30 năm Khaisilk bán lụa Tàu: Bộ Công Thương ở đâu để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt?

Nhàđầutư
Khi một vụ bê bối xẩy ra đối với một doanh nghiệp, sẽ thật dễ dàng để đưa thêm một lời chỉ trích nhưng mấy ai trong lực lượng công quyền thấy rằng chính họ cũng có phần trách nhiệm trong việc để sai phạm xẩy ra và khiến lòng tin của người tiêu dùng về một thương hiệu Việt sụp đổ.
HỒ MAI
04, Tháng 11, 2017 | 11:10

Nhàđầutư
Khi một vụ bê bối xẩy ra đối với một doanh nghiệp, sẽ thật dễ dàng để đưa thêm một lời chỉ trích nhưng mấy ai trong lực lượng công quyền thấy rằng chính họ cũng có phần trách nhiệm trong việc để sai phạm xẩy ra và khiến lòng tin của người tiêu dùng về một thương hiệu Việt sụp đổ.

Suốt những ngày cuối tháng 10, những diễn biến trong vụ bê bối một thương hiệu lụa tiếng tăm của Việt Nam là Khaisilk bán hàng “Made in China” khiến dư luận sôi sục, cơ quan chức năng thì “nháo nhào” vào cuộc.

Thay vì nêu rõ xuất xứ hàng hóa, cửa hàng Khaisilk lại nhập nhèm thay nhãn “Made in Việt Nam” và gắn chữ Khaisilk trên những chiếc khăn lụa được nhập về từ Trung Quốc.  

Dấu hỏi trách nhiệm

Sau khi kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (Hà Nội), Chi cục Quản lý thị trường kết luận rằng do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc “Made in China” sau đó khâu nhãn "Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.

Tuy nhiên, kết luận kiểm tra này có vẻ “lệch pha” so với những tuyên bố của chính doanh nhân Hoàng Khải – Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk trên báo chí. Ông chủ này thừa nhận đang kinh doanh sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ lệ khoảng 50% và đã nhập từ những năm 90, chứ không phải riêng thời điểm 20/10.

khaisilk

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại cửa hàng Khaisilk ở 113 phố Hàng Gai.  Ảnh: Báo Người lao động

Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự việc không thể chấp nhận đối với một thương hiệu đã từng là niềm tự hào của người Việt Nam, nhưng cũng không ít ý kiến đặt dấu hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng trong từng ấy năm. Lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã thể hiện vai trò quá mờ nhạt? 

Chuyện kinh doanh nhập nhèm của Khaisilk được phát hiện không phải từ cơ quan quản lý thị trường mà chính người tiêu dùng - đối tượng lẽ ra phải được cơ quan quản lý bảo vệ.

Không thể biện minh bằng lý do lực lượng quản lý thị trường "mỏng", khi cửa hàng tơ lụa nổi tiếng này nằm ngay trên phố Hàng Gai, cách trụ sở Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương chưa đến 1 cây số.

Ngày 1/11/2017, tại Quốc hội,  Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thừa nhận: “Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn".

Sức nóng của vụ bê bối thương hiệu lụa Việt này thể hiện từ việc đích thân người đứng đầu ngành Công Thương lên tiếng, vào cuộc và trực tiếp yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội.

tran anh tuan

Bộ trưởng  Trần Tuấn Anh 

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hành vi của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp. Nhưng chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ là xử phạt vi phạm hay đề nghị khởi tố. Hưởng lương từ chính tiền thuế của người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý còn phải có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật, trên tinh thần kiến tạo như Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng.

Khi một vụ bê bối xẩy ra đối với một doanh nghiệp, sẽ thật dễ dàng để đưa thêm một lời chỉ trích nhưng mấy ai trong lực lượng công quyền thấy rằng chính họ cũng có trách nhiệm trong việc để sai phạm kéo dài và khiến lòng tin của người tiêu dùng về một thương hiệu Việt sụp đổ.

“Lỗi” của Khasilk là làm thương hiệu quá tốt?

Đầu năm 2013, ở Luxembourg, siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo (CR7) từng bị phát hiện và tố cáo bán các sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc Trung Quốc nhưng lại đổi xuất xứ là là “Made in Portugal”. Đó là lời tố cáo từ ông Albano Maris - một người kinh doanh nhượng quyền một cửa hàng CR7 ở Luxembourg.

Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng CR7 tại đây. Tòa án cũng thụ lý vụ việc, liên hệ với người đại diện của ngôi sao Real Madrid để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tòa án ở Luxembourg ra phán quyết Ronaldo lừa đảo khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng CR7? Đương nhiên đó là sẽ là cú đánh trời giáng vào Ronaldo trong quá trình gây dựng thương hiệu.

Nhưng rồi vụ việc lại sớm chìm vào quên lãng. Tòa hủy thụ lý án, Maris không còn kêu gào đòi quyền lợi hay tố cáo CR7 lừa đảo bằng hàng hóa Trung Quốc nữa. Một số nguồn tin từ Bồ Đào Nha đồn thổi, để chuyện êm xuôi, Ronaldo đã phải chi trả lại toàn bộ tiền hàng, tiền nhượng quyền thương mại cho Maris, đồng thời “lót tay” cho người đàn ông này khoản tiền 500.000 euro.

500.000 euro, một khoản tiền quá lớn với Albano Maris. Nhưng con số ấy lại quá nhỏ so với uy tín của thương hiệu CR7, với cái phốt hàng “Tàu” gắn mác đồ hiệu.

Dẫn lại vụ việc trên để thấy, bê bối của CR7 cũng “na ná” sự vụ đang gây ầm ĩ ở Việt Nam của ông Hoàng Khải. Nhưng CR7 không công khai xin lỗi như ông chủ tập đoàn Khasilk, mà âm thầm dập tắt mọi vụ kiện cáo bằng tiền.

Dù vậy, ít nhất, đến thời điểm này thương hiệu của CR7 vẫn tiếp tục tồn tại, tuy nhiên, với Khaisilk, dường như số phận thương hiệu Việt 30 năm này đang bị mất lòng tin từ người tiêu dùng và thậm chí có nguy cơ bị "khai tử”.

Thực tế, tình trạng bán hàng Tàu gán mác hàng Việt xảy ra như "cơm bữa" ở nhiều thương hiệu khác, chưa có tên tuổi và dường như không mấy ai quan tâm. Chỉ đến khi vụ của Khaisilk được đưa ra ánh sáng thì cả xã hội hầu hết đều lên án. Vấn đề là ở chỗ Hoàng Khải đã làm thương hiệu quá mạnh?

Doanh nhân sinh năm 1963 này từng nhận là "người khai sinh ra phố tơ lụa Hàng Gai". Khởi nguồn là một cửa hàng thêu gia đình, những năm cuối thập niên 80, Hoàng Khải khi còn là sinh viên nhạc viện 25 tuổi, đã quyết định dừng việc học để xây dựng nên cửa hàng Khaisilk đầu tiên.

Khác với những thương hiệu của làng nghề, Khaisilk là thương hiệu tư nhân hiếm hoi định vị trên thị trường các sản phẩm lụa cao cấp tại Việt Nam. Cũng phải công nhận rằng, nếu không có Khaisilk sẽ chẳng nhiều người biết đến thương hiệu lụa Việt Nam.

Những điều Hoàng Khải phát biểu trước báo giới cũng không phải không có lý khi thực tế hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đặt hàng gia công ở Trung Quốc đến mức quốc gia này đã được gọi là “công xưởng của thế giới”. 

Có chăng chính tâm lý kỳ thị hàng Trung Quốc một cách thái quá nên mới nảy sinh tình trạng làm giả đủ mọi nhãn mác ở Việt Nam. 

Không bênh vực, biện minh hay dung túng cho hành động gian lận thương mại của doanh nghiệp nhưng để gây dựng lên một thương hiệu nổi tiếng quốc gia là cả một chẳng đường, ngoài bảo vệ người tiêu dùng thì bảo vệ thương hiệu cũng là trách nhiệm không chỉ của cộng đồng mà còn cả cơ quan quản lý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ