Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Nhiệm vụ cấp bách là giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được. Chừng nào còn tình trạng này thì chừng đó khó hy vọng nền kinh tế phát triển bứt phá.
VŨ PHẠM
01, Tháng 11, 2023 | 17:10

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được. Chừng nào còn tình trạng này thì chừng đó khó hy vọng nền kinh tế phát triển bứt phá.

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Tham gia ý kiến, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, các số liệu được Tổng cục Thống kê mà các ĐBQH phát biểu tại kỳ họp này đã cho thấy nền kinh tế đang rất khó khăn. Các con số về tăng trưởng GDP, về phát triển doanh nghiệp đều ở mức rất thấp trong lịch sử và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã không phát huy được tác dụng như kỳ vọng.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng như việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, bất chấp các sức ép từ bên ngoài đang gia tăng.

Khu vực công nghiệp dường như đã đảo ngược được xu hướng suy giảm hồi đầu năm và đang từng bước được phục hồi, tốc độ sụt giảm của xuất khẩu cũng đang chậm dần, đầu tư nước ngoài đang có những tín hiệu tích cực. Song, chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm.

"Để phục hồi và phát triển kinh tế tiền bạc là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được", đại biểu nói.

DBQH-Vu-Tien-Loc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. Quốc hội.

Do đó, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, để đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp đang trở nên nặng nề hơn trong thời gian mấy năm qua.

Chúng ta cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, triển khai thiết thực biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó yêu cầu phải luật hóa các quy định về vấn đề này.

Đại biểu cho rằng, thời kỳ khủng hoảng, giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là "bơm" tiền vào nền kinh tế. Các quyết định "bơm" tiền đã được Quốc hội ban hành nhưng việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều trở ngại.

"Nhiệm vụ cấp bách hiện nay mà chúng ta cần quan tâm, giải quyết đó chính là tình trạng có tiền mà không tiêu được, chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó chúng ta khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế trong thời gian tới", đại biểu nhấn mạnh.

Việt Nam phải vươn lên làm chủ một số chuỗi cung ứng

Theo đại biểu, dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng đất nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội chưa từng có. Trước những chuyển dịch về địa chính trị, địa kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã chủ động triển khai những hoạt động đối ngoại đỉnh cao ở tầm chiến lược để có thể hóa giải được các thách thức; triển khai xây dựng được các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đối với tất cả các cường quốc lớn.

Từ đó, mở ra cho Việt Nam những cơ hội để có thể trở thành một trung tâm, một nơi đối thoại của các đối thoại hòa bình và là điểm đến của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới. Không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn mà các ngành công nghiệp khác, các ngành thương mại, dịch vụ và kể cả an sinh xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ quá trình này.

"Chúng ta sẽ có cơ hội phát triển bứt phá trong thời gian tới. Nhưng chúng ta có thể tận dụng tốt cơ hội này hay không thì tùy thuộc vào sự chuẩn bị về thể chế, cơ sở hạ tầng và về nguồn nhân lực", đại biểu nhận định

Về thể chế, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, vị ĐBQH TP. Hà Nội nhìn nhận, cần có các chiến lược, chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới. Không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa và hội nhập mà các ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp về căn bản vẫn dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp.

Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn mà trong thời gian 10-15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình, không thể trở thành các quốc gia phát triển.

"Chúng ta phải vươn lên các phân khúc cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí phải đóng vai trò dẫn dắt, làm chủ một số chuỗi cung ứng. Đó chính là thách thức rất lớn và để làm được điều này thì rất cần có những quyết sách chiến lược tầm quốc gia của cả Quốc hội và Chính phủ", đại biểu Lộc cho hay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ