Vì sao nhiều tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM bị kỷ luật?

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã có thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với nhiều cá nhân, tập thể tại các doanh nghiệp nhà nước như: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn và Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM.
CHU KÝ
30, Tháng 03, 2020 | 14:02

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã có thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với nhiều cá nhân, tập thể tại các doanh nghiệp nhà nước như: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn và Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM.

Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI)

Liên quan đến những sai phạm tại SAGRI, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã xem xét tờ trình của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy về đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy SAGRI nhiệm kỳ 2015-2020. 

Theo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy SAGRI nhiệm kỳ 2015-2020 đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc SAGRI có những sai phạm, dẫn đến nhiều người trong Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy có sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai, quản lý tài chính và thực hiện các dự án gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Nhiều người bị xử lý kỷ luật, đặc biệt có người đứng đầu, bị khởi tố tạm giam... gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, đảng viên.

Như trước đó Nhadautu.vn đã đưa tin, tại SAGRI trong suốt thời gian dài xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về đất đai, dự án, tài chính...  thì ngoài ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc SAGRI), ông Vân Trọng Dũng (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên) và bà Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”),

Còn có hàng chục lãnh đạo chủ chốt SAGRI liên quan và dính dáng đến các sai phạm như: Ông Nguyễn Văn Trực nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị - Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI (giai đoạn từ tháng 8/2009 đến tháng 2/2015), ông Hồ Văn Ngon - nguyên Phó Tổng Giám đốc SAGRI (giai đoạn từ tháng 8/2013 đến tháng 12/2018), nguyên thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên (giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2018) cùng bị mức kỷ luật cảnh cáo.

img_9812-0826

Trụ sở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (phường 15, quận Bình Thạnh, TP. HCM).

4 đảng viên bị kỷ luật mức khiển trách, gồm: bà Nguyễn Thị Thu Ngoan - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty, nguyên Kiểm soát viên chuyên trách (giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2014); ông Tống Ngọc Dương - nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên (giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 5/2015).

Bà Lê Thị Phượng - nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy, nguyên Kiểm soát viên chuyên trách (giai đoạn tháng 11/2014 đến tháng 1/2017); bà Nguyễn Thị Thanh An - Bí thư chi bộ Phòng Tài chính kế toán, Kiểm soát viên chuyên trách (giai đoạn từ tháng 6/2016 đến nay).

Dù vậy, với vai trò, trách nhiệm là thành viên của Hội đồng thành viên trong việc xem xét các chủ trương về đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của SAGRI và vai trò của Tổng giám đốc, người trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của SAGRI, ông Lê Tấn Hùng bị xác định có sai sót trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các bộ phận chuyên môn xây dựng kịp thời các quy chế nội bộ.

Ngoài ra, ông Hùng cũng có thiếu sót, sai phạm trong đầu tư dự án, trong việc khai thác sử dụng đất và các mặt bằng nhà đất được giao, trong quản lý, sử dụng tài chính và các khoản vay.

Trong đó, các sai phạm điển hình như: ông Lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng cho cán bộ, công nhân viên đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nước, trị giá 13,3 tỷ đồng.

Ông Hùng còn có trách nhiệm trong việc, CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex, công ty thành viên của SAGRI) đã bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) với giá "bèo".

Đồng thời, SAGRI chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B (quận 9) cho Tổng CTCP Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá mà Tổng CTCP Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2)….

Chưa kể còn hàng loạt sai phạm khác như: Trong 2 năm (2015, 2016), SAGRI còn chi hơn 5,8 tỷ đồng mua đồng phục cho người lao động trong tổng công ty; làm mất 12 tỷ đồng mà Công ty Bò sữa (công ty thành viên trực thuộc SAGRI) đã tạm ứng cho Công ty Đức Nguyên;

Đem 2.000 ha đất công hợp tác trái pháp luật, trong đó, 2 thương vụ điển hình là SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của công ty mẹ) ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 19.199.719 m2; SAGRI hợp tác với Tập đoàn Trung Thuỷ và một đối tác khác thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ SAGRI thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 650,4 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM….

Từ những sai phạm trên, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy SAGRI nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR)

Vừa qua, UBKT Thành ủy TP.HCM đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Hoàng Như Cương, nguyên Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Phó Trưởng ban MAUR, sau khi căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Theo đó, mức kỷ luật này được ban hành sau khi có kết luận của UBND TP.HCM về thi hành kỷ luật công chức, viên chức tại MAUR.

Căn cứ kết quả kiểm điểm, UBKT Thành ủy TP.HCM nhận thấy Đảng viên Hoàng Như Cương có khuyết điểm, vi phạm trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và sử dụng xe đưa đón tại MAUR.

dd

Ông Hoàng Như Cương, nguyên Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM. Ảnh: Vietnamfinance

Liên quan đến những vi phạm trên, trước đó, trong kết luận Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 12/2018, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị Hoàng Như Cương (thời điểm này ông Cương cũng đã đi nước ngoài vì việc riêng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và cũng chính vì lý do này mà vào giữa tháng 1/2029, ông đã bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy MAUR ) bị cho là có sai phạm, khi làm trái thẩm quyền khi ký quyết định 178/2014 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến Metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (tăng 16,7 triệu yen, khoảng 3,5 tỷ đồng).

Cụ thể, theo quyết định của UBND TP.HCM, quy mô nhà ga Bến Thành là hai tầng, diện tích sàn 12.720 m2 với chức năng ga trung tâm. Tuy nhiên, quy mô đầu tư được điều chỉnh lên bốn tầng, diện tích sàn hơn 30.000 m2, với chức năng ga trung tâm tích hợp trung tâm thương mại ngầm.

Ngoài ra, quyết định số 178/2014 còn điều chỉnh 310m kết cấu hầm với kết cấu vòm sang kết cấu hộp kết hợp tường vây. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị TP.HCM xử lý tài chính hơn 2.898 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỷ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỷ đồng, giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96,5 tỷ đồng…

Tiếp đó, ngày 25/1/2019, UBND TP.HCM đã đề nghị các sở ngành liên quan xử lý các cá nhân, tổ chức tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu CP0 thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Theo UBND TP.HCM, việc xử lý trách nhiệm này căn cứ vào quyết định hủy gói Tổng thầu thiết kế thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (CP0) thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2 vào ngày 25/1.

Nguyên nhân do việc phê duyệt hồ sơ mời thầu có nội dung không tuân thủ qui định của pháp luật dẫn đến buộc phải hủy thầu.

UBND TP chỉ đạo MAUR kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm các cá nhân, tập thể liên quan đến việc lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng qui định pháp luật về đấu thầu. Mặt khác, việc tham gia hoạt động đấu thầu nhưng  không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.

UBND TP.HCM cũng giao MAUR phối hợp với Sở Nội vụ để khắc phục và phòng ngừa không để tình trạng trên tái diễn trong tương lai. Đồng thời, giao MAUR phải chỉnh sửa nội dung mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 2 gói thầu trên theo đúng qui định.

Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco)

Tại Sapharco, UBKT Thành ủy TP.HCM cũng vừa  xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Việt Hùng, Phó bí thư Đảng ủy, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Sapharco.

Cùng với đó là thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 cá nhân là ông Nguyễn Huy Quang, Phó tổng giám đốc công ty; bà Nguyễn Thị Phương Lan, kiểm soát viên chuyên trách; bà Nguyễn Diệu Lê, nguyên kiểm soát viên chuyên trách.

Mức kỷ luật trên được thi hành sau khi có các quyết định kỷ luật, văn bản đề nghị của UBND TP.HCM về thi hành kỷ luật người quản lý doanh nghiệp tại Sapharco.

haha

Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn.

Theo đó, căn cứ vào kết quả kiểm điểm, UBKT Thành ủy TP.HCM nhận thấy các Đảng viên đã có khuyết điểm, vi phạm trong công tác lập sổ sách kế toán, công tác đấu thầu, về đầu tư, góp vốn liên kết, liên doanh, quản lý công nợ và vay ngân hàng bổ sung vốn lưu động thực hiện dự án không đúng quy định Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó là việc thực hiện cổ phần hóa cũng không đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Đồng thời, có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng mặt bằng, nhà đất; việc cử cán bộ, người đại diện vốn nhà nước, người quản lý doanh nghiệp và quản lý cán bộ, người lao động đi nước ngoài.

Liên quan đến những sai phạm tại Sapharco, trước đó, vào giữa tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM cũng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Mỹ Dung (nguyên nhân viên kế toán của Chi nhánh khu vực 6 – Sapharco) và Đặng Quyền Xuân Thanh (nguyên Trưởng Chi nhánh khu vực 6) về tội “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Cơ quan điều tra, Chi nhánh Khu vực 6 của Công ty Sapharco có chức năng kinh doanh sỉ và lẻ dược phẩm, dụng cụ y tế thông thường, mỹ phẩm cho các đại lý, nhà thuốc và bệnh viện tại quận 12, huyện Hóc Môn. Theo quy định, các cửa hàng bán thuốc có ký hợp đồng đại lý bán lẻ với Sapharco nếu doanh số mua hàng trong vòng 2 quý không đạt sẽ bị ngưng hợp đồng.

Theo đó, một số cửa hàng của Chi nhánh khu vực 6 bán trong thời gian kinh doanh thường xuyên không đạt doanh số nên đã nhờ bà Nguyễn Thị Mỹ Dung viết “khống” đơn để “chạy” doanh số giúp. Khi hóa đơn giá trị gia tăng được xuất, thì bà Dung đưa hóa đơn đến bộ phận kho, nhận hàng rồi đưa đi tiêu thụ....

Từ tháng 1/2015 đến tháng 5/2018, bà Dung đã sử dụng tên của 85 đại lý, nhà thuốc để đặt mua hàng, nhận hàng của Chi nhánh Khu vực 6. Tiền bán thuốc thu được và tiền thuế giá trị gia tăng do đại lý nộp, bà Dung thanh toán một phần cho Sapharco, số còn lại chiếm đoạt tiêu xài cá nhân. Với số tiền chiếm đoạt gần 5,2 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của bà Dung diễn ra trót lọt trong thời gian dài còn có trách nhiệm của bà Đặng Quyền Xuân Thanh khi đã buông lỏng quản lý, giám sát dẫn đến những sai phạm trên.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ