Sức mạnh mềm từ văn hóa kiến quốc

Xét tổng thể thì quan hệ giữa văn hiến - văn minh - văn hóa, nước Đại Việt ta có truyền thống lâu đời. Chân tủy của nó là căn cứ vào một đại lượng văn hóa tối cao và tối thượng - Con người. “Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào” và “Tột cùng văn hóa là con người”.
PGS, TS, NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG
13, Tháng 02, 2024 | 11:55

Xét tổng thể thì quan hệ giữa văn hiến - văn minh - văn hóa, nước Đại Việt ta có truyền thống lâu đời. Chân tủy của nó là căn cứ vào một đại lượng văn hóa tối cao và tối thượng - Con người. “Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào” và “Tột cùng văn hóa là con người”.

Untitled

 

Sức mạnh mềm từ truyền thống văn hóa cứu quốc

Nếu hiểu “Văn hiến là truyền thống văn hóa tốt đẹp và lâu đời” thì nền văn hiến Đại Việt như tuyên bố hào sảng của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” và “Hào kiệt thời nào cũng có”. Nhưng hào kiệt xưa thường là những võ tướng nổi danh trong trận mạc, chốn sa trường chống ngoại xâm, là những “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (Trần Nhân Tông).

Có thể nói, từ gốc gác các truyền thuyết của dân tộc ta thì mẫu người anh hùng hào kiệt là những người đánh giặc, lập công cứu nước…

Nhưng cũng từ trong những truyền thuyết ấy, đã xuất hiện ý tứ về vai trò khác khi đất nước yên bình. Trong sự tích Thánh Gióng, đánh xong giặc Ân thì bay lên trời. Gần sử sách hơn là sự tích Hồ Hoàn Kiếm, sau khi đánh tan giặc Minh, vua Lê trả kiếm cho Thần Kim Quy, cũng bởi sứ mệnh cứu quốc đã hoàn thành, hết giặc rồi thì trả gươm, là lẽ thường.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”.

Chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước các đế quốc hùng mạnh của thế kỷ XX là chiến thắng của văn hóa yêu nước. “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh).

Văn hóa yêu nước ấy chính là văn hóa cứu quốc. Có thể thâu tóm văn hóa cứu quốc trong những mệnh đề quan trọng là sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam, như “Lòng căm thù giặc”, “Tinh thần dĩ công vi thượng”, “Tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng”, “Hào kiệt thời nào cũng có”...

Văn hóa cứu quốc cho đến những thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn là nòng cốt khi thế giới đang sốt xình xịch từng ngày ngọn lửa chiến tranh, bom đạn chết chóc tàn phá hủy diệt vẫn đang là nguy cơ nhỡn tiền.

Văn hóa cứu quốc vì thế gắn với khát vọng hòa bình, yên bình, với tinh thần dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, bảo vệ văn hóa dân tộc trong những cuộc xâm lăng văn hóa song hành với xâm lăng lãnh thổ của kẻ xâm lược.

Những yêu cầu mới về kiến quốc trong văn hóa

Nếu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam trong thời đại cách mạng và chiến tranh luôn đậm nét với “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”, thì trong thời kỳ hậu chiến, nhất là khi bước vào kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với thế giới mở theo xu thế toàn cầu hóa, đã đặt ra những yêu cầu khác so với trước đây.

Cần phải nêu cao xây dựng văn hóa kiến quốc đồng hành với văn hóa cứu quốc có truyền thống mấy ngàn năm nay.

Rất có thể trong chiến tranh chúng ta là những người anh hùng bất khả chiến bại, trăm trận trăm thắng, nhưng phẩm tính thời chiến do văn hóa thời chiến hun đúc, có thể ta sẽ bị “lạc”, “sái”, “nguội”, “nhạt” trong những cơn bão của thị trường chứng khoán, cuộc chiến giá cả, trước vỡ nợ, phá sản, khủng hoảng…

Nghĩa là con người phải đối diện với những thực tế không có tiền lệ, khác với văn hóa cứu quốc do có truyền thống lịch sử chống ngoại xâm hàng nghìn năm nên có nhiều kinh nghiệm của tiền nhân hơn.

Sâu xa hơn là do nhãn giới của chúng ta còn bị o bế của những tự đánh giá “ta là trung tâm”, đã quen với “con hát mẹ khen hay”. Tâm lý “tự sướng” như một “vòng kim cô” trói buộc vô hình hay hữu hình cảm xúc, cảm tính của chúng ta, lúc nào cũng coi là “bảo bối”, “cẩm nang”, khiến ta trở nên thiếu khát vọng mạnh mẽ để vươn lên những tầm cao mới trong sáng tạo, dựng xây và kiến thiết.

Xét về thực tiễn thì chúng ta đang ở mức phân khúc “nhập siêu văn hóa”. Trạng huống này thể hiện rõ nhất trong các ngành điện ảnh, âm nhạc, văn học. Phim nước ngoài thống ngự sóng của VTV và các đài truyền hình địa phương, các ban nhạc ngoại quốc đè bẹp ban nhạc Việt, trẻ con đọc truyện tranh của Nhật Bản, Hàn Quốc đến mức nghiện...

Trong thế giới mở, trong xu thế toàn cầu hóa, mặc nhiên chúng ta không thể đóng cửa. Nhưng chúng ta phải mở cửa theo tinh thần vừa chấp nhận những tiếp biến văn hóa vừa có ý thức chọn lọc và sáng tạo nên những bản sắc riêng của mình.

Sức mạnh mềm trong chiến lược xây dựng văn hóa kiến quốc

Văn hóa thời đại mới, cốt lõi phải là văn hóa kiến quốc, do đó cần thiết kiến tạo nên những con người mới có tinh thần kiến quốc cao cả. Phẩm chất của con người mới, xét về văn hóa, phải là những cá nhân có trí tuệ sâu sắc, có trái tim nhân văn và tầm nhìn xa rộng, phải biết sáng tạo và hiến kế, có tinh thần xây dựng hơn là phê phán, chê bai, đạp đổ…

Những chính sách văn hóa hiện nay có vẻ đã đủ nhưng thiếu điều kiện cần, chưa nhận thức sâu sắc để thấu triệt “giáo dục là quốc sách” đồng nghĩa với “chấn hưng giáo dục là chấn hưng văn hóa”.

Trong phạm trù văn hóa có cặp khái niệm “bảo tồn và “phát triển”, “tiếp thu và vận dụng” các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới. Sự mắc mớ nếu có chính là ở chỗ, đôi khi chúng ta vẫn bị trì níu nếu chỉ chăm lo bảo tồn mà sao nhãng phát triển; hoặc mải miết tiếp thu mà ít quan tâm vận dụng sáng tạo.

Trong bối cảnh văn hóa đang là “từ khóa” chi phối đời sống từ vĩ mô đến vi mô thì văn hóa kiến quốc cần được đề cao trong xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, là một trong các trụ cột của phát triển xã hội bền vững, đúng với tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III (11/2021): “Văn hóa còn thì dân tộc còn!”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ