Những thương vụ M&A 'đình đám' nhất trong 6 tháng 2019

Nhàđầutư
Thị trường mua bán sát nhập (M&A) trong 6 tháng đầu năm 2019 chứng kiến nhiều thương vụ đình đám với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, điển hình là thương vụ KEB Hana đầu tư 882 triệu USD vào BIDV hay An Quý Hưng 'thâu tóm' Vinaconex bằng 7.400 tỷ…
PHAN CHÍNH
29, Tháng 07, 2019 | 12:00

Nhàđầutư
Thị trường mua bán sát nhập (M&A) trong 6 tháng đầu năm 2019 chứng kiến nhiều thương vụ đình đám với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, điển hình là thương vụ KEB Hana đầu tư 882 triệu USD vào BIDV hay An Quý Hưng 'thâu tóm' Vinaconex bằng 7.400 tỷ…

Theo báo cáo tổng hợp của Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019, tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018 là 3,55 tỷ USD). Bên cạnh đó, theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước đạt 2,64 tỷ USD.

PHOI-CANH-DU-AN-DONG-NAI-WATERFRONT-CITY-NAM-LONG

Phối cảnh dự án Đồng Nai Waterfront City

Nam Long chi hơn 2.300 tỉ đồng mua 70% cổ phần dự án Đồng Nai Waterfront City

Theo đó, vào đầu năm 2019, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) đã công bố việc mua lại 70% cổ phần của Công ty Portsville Pte. Ltd. (thuộc Keppel Corporation Limited của Singapore) trong Công ty TNHH Thành phố Waterfont Dong Nai.

Thương vụ này có giá trị hơn 2.300 tỉ đồng. Thông qua thương vụ này, Nam Long sẽ nắm quyền phát triển 170 ha đất của dự án Dong Nai Waterfront City.

Dự án có quy mô 192 ha, nằm tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2019 - 2025, cung cấp ra thị trường hơn 4.000 căn villa và 3.000 căn hộ. Tổng vốn đầu tư 9.200 tỉ đồng.

Dự án được đánh giá có ưu thế về vị trí địa lí khi gần các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng như Quốc lộ 51, quốc lộ 1A, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng hàng không quốc tế Long Thành, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên - Biên Hòa)…

Tại thời điểm công bố kết quả thương vụ này, phía Nam Long đã cho biết, dự án Dong Nai Waterfront City đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và được cấp sổ đỏ 170 ha.

Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long thông tin, chỉ trong chưa đầy 2 năm, công ty đã mở rộng quỹ đất thêm 240 ha (thuộc các vùng phát triển TP HCM, Đồng Nai và Hải Phòng), bằng 50% quỹ đất mà Nam Long phát triển trong 15 năm trước.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, Nam Long đặt mục tiêu phát triển sản phẩm tăng gấp 4 lần, số lượng bàn giao tăng gấp 3 lần giai đoạn 2015 - 2018, tương đương xây dựng thêm gần 26.000 sản phẩm. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 ở mức 956 tỉ đồng, tăng 26% so với thực hiện năm 2018, và lên mức 1.100 tỉ đồng vào năm 2020.

BIDV

BIDV bán 15% cổ phần cho Hana BanK (Hàn Quốc)

Thương vụ KEB Hana đầu tư 882 triệu USD vào BIDV

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã bán 15% cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá hơn 20.295 tỷ đồng, tức khoảng 882 triệu USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là 20.295.103.029.840 đồng, tương đương hơn 882 triệu USD. Với mức giá này, đối tác ngoại đã mua mỗi cổ phiếu BID với giá 33.640 đồng.

BIDV và KEB Hana Bank sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật 2 nước để sớm hoàn tất giao dịch trên trong thời gian tới.

Lotte Land liên doanh với FLC phát triển dự án 6,4ha tại Đại Mỗ

Theo báo cáo của JLL việc Lotte Land liên doanh với tập đoàn FLC để phát triển một dự án quy mô 6,4 ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thông tin về thương vụ này cũng được ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn FLC, tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vào tháng 6 vừa qua.

Cụ thể, hai bên liên kết thành lập pháp nhân mới là CTCP Lotte FLC vào tháng 6/2019, mã số doanh nghiệp 0108773573. Địa chỉ trụ sở chính tại tầng 7, tháp văn phòng FLC 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Công ty đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh BĐS. Người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc Kim June Hyun (quốc tịch Hàn Quốc)

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty có vốn điều lệ 556,5 tỉ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Lotte Land góp 333,9 tỉ đồng, nắm 60% vốn điều lệ; CTCP FLC Premier Parc góp hơn 139 tỉ đồng, tương ứng với 25% vốn và CTCP Tập đoàn FLC góp gần 83,5 tỉ đồng, chiếm 15% còn lại.

Trong đó, CTCP FLC Premier Parc cũng mới được thành lập hồi tháng 5/2019. Công ty này có vốn điều lệ 70 tỉ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Trịnh Văn Nam (sinh năm 1991).

CTCP Lotte FLC sẽ đầu tư dự án với diện tích hơn 6,4 ha tại Đại Mỗ - chính là khu đất mà tập đoàn đã trúng đấu giá ở mức 860 tỉ đồng từ năm 2017 (mức giá này cao gấp gần 3 lần giá khởi điểm khi đó là 320 tỉ đồng). Dự án được quy hoạch gồm đất nhà ở liền kề, nhà biệt thự song lập, nhà ở cao tầng.

Theo ông Quyết, hiện TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư liên doanh và FLC sẽ công bố quá trình liên doanh trong quí III năm nay.

kepa

Keppel Land hợp tác với Địa ốc Phú Long

Keppel Land hợp tác với Địa ốc Phú Long

Vào những ngày đầu tháng 7/2019, Tập đoàn Keppel Land thông qua công ty thành viên Monestine Pte. Ltd., đã kí kết thỏa thuận với CTCP Địa ốc Phú Long để mua 60% cổ phần trong ba lô đất với tổng diện tích 6,2 ha tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Báo chí  đưa tin, ba lô đất đều nằm dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ, cách nhau 400m và cách trung tâm TP.HCM khoảng 25 phút chạy xe. Trên ba lô đất này, Keppel Land và Phú Long dự định xây khoảng 2.400 căn hộ cao cấp cùng nhà phố thương mại với diện tích sàn thương mại khoảng 14.650 m2.

Dự kiến, dự án sẽ phát triển trong 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ khởi công trong quí I/2020 sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng khoảng 910 căn hộ và một số căn nhà phố thương mại.

Thỏa thuận mới này thể hiện Keppel Land đang tiếp tục nhắm đến thị trường địa ốc khu Nam Sài Gòn sau loạt dự án thành công tại khu Đông.

Hiện tại, Keppel Land có khoảng 20 dự án tại Việt Nam, phân bố rải rác tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai và Vũng Tàu, các sản phẩm cung cấp ra thị trường có khu đô thị phức hợp, khu dân cư, văn phòng hạng A, trung tâm bán lẻ…

Coi Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm ở Châu Á, ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land tại Việt Nam nhận định, thỏa thuận này sẽ giúp tập đoàn hoàn thành kế hoạch xây dựng 20.000 ngôi nhà và danh mục BĐS thương mại chất lượng cao ở Việt Nam.

Còn về phía Địa ốc Phú Long, đây là lần đầu tiên công ty hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài. Phú Long được biết đến là nhà phát triển BĐS thuộc Tập đoàn Sovico. Doanh nghiệp đã và đang đầu tư loạt dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

scic_se_ban_von_tai_vinaconex_ngay_trong_quy_42018_46f_oupf

An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex

An Quý Hưng 'thâu tóm' Vinaconex bằng 7.400 tỷ đồng

Với việc, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cuối năm bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Nhà đầu tư trả giá cao nhất, đồng thời là gương mặt được "chọn mặt gửi vàng" là Công ty TNHH An Quý Hưng. Tổng giá trị thương vụ lên tới 7.367 tỷ đồng, tức An Quý Hưng đã trúng đấu giá khi hào phóng chi cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC.

Ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, cái tên lạ An Quý Hưng chưa được biết đến trên bản đồ doanh nghiệp Việt Nam song lại "gây sốc" giới tài chính khi đã vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỷ đồng cho thương vụ. 

Ngay sau đấu giá, nhiều lo ngại về nguồn tiền mua lô cổ phiếu Vinaconex được đặt ra, bởi quy mô cuả An Quý Hưng lúc đó khá nhỏ so với Vinaconex. Vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ. Đây cũng là thương vụ ồn ào nhất trong thời gian qua.

sieu thi Aucham

Saigon Co.op mua lại Auchan Việt Nam

Saigon Co.op mua lại Auchan Việt Nam

Saigon Co.op và nhà bán lẻ Pháp Auchan vừa công bố hai bên đã đạt thoả thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng, trong đó 3 cửa hàng còn hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam.

Không tiết lộ giá trị chuyển nhượng nhưng phía Saigon Co.op cho biết, hai bên đã thỏa thuận hoàn tất về giá. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020). Sau thời gian này hai bên sẽ cùng bàn thảo lại.

Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý. Các thành viên của Auchan sẽ được chuyển đổi sang thành viên của Saigon Co.op theo nguyện vọng. Hai nhà bán lẻ cũng cho biết đã thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ