Những ‘nữ tướng’ quyền lực trong giới kinh doanh bất động sản tại TP.HCM

Lĩnh vực bất động sản vốn được coi là sân chơi của những “tướng nam”, nhưng thực tế cho thấy có không ít những “nữ tướng” lại thành công trong giới địa ốc, nắm giữ vai trò quan trọng tại các công ty lớn. Nhân ngày Quốc tế Phụ 8/3, Nhadautu.vn xin được điểm danh những “nữ tướng” quyền lực tại giới địa ốc TP.HCM.
LÝ TUẤN
08, Tháng 03, 2021 | 11:54

Lĩnh vực bất động sản vốn được coi là sân chơi của những “tướng nam”, nhưng thực tế cho thấy có không ít những “nữ tướng” lại thành công trong giới địa ốc, nắm giữ vai trò quan trọng tại các công ty lớn. Nhân ngày Quốc tế Phụ 8/3, Nhadautu.vn xin được điểm danh những “nữ tướng” quyền lực tại giới địa ốc TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai)

Bà Loan sinh ngày 10/10/1960, quê quán tại Nam Định. Bà là một nữ doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai. Doanh nghiệp có tiền thân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ và sau đó là kinh doanh bất động sản.

Về quá trình khởi nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12, bà Nguyễn Thị Như Loan đã quyết định khởi nghiệp với công việc đầu tiên bà làm là mở một xưởng sản xuất, chế biến gỗ tại Gia Lai.

Đến năm 1994, bà Loan thành lập Công ty xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, với lĩnh vực hoạt động chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, công ty còn mua bán và xuất khẩu hàng nông-lâm sản, cà phê với hơn 500 lao động.

He-lo-nua-con-lai-cua-nu-dai-gia-Quoc-Cuong-Gia-Lai-baloan-1568597170-width640height491

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: doanhnhan.vn

Năm 2005, bà hợp tác với xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh thành lập Công ty TNHH xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh. Đây cũng là dấu móc, bà rẽ hướng sang kinh doanh bất động sản tại TP.HCM.

Tháng 3/2007, công ty của bà Loan chính thức chuyển đổi thành Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với số vốn điều lệ là 259 tỷ đồng. Những lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp này bao gồm: Bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng.

Tháng 8/2020, bà rời ghế Chủ tịch HĐQT, chỉ đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.

Sau 27 năm hình thành và phát triển, gần 21 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã có hàng chục dự án lớn, đắc địa bậc nhất tại TP.HCM và Đà Nẵng có thể kể đến như: Dự án De Capella (quận 2); Lavida Plus (quận 7); căn hộ Central Premium (quận 8); Southern Park (Bình Chánh); Giai Việt Residence (quận 8); cao ốc Hải Âu (Tân Bình)…

Chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh bất động sản, bà Loan cho biết, kinh doanh bất động sản thường gặp khó khăn vì chủ trương, chính sách thay đổi liên tục. Nếu không dành nhiều thời gian để tập trung chuyên sâu cho việc kinh doanh thì khó có thể thành công. Nếu tính sai một nước cờ sẽ rất dễ đi đến phá sản.

“Có những lúc khó khăn gần như bế tắc, tôi phải một mình xoay sở, không thể nhờ ai vì những việc này đòi hỏi sự am hiểu, nhiều kinh nghiệm đồng thời phải có chuyên môn mới giải quyết được. Nhiều đêm tôi tự hỏi tại sao mình là phụ nữ lại chọn một ngành vất vả đến vậy”, bà Loan nói.

Doanh nhân Trần Thị Lâm, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm)

Bà Trần Thị Lâm sinh năm 1957 tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bà cũng là một trong những nữ tướng của làng kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và góp mặt trong top 50 những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Về quá trình khởi nghiệp, trước khi thành lập Tập đoàn Hoa Lâm, bà Lâm từng có thời gian kinh doanh buôn bán trầm, sau đó chuyển sang kinh doanh xe máy. Năm 1993, bà cùng chồng là ông Dương Ngọc Hòa thành lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên, sau này đổi tên thành Công ty CP đầu tư và phát triển Hoa Lâm.

ba-tran-thi-lam-edit

Bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và phát triển Hoa Lâm. Ảnh: CafeLand

Năm 1999, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoa Lâm được thành lập và tập trung vào sản xuất xe gắn máy với thương hiệu chính là Halim. Năm 2004, hướng đến hoạt động đa dạng đa nghề, Công ty CP ô tô - xe máy Hoa Lâm chuyển đổi sang tên mới là Công ty CP đầu tư và phát triển Hoa Lâm, đồng thời thành lập liên doanh Hoa Lâm - Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.

Không dừng lại ở việc kinh doanh xe máy, bà Lâm là người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank), sau đó vươn sang lĩnh vực bất động sản.

Hiện nay, Tập đoàn Hoa Lâm đang sở hữu và đầu tư một số dự án động sản ở trung tâm TP.HCM, trong đó có cao ốc Lim Tower 1 và 2, tòa nhà Vietbank, khu dân cư 2 - 3 - 4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dự án văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ 1,6 ha nằm liền kề khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và khu du lịch làng Chài ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…

Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm còn đầu tư trong lĩnh vực y tế, khi từ năm 2008, công ty đã bắt đầu xây dựng sáu bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế tại quận Bình Tân, TP.HCM (diện tích 37,5 héc ta). Cùng với đó là, khu Y tế kỹ thuật cao cũng được thành lập với tổng đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Nói về các dự án trong lĩnh vực y tế, bà Lâm cho biết: “Người làm kinh doanh ai cũng có mục đích. Xây dựng khu y tế này, tôi có niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của dự án để phục vụ cho bản thân, gia đình và phục vụ cho mọi người bệnh. Nhiều đêm tôi suy nghĩ, sao đất nước họ - như Singapore - có khoảng trên 4 triệu dân, mà y tế phát triển, trong khi ở Việt Nam có cả trăm triệu dân, người Việt cũng rất giỏi, tại sao không làm được, trong khi đất đai có sẵn, tiền bạc chắc cũng không thiếu... Có lẽ do chúng ta thiếu những con người đi đầu, bản lĩnh và tâm huyết”.

Bên cạnh đó, bà Lâm cũng cho rằng, để thành công cần rất nhiều yếu tố, cái tâm, chữ tín, chữ tầm... 3 chữ T đó phải gắn liền. “Với tôi, để đạt tới thành công trước tiên doanh nghiệp phải có người đứng đầu xuất sắc; người đó phải biết kết nối, tận dụng, nhìn nhận và đánh giá đúng về con người. Nếu người đó cho dù tài giỏi bao nhiêu nữa nhưng không biết liên kết, tập hợp nhân tài thì cũng khó thành công”, bà Lâm nói.

Điều này cũng trở thành tiêu chí, giá trị cốt lõi mà Tập đoàn Hoa Lâm quyết giữ vững và khẳng định mình trên thương trường trong nhiều năm qua. Tầm nhìn của Tập đoàn Hoa Lâm sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tài chính và y tế là điều mà Hoa Lâm đang hướng tới. Không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà phải mang lại những giá trị thiết thực, nhân văn nhất cho cộng đồng là mục đích cuối cùng của Hoa Lâm.

Bà Nguyễn Thị Phước, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal)

Bà Nguyễn Thị Phước sinh ngày 25/4/1959, quê quán tại tỉnh Khánh Hòa, trong lĩnh vực bất động sản, bà được mệnh danh là “bà trùm”, khi nắm giữ vai trò quan trọng tại những công ty có sở hữu “đất vàng” ở nhiều vị trí đắc địa. Dù vậy, hiện bà được biết đến nhiều hơn với vai trò Tổng giám đốc Công ty CP Vietcomreal.

Về quá trình khởi nghiệp, năm 1988, bà Phước từ Nha Trang lên Đắk Lắk lập nghiệp với khởi đầu là tổ thu mua cà phê của một trạm kinh doanh tổng hợp (thu mua nông sản) ở thị xã Buôn Ma Thuột (thời điểm Buôn Ma Thuột chưa chuyển lên thành phố).

ssss

Bà Nguyễn Thị Phước, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal). Ảnh: Vietcomreal

Đến năm 1995, một năm sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, bà Phước đã thành lập Công ty Hiệp Phúc rồi đi theo hướng thu mua cà phê và xuất khẩu ra nước ngoài. Cho đến năm 2003, thời điểm thị trường cà phê biến động mạnh, người phụ nữ này mới quyết định chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản.

Năm 2007, Công ty CP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal) được thành lập và hoạt động trong các lĩnh vực: Đầu tư, kinh doanh bất động sản, tư vấn quản lý, lập dự án đầu tư, thi công xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, môi giới bất động sản…

Bà Phước chọn TP.HCM làm điểm phát triển cho Vietcomreal vì ngành bất động sản chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn. Vietcomreal đặc biệt đề cao tính minh bạch khi làm dự án. Chính vì vậy, việc đầu tiên bà Phước làm là tích tụ quỹ đất, tiến hành đền bù, giải tỏa và hoàn thiện các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Khi quỹ đất đã đủ, thị trường định hình, bà mới bắt đầu đẩy mạnh các dự án.

Hiện nay, Vietcomreal sở hữu hàng loạt dự án bất động sản nằm tại những vị trí đắc địa của TP.HCM như: Venus (quận 8), Ventosa (quận 5), Viva Riverside (quận 6) và dự án Riva Park (quận 4)…

Các dự án của Vietcomreal chủ yếu đánh vào phân khúc ở thực của người dân, sở hữu những lợi thế về vị trí, quy hoạch hạ tầng và chất lượng sản phẩm. Song song đó, bà Phước tìm kiếm đối tác nước ngoài có thương hiệu tốt để tăng thêm sức mạnh tài chính và những giá trị khác liên quan đến quá trình phát triển bất động sản nhà ở.

“Mỗi dự án của Vietcomreal khi ra mắt đều có sẵn vị khách hàng đầu tiên là chính chúng tôi trước khi đem bán. Chúng tôi cam kết không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, nhằm đem đến sự hài lòng nhất cho khách hàng khi sở hữu những dự án từ chủ đầu tư Vietcomreal”, bà Phước cho biết.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation)

Nhắc đến Phúc Khang Corporation thì không thể không nhắc đến Lưu Thị Thanh Mẫu, một trong số ít nữ Giám đốc điều hành trong làng bất động sản tại khu vực phía nam.

Bà Mẫu sinh ngày 15/7/1978, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Bà bén duyên với lĩnh vực kinh doanh bất động sản khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

doanh-nhan-luu-thi-thanh-mau-ceo-phuc-khang-corporation-hanh-trinh-di-tim-su-khac-biet1518858622

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation). Ảnh: Báo Đầu tư

Khởi nghiệp vào giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản, tháng 4/2009, bà Mẫu cùng chồng là ông Trần Tam thành lập Công ty dịch vụ bất động sản Phúc Khang, với hướng đi ban đầu tập trung vào đất nền vùng ven tại khu vực phía nam. Ba năm sau, công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Phúc Khang.

Bà Mẫu cho biết, tại thời điểm, chỉ có các dự án căn hộ được cho là còn “cửa sáng”, nhưng Phúc Khang lại chọn phân khúc đất nền vùng ven để khởi đầu, với quan điểm 80% người Việt xuất thân từ nông dân.

“Thời điểm đó, việc Phúc Khang đầu tư vào phân khúc này bị nhiều người ví như đụng vào ‘xác chết’, bởi đây là phân khúc không ai làm và rất khó thành công”, Thanh Mẫu bộc bạch.

Theo đó, Phúc Khang chọn hướng phát triển với mô hình đô thị sinh thái, chọn vị trí dự án với tiêu chí “bám” vào các khu vực có bán kính cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km trở lại, nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia.

Về vấn đề tài chính, Thanh Mẫu phân tích, khi thị trường gặp khủng hoảng, doanh nghiệp phải tính đến phương án tích lũy và số đông, thay vì thu 100% giá trị bất động sản của 100 khách hàng, hãy thu 10% của 1.000 khách hàng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn đảm bảo doanh thu và khách hàng cũng dễ dàng tích lũy để sở hữu bất động sản. Giải pháp của Phúc Khang lúc đó đã “đánh” đúng vào nhu cầu và tâm lý của khách hàng.

Bên cạnh đó, Phúc Khang còn bất ngờ chuyển hướng đầu tư vào thị trường căn hộ với mục đích thực hiện khát vọng “nâng tầm” công ty, làm ra các sản phẩm khó hơn, yêu cầu trình độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ cao hơn.

Trong vòng 10 năm, Phúc Khang Corp từ một công ty nhỏ giờ đã trở thành tập đoàn lớn mạnh, với hệ sinh thái đa dạng bao gồm bất động sản, nghỉ dưỡng, du lịch với hàng loạt các dự án bất động sản gây tiếng vang trên thị trường bất động sản TP.HCM như: Diamond Lotus Riverside (quận 8), Rome by Diamond Lotus (quận 2), Diamond Lotus Lakeview (quận Tân Phú),...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ