Tháo nút thắt hạ tầng cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Nhàđầutư
Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo động lực phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính vì vậy, thời gian qua các địa phương có đường cao tốc đi qua trong vùng đã "dốc toàn lực" để hoàn thành đúng tiến độ các công việc được giao.
AN HÒA
29, Tháng 04, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo động lực phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính vì vậy, thời gian qua các địa phương có đường cao tốc đi qua trong vùng đã "dốc toàn lực" để hoàn thành đúng tiến độ các công việc được giao.

hoang giam 3

Thi công cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh Hoàng Giám

"Chạy đua" với thời gian

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Ngay từ đầu năm 2023, Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công.

Dự án có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17 m, tổng chiều dài hơn 109 km, tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài gần 37 km; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài gần 73km.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn TP. Cần Thơ và 4 tỉnh là: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, Hậu Giang là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ tuyến đường này với chiều dài hơn 63km, chiếm 58% toàn dự án.

Ngoài tuyến cao tốc trên, tỉnh Hậu Giang còn được hưởng lợi từ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp được khởi công xây dựng trong năm 2023 này.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí Thư tỉnh ủy Hậu Giang, Trưởng ban chỉ đạo các dự án cao tốc tỉnh Hậu Giang cho biết, khi hai tuyến đường bộ cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành, địa phương sẽ có 100km đường cao tốc đi ngang qua, kết nối thông suốt với các tỉnh thành trong vùng và cả nước. Đặc biệt 2 tuyến đường cao tốc này sẽ giúp tỉnh Hậu Giang vực dậy tiềm năng phát triển các huyện vùng sâu như Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, tạo ra hành lang phát triển kinh tế mới cho địa phương.

"Các dự án này sẽ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, với quyết tâm cao, Hậu Giang huy động cả hệ thống chính trị, nỗ lực hết sức để hoàn thành các phần việc thuộc thẩm quyền; phối hợp với Ban Quản lý dự án (Bộ GTVT) và các địa phương trong triển khai thực hiện dự án", ông Thành nhấn mạnh.

Riêng Dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang với chiều dài gần 37km, tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng hơn 54ha với tổng số hộ ảnh hưởng khoảng 638 hộ, kinh phí đền bù dự kiến là 1.124 tỷ đồng. Đến thời điểm này, địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) được trên 50% diện tích.

Để đảm bảo tiến độ đề ra, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung, phấn đấu giao 100% diện tích mặt bằng cho các đơn vị thi công trong Quý II/2023.

Với đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau có chiều dài hơn 10km, Ban Quản lý dự án của 2 địa phương này cũng cho biết đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất.

Còn Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 188km, đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng - đây là tuyến cao tốc trục ngang trung tâm vùng, kết nối các trục dọc, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của vùng ĐBSCL.

"Tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung đặc biệt quan tâm dự án đường bộ cao tốc quan trọng này. Khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ kết nối thông suốt từ khu vực biên giới, giáp Campuchia thuộc tỉnh An Giang đến cảng nước sâu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới. Cảng Trần Đề không chỉ là cửa ngõ giao thương của vùng mà còn cung cấp dịch vụ logistics cho nước bạn Campuchia, góp phần rất lớn trong tăng thu hút đầu tư tại vùng ĐBSCL", ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được Trung ương giao cho các địa phương làm chủ đầu tư và triển khai xây dựng, với 4 dự án thành phần.

Hiện nay tỉnh Sóc Trăng cũng như các địa phương khác có tuyến đường cao tốc đi qua đang "chạy đua" với thời gian thực hiện công tác GPMB, lập thủ tục mời thầu và chuẩn bị nguồn vốn, vật liệu xây dựng, sẵn sàng cho việc thi công dự án này vào giữa năm nay.

cat sang rua xay dung

Sàng rửa cát nhiễm mặn để phục vụ công trình xây dựng cũng là một giải pháp cần nghiên cứu thực hiện để khắc phục tình trạng thiếu cát xây dựng. Ảnh TL

Vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trên địa bàn khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ, với tổng mức đầu tư các dự án khoảng 112.600 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc sẽ được triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, khoảng 47,8 triệu m3 và chủ yếu tập trung trong năm 2023 (17,8 triệu m3), năm 2024 (28,4 triệu m3).

Chính phủ đã ban hành các nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng các dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đều thiếu cát đắp nền.

Các tỉnh ĐBSCL đã cấp phép 66 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (trong đó cát san lấp là 14 triệu m3). Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tổng khối lượng cát đắp nền cho các tuyến cao tốc ĐBSCL khoảng 36 triệu m3. Tuy nhiên, chỉ có tỉnh Đồng Tháp, An Giang dự kiến cung cấp khoảng 3 triệu m3 cát cho 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến Cà Mau, trên tổng nhu cầu 18,5 triệu m3. Các địa phương còn lại vẫn chưa xác định được nguồn cát cung cấp cho dự án.

Để tháo gỡ khó khăn thiếu cát phục vụ xây dựng đường cao tốc, lãnh đạo Bộ GTVT, các địa phương kiến nghị và đã được Chính phủ cho phép rút ngắn thời gian, thủ tục giao các mỏ cát cho nhà thầu; cấp mới giấy phép khai thác; nâng công suất khai thác mỏ thêm 50%; rà soát, mở các mỏ khai thác mới.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương có đường cao tốc đi qua tại ĐBSCL mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các địa phương đã chủ động phối hợp, tìm giải pháp bảo đảm nguồn cát đắp nền cho các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia với ưu tiên cao nhất.

Theo Thông báo số 88/TB - VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp xây dựng Đề án khai thác thí điểm cát ngoài khơi phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng cát biển để thay thế vật liệu xây dựng, san lấp...

Để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng cùng đại diện các Bộ TN&MT, GTVT và chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, đánh giá về yêu cầu kỹ thuật, công nghệ xử lý cát nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn đưa vào công trình xây dựng, đảm bảo hiệu quả kinh tế kỹ thuật, bảo vệ môi trường,…

Bên cạnh khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, một số dự án giao thông cũng gặp khó khăn trong công tác GPMB. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có công điện gửi UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn tỉnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ