[Quản trị bằng văn hóa] Bài cuối: Biến văn hóa thành sức mạnh mềm và chỗ dựa vững chắc để doanh nghiệp vượt khó

Nhàđầutư
Doanh nghiệp nên nhìn vào bên trong và đánh giá lại văn hóa mình một cách bài bản; xem đâu là cốt lõi, đâu là nền tảng của văn hóa; đâu là thứ đã làm nên thành công ...Từ đó tìm ra cách thức vận dụng những điều đó biến thành "sức mạnh mềm" và làm chỗ dựa vững chắc để vượt khó.
THẮNG QUANG
15, Tháng 02, 2024 | 13:00

Nhàđầutư
Doanh nghiệp nên nhìn vào bên trong và đánh giá lại văn hóa mình một cách bài bản; xem đâu là cốt lõi, đâu là nền tảng của văn hóa; đâu là thứ đã làm nên thành công ...Từ đó tìm ra cách thức vận dụng những điều đó biến thành "sức mạnh mềm" và làm chỗ dựa vững chắc để vượt khó.

Đó là chia sẻ của CEO Công ty Blue C Lê Quang Vũ với Nhadautu.vn về lời khuyên dành cho doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa. 

Blue C là thành viên của tập đoàn MVV Group. Blue C đã thực thi các dự án tư vấn cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với quy mô hàng nghìn nhân viên như Vietnam Airlines, Viettel, TNG, EMS…, giúp các doanh nghiệp gia tăng nội lực thông qua các giải pháp tư vấn, đào tạo văn hoá doanh nghiệp, truyền thông nội bộ và trải nghiệm nhân viên.

Mời đọc Bài 1: Văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng ra sao khi kinh tế suy thoái?

Bài 2: Doanh nghiệp Việt dùng 'chiêu vượt cơn gió ngược' giữ chân nhân viên

Bài 3: Các thương hiệu nổi tiếng thế giới làm văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Bài 4: Doanh nghiệp tiết kiệm từng đồng cũng phải có chiến lược phát triển văn hóa

Là chuyên gia tư vấn xây dựng văn hoá doanh nghiệp cho nhiều tập đoàn, công ty lớn, ông có thể chia sẻ thực trạng xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở Việt Nam?

CEO Lê Quang Vũ: Theo quan sát của tôi, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến văn hóa doanh nghiệp. Có thể là do họ đã nhận thức tốt hơn, hiểu đúng hơn về vai trò của văn hóa doanh nghiệp; cũng có thể sau giai đoạn khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp bắt đầu "ngấm đòn" và nhận ra vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cách tiếp cận sai khi triển khai văn hóa doanh nghiệp, mà ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng gặp phải. Điều đầu tiên đó là đa số các doanh nghiệp khi làm văn hóa vẫn thiên về bề nổi, chạy theo hình thức, thấy người ta làm thì cũng làm theo. Ngoài ra, việc thực thi văn hóa tại một số doanh nghiệp vẫn mang tính "nhiệm kỳ", dẫn đến thiếu sự xuyên suốt và chưa tập trung vào chiều sâu.

Thứ hai là dù có quan tâm nhiều hơn đến văn hóa nhưng doanh nghiệp vẫn chưa dành đủ nguồn lực cho văn hóa. Nguồn lực ở đây bao gồm cả thời gian của lãnh đạo, ngân sách, nhân sự chuyên trách… Đặc biệt là sự ủng hộ và làm gương của lãnh đạo đối với văn hóa doanh nghiệp vẫn chưa đủ.

le-quang-vu

CEO Công ty Blue C Lê Quang Vũ. Ảnh: Blue C.

Văn hóa là "sức mạnh mềm" để giữ chân nhân tài

Như ông vừa chia sẻ, nhìn chung mức độ quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa doanh nghiệp vẫn chưa đủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp Việt vẫn "vượt cơn gió ngược", làm tốt việc xây dựng văn hóa, giúp giữ chân nhân viên trước làn sóng bỏ việc. Ông có thể lý giải kỹ hơn về vai trò của văn hóa trong việc gia tăng gắn kết nhân viên?

CEO Lê Quang Vũ: Có một lý thuyết về mức độ gắn kết của nhân viên đối với tổ chức đó là công thức 3S. Chữ S đầu tiên đó là "Say" có nghĩa là nhân viên gắn kết với tổ chức sẽ nói những điều tốt đẹp về doanh nghiệp của mình. Chữ S thứ hai là "Stay" tức là họ sẽ ở lại lâu dài với tổ chức đó. Và chữ S thứ ba là "Strive" tức là họ nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của công ty.

Văn hóa cũng là "sức mạnh mềm" để giữ chân nhân tài không rời bỏ tổ chức trước những lời mời hấp dẫn hơn về mức lương.

CEO LÊ QUANG VŨ

Đối chiếu theo công thức này thì, điều đầu tiên văn hóa làm được đó là giúp tạo ra những nội dung, câu chuyện để mọi người nói về công ty, thông qua đó gia tăng niềm tự hào của nhân viên đối với tổ chức. Đó là "Say". Thứ hai, văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra một môi trường làm việc tốt, những mối quan hệ thân thiết, tạo ra sự gắn kết, yêu quý giữa các thành viên trong tổ chức, khiến họ mong muốn gắn bó với tổ chức lâu dài. Đó là "Stay".

Một doanh nghiệp khi làm tốt văn hóa sẽ giúp cho các thành viên trong tổ chức được là chính mình, có cơ hội để phát triển bản thân và được ghi nhận xứng đáng và kịp thời với những nỗ lực của họ. Và nhờ vậy, họ sẽ nỗ lực làm việc với hiệu suất cao hơn, mang lại nhiều giá trị hơn cho công ty. Đó chính là "Strive".

Như vậy, theo công thức 3S, văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp gia tăng sự gắn kết của nhân viên đối với tổ chức. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm được những nhân sự phù hợp với tổ chức. Khi doanh nghiệp làm tốt việc xây dựng và lan tỏa văn hóa ra bên ngoài, điều này đồng thời cũng sẽ thu hút các ứng viên có hệ giá trị, quan điểm sống, làm việc phù hợp với văn hóa của công ty.

Khi đặt giữa hai lựa chọn tương đương về vị trí công việc, mức lương, thì văn hóa trở thành lợi thế để thu hút nhân tài từ bên ngoài vào. Mặt khác, văn hóa cũng là "sức mạnh mềm" để giữ chân nhân tài không rời bỏ tổ chức trước những lời mời hấp dẫn hơn về mức lương.

Mặt khác, "sức mạnh mềm" của văn hóa (đặc biệt ở các doanh nghiệp có số lượng nhân sự lớn lên đến hàng chục nghìn người) còn thể hiện rõ nét trong công tác quản trị tổ chức. Bởi với những tổ chức lớn, việc quản trị bằng các hệ thống quy trình là không đủ. Quản trị bằng văn hóa là sự bổ sung cần thiết để doanh nghiệp có thể tạo ra những nhân sự làm việc chủ động, tự giác hơn và hiệu quả sẽ cao.

Tất cả những điều trên giúp chúng ta thấy rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong việc giữ chân nhân viên cũng như tìm kiếm nhân sự phù hợp, đóng góp vào sự phát triển của tổ chức.

Văn hóa số giúp cho việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn

Nói về tác động của văn hóa đối với sự phát triển của tổ chức, thời gian gần đây, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?

CEO Lê Quang Vũ: Thực ra là chả riêng gì Việt Nam, mà cả thế giới đều thấy văn hóa số vô cùng quan trọng trong chuyển đổi số. Một nghiên cứu của Capgemini (công ty tư vấn toàn cầu về chuyển đổi số) với hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn cầu, cho biết: 62% nhà lãnh đạo cho rằng các vấn đề liên quan đến văn hóa là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nếu chúng ta chuyển đổi số mà không quan tâm đến văn hóa số thì khả năng thất bại là rất cao.

Nói về văn hóa số, nó cũng có những đặc tính riêng, ví dụ như: Luôn luôn lấy khách hàng làm trung tâm; đề cao dữ liệu, ra quyết định dựa trên dữ liệu; đề cao đổi mới, sáng tạo; linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thị trường; đề cao sự hợp tác cả bên trong và bên ngoài.

Trong khi đó, bản chất của chuyển đổi số là thay đổi tư duy và cách thức tổ chức cách vận hành, cách làm việc để tạo ra những cái giá trị mới trên nền tảng công nghệ số. Khi mình kết nối văn hóa số cùng với các đặc tính của nó vào với chuyển đổi số (thay đổi tư duy trên nền tảng công nghệ) thì dễ dàng nhìn thấy những lợi ích mà văn hóa số mang lại.

Đầu tiên, văn hóa số giúp cho việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn bởi vì văn hóa số (với đặc trưng thích ứng nhanh) sẽ giúp tổ chức đó linh hoạt hơn, ra quyết định nhanh và chính xác hơn (nhờ đặc tính đề cao dữ liệu và quyết định dựa trên dữ liệu). Mặt khác, văn hóa số giúp hiệu quả hơn, bởi nếu đầu tư vào công nghệ nhưng tư duy của người sử dụng công nghệ không thay đổi, không có ý thức xây dựng hệ thống dữ liệu cho công nghệ đó, thì đó sẽ là đầu tư lãng phí. 

Thứ hai, văn hóa số với đặc tính lấy khách hàng làm trung tâm sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra những giá trị mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nhờ vậy mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và cả nhân viên. Khi trải nghiệm nhân viên tốt hơn thì hợp tác nội bộ cũng tốt hơn.

Tương tự, khi doanh nghiệp linh hoạt, thích ứng tốt với các yêu cầu của bên ngoài; khai thác hiệu quả các dữ liệu, phát huy tốt nguồn lực bên trong; các yếu tố này sẽ tạo ra tác động qua lại, tương trợ lẫn nhau. Đấy là chính là vai trò của văn hóa số trong việc hỗ trợ tổ chức chuyển đổi một cách nhanh gọn, linh hoạt, hiệu quả hơn.

van-hoa-so

CEO Lê Quang Vũ chia sẻ về xây dựng văn hóa số. Ảnh: Blue C.

Để chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp cần sự đầu tư nghiêm túc cho văn hóa số. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy 2024 sẽ là một năm khó khăn về kinh tế, theo ông điều này ảnh hưởng như thế nào đến mức độ đầu tư cho văn hóa số và văn hóa doanh nghiệp nói chung?

CEO Lê Quang Vũ: Để nói về ảnh hưởng của khó khăn kinh tế đối với mức độ đầu tư cho văn hóa, đầu tiên phải xét xem lãnh đạo đang nhìn nhận như thế nào về văn hóa. Nếu lãnh đạo coi văn hóa là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tổ chức, là công cụ quản trị hiệu quả hay một lợi thế cạnh tranh lâu dài, khi đó văn hóa doanh nghiệp sẽ giống như một khoản đầu tư.

Còn nếu lãnh đạo coi văn hóa chỉ là một hoạt động nội bộ, hay như một chiến dịch để giải quyết một yêu cầu, một vấn đề ngắn hạn nào đó thôi thì văn hóa doanh nghiệp là một khoản chi phí. Tùy thuộc vào việc chúng ta coi đó là một khoản đầu tư hay là một khoản chi phí, điều này sẽ quyết định nguồn lực chúng ta dành cho văn hóa.

Thứ hai, theo góc nhìn của tôi, khó khăn cũng chính là động lực để phát triển. Một doanh nghiệp mà không có khó khăn thì dễ bị dẫm chân tại chỗ, dễ hài lòng về những gì đang có. Khó khăn xuất hiện để chúng ta có áp lực và động lực để nỗ lực đi lên. Và khi đó, văn hóa sẽ hỗ trợ giải quyết những bài toán của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững hơn. Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn và tư duy như thế.

Trong bối cảnh hiện tại (khó khăn chung về kinh tế, yêu cầu chuyển đổi số…), ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp trong việc phát triển văn hóa trong năm 2024?

CEO Lê Quang Vũ: Như tôi vừa chia sẻ, khó khăn chính là phép thử tốt nhất đối với văn hóa doanh nghiệp. Khi mà mọi thứ đều ổn, chúng ta sẽ khó nhận ra đâu là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Còn khi khó khăn, chúng ta sẽ có cơ hội để nhìn lại bên trong tổ chức, xem cái gì thực sự là cốt lõi để giữ gìn, bảo tồn; cái gì không phù hợp, cần phải loại bỏ; cái gì cần điều chỉnh hay bổ sung để phù hợp với giai đoạn tiếp theo.

Lúc này, khó khăn chính là cơ hội để nhận ra những giá trị cốt lõi. Bên ngoài càng nhiễu động bao nhiêu, thì càng nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ càng dễ tìm ra giải pháp phù hợp bấy nhiêu.

Như vậy, trước khó khăn, theo quan điểm của tôi, đầu tiên doanh nghiệp nên nhìn vào bên trong và đánh giá lại văn hóa mình một cách bài bản; xem đâu là cái cốt lõi, đâu là cái nền tảng của văn hóa; đâu là thứ đã làm nên thành công cho chúng ta trong quá khứ và sẽ tiếp tục đảm bảo thành công cho chúng ta ở trong tương lai. Từ đó tìm ra cách thức vận dụng những điều đó, biến thành "sức mạnh mềm" và làm chỗ dựa vững chắc để vượt khó.

Tôi tin nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam mình đa số đều rất lớn, rất tiềm năng. Nếu chúng ta mở được chìa khóa văn hóa, xây dựng được tình yêu của mọi người với công ty, và khai phá được tiềm năng của trong mỗi người; thì tổ chức mà họ yêu quý, gắn bó và tự hào cũng sẽ tăng trưởng lên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ