'Sẽ khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức 20% công suất hệ thống'

Nhàđầutư
Chia sẻ về định hướng phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Sẽ khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống; đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, ưu tiên phát triển theo hướng tự sử dụng là chính (80% tự sử dụng, 20% bán ra).
ĐÌNH VŨ
13, Tháng 10, 2021 | 17:27

Nhàđầutư
Chia sẻ về định hướng phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Sẽ khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống; đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, ưu tiên phát triển theo hướng tự sử dụng là chính (80% tự sử dụng, 20% bán ra).

Ngày 13/10, Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương đã tổ chức diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững". 

Phát biểu đề dẫn, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy, xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn (gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh, methanol...). Trong đó, khí tự nhiên đóng vai trò là bước trung gian cho quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng năng lượng ngày càng được cải thiện và các dạng năng lượng cuối được sử dụng dưới dạng điện đang ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải do ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ, nhất là các công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư. Một số xu hướng chính gồm: Dịch chuyển dần từ dầu sang khí; tăng cường tích hợp lọc-hóa dầu; phát triển năng lượng tái tạo; sự phát triển của nền kinh tế methanol, nền kinh tế hydro; chuyển hóa CO2; tiết kiệm năng lượng...

20211013_084711

Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững. Ảnh: NT

"Nhiều tập đoàn dầu khí trên thế giới đã xác định định hướng chiến lược chuyển đổi từ mô hình tập đoàn dầu khí thành tập đoàn năng lượng để thích ứng với xu thế và yêu cầu chuyển dịch năng lượng", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, ông Hiển cho biết, đối với Việt Nam, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững. Theo đó, mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; Ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045...

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết: Nhờ các chính sách khuyến khích thời gian qua, nhất là trong 2 năm 2019-2020, đã có sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện NLTT chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn NLTT đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, sự phát triển quá nhanh của NLTT cũng mang đến những hệ luỵ không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500 kV (do điện mặt trời/điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung, nơi có tiềm năng tốt hơn), tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.

Về định hướng phát triển điện mặt trời trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT cho biết, sẽ khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được (khoảng 20% công suất hệ thống) kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thuỷ điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong (internal combustion engine - ICE), pin lưu trữ, v.v... và nâng cao khả năng điều khiển hệ thống điện cho các Trung tâm Điều độ.

Ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác), đấu nối vào lưới điện 35 kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu và các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước với điều kiện việc lắp đặt thiết bị trên mặt nước không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của công trình, hồ chứa, hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản.

Xây dựng chính sách hợp lý cho các dự án lưu trữ năng lượng theo hướng khuyếnkhích chủ đầu tư các dự án đầu tư hệ thống lưu trữ khi giá thành hệ lưu trữ phù hợp.

Về điện gió, Bộ Công Thương định hướng, việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - vận hành để không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.

Với các dự án điện gió ngoài khơi, chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế (chi phí đầu tư, vận hành - bảo dưỡng) và hệ thống hạ tầng lưới điện giải toả công suất được chuẩn bị sẵn sàng.

Về hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đại diện Cục Điện lực và NLTT cho biết, từ trước tới nay, chủ đầu tư các dự án điện (bao gồm cả các dự án NLTT) hầu hết đều được lựa chọn thông qua hình thức giao trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND các tỉnh). Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tinh thần cơ bản là Chủ đầu tư các dự án (trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Luật) sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu, thực hiện sau bước phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) và đàm phán với EVN về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sử dụng là chính. Để khuyến khích, giá bán điện dư của các dự án này có thể nghiên cứu quy định ở một mức phù hợp, điều chỉnh theo năm và nằm trong khung giá phát điện mặt trời do Bộ Công Thương ban hành hàng năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ