rằng, giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm đến việc đa dạng hóa phương thức đào tạo, phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phân bổ hợp lý cơ cấu ngành nghề, trình độ vùng miền; cần đào tạo lại cho số lao động hơn 70% chưa có chứng chỉ đào tạo, chứ không phải bằng việc hút 30% số học sinh trung học cơ sở vào học nghề rồi tập trung cho việc dạy lấy bằng trung học phổ thông. Việc đào tạo nghề cần gắn với doanh nghiệp và việc làm.

Vị đại biểu này đề nghị, năm 2024, Chính phủ cần có tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cho nhiệm vụ quan trọng này. Về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 tại khoản 35, đề nghị nêu rõ có giải pháp chiến lược tổng thể cho đào tạo nhân lực và giải pháp đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về việc tổng kết 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bà Nga kiến nghị cần có một tổng kết sâu sắc và trong đó cũng quan tâm đến việc đảm bảo các nguồn lực đồng bộ để thực hiện chủ trương quan trọng này.

Cũng nói về việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn mà trong thời gian 10-15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình, không thể trở thành các quốc gia phát triển. Do đó, cả Quốc hội và Chính phủ cần có những quyết sách chiến lược tầm quốc gia.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho hay, theo báo cáo kinh tế - xã hội mà Thủ tướng trình bày trước Quốc hội giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Do đó, đại biểu này đặt câu hỏi rằng Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị được gì và sẽ làm thế nào để hệ thống giáo dục đại học thực hiện được nhiệm vụ rất khó này.

"Không thể tay không bắt chip được"

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề cập việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp bán dẫn. Bộ trưởng khẳng định, đây là ngành mang trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Bộ trưởng cũng cho biết, đã nhận kế hoạch của Thủ tướng và lên kế hoạch triển khai trong lĩnh vực này, với dự đoán hiện nay là 50.000-100.000 nhân lực, trong đó, yêu cầu nhiều trình độ, chuyên môn nhưng ưu tiên cho nhóm nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn.

bo_truong_nguyen_kim_son

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành có liên quan đối với lĩnh vực này. Trong đó, với những ngành có liên quan là công nghệ thông tin, điện tử viễn thông... nếu sinh viên chuyển đổi thì sẽ có ngay nhân lực đảm nhiệm.

Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã ký một hiệp định với Intel và nhiều doanh nghiệp để xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm và có những đào tạo sát, tránh việc "ào ào đào tạo lại thừa". 

Dự kiến trong 2024, tuyển sinh trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên, sẽ tăng dần 20-30% hằng năm. Với tập trung cao độ, giải quyết các vướng mắc, đến năm 2030 dự kiến con số có thể đáp ứng được. 

"Tuy nhiên đây là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nên cũng cần phải có sư đầu tư cao chứ không thể tay không bắt chip trong lĩnh vực này được", ông Sơn nói.

Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các phòng thực hành để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ