Tín dụng tiêu dùng: đừng để quá nóng

Thị trường tín dụng tiêu dùng đang ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng từ cả phía cung và phía cầu. Tuy nhiên đi kèm với đó là những rủi ro đến từ thói quen quản lý tài chính cá nhân của người đi vay và áp lực quản lý nợ xấu.
QUANG HUÂN - TRỊNH HOÀNG
22, Tháng 05, 2018 | 07:20

Thị trường tín dụng tiêu dùng đang ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng từ cả phía cung và phía cầu. Tuy nhiên đi kèm với đó là những rủi ro đến từ thói quen quản lý tài chính cá nhân của người đi vay và áp lực quản lý nợ xấu.

1

 

Định nghĩa về tín dụng tiêu dùng được quy định trong Nghị định 39/2014/NĐ-CP, là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay, bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.

Hiện nay, đi tới đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp các quảng cáo chào mời cho vay tiền thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày với các khoản vay dao động trong khoảng từ một vài triệu đến dưới 100 triệu đồng. 

Đà tăng từ cả phía cung và phía cầu

2

 

Hoạt động tín dụng tiêu dùng tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây từ cả về phía cung và phía cầu.

Về phía cầu, mức sống ngày càng nâng cao cùng với sự lạc quan về triển vọng thu nhập trong tương lai khiến người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn ở hiện tại. Tính bình quân trong năm năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân 10%/năm.

Cơ cấu dân số trẻ khiến việc lập kế hoạch chi tiêu cho gia đình trở nên dễ dàng hơn, cùng với đó người trẻ cũng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm tài chính mới, thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng với các khoản vay thường giá trị thấp và cần thủ tục nhanh gọn. 

3

 

Về phía cung, sự tăng lên đáng kể số lượng các công ty tài chính (CTTC) tham gia cho vay tiêu dùng, cùng với các công ty trung gian thanh toán tạo động lực hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng tiêu dùng hiện tại vẫn chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại (hình 1). 

Sự tham gia sôi động của các CTTC góp phần giảm đáng kể các loại hình tín dụng đen. Hiện nay, riêng trong mảng cho vay tiêu dùng của các CTTC, bốn công ty lớn nhất gồm FECredit, HomeCredit, HD Saison và Prudential đã chiếm tới 84,45% thị phần(1). Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các CTTC khác cũng hứa hẹn cơ hội lựa chọn đa dạng hơn cho người tiêu dùng trong tương lai gần.

Tính đến hết năm 2017, nước ta có 16 CTTC đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt 17.468 tỉ đồng, tương đương với vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại tốp 5(2). Trong đó chỉ tính riêng trong năm 2017, nhiều CTTC mới đã được thành lập trên cơ sở mua lại/tái cơ cấu các CTTC hoạt động chưa hiệu quả, chẳng hạn như CTTC tiêu dùng SHB, MB Shinsei... 

Bên cạnh đó, hàng loạt các trung gian cho vay tiêu dùng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như F88, Tima.vn, DoctorDong.vn... mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng khiến thị trường càng thêm sôi động.

Dư địa cho tín dụng tiêu dùng vẫn còn lớn

Thị trường tín dụng tiêu dùng dự kiến còn dư địa tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Động cơ tăng trưởng đến từ (1) Triển vọng việc làm và thu nhập tăng cao, (2) Tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Cuộc chơi chắc chắn sẽ thu hút nhiều đối thủ mới tham gia. Trên thực tế, một số CTTC/ngân hàng có tiềm lực rất mạnh từ nguồn vốn cho tới tập hợp khách hàng mục tiêu rộng lớn nhưng vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi. Chẳng hạn, CTTC cổ phần Điện lực (EVNFC - có vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng và là một trong ba CTTC lớn nhất Việt Nam), hay những ngân hàng có mạng lưới chi nhánh rộng khắp cả nước (như LienVietPostBank) hiện vẫn chưa tham gia thị trường tín dụng tiêu dùng. Nếu những đơn vị này cùng tham gia, cục diện thị trường sẽ thay đổi đáng kể.

Cùng với đó, đối với các trung gian hỗ trợ hoạt động tín dụng tiêu dùng (như BankGo, Tima.vn), cơ hội phát triển cũng vô cùng lớn. Với ưu thế đặc biệt về khả năng ứng dụng công nghệ vào phân tích hành vi, quản lý khách hàng, các công ty này đang giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí giải ngân mỗi khoản vay. Điều này giúp các hoạt động tín dụng tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn đối với khách hàng, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý sẽ sớm được hoàn thiện, tạo sân chơi công bằng cho cả bên cho vay, bên đi vay và các trung gian. Một số quy định sẽ được triển khai sớm đó là việc buộc các công ty cho vay tiêu dùng phải niêm yết lãi suất cho các sản phẩm cụ thể. Điều này giúp người vay chủ động có được sự lựa chọn tốt nhất cho mình.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn từ sự phát triển quá nóng

Quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng trong những năm trở lại đây. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng lên tới 65% (năm 2016 đạt 50,2%) và đặc biệt gấp gần 3,5 lần tăng trưởng tín dụng nói chung. Việc tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cao tại một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ và nền kinh tế năng động không phải là quá xa lạ, nhưng khả năng kiểm soát rủi ro của kênh cho vay này lại là điều phải bàn đến. 

Thứ nhất, dòng vốn cho vay tiêu dùng vẫn chưa được kiểm soát tốt, tiềm ẩn nguy cơ vốn chảy vào các tài sản đầu cơ rủi ro. Trong cơ cấu tín dụng tiêu dùng tính đến thời điểm 31-12-2017, cho vay mua, sửa nhà chiếm 52,9% (cùng kỳ là 49,5%)(3). Đây được xem là các khoản vay rủi ro nhất bởi thường có giá trị lớn và thời hạn dài. Trong khi đó, nguồn vốn của các CTTC đến từ nguồn góp vốn của các ngân hàng(4) gây áp lực tới việc quản lý nợ xấu của hệ thống. 

Thứ hai, đa phần người dân chưa có thói quen xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân dẫn đến nhiều trường hợp vay mượn vượt quá khả năng chi tiêu của bản thân. Tình trạng phổ biến hiện nay đó là người dân tìm đến các dịch vụ tín dụng tiêu dùng sau khi đã không thể vay mượn từ bạn bè, người thân và cũng đã có nhiều khoản nợ nần từ bên ngoài mà Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) không thể ghi lại được. Do đó, CTTC hoặc ngân hàng rất khó đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Trong các năm tới, tín dụng tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 29-30%/năm trong khi tỷ lệ tiết kiệm của người dân ngày càng giảm sẽ gây áp lực tới khả năng trả nợ của người vay. 

Thứ ba, vấn đề pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa hoàn chỉnh. Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3-2017 nhưng chỉ quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng trực tiếp giữa bên cho vay với khách hàng. Trong khi đó, thị trường đã xuất hiện một số hình thức mới nằm ngoài sự điều chỉnh của quy định này. Chẳng hạn, vấn đề pháp lý đối với hoạt động của các nền tảng hỗ trợ cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer), tức là các bên trung gian kết nối người có tiền rảnh rỗi với những người có nhu cầu vay tiền - chẳng hạn như Tima.vn, vẫn chưa được điều chỉnh nên đang tạo ra nhiều tranh cãi. Điều này dẫn đến rủi ro cho tất cả các bên. Bên trung gian có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào, bên cho vay gặp rủi ro mất vốn, và bên đi vay có thể phải vay nặng lãi.

(1) Tham khảo tại https://biinform.com/Reports/E6D-preview-on-vietnam-consumer-finance-market-and-fintech-trends-8770.html 

(2) Tham khảo tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/htctctd/tctdpnh?_afrLoop=7536586340785000 

(3) Tham khảo 1 

(4) Tham khảo tại Báo cáo Tín dụng tiêu dùng - cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng, Công ty chứng khoán Rồng Việt, tháng 1-2018

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ