'Phập phù' điện gió

Hiện Việt Nam đã có 6 dự án điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 195 MW. Dù đã có 10 năm phát triển với nhiều chính sách nhưng ngành điện gió Việt Nam vẫn ở giai đoạn “sơ khai", chưa thể phát triển ngang tầm với tiềm lực.
THÙY DUNG
15, Tháng 06, 2018 | 14:47

Hiện Việt Nam đã có 6 dự án điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 195 MW. Dù đã có 10 năm phát triển với nhiều chính sách nhưng ngành điện gió Việt Nam vẫn ở giai đoạn “sơ khai", chưa thể phát triển ngang tầm với tiềm lực.

fdc94_1a9b2_ecfb1_phu_lac_online

Dự án điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: TL

Tiềm năng lớn

Theo thông tin tại hội nghị điện gió mới đây, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió lớn. Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam là 27 GW; các dự toán khác đưa ra con số còn cao hơn.

Tận dụng nguồn tài nguyên gió phong phú là một trong những lựa chọn chiến lược để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao. Dự kiến đến năm 2025 nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 10%. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%.

“Với công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ khoảng 195 MW, Việt Nam còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020”, theo báo cáo tại hội nghị.

Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách ưu tiên để khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo. “Tuy nhiên, việc phát triển điện gió hiện còn rất chậm”, ông Thành nói.

So với một số quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã chậm chân hơn họ rất nhiều. Nước láng giềng Thái Lan đến cuối năm 2018 có khả năng sẽ vượt công suất 1.000 MW và Phillipines cũng tương tự.

Các quốc gia này quyết định sử dụng điện gió không chỉ vì đây là một nguồn năng lượng có giá phải chăng mà còn vì rất nhiều lợi ích khác mà nó mang lại.

Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), cho biết những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội mà điện gió mang lại đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích kinh tế trực tiếp, góp phần tạo việc làm và phát triển công nghiệp, năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính.

Điện gió là một trong những ngành được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỉ đô la Mỹ với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới. Ngày càng nhiều thị trường lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng vì đây thường là lựa chọn sản xuất điện chi phí thấp nhất.

Năm 2017, tại hơn 30 quốc gia, điện từ nguồn năng lượng tái tạo mới, khi chưa được trợ giá, có giá thấp hơn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tới năm 2025, đây sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điện gió đã trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững.

Vẫn còn sơ khai

Bình Thuận là một trong những tỉnh đi đầu phát triển các dự án điện gió. Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Phòng Quản lý Điện và Năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho hay sau 10 năm, sự phát triển của điện gió vẫn chưa được như mong đợi.

Những khó khăn mà ông Long thường được nghe nhất liên quan tới giá mua điện còn thấp, việc đấu nối với lưới điện gặp nhiều khó khăn… Đặc biệt, tới nay vẫn chưa có một Luật riêng về năng lượng tái tạo, tất cả các cơ chế đối với điện gió, điện mặt trời mới chỉ nằm ở nghị định, quyết định….

Tham dự hội thảo, theo người đại diện Dự án điện gió Phú Lạc, thành viên của Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, hiện nay Việt Nam mới có 6 dự án điện gió đi vào vận hành với công suất 195 MW. Hai dự án mới vận hành chưa được 1 năm, còn bốn dự án đã vận hành từ 2-5 năm. Trong bốn dự án này, một dự án có vấn đề về mặt kỹ thuật, vận hành không hiệu quả; một dự án bị ngân hàng siết nợ; một dự án đang trong vòng tranh chấp do kiện tụng giữa chủ đầu tư và nhà thầu…

Lấy dẩn chứng được nêu ra đã nói lên phần nào những khó khăn, rủi ro trong hoạt động đầu tư điện gió, trong khi lợi nhuận lại thấp. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vẫn tiếp tục ở lại thị trường này?

Theo ông Long, vì nhà đầu tư vẫn nuôi hy vọng nguồn năng lượng mới này là nhu cầu bắt buộc phải có và Việt Nam sẽ phải phát triển ngành này dù khó khăn thế nào. Nhà đầu tư hy vọng giá mua điện gió dần dần sẽ được điều chỉnh tăng tiệm cận với giá mua điện từ năng lượng mặt trời.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Bùi Vĩnh Thắng, Quản lý phát triển kinh doanh, Công ty năng lượng tái tạo Mainstream Renewable Power, cho biết khó khăn lớn nhất trong phát triển điện gió liên quan tới hợp đồng mua bán điện.

Theo ông Thắng, hợp đồng mua bán điện mẫu của Bộ Công Thương khiến các nhà đầu tư đứng trước nhiều rủi ro. Điều này cũng khiến các ngân hàng và định chế tài chính từ chối cho các nhà đầu tư tiếp cận vốn.

Đặc điểm của điện gió là chi phí dự án phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành, bảo trì trong suốt vòng đời của dự án tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đầu tư của điện gió.

Hợp đồng mua bán điện là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. Hợp đồng mua bán điện được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là cần thiết để giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngoài việc chuẩn hoá hợp đồng mua bán điện, Quy trình phê duyệt dự án đơn giản hóa và rõ ràng; Quy hoạch trước hạ tầng lưới điện và Thành lập Hiệp hội điện gió quốc gia là những đề xuất của nhà đầu tư để ngành điện gió có thể “cất cánh”.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ