Sửa đổi 5 luật thuế: Tất cả gánh nặng đặt lên vai người dân, doanh nghiệp

Nhàđầutư
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi một số điều của 5 Luật thuế do VCCI tổ chức sáng 14/9.
THỦY TIÊN
14, Tháng 09, 2017 | 14:24

Nhàđầutư
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi một số điều của 5 Luật thuế do VCCI tổ chức sáng 14/9.

21754911_1593073667415907_323096342_o

 Hội thảo góp đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của 5 luật thuế

Theo bà Phạm Chi Lan, đến nay kết quả của bản đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế vẫn chưa được công bố. “Đến nay vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh. Thứ hai là tác động đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế ra sao, trong báo cáo tác động có đề cập không, ngành nào sẽ thua thiệt nhất. Thứ ba là điều chỉnh trong luật này có phù hợp với chiến lược phát triển các ngành không, việc khuyến khích phát triển ngành nọ, không phát triển ngành kia có được phản ánh trong điều chỉnh thuế hay không?” - chuyên gia này đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ việc không tin tưởng vào bản đánh giá tác động của Bộ Tài chính nếu được công bố. “Tôi không chờ đợi bản đánh giá tác động do chính cơ quan soạn thảo chính sách làm vì sẽ không khách quan, mà phải có một đánh giá khách quan của một cơ quan độc lập”.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ để sửa đổi 5 luật thuế là chưa đủ thuyết phục. Thứ nhất là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đề cấp tất cả các vấn đề về ngân sách chứ không chỉ nguồn thu. Bà Lan cho rằng bội chi ngân sách cao là chi tiêu không hiệu quả, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước nắm trong tay… chứ không phải do thu ít. “Đó mới là khía cạnh quan trọng hơn nhiều, thì sẽ được đưa ra ở kênh nào, vì hiện nay tái cơ cấu đầu tư công chưa hiệu quả. Nếu chỉ giải đáp ở khía cạnh thu thì không đủ”.

Một căn cứ nữa được Bộ Tài chính đưa ra cũng khiến chuyên gia này băn khoăn, đó là Chiến lược thuế 2011 - 2020. “Tôi không tin ở những chiến lược đề ra rất lâu rồi mà ta vẫn bám vào nó, lại chỉ bám vào những thứ phù hợp với cái ta định làm. Phải xem tính hợp lý chiến lược có còn hay không".

21733842_1593073827415891_1304527518_o

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tăng thuế là đặt thêm gánh nặng lên vai người dân và doanh nghiệp 

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, trong Dự án sửa đổi 5 Luật Thuế, nhiều loại thuế chưa được đưa vào. Ví dụ, thuế xuất nhập khẩu. “Lần này sửa 5 luật, liệu vài năm nữa có sửa thêm 5 luật thuế khác nữa không và 2 lần sửa có đảm bảo thống nhất không?”- bà Lan đặt câu hỏi.

Cũng theo vị chuyên gia này, đấy chỉ là về thuế. Còn phí thì vô cùng nhiều, doanh nghiệp chịu cả một rừng phí, cộng lại thì vô cùng khủng khiếp. Cơ quan nắm tài chính của Nhà nước thì phải tính đến những khía cạnh đó chứ không phải tách riêng ra từng phần chỉ để phục vụ mục tiêu của mình. Cuối cùng tất cả gánh nặng đặt lên vai người dân, doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia về thuế hải quan Đặng Thị Bình An cho hay, tính thống nhất giữa các cơ quan cũng như trong chính Bộ Tài chính khi xem xét các Luật thuế vẫn rất hạn chế. Năm 2008 đến 2013, chúng ta sửa một lần, 2014 sửa một lần. Và rất nhiều nội dung lúc đưa ra, lúc đưa vào, đưa ra rồi lại đưa vào, không mang tính ổn định. Bà An lấy ví dụ về thuế VAT ví dụ về các quy định thuế phân bón. Lúc đưa ra đưa vào, không thống nhất. Điều này gây khó cho doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp ngại khi đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, bà An cũng cho rằng, cần cân đối thống nhất với các Luật khác. Sửa 5 Luật nhưng có những nội dung liên quan đến các Luật khác không đưa vào đây. “Ví dụ sửa thuế xuất – nhập khẩu, Luật Thuế xuất – nhập khẩu cũng có những câu tương tự như thế” - bà An nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt, ông Cao Tiến Vị, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là 10%, thuế VAT với mặt hàng nước ngọt tăng từ 10% lên 12% và thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6% sẽ làm giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường tăng khoảng 12%.

"Việc này sẽ kéo theo hệ lụy là tăng giá thành sản phẩm khiến người tiêu dùng đắn đo hơn, kéo theo doanh số giảm, làm doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động hàng loạt. Chưa kể giá bán cao còn dẫn đến tình trạng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành và Nhà nước phải tăng chi phí để chống buôn lậu" - ông Vị phân tích.

Cũng theo ông Vị, cần chứng minh một cách khoa học rằng nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì và tiểu đường.

"Cần công bố rõ béo phì có phải chỉ do uống nước ngọt hay còn do những nguyên nhân khác, chẳng hạn ăn thức ăn nhanh hay tồn dư thuốc tăng trọng trong một số loại thực phẩm. Nếu còn vì những nguyên nhân khác thì chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt liệu có công bằng không?" - ông Vị hỏi và đề nghị nếu phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt thì chỉ nên áp thuế ở mức thấp, từ 1%-3% và có lộ trình.

Ngày 12/9/2016, Bộ Công Thương có Quyết định số 3690 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia rượu – giải khát Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035. Theo quy hoạch này, mục tiêu phát triển nước giải khát sẽ tăng trưởng nhanh, năm 2020 đạt mục tiêu 6,8 tỷ lít, năm 2025 mục tiêu là 9,1 tỷ lít và năm 2035 là 15,2 tỷ lít. Vì vậy, việc Bộ Tài chính đưa mặt hàng nước ngọt vào tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ hạn chế sức phát triển của mặt hàng này và đi ngược lại với quy hoạch của Bộ Công Thương.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ