Bí thư Thành ủy Hà Nội: Phải làm rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước sạch sông Đà

Nhàđầutư
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng qua vụ việc Nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, TP. Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm và cần phải làm rõ trách nhiệm về quản lý nguồn nước.
THẮNG QUANG
22, Tháng 10, 2019 | 17:05

Nhàđầutư
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng qua vụ việc Nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, TP. Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm và cần phải làm rõ trách nhiệm về quản lý nguồn nước.

Chiều 22/10, bên hành hang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan vụ việc nguồn nước sinh hoạt của hơn 200.000 hộ dân ở TP. Hà Nội bị ô nhiễm.

Ông cho biết sau vụ nước bị nhiễm bẩn, người dân quan tâm và đặt ra câu hỏi là liệu có xảy ra lần nữa hay không?. Theo ông, cũng qua việc này, TP. Hà Nội và sở, ngành phải rút kinh nghiệm, sau đó ra các quy định bắt buộc muốn đầu tư kinh doanh nước thì phải có công nghệ, điều kiện gì.

"Đó là những cái thành phố phải rà soát lại để không xảy ra sự cố lần nữa. Thành phố 10 triệu dân, sự cố vừa rồi là rất đáng tiếc. Thành phố sẽ chỉ đạo để không tái diễn", ông Hoàng Trung Hải khẳng định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý nguồn nước. Về phía nhà máy, theo ông Hải cần phải chia trách nhiệm cho từng phân xưởng.

"Không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng như ông Tốn (Tổng Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà ) nói là "tôi không biết nên dừng hay không". Cái đó là cái nhất định phải chấn chỉnh", ông Hải nói.

Liên quan đến băn khoăn Nhà máy nước sạch sông Đà nằm trên địa bàn Hòa Bình nhưng cung cấp nước sạch cho Hà Nội có gây khó khăn cho đảm bảo an ninh nguồn nước? Ông Hải cho hay khó nhưng không phải không làm được.

Hoang-Trung-Hai

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trả lời báo chí chiều 22/10. Ảnh: Bảo Lâm.

"Tất cả những sự cố mang tính thảm hoạ đã tính đến rồi, bây giờ phải cụ thể hoá giải pháp, quy trình, quy phạm. Sau đó sẽ giao trách nhiệm cho từng cơ quan", Bí thư Hải thông tin.

Về việc Hà Nội có quy trình ứng phó các loại thảm họa hay không, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố có quy định tất cả các loại thảm họa, từ đó có các kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Thành phố đã nhìn thấy vấn đề nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra. Ô nhiễm không khí, nguồn nước... là những việc tiếp tục phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn, bởi thảm họa có thể xảy ra bất cứ ngày nào.

Nhắc lại việc Hà Nội xử lý chậm khi sự cố xảy ra, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, ở đây có vấn đề về phân công, phân nhiệm trong công tác xử lý công việc, thông tin cũng như phối hợp với các cơ quan có liên quan.

"Các đơn vị đang hoàn thiện để có quy định lại. Cũng có thể không hết được nhưng mỗi lần phải tốt hơn. Nhà máy nước sông Đà nằm ở Hoà Bình, còn nước dùng ở Hà Nội có khó khăn trong đảm bảo chất lượng nhưng không phải không làm được. Những sự cố mang tính thảm hoạ thành phố đã tính đến rồi nhưng phải cụ thể giao trách nhiệm cho từng nơi", ông Hải nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, TP có tính đến trường hợp nếu nhà máy không đảm bảo nước sạch và không kịp thời xử lý sự cố thì có thể cắt nước, không sử dụng không? Ông Hải cho biết: "Cắt thì lúc nào mình cũng có quyền cắt. Hoàn toàn có quyền thay thế và có quyền bắt họ thực hiện đúng chứ không phải tôi thích thì tôi làm".

Chiều cùng ngày, tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội cho biết, đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Như Nhadautu.vn thông tin, sáng 10/10, người dân phát hiện nước sạch sông Đà có mùi lạ ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước ở một số điểm của công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà vào ngày 11/10.

Sáng 15/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3-3,6 lần so với mức bình thường.

10

Nước sạch nhiễm dầu thải gây ảnh hưởng đến hàng vạn người dân ở Hà Nội. Ảnh: Quang Dân.

Công ty Viwasupco phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước

Chiều 15/10, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Viwasupco giải thích việc không báo cáo Hà Nội là do hôm xảy ra sự việc ông đang ở Hòa Bình, sự việc cũng xảy ra tại đầu nguồn khu vực nhà máy ở Hòa Bình nên ông chỉ báo cáo cơ quan chức năng tại đây.

Trước đó, sáng 16/10, Viwasupco có thông báo tạm dừng cấp nước và không thông báo thời điểm cấp nước trở lại. Đến khoảng 21h ngày 16/10, Viwasupco đã cấp nước trở lại vào đường ống phân phối nước cho các công ty bán cho các hộ dân.

Hà Nội khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".

Trước đó, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận, ba nghi phạm xả chất thải xuống nguồn nước của nhà máy Sông Đà là Lý Đình Vũ (37 tuổi), Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) cùng trú Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám (33 tuổi) trú Lạng Sơn. 

Ngày 17/10, công an đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và tiếp tục truy bắt Lý Đình Vũ.

Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe ôtô tải đi từ Bắc Ninh đến một công ty ở Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10 m3.

Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ lái xe tải và xe bốn chỗ, đưa chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.

Ôtô tải biển kiểm soát 99C-087.83 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Còn ôtô 4 chỗ biển kiểm soát 89A-137.66 có chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền (trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Cả hai chiếc ôtô đều bị thu giữ phục vụ điều tra. 

Tới ngày 18/10, thấy Đại và Thám bị công an bắt, Vũ đã bỏ trốn. Đến ngày 20/10, Lý Đình Vũ, nghi phạm thứ 3 liên quan đến vụ đổ dầu thải xuống đầu nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà đã ra đầu thú tại Công an Bắc Ninh, sau đó được bàn giao cho Công an Hòa Bình để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Tại cơ quan công an, Vũ khai nhận, do có quen biết từ trước với một phụ nữ tên Trang, là chủ một nhà máy gạch tại thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) nói có dầu cặn thải nên đã thuê Vũ đi đổ hộ với mức giá là 7 triệu đồng.

Hiện, vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ