'VinFast đưa tên tuổi TTCK Việt Nam đến gần với nhà đầu tư nước ngoài'

Nhàđầutư
Sự kiện VinFast "chào sàn" Nasdaq sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt tạo hình ảnh đẹp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để thực sự trở nên thực sự hấp dẫn dòng vốn "ngoại", bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có nội lực, cũng như các chính sách đầu tư đủ sức thu hút.
TẢ PHÙ
20, Tháng 08, 2023 | 09:30

Nhàđầutư
Sự kiện VinFast "chào sàn" Nasdaq sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt tạo hình ảnh đẹp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để thực sự trở nên thực sự hấp dẫn dòng vốn "ngoại", bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có nội lực, cũng như các chính sách đầu tư đủ sức thu hút.

NDT - VinFAST chao san NASDAQ phien 168

Cổ phiếu VinFast trong ngày đầu "chào sàn" NASDAQ. Ảnh: VinGroup.

Ngày 15/8, VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq, Hoa Kỳ với mã giao dịch "VFS". Chốt phiên giao dịch 18/8 (theo giờ Mỹ), cổ phiếu VFS đã giảm mạnh sau những ngày tăng cao trước đó với thị giá  15,4 USD/CP. Đà giảm của cổ phiếu VinFast cũng đi cùng xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Tổng lượng giao dịch VFS đạt hơn 2,97 triệu đơn vị. Tính theo mức giá này, vốn hóa VinFast đạt hơn 35 tỷ USD.

Nhìn nhận về việc VinFast chào sàn Nasdaq (Hoa Kỳ), các chuyên gia trong nước cho rằng đây sẽ là nguồn động lực lớn với các doanh nghiệp Việt, đặc biệt những đơn vị đã ấp ủ kế hoạch niêm yết ra thị trường chứng khoán quốc tế. 

Quan trọng hơn, sự kiện VinFast "lên" sàn Nasdaq sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài (quỹ đầu tư, tổ chức, định chế tài chính lớn...) biết đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhadautu.vn đã có những trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam và ông Trần Nhật Đức – Cố vấn cấp cao CTCP DATX Việt Nam.

Sự kiện cổ phiếu VinFast chính thức lên sàn Nasdaq đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Ông nghĩ gì về việc này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, VinFast đã có những bước đi thành công đầu tiên, nhưng để đạt mục đích huy động vốn, thì còn phụ thuộc vào năng lực của chính VinFast.

Dù sao, việc đủ điều kiện lên sàn Nasdaq phần nào mở ra cho doanh nghiệp này cơ hội huy động vốn trong tương lai từ các nhà đầu tư giàu tiềm lực để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính (EV – sản xuất xe điện, lĩnh vực vốn rất đòi hỏi nguồn vốn).

Cổ phiếu VFS của VinFast đã thành công trong phiên "chào sàn", song cần lưu ý rằng chỉ thị giá tăng cao, hay mức vốn hóa chưa đủ để phản ánh đúng định giá công ty. Ngoài ra, còn phải xét đến yếu tố khối lượng cổ phiếu tự do lưu hành của VFS chỉ đạt vỏn vẹn 1%. 

Việc thỏa mãn điều kiện vốn hóa, thanh khoản, khối lượng cổ phiếu tự do, thời gian niêm yết là rất quan trọng. Đó là căn cứ để VinFast lọt vào danh mục đầu tư của các quỹ ETF. Điều này sẽ giúp VinFast được các quỹ chuyên theo dõi danh mục ETF để ý và gián tiếp tạo hiệu ứng tích cực tốt với cổ phiếu này.

Ngoài ra, việc gọi vốn trên Nasdaq (nếu thành công) đồng nghĩa giúp VinFast tránh “rào cản” giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) như tại TTCK Việt Nam. Đây là lợi thế của VinFast.

Ông Trần Nhật Đức: Đây có lẽ là một dấu mốc lịch sử của ngành tài chính Việt Nam, VinFast là một trong những doanh nghiệp Việt tiên phong niêm yết thành công trên sàn Nasdaq.

Việc niêm yết thành công mới chỉ là bước đầu, tôi thực sự háo hức và muốn theo dõi các bước đi tiếp theo của VinFast. VinFast có nhiều cơ hội để mở rộng bài toán của mình –  dựa trên hệ sinh thái sẵn có của Vingroup. Như việc taxi xanh GSM hỗ trợ hoạt động tiêu thụ sản phẩm của VFS trong thời gian qua, một mặt hỗ trợ VinFast đầu ra sản phẩm, mặt khác giúp tăng nhận diện thương hiệu và thói quen ngườ tiêu dùng.

Nếu GSM định hướng trở thành một siêu ứng dụng như cách mà Uber hay Grab phát triển trong thời gian qua, cùng với chất lượng dịch vụ (cộng phương tiện đầu vào) được chuẩn hóa, không loại trừ trường hợp VinFast sẽ có hoạt động thâu tóm lại GSM, qua đó gián tiếp đưa GSM lên Nasdaq. Một siêu ứng dụng cho thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam, đó là kịch bản mở rộng bài toán của VinFast mà tôi đề cập ở trên.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết từng đánh tiếng niêm yết ra nước ngoài, nhưng VinFast lại là một trong những đơn vị đầu tiên thành công. Theo ông, đâu là sự khác biệt này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Điểm khác biệt ở đây là nhờ VinFast có phương thức SPAC (Công ty mua lại có mục đích đặc biệt), qua đó rút ngắn thời gian và chi phí niêm yết.

Ông Trần Nhật Đức: Theo tôi có 3 yếu tố chính giúp VinFast niêm yết thành công.

Thứ nhất, họ có một chiến lược chuẩn bị bài bản cho việc niêm yết. Nếu nhìn lại toàn bộ các động thái trong quá khứ, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq nhiều khả năng đã được lập kế hoạch ngay từ thơi điểm thành lập doanh nghiệp.

Thứ hai, VinFast biết mình biết ta và rất thực tế trong cách triển khai. Thay vì trực tiếp niêm yết, việc sử dụng SPAC theo tôi là một chiến lược đúng đắn giúp rút ngắn thời gian, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn quốc tế nhanh nhất.

Thứ ba, là bài toán kinh doanh của VFS thực sự đủ lớn, vươn tầm thế giới và phù hợp với xu hướng thị trường. Nó đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, tuy nhiên, để thực sự khiến họ phải móc hầu bao, VinFast còn rất nhiều điều phải làm sau IPO.

Sự kiện của VinFast được nhìn nhận sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những đơn vị trước đây đã ấp ủ kế hoạch niêm yết lên sàn quốc tế. Ông nghĩ thế nào?

Ông Nguyễn Thế Minh: VinFast có 2 cái đầu tiên. Một là dám dấn thân vào lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam. Thứ hai, VinFast là đơn vị đầu tiên có quy mô, vốn hóa lớn trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất xe điện trên sàn Nasdaq. 

Đây là một động lực lớn, bởi các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt trong nhóm công nghệ) có tốc độ phát triển khá nhanh, nhưng việc huy động vốn trong nước lại bị nhiều giới hạn. 

Niêm yết và huy động vốn ở các thị trường phát triển rõ ràng là một trong các lời giải về bài toán vốn với doanh nghiệp Việt, dĩ nhiên đi cùng với đó là họ phải đảm bảo năng lực tài chính và sự minh bạch.

Ông Trần Nhật Đức: Nhiều doanh nghiệp trong nước đã và/hoặc từng có kế hoạch niêm yết tại các thị trường chứng khoán thế giới như VietJet Airs, Vinamilk, Vinagame, DATX Việt Nam….

VinFast là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong, họ là một dẫn chứng cụ thể cho việc một doanh nghiệp Việt- hoàn toàn có thể niêm yết tại thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Điều này sẽ là một động lực cho các doanh nghiệp khác có ý định tương tự.

Một số ý kiến nhìn nhận sự kiện VinFast niêm yết tại sàn Nasdaq có hiệu ứng tích cực với TTCK Việt Nam, ông nghĩ thế nào? 

Ông Nguyễn Thế Minh: Đây cũng là một nhận định đúng khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư, tổ chức lớn… sẽ biết đến TTCK Việt Nam. Chúng ta đã tạo thương hiệu tốt, tuy nhiên để TTCK Việt giữ dòng vốn NĐTNN đến và ở lại, cần các cơ chế luân chuyển dòng vốn tốt hơn, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các doanh nghiệp cần nâng cao hơn, đảm bảo một số tiêu chí theo FTSE và MSCI.

Ở các kỳ review gần nhất, về tiêu chí “giới hạn sở hữu nước ngoài”, MSCI đánh giá các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% cho tới 51%. Những giới hạn này vẫn tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với tiêu chí “Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài”, MSCI cho rằng thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài. Hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.

Trong khi đó, theo FTSE, các tiêu chí “Không có hoặc có tỷ lệ chọn lọc với quyền sở hữu nước ngoài” và “không có hoặc quá trình đăng ký đơn giản cho nhà đầu tư nước ngoài” của TTCK Việt Nam đều ở mức hạn chế.

Ông Trần Nhật Đức: Tôi cho là có. Các nhà đầu tư quốc tế khi nghiên cứu về VFS, chắc chắn sẽ phải nghiên cứu về vĩ mô của nền kinh tế. Quá trình nghiên cứu sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tiếp cận thêm các thông tin về kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên thực sự hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có một nội lực đủ lớn, cũng như các chính sách đầu tư cũng phải đủ sức thu hút. Bất kỳ một sự thay đổi nào mang tính tích cực, cũng cần một sự chuẩn bị bài bản.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ