Quyền lớn, tiền nhiều và những thách thức cho tân Chủ tịch 'siêu Uỷ ban' Nguyễn Hoàng Anh

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến quản lý 30 Tập đoàn, Tổng công ty với số vốn và tài sản lên tới 5,4 triệu tỷ đồng. Những thách thức, khó khăn nào đang chờ đợi ông Hoàng Anh ở phía trước?
NGUYỄN THOAN
09, Tháng 02, 2018 | 12:36

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến quản lý 30 Tập đoàn, Tổng công ty với số vốn và tài sản lên tới 5,4 triệu tỷ đồng. Những thách thức, khó khăn nào đang chờ đợi ông Hoàng Anh ở phía trước?

sieu-uy-ban

 Ngày 5/2/2018, Chỉnh phủ đã ban hành Nghị quyết thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Vị trí Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ("siêu Uỷ ban") sẽ là một chiếc ghế nóng trong thời gian tới khi phần nhìn thấy được với đa số các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chủ yếu là thách thức.

"Tiền chùa" khó tránh rủi ro đạo đức, xung đột lợi ích

Trả lời câu hỏi, những thách thức nào cho Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước mà cụ thể hơn là người đứng đầu, tân Chủ tịch siêu Uỷ ban - ông Nguyễn Hoàng Anh? TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đơn vị được giao nghiên cứu, xây dựng phương án thành lập siêu Uỷ ban cho rằng: Siêu Uỷ ban quản lý khoảng 30 Tổng công ty, Tập đoàn, trong đó có cả SCIC. Cùng với đó, dòng tiền mà siêu Uỷ ban quản lý là rất lớn khoảng trên 5 triệu tỷ đồng. Vì thế, bộ máy siêu Uỷ ban sẽ luôn đứng trước các vấn đề về xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức, mà không thể triệt tiêu nó.

Cụ thể, người đứng đầu siêu Uỷ ban này sẽ có quyền lực rất lớn vì được quản lý một lượng tiền lớn của các doanh nghiệp nhà nước tập hợp lại. Vì vậy, theo ông Thành, muốn giảm thiểu rủi ro đạo đức, xung đột lợi ích trong Uỷ ban này cần có một cơ chế phân quyền rõ ràng và giám sát chặt chẽ trước hết từ Chính phủ, sau đó là Quốc hội.

Theo ông Thành, có 3 điều siêu Uỷ ban cần làm được là minh bạch - giám sát;  năng lực - chuyên nghiệp; chức năng, quyền lực gắn với nguyên tắc cây gậy - củ cà rốt (thưởng phạt phân minh). Quyền lực càng lớn, giám sát càng cần phải chặt chẽ và minh bạch.

Với siêu Uỷ ban, đây là một cuộc chơi thị trường, cuộc chơi lớn với dòng tiền rất lớn. Ông Thành đồng thuận với đề xuất rằng, cần có một nhóm tư vấn gồm nhiều chuyên gia am hiểu về kinh doanh, về thị trường tài chính, trò chơi thị trường và có thể nên có cả chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.

Thoái vốn DNNN khó hay dễ?

Trong nghị quyết TW5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã chỉ ra những vấn đề còn hạn chế của lực lượng nòng cốt này.

"DNNN hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế; cùng với đó, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai chậm, quá trình cổ phần hoá còn nhiều yếu kém, tiêu cực".

Trên đây sẽ là những khó khăn lớn mà Chủ tịch siêu Uỷ ban quản lý khoảng 30 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ phải đối mặt. Làm sao để thoái vốn DNNN có hiệu quả? Để DNNN hoạt động có hiệu quả, không còn thất thoát, thua lỗ? sẽ là những câu hỏi lớn Chủ tịch siêu Uỷ ban phải đối mặt thời điểm hiện tại.

Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, yêu cầu bức thiết của siêu Uỷ ban này là thu nhỏ lại được khối DNNN. Vì thế cần phải quyết liệt và tốc độ hơn trong thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thời gian tới.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không đồng tình với quan điểm của ông Thành, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng: Thoái vốn là quan trọng, nhưng không thể vì thế mà "nhắm mắt đưa chân", thoái cho bằng được mà không biết thế nào là đúng sai, tốt xấu. 

Theo đó, ông Kiên đặt vấn đề "cần phải xác định thế nào là thoái vốn?", cùng với đó là trả lời câu hỏi "thế nào là nhà nước không cần có vai trò". Lấy ví dụ cụ thể như thoái vốn Sabeco, 51% cổ phần đã thuộc về một người Thái Lan. Vậy là tốt hay xấu? Thị trường bia Việt 10 năm nữa sẽ ra sao? Liệu có phương án thoái vốn nào tốt hơn không?

Theo ông Kiên, 2 nhiệm vụ quan trọng nhất mà siêu Uỷ ban này cần giải quyết được là hiệu quả sử dụng vốn và vấn đề cán bộ, người làm trong Uỷ ban đó. Cụ thể, quản lý trên hiệu quả sử dụng vốn là xem mỗi năm doanh nghiệp đó chia bao nhiêu cổ tức, có mang lại hiệu quả cho đồng vốn nhà nước bỏ ra không? Cùng với đó là quản lý những người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó. Anh có làm hết trách nhiệm không, có góp ý để sử dụng đồng vốn đó hiệu quả không?

Quản lý siêu Uỷ ban, quyền lớn tiền nhiều nhưng trách nhiệm cũng không nhỏ. Có những ý kiến băn khoăn rằng, đứng trước những đại án, những vụ án liên quan tới quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp gần đây, có nên có một cơ chế để những người làm công việc quản lý vốn nhà nước không "sợ" trách nhiệm mà không dám làm gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sẽ không có một cơ chế đặc biệt nào cho những người làm ở đây. Bởi gắn với trách nhiệm là quyền lợi và họ phải chịu trách nhiệm với những quyết định, việc làm của mình. Vì thế, ai cảm thấy đủ năng lực, đủ "gan" thì hãy nhận công việc được giao, còn nếu thấy không đủ tố chất, đủ năng lực thì nên nhường lại vị trí đó cho người khác.

Hiện vẫn chưa có phương án cuối cùng cho phương thức hoạt động của siêu Uỷ ban này với các doanh nghiệp sẽ quản lý hay Uỷ ban quản lý tới đâu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số các chuyên gia, ngồi chiếc ghế nóng Chủ tịch siêu Uỷ ban cần phải là một nhà chính trị và có một đội ngũ giúp việc giỏi chuyên môn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ