Xây dựng trung tâm hàng hải, đầu mối logistics quan trọng

Với vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
PHƯỚC NGUYÊN - THÀNH VÂN
03, Tháng 05, 2021 | 14:57

Với vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

Hình thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói

Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, cảng Kỳ Hà tiếp nhận tàu 15.000 DWT, cảng Chu Lai tiếp nhận tàu 30.000 DWT (giảm tải); hệ thống kho bãi tại cảng Chu Lai cũng được nâng cấp, mở rộng với diện tích hơn 154 nghìn m2; lượng hàng hoá qua cảng Kỳ Hà và cảng Chu Lai trên 5 triệu tấn/năm. Cùng với đó, sân bay Chu Lai với diện tích 2.300 ha, có 2 đường băng cho hạ cất cánh với tổng chiều dài 4.877m, 5 đường lăn chính và 3 sân đỗ máy bay. Lượng khách qua sân bay Chu Lai ngày càng tăng, năm 2015 chỉ có 155 nghìn lượt tính đến năm 2020 ước đạt 1 triệu lượt khách.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đã hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, xây dựng Cầu Cửa Đại và các tuyến đường dẫn, đường ven biển đoạn huyện Thăng Bình và Tam Kỳ, thông tuyến từ Đà Nẵng, Hội An vào Tam Kỳ, đường trục chính vào khu công nghiệp Tam Thăng, đường trục chính vào khu công nghiệp đô thị dịch vụ Việt- Hàn, đường trục chính KCN Tam Quang, đường trục từ cảng Chu Lai lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường nối KCN THACO Chu Lai đến KCN Tam Anh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định, trong vùng đã hình thành cơ bản chuỗi dịch vụ logistics trọn gói bao gồm: giao thông, cảng biển, sân bay... gắn với phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã phát triển hài hòa giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy và đường hàng không; kết hợp giữa phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải và tổ chức khai thác các loại hình vận tải một cách có hiệu quả.

ANH-2

Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm hàng hải, đầu mối logistics quan trọng của khu vực.

“Hiện nay Khu kinh tế mở Chu Lai đã có hệ thống dịch vụ logistics trọn gói từ khách hàng - xử lý đơn hàng - đóng gói - xếp dỡ container - cảng biển - dịch vụ hỗ trợ - kho bãi - vận chuyển”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Ông Lê Vũ Thương, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Ban Quản lý) nhận định, qua 18 năm xây dựng và phát triển (2003-2021), Khu kinh tế đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng đường bộ, đường biển, hàng không.

“Trong giai đoạn tới, Ban Quản lý sẽ hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cảng Chu Lai thành cảng loại I để cập nhật vào Quy hoạch hệ thống cảng Quốc gia làm cơ sở pháp lý kêu gọi các dự án động lực đầu tư vào các khu chức năng. Tập trung đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trục chính, nạo vét tuyến luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn và hạ tầng cảng để phát triển mạnh dịch vụ giao nhận vận hình thành Trung tâm logistics hàng hải, khu cảng thương mại, cảng du lịch”, ông Thương cho hay. 

Xây dựng cảng nước sâu

Ông Đinh Văn Bảo, Trưởng phòng Quản lý đầu tư - Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, cảng Chu Lai là cảng tổng hợp phục vụ đa dạng các nguồn hàng, có công suất 4 triệu tấn/năm, cảng hiện có thể tiếp nhận tàu 3 vạn tấn với chiều dài 172m và sắp mở rộng bến cảng nước sâu đón tàu 5 vạn tấn theo phê duyệt của tỉnh về phát triển cảng Chu Lai.

“Cảng Chu Lai hiện nay được xem là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế phục vụ cho các doanh nghiệp tại Quảng Nam và miền Trung. Ngoài ra, cảng còn là cửa ngõ kết nối ra biển đông của vùng Tây Nguyên, nam Lào, bắc Campuchia, Thái Lan. Chính vì vậy, cảng biển Chu Lai sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Quảng Nam, cũng như thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây”, ông Bảo đánh giá.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Tập đoàn THACO hiện nay đang có sự phát triển mạnh mẽ, không chỉ phát triển ngành công nghiệp ô tô mà còn ngành nông nghiệp. Đặc biệt, thời gian qua, liên tiếp có các lô hàng nông sản, ô tô và nhiều mặt hàng khác đã được xuất khẩu qua cảng Chu Lai. Do đó, THACO thực sự cần một cảng nước sâu, nhằm phục vụ cho hoạt động của tập đoàn đa ngành nghề và các doanh nghiệp trong khu vực miền Trung.

“Sự phát triển cảng nước sâu của Quảng Nam xuất phát từ nhu cầu tự thân của chính THACO. Do đó, doanh nghiệp này tự bỏ tiền ra để đầu tư trực tiếp cho cảng biển, giao thông, quản lý khai thác vận hành mà không sử dụng vốn ngân sách. Điều đó cho thấy được sự tính toán hiệu quả trong việc sử dụng cảng biển của THACO. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp sản xuất khác ở Quảng Nam được hưởng lợi theo từ hoạt động của Tập đoàn này”, ông Thanh cho hay. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ