'Nữ người dơi' Trung Quốc và bí mật của phòng nghiên cứu P4 tại Vũ Hán

"Pháp đã ngây thơ khi tin vào sự hợp tác với Trung Quốc", tờ Le Monde trong bài báo mới xuất bản gần đây đã kết luận sau khi tiến hành bài điều tra đặc biệt liên quan tới phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán, nơi Pháp đã giúp đỡ Trung Quốc thành lập và đi vào hoạt động kể từ đầu 2019.
CHÍ THÀNH
01, Tháng 05, 2020 | 17:31

"Pháp đã ngây thơ khi tin vào sự hợp tác với Trung Quốc", tờ Le Monde trong bài báo mới xuất bản gần đây đã kết luận sau khi tiến hành bài điều tra đặc biệt liên quan tới phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán, nơi Pháp đã giúp đỡ Trung Quốc thành lập và đi vào hoạt động kể từ đầu 2019.

"Liệu con virus có phải đã thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc?", đó là câu hỏi luôn ám ảnh bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), chuyên gia về virus corona của Viện Vi trùng học Vũ Hán, kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

_0 1 a a aChinhLe-AFP

Bà Thạch Chính Lệ trong phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán. Ảnh AFP

Không ai có thể tưởng tượng được nỗi lo lắng của người đàn bà 55 tuổi mảnh mai nhưng quyết đoán này trong những ngày cuối tháng 12/2019, cho dù các nhà virus học có thể gặp, chạm trán nhau tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế.

Ở thời điểm đó, căn bệnh chết người này mới giới hạn ở một số trường hợp, được các bệnh viện ở Vũ Hán báo cáo.

Vũ Hán, thành phố xấu xí và ngổn ngang chính là nơi bà Thạch Chính Lệ sống, nơi bà từng học tập và giờ làm việc tại đây.

Căn bệnh đó có những biểu hiện gần với bệnh SARS, khi bệnh nhân mắc bệnh bị ho, sốt và nhiễm trùng phổi. Căn bệnh tệ hại, với thứ nhiễm trùng này đã quá quen đối với bà Thạch Chính Lệ, người nghiên cứu về những con virus độc hại.

Tại Pháp, chính xác hơn là ở Đại học Montpellier, nơi bà Thạch Chính Lệ trải qua vài năm để làm luận án tiến sĩ từ năm 2000, chả có nhà nghiên cứu cộng sự nào biết về mối quan tâm thực sự của bà, trừ việc bà biết nói một chút tiếng Pháp và việc vào một ngày, Bộ trưởng nghiên cứu Pháp tới trao huy chương vì sự nghiệp nghiên cứu cho bà.

'Sheu', đó là cách mà những người Pháp cố gắng gọi tên bà, với một thứ phát âm gần nhất đối với tên thật của bà, được đánh giá khá cao về mặt chuyên môn tại trường đại học.

"Khi dịch bệnh tràn tới nước Pháp, chúng tôi đã nhận được một email hỗ trợ đến từ các đồng nghiệp ở Vũ Hán. Nhưng trên thực tế, chưa có sự trao đổi nào về các nghiên cứu học thuật', một nhà nghiên cứu ở Lyon, người quen biết với bà Sheu, nói.

Nhưng ở Trung Quốc thì mọi chuyện khác hẳn.

Báo giới Trung Quốc đặt biệt danh là 'Nữ người dơi' (Batwoman) cho bà Thạch Chính Lệ, người chuyên nghiên cứu về loài dơi ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, những nơi được mệnh danh là 'thủ phủ'của loài dơi, cũng là các 'nhà máy sản xuất virus" ở Trung Quốc.

Năm 2005, chính từ một con dơi mà bà Thạch Chính Lệ đã nhận diện được hai loại virus gần giống với SARS-CoV, virus đã gây ra dịch SARS năm 2003.

Ngay từ khi những bệnh nhân đầu tiên được nhập viện ở Vũ Hán, bà Thạch Chính Lệ đã thổ lộ với Jane Qiu, một nhà báo của tạp chí Scientific American về nỗi lo con virus thoát ra từ Trung tâm bệnh nhiễm của Viện Vi trùng học Vũ Hán.

Bà Thạch Chính Lệ làm việc cùng lúc ở hai địa điểm. Một là tại những hang động ẩm ướt, tối tăm ở các tỉnh nói trên, nơi bà thường mặc các bộ đồ bảo hộ để bắt những con dơi mang về nghiên cứu. Hai là tại phòng thí nghiệm P4 mới được thành lập ở Trung Quốc, nơi bà là phó giám đốc và nghiên cứu các virus có tỉ lệ lây nghiễm và gây chết người cao nhất, như virus Ebola, loại virus gây tử vong cho tới 90% người bị nhiễm.

P4, viết tắt của Phòng thí nghiệp sinh học an toàn quốc gia (National Biosafety Laboratory) tại Vũ Hán, được xây dựng trong khuôn khổ một thỏa thuận hợp tác Pháp-Trung, theo mô hình P4 Jean-Mérieux ở Lyon.

_0 1 a a aPTNP4VuHa

Phòng thí nghiệp P4 Vũ Hán được Pháp giúp đỡ Trung Quốc xây dựng và bắt đầu vận hành vào đầu năm 2019. Ảnh nzherald

Phòng thí nghiệm mang tính chiến lược cao này bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2019, sau 2 năm thử nghiệm và 15 năm xây dựng, nằm cách thành phố Vũ Hán 30 cây số về phía tây nam. Ngay cạnh phòng thí nghiệm, cách đây 2 năm cũng đã mọc lên một khu ký túc đại học, dành riêng cho các nhà nghiên cứu và sinh viên.

Ngày 14/04/2020, tờ Washington Post đăng bài viết khẳng định các nhà ngoại giao Mỹ ngay từ tháng 3/2018 đã cảnh báo việc thiếu 'các kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo chuẩn chỉ để vận hành phòng thí nghiệm có độ bảo vệ an ninh cực cao này'. Nhưng trước đó, mối nghi ngờ về một sự cố khiến con virus thoát ra đã lan truyền ngay tại Trung Quốc.

Những giả thiết sục sôi trên mạng xã hội

Từ cuối tháng Giêng, thông tin về phòng thí nghiệm P4 và 'Nữ người dơi' đã sục sôi trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc cũng quan tâm đến một phòng thí nghiệm khác thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, nằm cách chợ thịt thú rừng Hoa Nam 280 mét. Đây chính là ngôi chợ ở trung tâm Vũ Hán, nơi phát sinh ổ dịch SARS-CoV-2 đầu tiên.

Trên YouTube, người ta vẫn có thể tìm thấy phóng sự của một kênh truyền hình Thượng Hải đăng ngày 11/12/2019 về Điền Tuấn Hoa (Tian Junhua), một kỹ thuật viên của phòng thí nghiệm này trong bộ đồ bảo hộ trắng với lưới bắt dơi đang leo vào những hang động tối đen ở Hồ Bắc. "Gần 2.000 loại virus đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện trong 12 năm qua, trong khi thế giới chỉ tìm thấy 284 loại trong 200 năm. Trung Quốc giờ đây dẫn đầu thế giới về nghiên cứu virus", phóng sự nhấn mạnh.

Vài tuần sau, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng ở Vũ Hán, đoạn phim ngắn này lại mang một sắc thái khác trên mạng xã hội Trung Quốc.

Người ta bỗng nhận ra bộ đồ bảo hộ và đôi găng cao su của nhà nghiên cứu này khá mong manh. Bản thân Điền Tuấn Hoa cũng thừa nhận: "Chỉ cần da trần chạm phải phân dơi là bị nhiễm virus". Chính ông cũng đã tự nguyện cách ly sau khi bị vài giọt nước tiểu dơi rơi trúng người.

Người ta có quyền đặt câu hỏi" Liệu một sự cố tương tự đã xảy ra ở phòng thí nghiệm?

Nỗi lo sợ và tin đồn đầy rẫy trên mạng xã hội. Hàng ngàn kịch bản được người dùng internet đưa lên mạng xã hội.

Dù chính quyền bác bỏ, người ta vẫn đặt dấu hỏi về số phận của một cựu sinh viên Viện Vi trùng học là Hoàng Diễm Linh (Huang Yanling), mà một phần lý lịch đã bị xóa trên trang web của viện.

Ngay cả tờ báo có nhiều tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trong bài điều tra dài ngày 18/2 cũng cho rằng việc chất vấn khả năng Viện Vi trùng học Vũ Hán chế ra virus là chính đáng, và tự hỏi liệu thí nghiệm này có diễn ra với loài linh trường hay không.

Mười ngày sau, khi nhà bình luận nổi tiếng Thôi Vĩnh Nguyên (Cui Yongyuan) đưa ra thăm dò về xuất xứ của virus, 51% trong số 10.000 người trả lời tin rằng đó là 'một con virus nhân tạo thoát ra do sơ sót', 24% cho rằng virus bị gieo rắc với dụng ý xấu. Chỉ có 12% nghĩ là có nguồn gốc tự nhiên.

Những bí mật chứa trong tủ đông lạnh virus 

'Nữ người dơi' quyết định mở lại mọi tập hồ sơ. Liệu bà và ê-kíp của bà có sai sót nào đó? Khoảng sáu người của viện những năm trước đó đã được huấn luyện về quy trình an toàn của P4 tại phòng thí nghiệm Jean-Mérieux ở Lyon. Không chỉ cung cấp công nghệ cao cho Vũ Hán, Pháp còn huấn luyện cho người Trung Quốc cách thức sử dụng và cách tuân thủ các biện pháp an ninh vô cùng nghiêm ngặt.

Branka Horvat, nhà vi trùng học người Croatia, người từng được huấn luyện chung với Thạch Chính Lệ cho biết: "Ba tuần để tập hoạt động với nón bảo hộ, lặp lại cả ngàn lần các thủ thuật, rồi nhiều tuần lễ thử nghiệm trước khi được phép đụng đến tủ đông lạnh chứa virus". Ngay cả những đôi găng cũng cần phải làm quen vì chúng dày hơn nhiều so với các đôi găng tay thường dùng ở các phòng thí nghiệm P2, P3. Đó là chưa kể tới vô số lớp khóa bảo vệ, các quy trình tắm, tẩy độc trước khi ra khỏi phòng thí nghiệm...

Ngày 31/1/2020, thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), thuộc đơn vị chuyên về nguy cơ chiến tranh vi trùng của quân đội đến P4, với lý do chính thức là tìm cách chế tạo vắcxin chống Covid-19. Dường như các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng tin rằng virus đã thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán?

Đó là vì những sự cố này đã từng xảy ra, và không chỉ ở Trung Quốc.

Năm 2014, Viện Pasteur đã làm thất lạc 2.349 mẫu SARS được trữ trong các phòng thí nghiệm P3, tuy nhiên các mẫu này chỉ là một phần không hoàn chỉnh của virus nên không gây hại.

Năm 2015, ba mẫu virus MERS lẽ ra được đưa đến Viện Pasteur trên một chuyến bay Seoul-Paris, nhưng lại bị để quên trên bàn của một nhà nghiên cứu trong suốt một tuần.

Tại Hoa Kỳ, một cuộc điều tra năm 2014 cho thấy có những mẫu virus bệnh than chưa kích hoạt bị gửi nhầm đến nhiều địa chỉ khác nhau.

Bốn ngày sau bài viết của Washington Post hôm 14/4, Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), Giám đốc Phòng thí nghiệm P4, cấp trên của bà Thạch Chính Lệ khẳng định: "Không thể có chuyện virus bị thất thoát từ đây, chúng tôi có các quy định nghiêm ngặt. Không có sinh viên hoặc nhà nghiên cứu nào bị nhiễm virus".

Ông Viên Chí Minh biết rõ những tai tiếng về các phòng thí nghiệm trong nước, cũng như về số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu. Trong khi đó, nhà vi trùng học Croitia Branka Horvat cho biết: "Có lúc, một nhà nghiên cứu Trung Quốc phải quản lý tới 20 sinh viên trong khi tại Pháp, số lượng sinh viên mỗi người quản lý không quá 3 người".

Tuy vậy, rất nhiều nghiên cứu về virus corona được thực hiện tại phòng thí nghiệm này. Bà Thạch Chính Lệ và êkíp của mình đã nhiều lần tái cấu trúc lại con virus khiến nó dễ lây hơn, sau đó nhận diện những điểm yếu của virus để tìm cách xử lý.

Hôm 20/1 khi công bố bảng mã của virus corona chủng mới, bà Chính Lệ đã chứng minh virus này giống đến 96% con virus đến từ loài dơi là RaTG13. Điều này chưa ai từng biết đến. Do vậy, chiếc tủ đông lạnh của Viện thí nghiệm P4 dường như còn ẩn chứa rất nhiều bí mật.

An toàn sinh học tại phòng thí nghiệm không được tuân thủ?

Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo vào tháng 2, ông Dương Chiêm Thu (Yang Zhanqiu), Phó Khoa Sinh học trường đại học Vũ Hán đã đưa ra một giả thiết mới.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có tiếng là ít quan tâm đến việc xử lý rác thải và xác động vật, mà lẽ ra điều này phải được tuân theo theo các quy trình xử lý nghiêm ngặt về bao bì, vận chuyển và thiêu hủy.

Ông Dương Chiêm Thu thừa nhận: "Có nhiều nhà nghiên cứu đã đổ vật liệu vào ống cống sau khi thí nghiệm mà chưa bỏ đi các độc chất". Các chất thải này "có thể chứa virus, vi khuẩn chết người, giết chết động vật và thực vật', ông nói.

Phải chăng việc không tuân thủ an toàn sinh học các phòng thí nghiệm chính là ngọn nguồn của sự cố xảy ra ở Vũ Hán?

Giáo sư người Pháp Alexis Génin cho biết: "Tại Trung Quốc, việc nghiên cứu trước hết là để phục vụ cho sức mạnh quốc gia. Việc này thiếu khá nhiều tính minh bạch và ít khi tôn trọng đạo đức khoa học. Chính vì vậy có thể đã xảy ra những sai sót". Trong bối cảnh "thi đua nghiên cứu" trong giới nghiên cứu trẻ, rủi ro do sơ sót và nhiễm độc ngày càng lớn.

Các nghi vấn về phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán đã bộc lộ những khó khăn trong việc hợp tác với Trung Quốc. Cho dù một đoàn các nhà ngoại giao Pháp đã đến thăm phòng thí nghiệm vào tháng 3/2019 nhưng trên thực tế, Pháp đã nhanh chóng bị đặt ra ngoài cuộc chơi.

Hồi năm 2004, Tổng thống Pháp Jacques Chirac thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng Pháp sẽ giúp xây dựng phòng thí nghiệm P4, trong bối cảnh dịch SARS đang lan tràn. Lúc đó, đã có nhiều nhà ngoại giao và nhà vi trùng học Pháp e ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng phòng thí nghiệm này cho việc phát triển các chương trình vũ khí sinh học.

Nhưng trong bối cảnh Pháp phản đối can thiệp vào Iraq năm 2003, Paris muốn xích lại gần với Nga và Trung Quốc để tránh bị cô lập trên trường quốc tế. Đồng thời, Pháp cho rằng việc hợp tác khoa học với Trung Quốc sẽ giúp tránh được việc Trung Quốc sử dụng phòng thí nghiệm vào mục đích khác.

Biến hợp tác song phương thành đơn phương

Pháp đã quá lạc quan về khả năng hợp tác bình đẳng với Trung Quốc. Ngày 23/02/2017, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve cùng với Thị trưởng và Bí thư Thành ủy Vũ Hán đã cùng chứng kiến buổi lễ chứng nhận cho phòng thí nghiệm P4. Trong đó, Paris hứa cung cấp mỗi năm 1 triệu euro cho phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán, còn Bắc Kinh hứa hẹn trao đổi các thông tin nghiên cứu.

Mãi đến cuối năm 2017, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian giao cho Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh nhiệm vụ soạn thảo báo cáo tổng kết về hợp tác khoa học hai nước, thì mới ngã ngửa ra là chẳng có gì cả! Một cuộc tranh cãi dữ dội đã diễn ra trong cuộc họp ở Paris giữa các đại diện của INSERM (Viện nghiên cứu Y học) và Bộ Nghiên cứu Pháp.

Bà Thạch Chính Lệ và các đồng nghiệp đã được đón tiếp tận tình tại P4 Lyon, nhưng ở chiều ngược lại thì hoàn toàn không phải vậy.

Alain Mérieux, kỹ sư từng trực tiếp tham gia việc xây dựng P4 Vũ Hán, ngay sau khi bàn giao cho chính quyền Trung Quốc, không còn được đến phòng thí nghiệm.

Sau khi được Pháp chứng nhận đạt chuẩn, phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán dự kiến hoạt động không có các hoạt động nghiên cứu virus trong vòng 18 tháng. Trong thời gian này, một nhà vi trùng học Pháp được giao đến kiểm tra xem phòng thí nghiệm này có tuân thủ quy trình hay không. Tuy nhiên, bác sĩ René Courcol, người được giao nhiệm vụ này từ chối trả lời câu hỏi của Le Monde về việc liệu ông có thực sự được vào nơi cần kiểm tra hay không?

Thực tế thì phía Pháp hoàn toàn không biết được những gì diễn ra sau các bức tường của phòng thí nghiệm mà mình đã giúp Trung Quốc xây dựng. Không có nhà nghiên cứu Pháp nào được vào P4 Vũ Hán. Quan hệ song phương mà ông Chirac hình dung năm 2004 đã trở thành một kiểu quan hệ đơn phương. Một nhà tư vấn nhận xét, 'luôn có một khoảng cách vô cùng lớn giữa mong muốn và hiện thực' khi giao dịch với Trung Quốc.

Một sự cố đã diễn ra không chỉ tại P4 Vũ Hán, mà có thể ở phòng thí nghiệmthuộc  Viện Vi trùng học Vũ Hán, hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh lây nhiễm trong phóng sự truyền hình đã nêu? Bí mật vẫn bao trùm trong câu hỏi này.

Năm 2016, Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh đã đến Vũ Hán trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh (Ordre national de la Légion d'honneur) cho ông Viên Chí Minh và bà Thạch Chính Lệ vì sự hợp tác trong nghiên cứu bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, khi virus corona chủng mới tấn công, những nghiên cứu của 'Nữ người dơi' và các nhà khoa học Trung Quốc không hề giúp Paris hiểu được gì thêm cũng như không giúp cho nước Pháp các thông tin để chuẩn bị đối phó với đại dịch, trong khi Pháp là đối tác ưu tiên lớn nhất trong việc này.

(Theo Le Monde)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ