Bệnh viện thành tập đoàn, lợi-hại thế nào?

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, cho biết đã gửi Đề án thành lập tập đoàn bệnh viện Chợ Rẫy lên Chính phủ, trong đó có chiến lược và bước đi chắc chắn trên mô hình này. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.
HOÀNG NHUNG
14, Tháng 09, 2018 | 09:37

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, cho biết đã gửi Đề án thành lập tập đoàn bệnh viện Chợ Rẫy lên Chính phủ, trong đó có chiến lược và bước đi chắc chắn trên mô hình này. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

a62ac_ong_nguyen_truon_son_dua_bo_truong_nguyen_thi_kim_tien_tham_benh_vien_copy

 

TBKTSG: Thành lập tập đoàn, nghĩa là sau này Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì phải quan tâm đến lợi nhuận. Liệu điều này có làm cho chi phí điều trị ở các cơ sở của Chợ Rẫy tăng lên không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trường Sơn: Hiện nay Chợ Rẫy đang xây dựng thêm bệnh viện Chợ Rẫy Việt-Nhật ở huyện Bình Chánh (TPHCM) từ vốn ODA với quy mô 1.000 giường.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng được Bộ Y tế đề xuất là một trong bốn bệnh viện trên cả nước xây dựng mô hình chi thường xuyên và tự chủ đầu tư phát triển thuộc nhóm 1 (tự chủ chi thường xuyên và đầu tư phát triển), buộc các cơ sở phải biết huy động nguồn lực trong xã hội và nội tại để thay đổi mô hình quản trị nhằm cung ứng dịch vụ y tế một cách đa dạng từ thấp đến cao, có tích lũy và phát triển. Đồng thời phải xây dựng được chính sách giá viện phí phù hợp với hoạt động của bệnh viện dựa trên những tiêu chí Bộ Y tế đề ra.

Bệnh viện Chợ Rẫy với việc có thêm cơ sở 2 có thể phát triển theo mô hình hợp tác công tư (PPP) hoặc hỗ trợ chuyên môn đặc thù như Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh. Việc hình thành chuỗi bệnh viện là yêu cầu có thực, nhưng sẽ xây dựng theo mô hình nào? Nếu theo mô hình như hiện nay sẽ rất khó khăn cho sự phát triển của các bệnh viện thành viên. Chính vì vậy, ban giám đốc đã đề xuất xây dựng một tập đoàn bệnh viện. Tuy nhiên, mô hình này khác so với tập đoàn của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất mà theo đó khi xây dựng xong là phải bán cổ phiếu, cổ phần. Còn tập đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy sau này vẫn thu đúng giá viện phí của Bộ Y tế và Bộ Tài chính đề ra với 7/7 thành tố chi phí: thuốc, vật tư trực tiếp; điện nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo nghiên cứu khoa học.

Như vậy, mục tiêu của việc thành lập tập đoàn là để huy động các nguồn lực nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo cạnh tranh tốt với các bệnh viện trong khu vực, góp phần trước hết là giảm nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh của người dân. Đây là thị trường hiện đang có giá tới 4 tỉ đô la Mỹ/năm. Đồng thời, Chợ Rẫy sẽ là trung tâm đào tạo thực hành cho các sinh viên và các bác sĩ, hình thành trung tâm nghiên cứu về lâm sàng.

TBKTSG: Như vậy có thể hiểu là dù có hoạt động như một doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn thì mục tiêu của Chợ Rẫy vẫn không phải là lợi nhuận?

- Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Chợ Rẫy có thể phát triển theo mô hình doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp không lợi nhuận, cũng có thể vẫn giữ nguyên mô hình của đơn vị sự nghiệp nhà nước như hiện nay với cơ chế tài chính vừa đảm bảo chi thường xuyên vừa là đơn vị đầu tư phát triển.

Dù theo mô hình nào thì bệnh viện cũng bắt buộc phải tạo ra lợi nhuận để trang trải chi phí nhân sự và có tích lũy để đầu tư phát triển. Ngoài ra, để phát triển một cách hiệu quả, bệnh viện rất cần thiết phải huy động được các nguồn lực xã hội thông qua các hình thức như liên doanh, liên kết, xã hội hóa...

TBKTSG: Hôm 13-8 vừa qua, trình bày trước Bộ trưởng Y tế, ông cho biết “bệnh viện sẽ đi theo hướng doanh nghiệp nhà nước và tự định giá khám chữa bệnh cho phù hợp với mô hình tập đoàn bệnh viện và sẽ đẩy mạnh phát triển khám chữa bệnh dịch vụ...”. Ông có thể giải thích thêm nội dung này không?

- Khi trở thành một bệnh viện tự chủ toàn bộ, việc định giá khám bệnh, xây dựng giá khám phù hợp cho các loại hình và chất lượng dịch vụ khác nhau là điều phải làm. Ví dụ, có những dịch vụ 50 người nằm chung một khoa, những dịch vụ một người một giường và phòng VIP... Mỗi bệnh viện đều có những gói dịch vụ bảo hiểm y tế cơ bản và Nhà nước khuyến khích người dân tham gia. Bên cạnh đó, còn có những dịch vụ bảo hiểm mở rộng với nhiều gói hơn để người dân lựa chọn tùy theo điều kiện cũng như mong muốn của mình.

Việc thành lập tập đoàn bệnh viện có ưu điểm là san sẻ giữa các bệnh viện trong tập đoàn, giống như nhiều tập đoàn y tế tư nhân có đơn vị có lãi nhưng cũng có nơi đầu tư không đủ để trang trải, nhưng tập đoàn vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho tất cả. Hơn nữa, các bệnh viện thuộc tập đoàn còn điều chuyển, bổ trợ nhân lực cho nhau và có sự san sẻ về các nguồn lực tài chính, đào tạo...

Hiện nay nhiều người vẫn đi nước ngoài chữa bệnh vì trong nước chưa có cơ sở vật chất tốt, không có phòng dành cho những tỉ phú... Nhu cầu về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng, nên các bệnh viện cũng phải có đủ điều kiện phục vụ những người muốn có chất lượng dịch vụ cao hơn. Những dịch vụ chất lượng cao không chỉ phục vụ người giàu, mà đó cũng là con đường để các bệnh viện nâng dần mặt bằng chất lượng, đầu tư công nghệ mới và hạ chi phí khám và điều trị để phục vụ cho tất cả mọi người.

TBKTSG: Nhiều người cho rằng chuyển các bệnh viện công từ mô hình đơn vị sự nghiệp sang thành tập đoàn sẽ rất khó khăn về vấn đề quản trị. Ông thấy thế nào?

- Đội ngũ quản trị, lãnh đạo của các bệnh viện hiện nay phần lớn xuất phát từ người làm chuyên môn, có được đào tạo về quản lý ngắn hạn hoặc tự học, nên việc quản trị theo mô hình tập đoàn là một thách thức.

Nhưng nếu vì thách thức mà không thay đổi thì chắc chắn sẽ không thể phát triển. Do đó, bắt buộc bệnh viện cũng phải tính toán đến nguồn lực quản trị bệnh viện, từ trong nước hoặc từ nước ngoài, đặc biệt quản trị về nhân lực và tài chính.

Bộ Y tế khuyến khích thuê chuyên gia quản trị giỏi, nhưng đơn vị sự nghiệp công lập bị giới hạn bởi tiền lương. Nếu không có cơ chế mở và bệnh viện không đầu tư phát triển cơ sở vật chất riêng để phục vụ cho người giàu thì mâu thuẫn này sẽ khó giải quyết.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên Bệnh viện Chợ Rẫy hiện tại và thành lập các bệnh viện con cổ phần để kêu gọi xã hội hóa sẽ tốt hơn. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu thành lập các bệnh viện cổ phần tách ra khỏi bệnh viện mẹ thì các bệnh viện đó phải có tên riêng, pháp nhân riêng và cơ chế hoạt động cũng độc lập, nên sẽ không tận dụng được ưu thế về uy tín, tên tuổi của bệnh viện mẹ, sẽ rất khó thu hút bệnh nhân.

Mong muốn hình thành hệ thống tập đoàn bệnh viện là mong muốn cho phát triển, bởi vì chủ động điều tiết được nguồn nhân lực là rất quan trọng.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Người dân dễ rơi vào tình trạng không đủ khả năng chi trả

Theo TS.Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nhiều nước đã trả giá cho việc tư nhân hóa dịch vụ y tế công, bởi tiết kiệm từ giảm chi ngân sách chưa chắc đã bù được sự gia tăng giá dịch vụ y tế, khiến toàn xã hội phải chịu đựng. Xã hội hóa công tác chăm sóc y tế không đồng nghĩa với đẩy y tế công sang vận hành quản lý theo mô hình tư nhân, cũng không đồng nghĩa với hình thành mô hình “công-tư hợp tác”. Xã hội hóa công tác y tế là tạo ra một môi trường pháp lý để các nguồn lực trong xã hội tham gia cao nhất vào công tác chăm sóc sức khỏe, cả dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Do vậy, hệ thống y tế phải tồn tại ba loại hình dịch vụ, đó là dịch vụ y tế công, y tế tư và dịch vụ chăm sóc y tế phi lợi nhuận. Thiếu loại hình này, “xã hội hóa dịch vụ chăm sóc y tế” đã triệt tiêu ý nghĩa đích thực của nó.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ