Thị trường chứng khoán Việt Nam: Góc nhìn của một người trong cuộc

Từ khi ra đời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những thăng trầm song hành cùng những biến động của kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.
NGUYỄN VĂN TOÀN - PHÓ CHỦ TỊCH VAFIE
02, Tháng 05, 2021 | 07:20

Từ khi ra đời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những thăng trầm song hành cùng những biến động của kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.

ck

Ảnh minh họa. Nguồn Hanoimoi.

Năm 2020, dịch bệnh Covid 19 đã đẩy kinh tế thế giới vào vòng xoáy suy thoái, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, mức độ còn trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Chỉ trong ba tháng, CKVN rơi từ gần 1000 điểm (tháng 12/2019) xuống còn 629 điểm (22/03/2020). Song cũng chính từ điểm đáy lịch sử này, CKVN đã bứt phá mạnh mẽ cả về điểm số, khối lượng giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0).

Tính đến cuối tháng 3/2021 CKVN đã lên mức xấp xỉ 1200 điểm, vượt khoảng gần gấp hai lần điểm đáy 22/03/220 và vượt 200 điểm so với trước đại dịch 12/2019. Thanh khoản bình quân trên cả hai sàn cỡ 18000 tỷ VNĐ mỗi ngày, gấp hơn ba lần trước đại dịch, số nhà đầu tư đăng ký mới tăng kỷ lục. Vậy đâu là nguyên nhân của những tăng trưởng đó, liệu có bền vững không, vai trò của những NĐT cá nhân, vai trò của NĐT nước ngoài, triển vọng của TTCKVN năm 2021?  Đó là những câu hỏi rất cần làm rõ.

Để trả lời những câu hỏi trên, nhiều chuyên gia tài chính, chuyên gia chứng khoán đã đưa ra những lập luận, những phân tích hết sức logic từ vĩ mô đến vi mô với những số liệu minh chứng.

Xin không nhắc lại những phân tích trên, chỉ xin lạm bàn từ một góc nhìn khác. Đối với nhà đầu tư cá nhân, ngoài việc học hỏi, thu lượm thông tin và phân tích thị trường còn một điều hết sức quan trọng là sự cảm nhận trước khi đưa ra những quyết định. Kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh luôn song hành cùng với những kế hoạch chiến lược và cả những quyết định thời điểm.

Trong mấy tuần gần đây CKVN đang thử thách mốc lịch sử 2000 điểm, về kỹ thuật vùng đỉnh được tính cộng trừ 2%, tức là từ 1176 đến 1224 điểm, đây là vùng điểm cao lịch sử, nếu chưa vượt qua 1224 điểm thì chưa thể gọi là vượt qua vùng đỉnh. Lịch sử CKVN đã hai lần thử thách vùng đỉnh này, đó là vào tháng 3/2007 (1179 điểm) và tháng 4/2018 (1211 điểm), liệu tháng 4/2021, CKVN liệu có chinh phục được vùng đỉnh này?

Nếu so sánh với hai thời điểm lịch sử trên với hiện nay, khi CKVN đi vào vùng đỉnh 1200 điểm, CKVN đã có rất nhiều khác biệt. Nếu tháng 3/2007, CKVN còn rất non trẻ, hầu hết các nhà đầu tư cũng vậy, họ ngây thơ nhập cuộc với những kiến thức mong manh và coi những tin đồn là cơ sở, thắng cũng rất ngẫu nhiên, thua cũng không thể đoán định.

Thời điểm 4/2018, CKVN sau những thăng trầm đã trưởng thành hơn, NĐT cũng chuyên nghiệp và khôn ngoan hơn, quản lý nhà nước về TTCK VN cũng bài bản hơn, về mặt kỹ thuật thực hiện giao dịch và quản lý cũng đã có những bước tiến đáng kể. Tuy vậy, nếu so với thời điểm hiện tại, CKVN đã có những bước tiến rất dài.

Quy mô của thị trường, tính thanh khoản đã tăng gấp ba lần thời điểm 2018, số tài khoản đăng ký mới tăng kỷ lục. Theo số liệu của Trung tâm lưu ký CKVN, đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trên TTCK VN là 2,77 triệu Tài khoản, tăng 400 nghìn tài khoản so với 2019. Số TK đăng ký mới này bằng gần một nửa số TK đăng ký mới trong 5 năm trước đó (2015-2019).

Trong năm 2020, TTCKVN năm trong nhóm phục hồi mạnh nhất thế giới. Vốn hóa TTCK/GDP cũng như số tài khoản/số dân cũng tăng trưởng đáng kể. Nói về vai trò của NĐT cá nhân, không thể phủ nhận, trong năm 2020, NĐT cá nhân đóng góp trên dưới 80% thanh khoản của thị trường mỗi phiên, góp phần quan trọng cho tăng trưởng quy mô và điểm số của CKVN.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, dòng tiền của NĐT cá nhân là dòng tiền đầu cơ, chảy vào thị trường rất mạnh mẽ khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc, song cũng rút khỏi thị trường rất nhanh khi có biến động, hiệu ứng tâm lý đám đông cũng chính là điểm yếu nhất của NĐT cá nhân, đặc biệt là những NĐT F0.

Song, nếu so sánh Nhà đầu tư F0 tại thời điểm hiện tại với các nhà đầu tư F0 tại thời điểm CKVN thử thách vùng đỉnh 1200 điểm năm 2007 thì đã có một sự khác biệt rất lớn về chất lượng: Thứ nhất về kiến thức, kinh nghiệm và thông tin, còn nhớ những năm đầu của CKVN, những lớp học về đầu tư CK nở rộ khắp nơi, trong khi các giảng viên cũng chỉ có một mớ kiến thức CK sách vở từ nước ngoài, kinh nghiệm cũng đọc và học từ nước ngoài, ở thời điểm đó các nhà đầu tư cá nhân thường nương theo hành động của NĐT nước ngoài để ra quyết định mua bán. Các NĐT F0 hiện tại thì khác hẳn, họ có đầy ắp thông tin và kho tàng kiến thức CK để nghiên cứu và học tập, họ có lớp đàn anh là các NĐT đã từng chìm nổi với những thắng thua trên thị trường CKVN để chia sẻ kinh nghiệm.

Hơn thế nữa, các công ty CK cũng lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn, cùng với sự cạnh tranh thu hút khách hàng, ngày càng hỗ trợ các NĐT thiết thực và hiệu quả hơn cả về thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và công cụ hỗ trợ khách hàng đầu tư CK. Hành lang pháp lý cho TTCK VN cũng hoàn thiện và minh bạch hơn.

Với hành trang khá đầy đủ mang theo, các NĐT F0 chắc chắn sẽ tự tin hơn, bản lĩnh hơn với tâm thế của người chủ động nhập cuộc, và trong số họ sẽ có nhiều người trở thành NĐT chuyên nghiệp. Cần có cái nhìn và đánh giá phù hợp về vai trò của NĐT F0 hiện tại và trong tương lai.

Đối với NĐT nước ngoài, nhiều chuyên gia đã giải thích nguyên nhân NĐT nước ngoài liên tục bán ròng trên TTCK VN và TTCK mới nổi trong thời gian qua, đó có thể là xu thế khi dòng tiền tìm đến các cơ hội tại các thị trường theo đánh giá sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid 19, song dòng tiền đó thậm chí không phải rút hẳn mà trực chờ cơ hội, thời điểm quay trở lại. Mặt khác các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT tổ chức được ví như những con tàu lớn (khác hẳn với các NĐT cá nhân như những con thuyền nhỏ), khi đầu tư vào TTCK mới nổi, trong đó có TTCK VN, họ cần tìm những luồng lạch đủ rộng và đủ sâu để con tàu có cuộc hành trình dài hơn mà không bị mắc cạn.

Về triển vọng của TTCK VN trong thời gian tới. Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, đồng thời điều chỉnh tăng triển vọng lên “Tích cực”.

Việc Ủy ban xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19.

Để đánh giá triển vọng CKVN năm 2021, xin trích dẫn nhận định của một người lão luyện trong giới đầu tư chứng khoán là ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ đầu tư Pyn Elite Fund với quy mô hơn 700 triệu USD. Khi đánh giá triển vọng TTCK Việt Nam, ông cho rằng, biến động của TTCK Việt Nam không ổn định, nhưng đó là đặc trưng của tất cả TTCK, đặc biệt là TTCK mới nổi.

Vấn đề quan trọng là cân nhắc giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro. Chỉ số VN-Index hiện ở vùng 1.200 điểm, tương ứng với đỉnh lịch sử tháng 4/2018. Đã 3 năm trôi qua và VN-Index vẫn vậy, dù lợi nhuận đã cải thiện và được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021, TTCK Việt Nam dù không tránh khỏi ảnh hưởng từ những biến động lớn trên thế giới, nhưng chỉ số VN-Index sẽ sớm đạt 1.800 điểm trong những năm tới. Ông Deryng cho rằng: “VN-Index đạt 1.500 điểm vào cuối năm 2021 là con số hợp lý”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ