Thép Thái Nguyên khủng hoảng, cơ hội cho Hoà Phát củng cố ngôi vương

Nhàđầutư
Dù làm ăn bết bát, nợ nần như chúa chổm, TISCO vẫn có sức hút riêng. Khi cổ đông Nhà nước là SCIC rút vốn, thì doanh nghiệp thép tư nhân Thái Hưng đã nhanh chân nâng tỷ lệ sở hữu. Đại gia thép Hòa Phát cũng từng bày tỏ ý định mua lại Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 của TISCO...
ANH MAI
22, Tháng 04, 2019 | 17:14

Nhàđầutư
Dù làm ăn bết bát, nợ nần như chúa chổm, TISCO vẫn có sức hút riêng. Khi cổ đông Nhà nước là SCIC rút vốn, thì doanh nghiệp thép tư nhân Thái Hưng đã nhanh chân nâng tỷ lệ sở hữu. Đại gia thép Hòa Phát cũng từng bày tỏ ý định mua lại Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 của TISCO...

Thoi thóp chờ ngày phán quyết

Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự  về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 - Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO).

5 cựu lãnh đạo liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam bao gồm: Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS); ông Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Vnsteel; ông Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng giám đốc TISCO; ông Trần Văn Khâm - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO và Ngô Sỹ Hán - nguyên Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO.

gang thep thai nguyen

 

Dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 được phê duyệt năm 2005 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3.843 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là hơn 8.104 tỷ đồng.

Được triển khai từ năm 2007, đến thời điểm tháng 4/2019, sau 12 năm triển khai, dự án vẫn trong tình trạng "đóng băng", còn TISCO thì đang nợ ngân hàng như "chúa chổm".

Từ năm 2011, TISCO đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án cho các ngân hàng. Tổng chi phí đầu tư của dự án đến thời điểm 31/12/2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 1.888 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra vào trung tuần tháng 4, tại báo cáo của HĐQT, TISCO đã thừa nhận việc Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút 1.000 tỷ đồng ra khỏi TISCO vào cuối tháng 4/2017 đã làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi, các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp.

"Đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền", báo cáo HĐQT TISCO nêu rõ.

Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản của TISCO đạt hơn 10.449 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 82% tài sản hình thành từ nguồn nợ phải trả. Hiện TISCO đang gánh khoản nợ hơn 8.570 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt hơn 2.583 tỷ đồng và 2.802 tỷ đồng.

Vô tình hay hữu ý?

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là doanh nghiệp thép đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép.

Sở hữu rất nhiều lợi thế như thương hiệu/sản phẩm tốt, thị phần rộng, nguồn nguyên liệu lớn, tài nguyên đất nhiều… TISCO sở hữu nhiều dự án đầu tư khai thác mỏ quặng sắt như mỏ sắt Trại Cau tại Hòa Bình, dự án thăm dò mỏ quặng sắt Bình Ca – Tuyên Quang, dự án đầu tư xây dựng đập ngăn bùn thải quặng đuôi Mỏ sắt Tiến Bộ, dự án thăm dò mỏ sắt Sùng Đô, Yên Bái, dự án thăm dò mỏ sắt Da Giẽ, Yên Bái…

Dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh của TISCO cũng có những biến động khá thất thường khi năm 2013 - 2014 lỗ nặng, rồi sang năm 2015 - 2016 có phục hồi nhưng 2017 lợi nhuận lại giảm mạnh và tiếp tục có dấu hiệu đi xuống.

Năm 2018, TISCO thu về 28 tỷ đồng lãi sau thuế, chưa bằng 1/3 số lãi năm 2017, tương đương 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra trước đó.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 vừa được công bố của TISCO với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Trong khi doanh thu tăng nhẹ 6% so với kỳ trước lên 2.810 tỷ đồng, thì lãi ròng của doanh nghiệp vốn được coi là "đại gia" ngành thép chỉ đạt 8,1 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, giảm 30% so cùng kỳ 2018.

Dù làm ăn bết bát, TISCO vẫn có sức hút riêng. Khi cổ đông Nhà nước là SCIC rút vốn, thì doanh nghiệp thép tư nhân - Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng đã nhanh chân nâng tỷ lệ sở hữu. 

Tại thời điểm 31/12/2018, cơ cấu cổ đông lớn của TISCO còn Tổng công ty Thép Việt Nam nắm 65% vốn, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng sở hữu 20% vốn. Mặc dù chỉ nắm 20% vốn nhưng Chủ tịch của Thái Hưng – ông Nguyễn Văn Tuấn, cũng chính là nhân tố nắm vị trí chủ chốt trong HĐQT của TISCO, đồng thời còn đưa thêm được một người vào HĐQT là ông Bùi Quang Hưng (Kế toán của Thái Hưng).

Hiện tượng "con voi chui lọt lỗ kim" không phải trường hợp hiếm gặp khi bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước. Bằng nhiều cách khác nhau, những ý đồ có thể phát sinh ngay từ trước khi bán vốn doanh nghiệp thông qua việc cố tình “dìm” giá trị doanh nghiệp như để doanh nghiệp thua lỗ rồi sau đó mua được giá rẻ. Dư luận nghi ngờ, không loại trừ khả năng những diễn biến ở TISCO cũng đi theo "lối cũ" này.

Cơ hội nào cho Hòa Phát?

Theo một số nguồn tin, không chỉ Thái Hưng có ý định nhòm ngó để "nẫng" nốt số cổ phần của TISCO vốn đang nằm trong tay Tổng công ty thép, một đại gia ngành thép khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long cũng từng bày tỏ ý định mua lại dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 của TISCO. 

Tại một buổi tọa đàm về nâng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, khi đề cập tới tình hình 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công thương, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết với trường hợp dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Tập đoàn Hòa Phát cũng đã sẵn sàng mua thép Thái Nguyên, chỉ cần được tính đúng tính đủ, công khai minh bạch, sẵn sàng tham gia đấu giá cũng như mua nếu trúng giá đấu.

images2194234_DJI_0205

Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.

Nói với Nhadautu.vn, một đại diện của Hòa Phát cho biết, dù từng quan tâm, tuy nhiên, Hòa Phát đã từ bỏ ý định mua lại sự án này.

Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có số ít các doanh nghiệp thép như TISCO, Hòa Phát, Formosa và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (dự án liên danh giữa Tổng công ty Thép với Trung Quốc tại Lào Cai) sở hữu quy trình sản xuất khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm.

Theo giới thiệu từ Hòa Phát, được đầu tư xây dựng có trên diện tích 132 ha, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương bao gồm một tổ hợp khép kín từ nhà máy chế biến nguyên liệu, nhà máy sản xuất than coke và nhiệt điện, nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép đến Nhà máy cán thép và nhiều khu phụ trợ khác.

Đáng nói thêm, Hòa Phát cũng đang đổ dồn rất nhiều tiền vào dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi, là dự án chiến lược quy mô lớn nhất từ trước tới nay của tập đoàn với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng. Trong đó, một nửa số vốn đầu tư cố định của dự án (khoảng 20.000 tỷ đồng) sẽ được vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác. 

Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ thực hiện theo công nghệ lò cao, khép kín theo mô hình mà tập đoàn Hòa Phát đã triển khai thành công ở tỉnh Hải Dương.

Theo số liệu báo cáo tới ngày 31/12/2018, tổng giá trị đầu tư xây dựng tại dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất của Hòa Phát đã lên tới 33.755 tỷ đồng. Dự kiến khi dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, tổng công suất thép xây dựng Hòa Phát sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Khu liên hợp này có công suất 4 triệu tấn/năm, trong đó thép xây dựng là 2 triệu tấn và thép cuộn cán nóng 2 triệu tấn/năm, đưa Hòa Phát vào top 50 các công ty thép lớn nhất thế giới và là công ty lớn nhất nhì trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2018, Hòa Phát dẫn đầu thị phần thép xây dựng với 23,8%, theo sau là Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel) với 17,2% và Thép Pomina với 9,8%. Tương tự với sản phẩm ống thép hàn, Hòa Phát dẫn đầu khi nắm thị phần 27,5%, bỏ xa đối thủ thứ hai là Hoa Sen với thị phần 17,3%.

Sự dẫn đầu về thị phần của Hòa Phát được thể hiện ở doanh thu 56.580 tỷ đồng trong năm 2018, cao hơn 66% so với doanh nghiệp đứng thứ hai là Hoa Sen. 

Quy mô sản xuất lớn, đồng bộ, khép kín sẽ giúp Hòa Phát kiểm soát được giá thành, củng cố sức cạnh tranh và vị thế trên thị trường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ