Thắng lợi ngoại giao và phát triển bất động sản du lịch

Dư luận quốc tế nói chung đã cho rằng Việt Nam tạo được một chính sách ngoại giao tuyệt vời để từ đó mảnh đất đã rơi vào chiến tranh liên miên trước đây, nay trở thành mảnh đất của hòa bình và phát triển kinh tế.
GS-TSKH. ĐẶNG HÙNG VÕ
17, Tháng 02, 2024 | 09:19

Dư luận quốc tế nói chung đã cho rằng Việt Nam tạo được một chính sách ngoại giao tuyệt vời để từ đó mảnh đất đã rơi vào chiến tranh liên miên trước đây, nay trở thành mảnh đất của hòa bình và phát triển kinh tế.

bdsdulich

Chính sách ngoại giao sẽ kích thích kinh tế du lịch và BĐS du lịch phát triển. Ảnh: BG

Sự thực, trong giai đoạn vừa qua, thế giới đã trải qua thời kỳ chiến tranh lạnh khá dài ở dạng lưỡng cực. Thế rồi sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã chuyển thế giới sang trạng thái đa cực.

Trong trạng thái này, có 3 cực lớn nhất đã nổi lên là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong hệ thống địa chính trị mới, nhiều cuộc chiến tranh cục bộ vẫn nổ ra, chứng tỏ thế giới vẫn chưa đạt được kỳ vọng thiết lập một trái đất thanh bình sau Đại chiến thế giới thứ hai dưới sự điều hành của Liên Hợp Quốc.

Trong hoàn cảnh thế giới chưa ổn định, Việt Nam đã xây dựng thành công một chính sách ngoại giao "chân thành", làm bạn với tất cả các quốc gia để biến đất nước thành một mảnh đất của hòa bình để phát triển kinh tế.

Việt Nam cũng là quốc gia chứng tỏ sự quyết tâm chống lại biến đổi khi hậu vì một trái đất xanh bằng những nỗ lực tăng nhanh tiến độ giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Cuộc chiến chống biến đổi khi hậu cần sự thống nhất của tất cả các quốc gia vì quyền lợi của cả loài người. Vì vậy, mô hình chính sách ngoại giao của Việt Nam đã tạo được hình ảnh khuôn mẫu ngoại giao của giai đoạn mới vì một trái đất xanh và hòa bình.

Vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam

Sự thực, quốc gia nào cũng muốn có một mối quan hệ quốc tế như Việt Nam. Cơ sở để chính sách ngoại giao như vậy được thành công là quốc gia đó phải xác định được mình có lợi thế nào mà các quốc gia khác cần đến. Trong bài toán địa chính trị và địa kinh tế quốc tế, mọi quốc gia đều nhìn thấy tuyến hàng hải nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong các tuyến nối 2 đại dương này, tuyến đi qua vùng biển Đông Việt Nam là tuyến duy nhất liên kết giữa vùng địa kinh tế Đông Á có mật độ kinh tế rất cao chuyển sang phía Tây qua Ấn Độ Dương. Chính vì vậy mà các nền kinh tế mạnh của vùng Đông Á như Viễn Đông của Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đều muốn quan hệ tốt với Việt Nam. Mặt khác, các nền kinh tế mạnh thuộc vùng Thái Bình Dương cũng muốn quan hệ tốt với Việt Nam trên tuyến hàng hải chuyển qua Ấn Độ Dương.

Từ đây, có thể thấy vùng biển Đông của Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong bàn cờ địa chính trị và địa kinh tế khu vực và toàn cầu. Tất nhiên, Việt Nam không phải là con đường duy nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, mà còn nhiều con đường khác nữa, ví dụ như qua Bangkok, hay qua Singapore. Tuyến hàng hải qua đâu sẽ được lựa chọn còn phụ thuộc dịch vụ logistics qua đó mất bao nhiêu tiền. Điều này phụ thuộc vào Việt Nam. Các quốc gia khác cũng có thể tính đến bài toán đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với các dự án phát triển dịch vụ logistics. Như vậy, có thể thấy Việt Nam có vị trí lợi thế trong bàn cờ địa chính trị, địa kinh tế khu vực và quốc tế.

Khi Việt Nam bày tỏ được niềm tin với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đã gác lại quá khứ để hướng tới một mảnh đất của hòa bình thì các quốc gia khác sẵn sàng hợp tác chân thành với Việt Nam. Chính sách ngoại giao của Việt Nam đã thành công như một hiện tượng nổi bật của năm 2023, và cũng trở thành một mô hình ngoại giao tuyệt vời trong giai đoạn phát triển hiện nay và cho mai sau.

Kinh tế du lịch và BĐS du lịch hiện nay

Sự bang giao quốc tế rộng rãi là cơ sở để phát triển kinh tế đối ngoại. Kể từ khi Đổi Mới (1986), chính sách phát triển của Việt Nam đã hướng tới việc xây dựng nềnkinh tế mở. Kể từ khi Việt Nam trong tình trạng "đứt bữa" do thiếu lương thực cho tới khi trở thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, chúng ta đã mất khoảng 5 năm. Nhưng cũng từ đó, xuất khẩu nông sản đã trở thành định hướng quan trọng của nền kinh tế. Từ đó, Việt Nam đã kiên trì định hướng phát triển mô hình nền kinh tế mở, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và định hướng tới 2045 trở thành quốc công nghiệp phát triển có thu nhập cao.

Bên cạnh kinh tế xuất - nhập khẩu hàng hóa, kinh tế dịch vụ du lịch ở Việt Nam phát triển hàng ngày với lượng du khách quốc tế ngày càng cao. Trong giai đoạn 2014 - 2018, các dự án đầu tư bất động sản (BĐS) du lịch,nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí phát triển rất mạnh. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đã được khu vực doanh nghiệp tư nhân hưởng ứng và đầu tư khá mạnh. Việt Nam đã có nhiều khu du lịch trên bản đồ du lịch thế giới như Hạ Long, Vân Đồn, Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam, Bắc Vân Phong, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc,...

Thế rồi COVID-19 đã xuất hiện như một dấu cắt ngang quá trình phát triển. Sau khi hết COVID-19, kinh tế du lịch đã từng bước phục hồi nhưng vẫn chưa đạt được lượng du khách như trước đây.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong kinh tế du lịch và BĐS du lịch, chúng ta cần nói tới một số nhược điểm đang tồn tại trong phát triển BĐS du lịch. Chúng ta cũng nhớ lại rằng, năm 2014 thị trường BĐS được gọi là đã phục hồi. Đấy là nói chung để tạo tâm lý lạc quan. Về thực chất, cần làm rõ nội tình của thị trường BĐS lúc đó. Sự thực, khi đó chỉ có 2 phân khúc đủ điều kiện để phát triển mạnh.

Một là phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ được phát triển nhờ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi xuất rất thấp, chỉ 4 - 5%. Đến cuối 2016, khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc thì cũng là lúc phân khúc này không còn điều kiện tài chính để phát triển.

Hai là BĐS du lịch kiểu mới do sáng kiến của các nhà đầu tư tư nhân. Được gọi là "kiểu mới" vì các dự án BĐS du lịch được chia nhỏ ra các đơn vị BĐS để bán cho các nhà đầu tư thứ cấp (kiểu cũ là các dự án BĐS vẫn do chủ đầu tư vận hành khai thác toàn bộ dự án). Hình thức đầu tư đã thay đổi nhưng khung pháp lý về đầu tư không có, nên quá trình đầu tư phát triển rất mạnh chỉ theo sự cam kết bằng miệng giữa chính quyền cấp tỉnh với các chủ đầu tư dự án, và giữa chủ đầu tư dự án với các nhà đầu tư thứ cấp. Sau 4 năm phát triển mạnh, đến 2018 khi cấp Giấy chứng nhận mới vỡ lẽ ra là chưa có khung pháp lý. Thế là sự trống vắng khung pháp luật cũng không được quan tâm tới cùng với những bế tắc của thị trường du lịch do COVID-19 gây ra. Vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo dựa trên một khung pháp luật phù hợp. Hiện mới chỉ có phần mở rộng phạm vị kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai đã được đưa vào Luật Kinh doanh BĐS vừa mới được Quốc hội thông qua, còn Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa được thông qua.

Bên cạnh 2 phân khúc nói trên được phục hồi và phát triển mạnh, phân khúc nhà ở thương mại lại rơi vào thừa cung và nợ xấu. Cũng mãi tới 2018, tình trạng nợ xấu mới tạm được xử lý xong và đủ điều kiện để tiếp tục phát triển. Tiếp theo, đến 2020 các xung đột pháp luật trong phạm vi thị trường BĐS đã tác động làm cho rất nhiều dự án đầu tư BĐS không thể phê duyệt được.

Dự án bị ách tắc trong phê duyệt cũng làm cho nguồn vốn chính để phát triển BĐS từ hình thức bán BĐS hình thành trong tương lai cũng bị ách tắc theo. Như vậy, kể từ giữa 2022, thị trường BĐS rơi vào ảm đạm và cho tới hết 2023 thị trường vẫn chưa được cải thiện.

Chính sách ngoại giao sẽ kích thích kinh tế du lịch và BĐS du lịch phát triển

Như trên đã nói, chính sách ngoại giao mới của Việt Nam đã tạo ra mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với tất cả các quốc gia phát triển, các nền kinh tế mạnh. Đây là cơ sở để tạo dựng một khung cảnh thuận lợi cho kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Việt Nam đã đạt được kim ngạch xuất - nhập khẩu lớn nhất với 2 nền kinh tế đứng đầu thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đã từ một nền kinh tế trì trệ trước ngày đổi mới, nay đã là một nền kinh tế trong nhóm mạnh ở ASEAN.

Trong khu vực kinh tế đối ngoại, kinh tế du lịch đang có triển vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Như ta đã biết, kinh tế du lịch đã bị chững lại do COVID-19 gây ra, đến nay đang trong quá trình phục hồi từng bước.

Kinh tế du lịch phát triển là cơ sở để phát triển BĐS du lịch. Triển vọng phát triển đã quá rõ ràng, mọi việc còn lại hoàn toàn do chính người Việt Nam quyết định. Để phát triển BĐS du lịch, chúng ta cần quan tâm tới việc đổi mới một số vấn đề mang tính then chốt.

Thứ nhất, ngoài phạm vi ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân cần được đẩy mạnh để tăng cường sự trao đổi quốc tế thuộc khu vực các tổ chức khoa học, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp,... Có như vậy sự hợp tác quốc tế mới được mở rộng và có sự tham gia của toàn xã hội.

Thứ hai, các điều kiện tiếp nhận du khách quốc tế, thủ tục hành chính của việc đi ra nước ngoài và tiếp nhận du khách nước ngoài cần thật giản dị. Khi đi lại dễ dàng thì sự gắn kết quốc tế được hình thành và bền chặt.

Thứ ba, khung pháp luật về BĐS du lịch đã được đổi mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, cần quan tâm đặc biệt trong nội dung Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm được thông qua và đổi mới một số luật khác có liên quan như Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa, Luật Lâm nghiệp,...

Thứ tư, quy hoạch phát triển các vùng du lịch cần được bàn định kỹ lưỡng sao cho kết hợp được du lịch với các cảnh quan thiên nhiên và công trình văn hóa do con người xây dựng.

Vài lời kết luận

Kinh tế thế giới, cũng như Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do tàn tích của COVID-19 và sự xung đột địa chính trị trên thế giới. Trong khó khăn này, Việt Nam đã tạo dựng được một chính sách ngoại giao đặc sắc, làm bạn hợp tác chiến lược với tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng trên con đường biển huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Sự thắng lợi ngoại giao này là cơ sở để phát triển mạnh mẽ kinh tế đối ngoại, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kinh tế du lịch dựa vào thu hút mạnh du khách quốc tế. Cầu về du lịch là điều kiện tốt để tăng cung về BĐS du lịch. Đây chính là điều kiện để phát triển thị trường BĐS nước ta mạnh mẽ hơn nhiều.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ