Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đảm bảo khơi thông trái phiếu doanh nghiệp

Nhàđầutư
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Bộ tài chính cần bảo đảm vừa khơi thông nguồn vốn từ kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vừa nâng cao chất lượng của thị trường thông qua quản lý, giám sát; cân bằng vốn giữa thị trường ngắn hạn, trung, dài hạn, giữa rủi ro và phát triển thị trường.
NHẬT HUỲNH
01, Tháng 06, 2022 | 15:56

Nhàđầutư
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Bộ tài chính cần bảo đảm vừa khơi thông nguồn vốn từ kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vừa nâng cao chất lượng của thị trường thông qua quản lý, giám sát; cân bằng vốn giữa thị trường ngắn hạn, trung, dài hạn, giữa rủi ro và phát triển thị trường.

Giao-dich-ngan-hang- tien-16

Trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt trong tháng 4-5. Ảnh Trọng Hiếu.

Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành là 637 nghìn tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020. Còn trong quý I/2022, tổng khối lượng TPDN phát hành là 144,1 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022 và giảm dần trong tháng 2, tháng 3. Riêng trong tháng 4, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ sụt giảm mạnh và ở mức khoảng 30 nghìn tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo chỉ rõ, trong 3 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,9% và 18,87%; các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 4,9%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 6,8%. Tuy nhiên, trong tháng 4/2022, trái phiếu do các TCTD phát hành chiếm 63,4%, trái phiếu của nhóm bất động sản giảm mạnh xuống mức 11,6%.

Cơ cấu thay đổi này, theo Ủy ban Kinh tế, là do tác động từ quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi huỷ bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu tăng trưởng "nóng" hai năm qua, cộng với kỳ hạn phát hành bình quân 3,76 năm, nên dư nợ cần thanh toán trong 2 năm tới rất lớn, tạo áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp phát hành.

Cụ thể, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144,5 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62,47 nghìn tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các TCTD đáo hạn khoảng 29,16 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271,4 và 329,5 nghìn tỷ đồng; trong đó tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207,8 nghìn tỷ đồng, trái phiếu của các TCTD đến hạn là 207,5 nghìn tỷ đồng.

"Thị trường TPDN phát triển nhanh trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường trong cả trước mắt và dài hạn", báo cáo nêu.

Chẳng hạn, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ của Quý I/2022 tăng cao so với năm 2020 nhưng lại sụt giảm và thay đổi đáng kể về cơ cấu chủ thể phát hành ngay trong tháng 4/2022; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, gây rủi ro đối với khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu; còn hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành TPDN riêng lẻ sai mục đích; cơ cấu thị trường trái phiếu TPDN còn thiếu cân đối;...

Do vậy, để thị trường trái phiếu phát triển cân bằng, trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đồng thời cần bảo đảm vừa khơi thông nguồn vốn từ kênh phát hành TPDN, vừa nâng cao chất lượng của thị trường thông qua quản lý, giám sát; cân bằng vốn giữa thị trường ngắn hạn và trung, dài hạn, giữa rủi ro và phát triển thị trường.

Trong ngắn hạn cần theo dõi chặt chẽ thanh khoản của các định chế tài chính trên thị trường như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để đứt gẫy thị trường, bảo đảm thị trường vốn hoạt động ổn định, lành mạnh, an ninh, an toàn. Đồng thời, có giải pháp tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư, củng cố niềm tin vào sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ