Vì sao Mỹ chưa trở thành "nhà đầu tư số 1" tại Việt Nam?

Nhàđầutư
Ngay từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Mỹ đã luôn nhấn mạnh việc sẽ trở thành “nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chỉ là nhà đầu tư nằm trong top 10, chứ chưa bao giờ vươn lên vị trí số 1.
HỒ MAI
29, Tháng 05, 2017 | 07:30

Nhàđầutư
Ngay từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Mỹ đã luôn nhấn mạnh việc sẽ trở thành “nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chỉ là nhà đầu tư nằm trong top 10, chứ chưa bao giờ vươn lên vị trí số 1.

Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam từ 29-31/5, đã có nhiều đánh giá về mức độ phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đang được tiến hành, trong đó có quan hệ về đầu tư.

Đã có nhiều câu hỏi về kết quả đầu tư của Hoa Kỳ hiện nay tại Việt Nam đã tương xứng với mối quan hệ giữa hai nước và tiềm năng của Hoa Kỳ - ở vị trí cường quốc về kinh tế trên thế giới hay chưa? Sự mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào sự tăng trưởng của đầu tư Hoa Kỳ tại Viêt Nam đã dẫn đến câu hỏi đó.

Không nhỏ nhưng “tiếng vang” chưa lớn

Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, thỉnh thoảng người ta lại gặp một cửa hàng đồ ăn nhanh như Burger King, McDonald’s, Pizza Hut hay chuỗi cửa hàng cà phê Starbuck’s, Coffee Bean & Tea Leaf đã tạo nên trào lưu ăn uống của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

starbuck

Một cửa hàng Starbuck's trên phố Bà Triệu, Hà Nội 

Người Việt cũng ảnh hưởng thói quen uống nước có ga từ Mỹ. Một số thương hiệu Mỹ như CocaCola, Pepsi gần như thống lĩnh thị trường đồ uống tại Việt Nam sau 2 thập kỷ thâm nhập.

Các thương hiệu thời trang của Mỹ có mặt tại Việt Nam được ưa chuộng có thể nhắc đến như Nike, Calvin Klein,...

Tuy nhiên, không chỉ có CocaCola, Pepsico hay các chuỗi cửa hàng ăn nhanh, thời trang phủ sóng trên toàn quốc, người Mỹ còn tới Việt Nam với những cái tên đầy “sừng sỏ” như Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G,...

Nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric (GE)... cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Là một trong những tên tuổi đầu tiên rót vốn vào Việt Nam, hiện nay quy mô vốn của Intel đã lên tới tỷ USD. Được cấp phép hoạt động lần đầu tiên vào ngày 21/2/2006 dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, Intel có tổng vốn đầu tư ban đầu là 605 triệu USD, với vốn pháp định 106 triệu USD.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Tập đoàn này đã nâng vốn lên 1 tỷ USD. Khi đó, Intel được xem là tín hiệu khởi đầu cho sóng dự án tỷ USD vào Việt Nam, thúc đẩy các tập đoàn lớn khác quyết định chọn Việt Nam là điểm đến cho đầu tư.

intel

 Intel được xem là tín hiệu khởi đầu cho sóng dự án tỷ USD vào Việt Nam 

Phải nói rằng, các tập đoàn lớn hàng đầu của Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn. Các nhà đầu tư của Mỹ luôn được định hình là giàu tiềm lực tài chính, trình độ cao, đẳng cấp nhất thế giới. Và khi Mỹ đã chọn ai đó thì cũng tín hiệu xanh cho các nhà đầu tư quốc gia khác có thể tin tưởng bỏ vốn vào. 

Sau Intel, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư của Samsung, LG đến từ Hàn Quốc và nhiều các tập đoàn đa quốc gia khác khi môi trường đầu tư của Việt Nam tại thời điểm đó đang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Một trong những dự án FDI lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam là dự án Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam) cấp phép năm 2006. Dự án do Winvest Investment LLC đầu tư với mục tiêu hoạt động là xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án có quy mô 4,1 tỷ USD vốn đầu tư.

Dự án The Grand Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại Việt Nam, ông Micheal Kelly đang giữ vai trò Chủ tịch điều hành cấp cao kiêm Tổng giám đốc điều hành, cũng được xem là một minh họa điển hình cho đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), có thể khẳng định đến thời điểm hiện nay, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam không phải nhỏ, chỉ có điều chưa có “tiếng vang" lớn như những dự án “khủng – tỷ đô" triển khai nhanh như của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Samsung hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 15 tỷ USD và đã giải ngân được 10 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng luỹ kế kết quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tính đến ngày 20/5/2017, trong số 23.452 dự án với tổng vốn đăng ký trên 393 tỷ USD từ 119 nước và vùng lãnh thổ, thì Hoa Kỳ đứng thứ 9 với 838 dự án và tổng vốn đầu tư trên 10,2 tỷ USD.

Trong khi đó, Hàn Quốc đứng đầu tổng vốn đăng ký 57,27 tỷ USD (chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư) vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với 40,69 tỷ USD (chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông.

Như vậy, nếu so sánh với các con số đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore thì còn xa các doanh nghiệp Mỹ mới “san bằng” được khoảng cách này.

Cũng phải nhắc lại rằng ngay từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000, Mỹ đã luôn nhấn mạnh việc sẽ trở thành “nhà đầu tư số một tại Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chỉ là nhà đầu tư nằm trong top 10, chứ chưa bao giờ vươn lên vị trí số 1.

Những kỳ vọng của các nhà lãnh đạo hai nước, những thuận lợi và nền tảng hợp tác Việt – Mỹ đã đặt ra câu hỏi: Tại sao câu nói “Mỹ sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam” chưa thành hiện thực?

Còn nhiều rào cản với “nhà đầu tư tiềm năng số 1”

Năm 2016, tập đoàn công nghệ Mỹ Apple đã tìm kiếm khu vực châu Á để phát triển dự án nhà máy sản xuất trị giá khoảng 1 tỷ USD. Sau khi đánh giá các nước trong khu vực, Apple đã có 2 sự lựa chọn là Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, vì một số lý do đáng tiếc, đại gia công nghệ này đã lựa chọn Ấn Độ thay vì Việt Nam.

Theo ông Đặng Văn Quang – đại diện Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) tại Việt Nam, dự án này chỉ khoảng 1 tỷ USD, nhỏ hơn so với Samsung, nhưng nếu như đón được Apple vào sẽ là tiền đề cho rất nhiều doanh nghiệp tương tự đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đang có lợi thế trong việc đầu tư các dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, Ấn Độ có nhiều ưu đãi và hạ tầng phát triển nên được đánh giá cao hơn so với Việt Nam.

Apple

 Việt Nam 'đánh rơi' gói đầu tư 1 tỷ USD của Apple vào tay Ấn Độ

JLL cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cần chú trọng cải thiện những bất cập về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, hạn chế tình trạng tham nhũng. Theo JLL, đây là những nút thắt khiến nhà đầu tư còn e ngại khi quyết định chọn Việt Nam là điểm đến.

Bàn về lý do vì sao đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, không phải Mỹ không có tiềm năng để đầu tư, cũng không phải thị trường Việt Nam không thu hút mà vì các yêu cầu mà doanh nghiệp Mỹ đặt ra Việt Nam chưa đáp ứng được.

Theo GS Nguyễn Mại, vấn đề đầu tiên là minh bạch, công khai ở Việt Nam tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Thủ tục hành chính còn phiền hà, vẫn còn tình trạng tham nhũng, đút lót, lại quả, chi phí bôi trơn,...

Trở ngại thứ hai, theo GS Mại đó là yêu cầu về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ khi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn nhiều.

Vấn đề thứ ba mà Chủ tịch VAFIE đề cập đến đó là Việt Nam chưa nghiên cứu một cách sâu sắc về đầu tư từ Mỹ, chúng ta cần gì ở Mỹ, đặc biệt là lôi kéo Mỹ để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam đang rất cần.

Tuy vậy, GS Nguyễn Mại khẳng định rằng những tuyên bố của Mỹ về đầu tư vào Việt Nam không chỉ là tuyên bố ngoại giao mà thực tế Mỹ cũng đang rất cần đầu tư ra nước ngoài. Hiện, Mỹ là quốc gia đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới.

Năm nay là năm APEC và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tham gia Hội nghị APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11. Đây được xem là một cơ hội mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chủ tịch VAFIE cho rằng với sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ, nhiều người hy vọng sẽ có một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước Việt - Mỹ vì 17 năm hai quốc gia đã thực hiện Hiệp định thương mại song phương (BTA) và trong khi quan hệ hai nước đang tiến triển thì đây sẽ là một thuận lợi.

Được biết, sẽ có khoảng gần 100 doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm Mỹ lần này. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội trong thương mại, đầu tư đối với hai nước Việt - Mỹ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ