Sau 30 năm vẫn là nhân công giá rẻ

Việc mở cửa thị trường để tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 1987 đã đem tới động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam.
16, Tháng 10, 2018 | 09:30

Việc mở cửa thị trường để tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 1987 đã đem tới động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam.

Thành quả của chính sách này thể hiện rõ nét qua những con số như tỷ lệ đóng góp vào GDP của khối doanh nghiệp FDI đến 20%, tạo ra hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

FDI fff

Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn hầu như chỉ chọn những ngành, những công đoạn sử dụng nhiều lao động phổ thông để đầu tư. Ảnh: Thành Hoa.

Tuy nhiên vẫn còn những mục tiêu rất quan trọng, đó là thông qua thu hút FDI để chuyển giao công nghệ hiện đại vào Việt Nam, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì còn rất xa tầm tay. Đến nay, sau 30 năm, Việt Nam vẫn phải dựa vào lợi thế về nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài. Còn quan hệ giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước thì giống như những đối thủ cạnh tranh một mất một còn hơn là đối tác cùng vào sinh ra tử.

Bằng chứng rõ nét của xu hướng trên là đến nay các doanh nghiệp nước ngoài vẫn hầu như chỉ chọn những ngành, những công đoạn sử dụng nhiều lao động phổ thông để đầu tư và chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Thêm vào đó, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tuy chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng hầu hết giá trị cấu thành các sản phẩm xuất khẩu đó lại đến từ nguyên vật liệu, linh kiện và phụ kiện nhập khẩu, còn phần trong nước chủ yếu là phí nhân công và một số dịch vụ về hạ tầng...

Trong suốt thời gian dài, Việt Nam vẫn thích chạy theo số lượng, mà cụ thể là số vốn đầu tư đăng ký, hơn là chất lượng của dự án. Thậm chí, để thu hút được FDI, nhiều địa phương không ngại tiếp nhận cả những dự án có rủi ro lớn về môi trường hoặc chạy đua đưa ra những chính sách ưu đãi mà nhiều chuyên gia kinh tế mô tả là “tình trạng cạnh tranh xuống đáy”.

Bên cạnh đó, tình trạng môi trường kinh doanh và đầu tư chưa minh bạch, thiếu ổn định và khó dự đoán, luật lệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực thi nghiêm khắc cộng với thủ tục hành chính nặng nề và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm... khiến cho nhà đầu tư nước ngoài chưa an tâm để đưa những “tài sản” quan trọng của họ vào Việt Nam, mà thay vào đó là chọn những công đoạn dễ để khai thác thị trường nội địa cũng như tận dụng nhân công giá rẻ và các ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho Việt Nam để xuất khẩu.

Hiện nay trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến động, Việt Nam có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Vấn đề còn lại là chúng ta có tận dụng được cơ hội này hay không và tận dụng được đến mức nào. Để trả lời được câu hỏi đó, cần bắt đầu bằng việc tìm hiểu và đưa ra giải pháp nhằm giải tỏa hết những ưu tư, lo lắng của nhà đầu tư để họ có thể yên tâm chọn Việt Nam để “gửi vàng”. Ba mươi năm là khoảng thời gian đủ để nhiều nền kinh tế vượt lên trở thành nước công nghiệp phát triển, còn ta thì vẫn lận đận, vẫn phải đắn đo cân nhắc mỗi khi đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân, dù mức tăng chỉ tính bằng trăm ngàn đồng cho mỗi tháng.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ