Tiền nhiều, nợ ít thúc đẩy tham vọng của PVFCCo

Nền tảng tài chính lành mạnh là nền tảng để PVFCCo đầu tư phát triển nhiều sản phẩm hóa chất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giảm tỷ trọng đóng góp của urê.
NGÂN HÀ
29, Tháng 10, 2023 | 07:00

Nền tảng tài chính lành mạnh là nền tảng để PVFCCo đầu tư phát triển nhiều sản phẩm hóa chất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giảm tỷ trọng đóng góp của urê.

dpm

PVFCCo sẽ đầu tư để đa dạng hóa sản phẩm, nguồn: PVFCCo

Tiền mặt dồi dào, nợ vay thấp

Theo BCTC quý III vừa công bố, tại thời điểm 30/9, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HoSE: DPM) ghi nhận 13.594 tỷ đồng tổng tài sản, riêng tiền và tiền gửi 7.018 tỷ đồng, tương đương 51,6% tổng tài sản. Doanh nghiệp có khối tài sản hữu hình nguyên giá 11.356 tỷ đồng, đã khấu hao 9.152 tỷ đồng.

Về mặt nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 11.307 tỷ đồng và nợ phải trả ở mức 2.286 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay chỉ hơn 500 tỷ đồng. Nguồn tiền dồi dào và nợ vay ít đảm bảo cho tham vọng phát triển trong tương lai của PVFCCo.

Hiện PVFCCo đang có danh mục dự án với tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng, sẽ cân đối từ vốn tự có và vốn vay để thực hiện. Theo kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và định hướng đến 2035, TCT dự kiến đầu tư một số dự án hóa chất, như dự án H2O2 (sản xuất Oxy già) công ty suất 40.000 tấn, tổng đầu tư 800 tỷ có tiềm năng hiệu quả từ khai thác khí Hydro có sẵn của nhà máy đạm Phú Mỹ; dự án sản xuất soda công suất 200.000 tấn, đầu tư 2.000 tỷ đồng sử dụng nguyên liệu từ NH3 và CO2 có sẵn của nhà máy, giai đoạn đầu tư 2024 – 2026; dự án Melamin công suất 40.000 tấn, tổng đầu tư 3.000 tỷ đồng, doanh nghiệp đang tìm thị trường để đánh giá cơ hội. Ngoài ra, tổng công ty cũng đang nhắm tới một số dự án nhỏ như sản xuất phân hữu cơ vi sinh, Adblue…

Về dài hạn, PVFCCo sẽ dịch chuyển từ sản xuất sang phân bón là chủ yếu sang phát triển, nâng cao tỷ trọng đóng góp của mảng hóa chất trong xu hướng dịch chuyển năng lượng như hiện nay.

PVFCCo được thành lập năm 2003 để vận hành nhà máy đạm Phú Mỹ - công trình đầu tiên của ngành hóa dầu tại Việt Nam, công suất 450.000 tấn NH3 và 740.000 tấn urê mỗi năm. Sau 20 năm hoạt động, nhà máy Đạm Phú Mỹ đã cho ra tấn urê thứ 15 triệu vào ngày 10/10/2023 vừa qua. Trong suốt 20 năm, nhà máy vẫn hoạt động đều đặn, ổn định và vượt công suất thiết kế.

Nhìn lại quá trình phát triển từ khi lên sàn chứng khoán (2007) đến nay, PVFCCo đều đặn mỗi năm đều trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, tỷ lệ tùy thuộc vào kết quả kinh doanh. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cân đối được nguồn tiền cho các kế hoạch phát triển và không cần huy động vốn từ cổ đông.

Để giảm chênh lệch giữ vốn chủ (13.307 tỷ đồng) và vốn điều lệ (3.914 tỷ đồng), lãnh đạo Đạm Phú Mỹ cho biết đang cân nhắc tăng vốn qua hình thức thưởng cổ phiếu.

Sản lượng tăng 12% lên gần 1 triệu tấn

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, PVFCCo cho biết lượng tiêu thụ phân bón 9 tháng đầu năm đạt 980.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ (urê) tiêu thụ được trên 690.000 tấn, cao hơn 50.000 tấn so với cùng kỳ 2022. Quý cuối năm, PVFCCo đặt mục tiêu vận hành sản xuất kinh doanh ổn định và sẽ đưa ra thị trường trên 300.000 tấn phân bón các loại.

Đây là kết quả kinh doanh khả quan trong tình hình khó khăn chung của thị trường. Thị trường phân bón thế giới ở tình trạng cung vượt cầu, việc xuất khẩu phân bón của Việt Nam trầm lắng gây áp lực cả về giá và cán cân cung cầu phân bón trong nước. Tại thị trường trong nước, 9 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn khi giá các mặt hàng phân bón liên tục giảm, trong khi nguồn cung dồi dào, đặc biệt là từ nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ từ Nga, Belarus…

PVFCCo cho biết, giá bán các mặt hàng phân bón và hóa chất cho đến quý III tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như giá bán urê giảm 35% và giá bán NH3 giảm 59%.

Bên cạnh đó, Tổng công ty còn gặp bất lợi khi giá khí đầu vào tăng cao. Theo thông tin tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6, hợp đồng mua ký của PVFCCo năm nay đã được ký với PV Gas (HoSE: GAS) và giá khí đã tăng hơn so với dự báo kế hoạch. Về nguồn cung cấp, sản lượng khí từ bể Cửu Long và nguồn khí Nam Côn Sơn giá thấp ngày càng giảm.

Trong bối cảnh khó khăn, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp như tập trung cho công tác bảo dưỡng nhà máy Đạm Phú Mỹ để hoàn thành vượt kế hoạch, giảm thời gian dừng máy, nhờ đó mà nguồn cung từ sản xuất của nhà máy được đảm bảo, linh hoạt các chính sách bán hàng, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng, tăng cường ứng dụng số trong sản xuất kinh doanh.

Điểm sáng là công tác quản lý chi phí của doanh nghiệp vẫn rất hiệu quả. Tổng chi phí bán hàng và quản lý 9 tháng ở mức 810 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả của việc thực hiện theo yêu cầu của HĐQT thực hiện tiết kiệm, tiết giảm tối đa.

Với những giải pháp trên, mặc dù khó khăn, PVFCCo đạt doanh thu 9.190 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 439 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ