Tranh chấp hợp đồng tín dụng: Thực trạng và giải pháp

BÙI TẤN TÀI
12:02 17/05/2023

Hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng những năm gần đây ngày càng phát triển mạnh. Bên cạnh yếu tố tích cực kịp thời cung cấp nguồn vốn cho các cá nhân, tổ chức thì cũng đã phát sinh nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp (TSTC) phức tạp.

346174947_784599979844902_5440130374996508936_n

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB. Ảnh: Trọng Hiếu

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)", nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các Uỷ ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Hiệp hội Ngân hàng, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý và các ngân hàng thương mại.

Tạp chí Nhà đầu tư xin trận trọng giới thiệu bài tham luận của ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB):

Tranh chấp hợp đồng tín dụng: Thực trạng và giải pháp

I. Thực tiễn hoạt động giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng

1. Những mặt tích cực

Một trong những điểm mới, tiến bộ hơn của Bộ luật dân sự ("BLDS") 2015 so với quy định cũ (BLDS 2005) là quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, đặc biệt là đối với các giao dịch dân sự mà đối tượng giao dịch là tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu và người thứ ba căn cứ vào tình trạng đã đăng ký của tài sản để thực hiện việc giao dịch.

Đồng thời, trong những năm vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu như: Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; các Án lệ; các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Tòa án có liên quan như: Giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, Công văn 152/TANDTC-PC ngày 19/7/2017 về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính, Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cũng đã có những kiến nghị tương tự như nêu trên trong việc giải quyết vụ án và thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, có các bài viết rút kinh nghiệm về các vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án nói chung và các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp liên quan đến TSTC nói riêng, để từ đây Tòa án nhân dân các cấp có thể tham khảo, áp dụng các quy định pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng được phù hợp.

Các văn bản hướng dẫn của ngành kiểm sát có liên quan như: Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020, Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC ngày 18/4/2022, Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC ngày 25/5/2022 về việc hướng dẫn một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng. Các văn bản này đã hướng dẫn khá chi tiết và đầy đủ về đặc trưng của vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng như một số vi phạm phổ biến và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án.

2. Những vướng mắc, tồn tại

Quá trình tham gia giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp liên quan đến TSTC, ACB nhận thấy một số Tòa án áp dụng pháp luật không đúng, không thống nhất khi xét xử hoặc bản án có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

Các tranh chấp liên quan đến TSTC và TCTD không được bảo vệ quyền lợi với tư cách là người thứ ba ngay tình dù đã nhận thế chấp theo đúng quy định pháp luật

Trong thời gian qua, các tranh chấp liên quan đến TSTC có dấu hiệu gia tăng. Các dạng tranh chấp phát sinh thường gặp: tranh chấp quyền sở hữu/sử dụng TSTC giữa chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu mới (khách hàng), tranh chấp hợp đồng tặng cho TSTC (bên được tặng cho là khách hàng), tranh chấp khách hàng bán giấy tay/bán vi bằng/phân lô bán nền cho nhiều hộ dân và các hộ dân này đã xây dựng nhà ở kiên cố trên TSTC, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ sở hữu cũ vay tiền của chủ sở hữu mới (khách hàng) bằng việc ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản (sau này là TSTC), hoặc do chủ sở hữu cũ nhờ chủ sở hữu mới đứng tên tài sản để thế chấp vay tiền của TCTD, tranh chấp về thừa kế TSTC trong trường hợp phát sinh/bỏ sót người thừa kế hoặc TCTD giải ngân sau khi TSTC chết mà chưa có sự đồng thuận của các đồng thừa kế,...

Nhóm hồ sơ này đang có nguy cơ tăng cao do ngày 02/8/2021, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử. Trong đó có hướng dẫn về việc xác định TCTD có là người thứ ba ngay tình hay không và hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản.

Quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp (là TSTC) ghi nhận việc chủ sở hữu cũ hoặc người thứ ba đang sinh sống, quản lý, sử dụng TSTC và triệu tập các cá nhân này tham gia tố tụng. Trường hợp chủ sở hữu cũ có lời khai bất lợi cho TCTD như: TCTD không tiến hành thẩm định tài sản, chủ sở hữu cũ không biết việc thế chấp tài sản và có đơn yêu cầu độc lập yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu; khi đó Tòa án yêu cầu TCTD cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản khi nhận thế chấp như: tờ trình định giá TSTC, biên bản thẩm định TSTC, căn cứ chứng minh việc chủ sở hữu cũ biết việc thế chấp tài sản. Trong trường hợp TCTD không cung cấp được thì có thể Tòa án nhận định bất lợi cho TCTD, chấp nhận đơn yêu cầu độc lập của chủ sở hữu cũ và tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Về vấn đề này, ACB có quan điểm như sau:

a, Về việc Tòa án yêu cầu TCTD cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản

Thứ nhất, cho đến nay, pháp luật cho phép TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay, tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật các TCTD và chỉ quy định "TCTD phải xây dựng và ban hành các quy định nội bộ đối với các hoạt động nghiệp vụ của TCTD, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh" (khoản 1 Điều 93 Luật các TCTD).

Quy định pháp luật về thẩm định và quyết định cho vay còn được nêu tại Điều 15 Quy chế cho vay (ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng nhà nước), hiện nay được quy định tại Điều 15, 17 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, TCTD xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng để quyết định cho vay, không bắt buộc TCTD phải áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay và thẩm định tài sản.

Thứ hai, pháp luật cũng không quy định bắt buộc TCTD khi thẩm định tài sản phải xác định mối quan hệ giữa người đang thực tế quản lý, sử dụng tài sản với chủ sở hữu tài sản có tên trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu. Mục đích của việc thẩm định tài sản chỉ nhằm xác định giá trị của tài sản để làm cơ sở TCTD xem xét mức cấp tín dụng cho khách hàng vay.

Do đó, mỗi TCTD sẽ có quy định riêng về nghiệp vụ, phương pháp thẩm định và tự tiến hành thẩm định tài sản nhằm xác định giá trị bằng tiền của tài sản phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định. Những yếu tố như: người đứng tên tài sản, người đang quản lý, sử dụng tài sản,... không phải là cơ sở giúp TCTD xác định giá trị tài sản bảo đảm và không tác động đến quyết định cho vay của TCTD.

Từ các nội dung trên cho thấy:

Chủ sở hữu tài sản được xác định bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu chứ không phải bằng nghiệp vụ thẩm định tài sản. TCTD không có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ phải xem xét, làm rõ lại vấn đề này.

Quyền, nghĩa vụ giữa TCTD với bên được cấp tín dụng/bên vay và/hoặc bên thế chấp được quy định trong Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp.

Việc thẩm định TSTC không phải là căn cứ để xác định hiệu lực của Hợp đồng thế chấp. Hợp đồng thế chấp (quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhà ở) có hiệu lực khi đã thực hiện đúng trình tự thủ tục về công chứng/chứng thực, đăng ký thế chấp theo các quy định pháp luật tại Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, Điều 122 Luật Nhà ở 2014, điểm c khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 11 Văn bản hợp nhất số 8019/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 hợp nhất Nghị định về giao dịch bảo đảm (được thay thế bởi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP).

b, Về căn cứ pháp lý xác định hiệu lực của Hợp đồng thế chấp và xác định TCTD là bên nhận bảo đảm ngay tình

Hiện nay, hệ thống pháp luật đã ban hành đầy đủ quy định pháp luật để xác định hiệu lực của Hợp đồng thế chấp và xác định TCTD là bên nhận bảo đảm ngay tình.

Thứ nhất, TCTD đã nhận thế chấp tài sản trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu cấp cho chủ sở hữu mới (Bên thế chấp).

Khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003 và khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 lần lượt quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất"; "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".

Từ các định nghĩa trên có thể thấy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là “GCNQSDĐ”) là chứng từ pháp lý cao nhất của Nhà nước ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình của người sử dụng/chủ sở hữu. Hay nói cách khác, người đứng tên trên GCNQSDĐ là chủ thể duy nhất có quyền sử dụng, sở hữu bất động sản hợp pháp dưới sự công nhận của Nhà nước.

Từ nội dung trên cho thấy, trước khi thế chấp cho TCTD, Bên thế chấp đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ và là chủ thể duy nhất được quyền xác lập giao dịch thế chấp với TCTD. TCTD không thể căn cứ vào bất kỳ căn cứ nào khác ngoài GCNQSDĐ được cấp hợp pháp khi xác định chủ sở hữu.

Thứ hai, TCTD đã tiến hành đầy đủ các thủ tục công chứng/chứng thực hợp đồng thế chấp, tiến hành đăng ký thế chấp đầy đủ theo quy định của pháp luật. Giao dịch thế chấp tài sản đã được thực hiện thông qua Cơ quan công chứng, Cơ quan đăng ký đất đai mà không phát sinh bất kỳ thông tin ngăn chặn giao dịch, khiếu nại hoặc tranh chấp liên quan đến tài sản. TCTD không thể biết và không có trách nhiệm phải biết về mối quan hệ, giao dịch trước đó giữa các bên liên quan đến tài sản.

Như vậy, tại thời điểm TCTD nhận thế chấp tài sản, các bên trong giao dịch là chủ thể có đầy đủ thẩm quyền xác lập, giao dịch thế chấp tài sản đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định (công chứng, đăng ký thế chấp). Do đó, Hợp đồng thế chấp và biện pháp thế chấp đều đã phát sinh hiệu lực, có hiệu lực đối kháng với người thứ ba nên phải được pháp luật công nhận và bảo vệ và việc thế chấp tài sản chỉ chấm dứt theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Dân sự 2015.

Thứ ba, TCTD là bên nhận bảo đảm ngay tình.

Khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu…”. Theo nội dung quy định nêu trên, thì quyền lợi của người thứ ba sẽ được bảo đảm (giao dịch không bị vô hiệu) khi đáp ứng 02 điều kiện sau:

Một là, người thứ ba căn cứ vào việc đăng ký tài sản tại Cơ quan nhà nước để thực hiện giao dịch. Như đã trình bày ở trên, TCTD nhận thế chấp tài sản trên cơ sở GCNQSDĐ được Nhà nước cấp cho bên thế chấp, thủ tục thế chấp đã đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký thế chấp theo đúng quy định pháp luật. Do đó, cả Hợp đồng và biện pháp thế chấp đều đã phát sinh hiệu lực.

Hai là, người thứ ba ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch. Như đã trình bày ở trên, tại thời điểm nhận thế chấp, TCTD không thể biết và không có trách nhiệm phải biết về mối quan hệ, giao dịch trước đó giữa các bên liên quan đến tài sản.

Từ những căn cứ pháp lý nêu trên, TCTD hoàn toàn được xem là bên ngay tình trong việc nhận thế chấp tài sản. Áp dụng các quy định pháp luật hiện hành và Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì "trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu".

Có thể thấy, Toà án tối cao đã hướng dẫn rất rõ rằng: "trong trường hợp đã nhận thế chấp đúng quy định pháp luật thì giao dịch thế chấp không vô hiệu". Khi đó,"chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại” (khoản 3 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015).

Từ những phân tích trên, ACB cho rằng đã đầy đủ căn cứ pháp lý để xác định Hợp đồng thế chấp của TCTD trong các trường hợp này là có hiệu lực pháp luật, TCTD là bên nhận bảo đảm ngay tình. Do vậy, việc Tòa án thu thập hồ sơ thẩm định tài sản tại giai đoạn nhận thế chấp để làm căn cứ xác định hiệu lực của Hợp đồng thế chấp cũng như xác định việc ngay tình/không ngay tình của TCTD là không phù hợp quy định pháp luật.

Đồng thời, Tòa án nhận định rằng các tài liệu này là "căn cứ pháp lý quan trọng" mà bỏ qua chứng từ pháp lý cao nhất là GCNQSDĐ được Nhà nước ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người sử dụng/chủ sở hữu (bên thế chấp) cũng như các quy định pháp luật liên quan trong việc xác định hiệu lực Hợp đồng thế chấp như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Nghị định 21/2021/NĐ-CP,… có thể gây ra những hệ lụy pháp lý bất ổn cho hoạt động cho vay của các TCTD.

Ngoài ra, Tòa án đã không đánh giá một cách khách quan rằng chủ sở hữu có quyền được cho thuê, cho người khác sinh sống trên tài sản, thậm chí chủ sở hữu đang thế chấp tài sản tại các TCTD hoàn toàn có thể cố tình “ngụy tạo”các tranh chấp nhằm thoái thác nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp (là các TCTD). Khi đó, giao dịch không tuân thủ các quy định của pháp luật, vi phạm các điều cấm lại được pháp luật bảo vệ, trong khi giao dịch của các TCTD đáp ứng đầy đủ các yêu cầu luật định lại vô hiệu. Phán quyết của Tòa án trong trường hợp này rõ ràng đã không đảm bảo sự công bằng, không đảm bảo quyền lợi của bên nhận bảo đảm ngay tình mà pháp luật quy định, tạo ra sự bất ổn trong quan hệ xã hội đối với các giao dịch dân sự, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các TCTD.

2.2 Đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại mà Tòa án áp dụng sai quy định pháp luật

a, Quy định về xử lý tài sản gắn liền với đất để thu hồi nợ

Khi nhận thế chấp TSTC là quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất (trong đó tài sản gắn liền với đất chưa được ghi nhận quyền sở hữu), TCTD và khách hàng đã thỏa thuận TSTC bao gồm nhưng không giới hạn "quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tiền, tài sản hình thành hoặc phát sinh từ tài sản nêu trên"; đồng thời "khi xử lý TSTC, nếu tài sản được thế chấp thay đổi vì bất cứ lý do gì so với thời điểm nhận thế chấp, TCTD có toàn quyền xử lý toàn bộ TSTC (kể cả phần giá trị tài sản tăng thêm, nếu có) để thu hồi nợ.

Bên thế chấp không thể nêu ra lý do này để giữ lại một phần TSTC hoặc ngăn cản TCTD xử lý TSTC để thu hồi nợ. Các giá trị đầu tư mà Bên thế chấp hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đầu tư vào TSTC sẽ không được hoàn lại khi xử lý TSTC, kể cả giá trị đầu tư đó không thuộc TSTC, trừ tiền hoặc tài sản còn thừa sau khi hoàn tất xử lý TSTC (nếu có) sẽ được chuyển giao cho Bên thế chấp".

Tuy nhiên, có một số trường hợp Tòa án đã nhận định và xét xử chỉ chấp nhận yêu cầu của TCTD về xử lý quyền sử dụng đất, trả lại bên thế chấp (giá trị) tài sản trên đất. ACB cho rằng Tòa án đã không tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản và không phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 318 Bộ luật Dân sự 2015 "trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc TSTC, trừ trường hợp có thỏa thuận khác" và "trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc TSTC”, khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 "tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm".

b, Quy định về phạt chậm trả lãi

Trong hợp đồng tín dụng và các thỏa thuận đi kèm, TCTD và khách hàng thỏa thuận mức phạt chậm trả lãi là phù hợp với quy định pháp luật tại khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD, khoản 1, khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Theo đó thì TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD; trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng quy định rằng TCTD và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp TCTD hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm cũng quy định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các TCTD và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các TCTD tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

Mặc dù vậy, khi giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng, đa số các Tòa án vẫn không chấp nhận thỏa thuận phạt chậm trả lãi giữa TCTD và khách hàng theo các quy định pháp luật như nêu trên do nhận định đây là khoản “lãi chồng lãi” (vừa tính lãi quá hạn vừa tính phạt chậm trả lãi).

2.3 Đối với vụ án hành chính mà Tòa án chỉ xem xét tính hợp pháp của GCNQSDĐ nhưng chưa xem xét việc chuyển nhượng ngay tình của các chủ thể sau đó

Đối với nhóm hồ sơ này, khi Bên thế chấp/bên liên quan đến TSTC khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy GCNQSDĐ (TSTC) do việc cấp GCNQSDĐ cho bên thế chấp đã ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ tuyên hủy/thu hồi GCNQSDĐ với các lý do như sau:

TSTC là đất hộ gia đình, khi kê khai để cấp GCNQSDĐ (lần đầu) thiếu thành viên hộ gia đình.

TSTC có nguồn gốc từ việc phân chia di sản thừa kế, tuy nhiên việc phân chia di sản thừa kế (để cấp GCNQSDĐ) lại thiếu người thừa kế theo pháp luật.

Cơ quan nhà nước cấp GCNQSDĐ sai trình tự, thủ tục luật định.

Trong các vụ án này, Khách hàng/các bên liên quan đến TSTC lợi dụng các quy định của pháp luật liên quan về "hộ gia đình" để yêu cầu hủy GCNQSDĐ trong các vụ án hành chính; và quan điểm xét xử của Tòa án là không xem xét về vấn đề "ngay tình" cho TCTD cũng như tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp tài sản (như đã phân tích ở trên). Bên cạnh đó, việc Tòa án hủy/thu hồi GCNQSDĐ do Cơ quan nhà nước cấp sai trình tự, thủ tục luật định dẫn đến quyền lợi của TCTD bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc dù TCTD đã nhận thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.

2.4 Đối với các tranh chấp xảy ra khi Cơ quan Thi hành án kê biên, xử lý TSTC với mục đích làm kéo dài thời gian thi hành án

Các tranh chấp liên quan đến tài sản thi hành án (là TSTC) là căn cứ để Cơ quan Thi hành án ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự "Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết". Khi Cơ quan Thi hành án quyết định hoãn thi hành án, việc kê biên TSTC phải được dừng lại, TSTC nếu đã được kê biên, bán đấu giá thành cũng phải "chờ" Toà án giải quyết xong tranh chấp mới có thể tiếp tục tổ chức thi hành án.

Trong khi đó, thời gian giải quyết vụ án thực tế có thể kéo dài đến 2, 3 năm với nhiều trở ngại khách quan lẫn chủ quan. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD được pháp luật công nhận bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Các dạng tranh chấp phát sinh như:

a, Người khởi kiện đã được Tòa án triệu tập tham gia tố tụng trong vụ án đã được Tòa án xét xử nhưng không đưa ra yêu cầu độc lập

Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự quy định về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án như sau: "Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị Cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc Cơ quan có thẩm quyền".

Quy định nêu trên nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan đến tài sản thi hành án. Tuy nhiên, quy định này cũng "tạo điều kiện" cho một số đương sự cố tình gợi ra các tranh chấp "không có căn cứ" nhằm kéo dài thời gian xử lý TSTC. Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến TSTC mà Cơ quan Thi hành án đang tổ chức thi hành, Tòa án đã đưa những người có liên quan đến TSTC (chủ sở hữu, người ở thuê/ở nhờ/ở trọ, người canh tác/trồng trọt/xây dựng tài sản trên đất,… - trong đó có người khởi kiện tranh chấp liên quan đến tài sản thi hành án) tham gia tố tụng.

Khi giải quyết vụ án, Thẩm phán đã giải thích cho họ quyền đưa ra yêu cầu độc lập để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đương sự cố ý không đưa ra yêu cầu độc lập mà đợi đến khi Cơ quan Thi hành án kê biên TSTC mới khởi kiện bằng một vụ án khác.

b, Người khởi kiện không có quyền khởi kiện

Thứ nhất, tranh chấp phát sinh trước khi TSTC được bán đấu giá thành

Các dạng tranh chấp đã phát sinh thực tế như:

Con cái khởi kiện vụ án chia tài sản của cha mẹ (chủ sở hữu TSTC) vì cho rằng TSTC thuộc sở hữu của hộ gia đình, hoặc thậm chí không vì lý do cụ thể nào, trong khi tài sản này được CQNN cấp GCNQSDĐ cho cha mẹ;

Người khởi kiện khởi kiện vụ án chia di sản thừa kế (là TSTC) mà họ không phải người thừa kế, hoặc thời điểm mở thừa kế phát sinh sau khi đã có bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý TSTC để thu hồi nợ cho TCTD.

Trong những trường hợp này, một số Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 4, 186, 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 mặc dù các đương sự nêu trên hoàn toàn không có quyền khởi kiện theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Thứ hai, tranh chấp phát sinh sau khi TSTC được bán đấu giá thành

Tại Điều 102 Luật Thi hành án dân sự có quy định "Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản(…) Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản"; khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định "Trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng"; Điều 74 Luật Đấu giá tài sản có quy định "Trường hợp có tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc đề nghị Cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật".

Theo các quy định này thì chủ thể có quyền khởi kiện các tranh chấp về tài sản thi hành án là TSTC chỉ bao gồm: người mua được tài sản đấu giá, người có tài sản đấu giá (Cơ quan Thi hành án/chấp hành viên), tổ chức đấu giá tài sản. Như vậy, TCTD không có quyền khởi kiện hủy kết quả đấu giá ngay cả khi có căn cứ xác định quá trình bán đấu giá tài sản có vi phạm.

II. Kiến nghị

Từ những cơ sở pháp lý và thực tế khách quan trong quá trình giải quyết các vụ án nêu trên, ACB kính đề nghị Quý Cơ quan tổng hợp ý kiến góp ý của các TCTD, từ đó kiến nghị TAND tối cao, VKSND tối cao đánh giá một cách toàn diện các vấn đề nêu trên và sửa đổi quy định, hướng dẫn chưa phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung và thủ tục tố tụng, đặc biệt là hướng dẫn áp dụng pháp luật của ngành Tòa án về các căn cứ xác định TCTD là bên nhận thế chấp ngay tình, Hợp đồng thế chấp giữa TCTD với các bên thế chấp khi thực hiện đầy đủ quy định pháp luật có giá trị pháp lý, TSTC tiếp tục được bảo đảm cho khoản vay của Bên được cấp tín dụng tại TCTD. TCTD có quyền được yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền xử lý các TSTC để thu hồi nợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD.

Ngoài ra, đối với trường hợp TSTC được kê biên xử lý theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo nguyên tắc "bản án, quyết định phải được Cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, Cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án", ACB đề nghị Quý Cơ quan kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn giải quyết vụ án tranh chấp liên quan đến TSTC tại giai đoạn thi hành án.

Theo đó thì TSTC vẫn được Cơ quan Thi hành án tổ chức kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; không xem TSTC là đối tượng tranh chấp trong vụ án (mới) mà cần áp dụng tương tự pháp luật (theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) để giải quyết vụ án. Khi đó, đối tượng tranh chấp trong vụ án (mới) sẽ được tính theo "giá trị bằng tiền" tương tự như quy định tại Điều 131, 247 Bộ luật Dân sự 2015 "Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả"; "Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận”. Các quy định này vừa đảm bảo được thủ tục thi hành án nên đảm bảo quyền lợi của TCTD vừa đảm bảo được quyền lợi của đương sự có yêu cầu khởi kiện trong vụ án mới.

  • Cùng chuyên mục
Chuyện gì đang diễn ra với cổ phiếu CTF?

Chuyện gì đang diễn ra với cổ phiếu CTF?

Hàng triệu cổ phiếu CTF đang được dùng làm tài sản đảm bảo, thế chấp các khoản vay tại ngân hàng. Tuy nhiên việc cổ phiếu giảm giá mạnh có thể ảnh hưởng đến giá trị tài sản đảm bảo.

Tài chính - 20/11/2024 16:24

Bóng nhà chủ VNDirect đằng sau các đợt tăng vốn của CIENCO4

Bóng nhà chủ VNDirect đằng sau các đợt tăng vốn của CIENCO4

2 lần tăng vốn gần nhất của CIENCO4 đều gắn với một doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới nhà chủ CTCP Chứng khoán VNDirect, đó là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Trustlink.

Tài chính - 20/11/2024 10:49

Chính sách tiền tệ khó nới lỏng thêm

Chính sách tiền tệ khó nới lỏng thêm

Sức ép tỷ giá vẫn là nhân tố quan trọng để lãi suất khó giảm thêm.

Ngân hàng - 20/11/2024 09:48

Ngân hàng hưởng lợi từ áp dụng các tiêu chuẩn ESG

Ngân hàng hưởng lợi từ áp dụng các tiêu chuẩn ESG

Việc thực hành ESG sẽ giúp các các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận.

Ngân hàng - 20/11/2024 09:36

Eximbank 'bác' thông tin NHNN thanh tra cấp tín dụng

Eximbank 'bác' thông tin NHNN thanh tra cấp tín dụng

Eximbank khẳng định rằng không nhận được bất kỳ quyết định nào của NHNN về việc tiến hành thanh tra về các hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng trong thời gian gần đây.

Tài chính - 20/11/2024 06:30

Chứng khoán liên tục điều chỉnh, dấu hiệu nào cho biết đáy?

Chứng khoán liên tục điều chỉnh, dấu hiệu nào cho biết đáy?

Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh liên tục nhiều phiên liên tiếp, VN-Index về gần mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản kém cùng khối ngoại tiếp tục bán ròng khiến thị trường kém hấp dẫn hơn.

Tài chính - 20/11/2024 06:30

Gặp khó ở nhiều dự án, PTSC Quảng Ngãi làm ăn ra sao?

Gặp khó ở nhiều dự án, PTSC Quảng Ngãi làm ăn ra sao?

Trong 9 tháng đầu năm 2024, CTCP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC (PTSC Quảng Ngãi) ghi nhận hơn 1.184 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 22,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 74,3% và 69,4% so với cùng kỳ 2023.

Tài chính - 20/11/2024 06:30

Thấy gì từ diễn biến bán ròng của khối ngoại?

Thấy gì từ diễn biến bán ròng của khối ngoại?

Ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa thực sự hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì thế khối ngoại liên tục rút vốn và thanh khoản thị trường giảm dần qua từng tháng.

Tài chính - 19/11/2024 14:22

Thủy điện Hủa Na chi hơn 235 tỷ chia cổ tức cho các cổ đông

Thủy điện Hủa Na chi hơn 235 tỷ chia cổ tức cho các cổ đông

CTCP Thủy điện Hủa Na (HoSE: HNA) vừa lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 cho các cổ đông của công ty, với tổng số tiền hơn 235 tỷ đồng.

Tài chính - 19/11/2024 11:22

InvestingPro chính thức phân phối chứng chỉ quỹ mở do VCBF quản lý

InvestingPro chính thức phân phối chứng chỉ quỹ mở do VCBF quản lý

Vừa qua, Công ty Cổ phần InvestingPro đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank (VCBF). Theo thoả thuận đã ký kết, InvestingPro sẽ chính thức trở thành đại lý phân phân phối chứng chỉ quỹ mở do VCBF quản lý.

Chứng khoán - 19/11/2024 10:29

Bimico - vì đâu nên nỗi?

Bimico - vì đâu nên nỗi?

Từng là ngôi sao sáng với chuỗi tăng trưởng ấn tượng, tình hình kinh doanh của Bimico dần đi xuống trong nhiều năm. Hiện nay, phần lớn tài sản Bimico dồn vào khu công nghiệp và đầu tư mua cổ phiếu VLB.

Tài chính - 19/11/2024 06:30

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường

Hôm nay (ngày 18/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường qua 4 ngân hàng TMCP nhà nước và SJC. Giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.

Tài chính - 18/11/2024 11:16

Vinasun lãi chủ yếu từ bán xe cũ và quảng cáo, cổ đông ngoại muốn thoái sạch vốn

Vinasun lãi chủ yếu từ bán xe cũ và quảng cáo, cổ đông ngoại muốn thoái sạch vốn

Quỹ đầu tư TAEL Two Partners muốn bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNS của Vinasun. Nếu thành công, quỹ ngoại này sẽ 'cắt lỗ' thành công khi hạ tỉ lệ sở hữu về 0%.

Tài chính - 18/11/2024 10:15

Đô thị Kinh Bắc cần hơn 6.000 tỷ đồng để cơ cấu nợ

Đô thị Kinh Bắc cần hơn 6.000 tỷ đồng để cơ cấu nợ

Đô thị Kinh Bắc sẽ chào bán 250 triệu cổ phiếu cho 11 nhà đầu tư, giá không thấp hơn 16.200 đồng/cp. Công ty có nhu cầu hơn 6.000 tỷ đồng để cơ cấu các khoản nợ.

Tài chính - 18/11/2024 06:30

Đằng sau sự lao dốc của cổ phiếu GKM Holdings

Đằng sau sự lao dốc của cổ phiếu GKM Holdings

Cổ phiếu GKM Holdings đã bị thao túng trong giai đoạn tăng nóng cuối 2021 và đầu 2022. Đây cũng là khoảng thời gian Chứng khoán APG gom mua thành cổ đông lớn.

Tài chính - 17/11/2024 14:15

LPBank báo lãi gần 10.000 tỷ 10 tháng đầu năm

LPBank báo lãi gần 10.000 tỷ 10 tháng đầu năm

Chia sẻ tại EGM năm 2024, lãnh đạo LPBank cho biết lợi nhuận ngân hàng 10 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng tự tin sẽ vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao cho từ đầu năm.

Tài chính - 16/11/2024 17:09