[Quản trị bằng văn hóa] Bài 4: Doanh nghiệp tiết kiệm từng đồng cũng phải có chiến lược phát triển văn hóa

Nhàđầutư
"Doanh nghiệp dù có kiếm ăn từng ngày, tiết kiệm từng đồng thì vẫn cần phải có chiến lược để phát triển văn hóa doanh nghiệp và chờ thời cơ lớn mạnh", bà Lương Tú Anh, CEO Công ty TNHH Nodex Asia nhận định.
LƯƠNG TÚ ANH - CEO Công ty TNHH Nodex Asia
14, Tháng 02, 2024 | 14:32

Nhàđầutư
"Doanh nghiệp dù có kiếm ăn từng ngày, tiết kiệm từng đồng thì vẫn cần phải có chiến lược để phát triển văn hóa doanh nghiệp và chờ thời cơ lớn mạnh", bà Lương Tú Anh, CEO Công ty TNHH Nodex Asia nhận định.

Mời đọc: Bài 1: Văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng ra sao khi kinh tế suy thoái?

Bài 2: Doanh nghiệp Việt dùng 'chiêu vượt cơn gió ngược' giữ chân nhân viên

Bài 3: Các thương hiệu nổi tiếng thế giới làm văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, một khái niệm trừu tượng. Doanh nghiệp tồn tại và phát triển song hành cùng văn hoá doanh nghiệp như hai mặt của một vấn đề. Nguồn lực văn hoá có sức mạnh, nhiều khi vượt ra khỏi nhận thức của Nhà lãnh đạo. Theo một khảo sát của Deloitte, 94% CEO và 88% nhân viên tin rằng, văn hoá doanh nghiệp mang tính quyết định đến thành công của doanh nghiệp.

Quản lý văn hóa trở nên khó khăn hơn

Chúng ta đều nhận thấy thế giới ngày càng thay đổi phức tạp, gắn kết thành hệ thống với nhau và mang tính đa văn hóa, những yếu tố đó khiến cho các nhà quản trị ngày nay sẽ gặp phải nhiều thách thức trong quản lý văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp, suy cho cùng được tạo ra, được áp dụng vào, được phát triển và được kiểm soát bởi các các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong một thế giới VUCA biến đổi khôn lường, các nhà lãnh đạo gặp những khó khăn và thuận lợi gì trong quản lý văn hoá doanh nghiệp? Với 20 năm trong ngành nhân sự và tư vấn chiến lược đào tạo dành cho doanh nghiệp, kiến thức của tôi vẫn còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, với 20 năm quan sát và song hành với hàng trăm tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài và trực tiếp điều hành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tôi hy vọng rằng những ý kiến chia sẻ của mình sẽ giúp nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thêm những góc nhìn phân tích để tham khảo về quản lý văn hoá doanh nghiệp, một yếu tố mang tính chiến lược, tăng khả cạnh tranh, tăng giá trị doanh nghiệp và quyết định thành bại của doanh nghiệp.

van-hoa-doanh-nghiep4

Văn hoá doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp, có kết quả vượt trội, vừa đóng góp cho thành công của doanh nghiệp, vừa tạo dựng vị thế tốt cho họ khi phải đối mặt với thách thức. Ảnh: Blue C.

Các ngành nghề và lĩnh vực kiến thức trên toàn thế giới ngày càng trở nên phức tạp và biến đổi, áp dụng kỹ thuật và công nghệ đa dạng hơn, dẫn đến văn hoá nghề nghiệp càng khác biệt và ngày càng xuất hiện nhiều khác niệm khác nhau. Có thể thấy việc quản lý văn hoá bộ phận trong tổ chức cũng trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ về công nghệ thông tin như sự lên ngôi của các công nghệ AI, VR/AR, 5G, Robotics, Blockchain, IoT, điện toán lượng tử, điện toán biên…dẫn đến sự liên kết toàn cầu đang thay đổi về mặt bản chất của việc định nghĩa công việc, xác định phạm vi và kết quả hoàn thành công việc.

Ngoài ra, sự toàn cầu hoá trong các tổ chức và các nhóm làm việc đa văn hoá ngày càng nhiều hơn và phát triển hơn như khi các doanh nghiệp thực hiện các thương vụ M&A (mua bán sát nhập) ngày càng tăng, khó khăn khi đó là làm thế nào để nhanh chóng đào tạo được một nhóm nhân sự triển khai đa quốc gia, đa ngành nghề, làm thế nào để thuận lợi phối hợp và triển khai công việc một cách hiệu quả sau khi sát.

Khi đó, việc nghiên cứu về văn hoá tổ chức sẽ mang lại chỉ dẫn về cách thức tư duy và triển khai công tác đào tạo này. Cuối cùng, biến đổi khí hậu và yêu cầu về tính bền vững cũng sẽ là một yếu tố đòi hỏi doanh nghiệp có sự chuẩn bị và sẽ ảnh hưởng đến các cập độ văn hoá đã được xây dựng.

Trách nhiệm về môi trường đang là xu hướng là yêu cầu tất yếu với những hợp đồng hợp tác và chuỗi cung ứng, do đó, người lãnh đạo cũng cần xác định Sứ mệnh và gía trị cốt lõi được thể hiện dưới góc độ văn hoá.

10 yếu tố then chốt của văn hóa doanh nghiệp

Một ủy ban quốc tế gồm nhiều chuyên gia, từ lĩnh vực hoạt thuật đến giới thực hành kinh doanh đã phát triển 10 khía cạnh then chốt về văn hoá doanh nghiệp chuyên sâu. Nhóm nhà nghiên cứu từ Bertelsman Stiftung và công ty Booz Allen Hamilton đã thực hiện khảo sát trong 10 năm và thẩm định doanh nghiệp, kết quả thu được là kết luận "văn hoá doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp, có kết quả vượt trội, vừa đóng góp cho thành công của doanh nghiệp, vừa tạo dựng vị thế tốt cho họ khi phải đối mặt với thách thức".

10 yếu tố then chốt như sau: Định hướng mục tiêu chung; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; các niềm tin, thái độ và giá trị phổ biến; quản trị doanh nghiệp minh bạch và độc lập; lãnh đạo có tính tham gia; hành vi doanh nhân; tính liên tục trong công tác lãnh đạo; khả năng điều chỉnh và hội nhập; định hướng khách hàng; định hướng gía trị dành cho cổ đông (nguồn: Booz Allen Hamilton 2003; Bertelsman Stiftung 2003, trang 44).

Tôi cho rằng 10 yếu tố then chốt này là cốt lõi của các hoạt động trong một tổ chức và nó phù hợp với bất cứ thị trường kinh doanh nào dù có biến đổi và biến động ra sao. Trong suốt quá trình thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp có một số điểm nổi bật mà tôi nhận thấy sự hạn chế trong triển khai chiến lược và phát triển văn hoá của doanh nghiệp.

Một điểm chung với nhiều doanh nghiệp Việt Nam là thiếu sự minh bạch và quản trị độc lập. "Định hướng khách hàng" đa số doanh nghiệp nêu được khẩu hiệu nhưng hành động và thực thi thì thiếu đồng bộ, nhất quán và đặc biệt nhân sự thiếu kỹ năng mềm để thực hiện theo Định hướng khách hàng. "Định hướng gía trị dành cho cổ đông" cũng dường như ít được nhắc đến tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Những điểm dễ dàng nhận ra đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các yếu tố như: Trách nhiệm xã hội, khả năng điều chỉnh và hội nhập cao, định hướng theo mục tiêu, các niềm tin, thái độ và giá trị phổ biến cũng rõ ràng và phát triển.

Và trong một thị trường khủng khoảng và khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, vậy những giá trị văn hoá nào cần được duy trì hay có sự ưu tiên phát triển nào để phù hợp không? Theo tôi, doanh nghiệp dù có kiếm ăn từng ngày, tiết kiệm từng đồng thì vẫn cần phải có chiến lược để phát triển văn hóa doanh nghiệp và chờ thời cơ lớn mạnh.

10 yếu tố trên là những yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp thành công và đối mặt với thách thức, do đó, chiến lược tập trung vào hoạch định phù hợp với nguồn lực là lựa chọn của nhà lãnh đạo trong thời kỳ khủng hoảng hay nói một cách khác nhà lãnh đạo phải có khả năng dự đoán và khả năng tái hiện.

(Nguồn tham khảo chính từ cuốn Organization Culture and Leadership của tác giả Edgar H.Schein).

Mời đọc bài cuối: Biến văn hóa thành sức mạnh mềm và chỗ dựa vững chắc để doanh nghiệp vượt khó

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ