'Phần lớn doanh nghiệp logistics trong nước chỉ là nhà thầu phụ, đại lý cho FDI'

Nhàđầutư
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông đưa ra tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023, với chủ đề “Logistic Việt Nam - Con đường phía trước” do báo Đầu tư tổ chức sáng 5/10.
THIÊN KỲ
05, Tháng 10, 2023 | 14:39

Nhàđầutư
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông đưa ra tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023, với chủ đề “Logistic Việt Nam - Con đường phía trước” do báo Đầu tư tổ chức sáng 5/10.

Empty

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị Logistics 2023 do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: BĐT

Miếng bánh logistics phần lớn trong tay FDI

Theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế,chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực logistics. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

"Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng đã không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Tuy nhiên theo ông Đông, dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên nhưng trên thực tế vẫn còn một số tồn tại về chính sách đồng bộ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...

Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho biết dù doanh nghiệp logistics ở Việt Nam tăng nhanh về số lượng khi có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán tại Việt Nam. Thế nhưng 89% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, 11% là các công ty liên doanh, công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Điều đáng nói là các doanh nghiệp FDI, công ty liên doanh tuy chỉ chiếm 11% số doanh nghiệp trong lĩnh vực kho bãi và dịch vụ logistics nhưng lại là những tên tuổi chiếm thị phần lớn hàng đầu trong lĩnh vực hậu cần, kho bãi, cung cấp dịch vụ hậu cần xuyên biên giới.

"Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài", đại diện Bộ KH&ĐT chỉ rõ yếu thế của doanh nghiệp nội địa ngành logistics. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính riêng trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 7,6%, số vốn đăng ký giảm 63,6% và số lao động giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ vậy, còn có 349 doanh nghiệp ở lĩnh vực này hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 3,95% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.

Điểm yếu của các doanh nghiệp nội địa trong mảng kho bãi nói riêng và dịch vụ logistics nói chung là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ thấp, trong khi thị trường cung cấp dịch vụ logistics lại đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp FDI. 

Thêm vào đó, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…

Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL nhận định, cách vận hành một công ty logistics của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và đội chi phí lên cao.

"Vận hành công ty logistics ở Việt Nam chi phí phân phối chiếm khoảng 15%. Mức này cao hơn Thái Lan rất nhiều, bởi bên cạnh cơ sở vật chất điều kiện tốt thì tinh gọn, đơn giản hóa trong hoạt động mới cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới", ông Julien Brun đưa ra so sánh. 

Bên cạnh đó, những hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế cũng khiến các doanh nghiệp logistics nội địa "lép vế".

Giải pháp nào cho logistics Việt Nam?

Empty

Nhiều giải pháp, định hướng phát triển ngành logistics Việt Nam được đưa ra tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023. Ảnh: BĐT

Thực tế nhiều FDI lĩnh vực logistics đã đầu tư và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam là mắc xích quan trọng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics nội địa học hỏi, áp dụng nhằm nâng cao chuỗi giá giá cũng như phát triển đồng bộ cùng các nhà đầu tư ngoại trước những lợi thế và tiềm năng to lớn của ngành.

“Khái niệm đa dạng hoá của nhà cung cấp sẽ là tương lai của ngành logistics. Điều này thể hiện rõ qua những con số dòng vốn FDI chảy vào Asean đang dần bắt kịp với Trung quốc. Ngày nay không phải là trung quốc +1 nữa, mà ít nhất là Trung quốc +2”, ông Julien Brun nói.

Vì thế, các chuyên gia đầu ngành nhận định muốn doanh nghiệp nội địa phát triển đồng bộ với FDI thì việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong cả tiến trình xử lý chuỗi logistics, bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các bên tham gia cũng như kiểm soát hiệu quả về mặt thời gian, chi phí cũng như chất lượng dịch vụ.

Nhận định Việt Nam đã nắm bắt cơ hội và có những bước phát triển tích cực, trực tiếp được hưởng lợi từ những xu hướng chuỗi cung ứng mới, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam chia sẻ yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi này là vai trò vô cùng quan trọng của các doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc, định hình lại mạng lưới cung ứng. Để giải bài toán phức tạp này và nắm bắt các cơ hội sắp tới, đòi hỏi phải có một cách tiếp cận toàn diện, với sự tham gia đồng lòng của cả khối Nhà nước và tư nhân.

"Để tăng năng lực cạnh tranh, gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng ngành logistics doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, tự động hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí đầu vào nhằm cung ứng dịch vụ giá cả phải chăng, tiện lợi và hiện đại", đại diện SLP chia sẻ kinh nghiệm.

Phát biểu tại Hội nghị Logistics 2023, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói: "Hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu đi rất nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Tuy nhiên logistics là lĩnh vực quan trọng gắn liền với hàng hóa lại chỉ giới hạn trong nước".

Với những trăn trở này, ông Hải cho biết từ Chính phủ và phía các cơ quan ban ngành hiện cũng rất quan tâm nâng cao cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các địa phương phát huy lợi thế riêng về kho bãi, cảng biển, đường bộ...

Nút thắt lớn nhất của ngành là cơ sở hạ tầng cũng dần được tháo gỡ với nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, trên cả nước có khoảng 1.800 km đường cao tốc đang hoạt động. Nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, trên cả nước có 3.000 km và đến năm 2030 thì có 5.000 km đường cao tốc. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ