Thu hút đầu tư khu Tây Bắc TP.HCM - Bài 2: Không thiếu những dự án treo

Nhàđầutư
Khu vực Tây Bắc TP.HCM có không ít dự án quy hoạch kéo dài cả chục năm nay khiến quyền lợi và đời sống người dân bị ảnh hưởng, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư cho khu vực này ỳ ạch.
VŨ PHẠM
29, Tháng 04, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Khu vực Tây Bắc TP.HCM có không ít dự án quy hoạch kéo dài cả chục năm nay khiến quyền lợi và đời sống người dân bị ảnh hưởng, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư cho khu vực này ỳ ạch.

Giấc mơ hàng chục năm

Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM nằm trên hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1998, kế thừa, cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 đã duyệt năm 2010. Dự án được định hướng thành một trong khu đô thị vệ tinh, trung tâm về phía Tây Bắc của thành phố; đầu mối thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa...

Khu đô thị này trải dài từ xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn qua các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, TT. Củ Chi, Phước Hiệp và Thái Mỹ của huyện Củ Chi. Quy hoạch treo từ lâu đã ảnh hưởng đến quyền lợi của 60.000 người dân.

Khoảng 20 năm về trước, khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 6.000ha vẽ nên viễn cảnh tươi sáng cho người dân trong khu vực được đổi đời. Song, đến nay, khu đô thị này này vẫn chỉ nằm trên giấy. Suốt nhiều năm thành phố kêu gọi đầu tư nhưng dự án chưa thể triển khai. Người dân không thể sửa chữa, mua bán hay sang nhượng trên chính mảnh đất của mình dù nhu cầu rất bức thiết.

Empty

Người dân sinh sống trong dự án treo khu đô thị Tây Bắc.

Bà Nguyễn Út (70 tuổi, xã Thân Thới Nhì) cho biết, việc xin phép xây dựng thậm chí là nâng cấp, sửa chữa nhà cửa đều rất khó khăn. Tôi, hay bất kỳ ai cũng muốn xây dựng một căn nhà hoàn chỉnh, khang trang. Nhưng chỉ vì quy hoạch treo nên việc bán đất, sang nhượng gần như là không thể. Hầu hết các mảnh đất ở đây đều là giấy viết tay.

"Cách đây hơn 20 năm, tôi có nghe về quy hoạch khu đô thị. Ai trong xã, ấp cũng mừng vì vùng đất quê mình được thay da, đổi thịt. Nhưng đến nay, tuổi cũng đã xế chiều, đất nhà thì rộng mà không được xây dựng. Quy hoạch nhưng không triển khai đã khiến đời sống người dân trong xã vô cùng khó khăn", bà Linh nói.

Tương tự, ông Bách (55 tuổi, xã Tân Phú Trung) cũng chia sẻ, khu đô thị Tây Bắc với tổng diện tích với tổng diện tích gần 6.000 ha đã được phê duyệt từ nhiều năm nay vẫn chưa thể triển khai. Dự án treo này đang ảnh hưởng đến đời sống của hơn 10.000 dân trên địa bàn. Hơn nữa, vì treo quá lâu khiến người dân không thể thực hiện tách thửa, xây nhà, con em thì thiếu cơ sở vật chất để học tập.

"Người dân bị ảnh hưởng trực tiếp thì sẽ ra sao đây khi nhà hư không thể sửa chữa, đất không thể mua bán, sang nhượng... 20 năm mòn mỏi chờ đợi, hơn 2/3 đời người, chỉ có ai sống trong quy hoạch treo mới hiểu cái cảm giác đi không được mà ở cũng không xong", ông Bách bức xúc.

Còn chị Hương, một người dân tỉnh lẻ đang sinh sống và làm việc lâu năm ở Củ Chi chia sẻ, mình rất yêu quý vùng đất này bởi đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, người dân giàu lòng nhân ái và chân thật. Một vùng đất trù phú, bằng phẳng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua hầu như Củ Chi không thay đổi. Các dự án treo làm chậm sự phát triển, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn cơ hội cho cò đất thao túng đất đai.

"Hy vọng các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức cho sự phát triển của Củ Chi thành một khu đô thị và công nghiệp hiện đại trong 5-10 năm tới", chị Hương bày tỏ.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Nhadautu.vn cho thấy, không chỉ khu đô thị Tây Bắc vướng quy hoạch treo, tại Hóc Môn và Củ Chi cũng còn nhiều dự án khác đang rơi vào tình trạng tương tự. Đơn cử như khu đô thị An Phú Hưng (huyện Hóc Môn), rộng gần 700 ha, được giao đất để đầu tư từ năm 2004 nhưng sau hơn 10 năm không thể đền bù giải toả. Đến năm 2016, UBND TP.HCM quyết định xoá bỏ dự án này.

Khu đô thị Đại học quốc tế rộng 924ha nằm trong khu đô thị Tây Bắc cũng chưa thể giải phóng mặt bằng để thực hiện dù được cấp phép từ năm 2008. Tương tự là dự án công viên Sài Gòn Safari rộng 456,5ha ở huyện Củ Chi gần 20 năm qua chưa hoàn thành, vì đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra.

Ông Trần Hồng (xã An Nhơn Tây) cho rằng, dự án Công viên Sài Gòn Safari cũng được phê duyệt hàng chục năm nay nhưng chưa tìm được chủ đầu tư. Với quy mô lên đến hàng trăm ha, sau nhiều lần lùi tiến độ, dự án này đang làm lãnh phí tài nguyên đất, kéo lùi sự phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, ông mong lãnh đạo chuyển đổi sang dự án phát triển khu công nghiệp công nghệ cao.

Bất cập trong quy hoạch

Cuối năm ngoái, TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung lập điều chỉnh quy hoạch phân Khu đô thị mới Tây Bắc nhằm phù hợp với quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Sở QH-KT TP.HCM sẽ hướng dẫn Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc hoàn tất các thủ tục pháp lý, bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ và trình đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 để UBND TP.HCM phê duyệt rồi thực hiện ngay.

Về lý do giảm diện tích, tăng quy mô dân số, Sở QH-KT TP.HCM cho biết, trong quy hoạch chung TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, khu đô thị Tây Bắc có quy mô 6.084 ha, ranh giới nằm trên 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, được định hướng trở thành khu đô thị vệ tinh của thành phố.

Empty

Một trong những lý do khiến nhiều dự án treo ở Hóc Môn, Củ Chi xuất phát từ công tác quy hoạch chưa phù hợp.

Sau khi duyệt quy hoạch, TP.HCM đã tập trung kêu gọi đầu tư thông qua việc thành lập Ban quản lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, 20 năm, khu đô thị này chưa thể triển khai do vướng mắc kéo dài về đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh quy hoạch.

Năm 2020, UBND TP.HCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc làm cơ sở lập đồ án theo quy định. Nhưng, trong quá trình Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc lập đồ án tiếp tục "vấp" phải một số vướng mắc như: khu vực quy hoạch có khu dân cư hiện hữu khoảng 58.000 người trên diện tích 1.674 ha, khu vực này không phù hợp là khu đô thị mới theo điều 3 Luật Quy hoạch (khu dân cư mới phải được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…) nên cần phải tách khu dân cư này ra khỏi quy hoạch.

Do đó, Sở QH-KT TP.HCM kiến nghị giảm quy mô khu đô thị này từ 6.084 ha còn 4.410 ha. Bên cạnh đó, sau khi tách khu dân cư hiện hữu khoảng 85.000 người (dự kiến năm 2025) ra thì quy mô dân số còn lại trên diện tích 4.410 ha rất thấp, không bảo đảm chỉ tiêu theo tiêu chuẩn, khó đáp ứng tính chất đô thị, không khả thi trong việc thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng đất.

Sở QH-KT TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 lên 600.000 người cho toàn khu đô thị. Và để tăng tính khả thi khi thực hiện quy hoạch, Sở này kiến nghị giảm quy mô khu đào tạo đại học từ 306 ha còn 150 ha để dễ thu hút đầu tư.

Trước đó, tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, cử tri 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi phản ánh không chỉ khu đô thị Tây Bắc mà còn nhiều dự án khác đã được quy hoạch từ rất lâu nhưng đến nay chưa thực hiện, gây lãng phí và kiến nghị thành phổ đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng, khu đô thị Tây Bắc có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, quy hoạch từ lâu đã ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân từ đó cũng bị ảnh hưởng.

"Việc TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh lập đồ án phân khu tỷ lệ 1/5000 cho khu đô thị Tây Bắc là phù hợp với tình hình thực tế và hết sức cần thiết. Chúng tôi mong muốn việc điều chỉnh sớm thực hiện. Đây sẽ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Đồng thời, giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân", vị lãnh đạo huyện Củ Chi bày tỏ.

Đồng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên nói một trong những lý do khiến nhiều dự án treo, khó triển khai, xuất phát từ công tác quy hoạch chưa phù hợp. Hiện, quy hoạch của huyện được phê duyệt từ năm 2010 đã không sát thực tế, và cũng chưa dự báo sự phát triển của địa phương trong tương lai.

"Hóc Môn rộng khoảng 11.000 ha mà có đến 36 đồ án quy hoạch là quá nhiều. Có những khu đất phải gánh đến bốn lớp quy hoạch khác nhau, gỡ lớp này lại vướng lớp kia, gây khó khăn cho nhà đầu tư…", ông Khuyên nhận định.

Kỳ tới: "Cần tạo sức bật đủ lớn"

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ