Những dự án trọng điểm hứa hẹn làm thay đổi diện mạo TP.HCM trong năm 2021

Nhàđầutư
Trong năm 2021, TP.HCM sẽ ưu tiên hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án như: Dự án chống ngập; tuyến metro số 1, hoàn tất GPMB metro số 2; cầu Thủ Thiêm 2; … Đây là những dự án trọng điểm được chính quyền và người dân TP.HCM mong mỏi, đồng thời, hứa hẹn làm thay đổi diện mạo thành phố.
LÝ TUẤN
12, Tháng 02, 2021 | 08:43

Nhàđầutư
Trong năm 2021, TP.HCM sẽ ưu tiên hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án như: Dự án chống ngập; tuyến metro số 1, hoàn tất GPMB metro số 2; cầu Thủ Thiêm 2; … Đây là những dự án trọng điểm được chính quyền và người dân TP.HCM mong mỏi, đồng thời, hứa hẹn làm thay đổi diện mạo thành phố.

cdc

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được triển khai trong năm 2021

Thông tin về kế hoạch thực hiện trong năm 2021, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên tổ chức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn này có nhiều quy định, chính sách mới về đầu tư được ban hành.

Trong đó, nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP. Thủ Đức cũng bắt đầu được triển khai trong năm 2021. Do đó, việc đầu tư nguồn lực phát triển giao thông trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng.

Theo ông Trần Quang Lâm, các công trình giao thông trọng điểm sẽ được ưu tiên tập trung đầu tư trong năm 2021, đó là các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ như xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; các dự án thuộc địa bàn TP. Thủ Đức như nút giao thông An Phú, khép kín đường vành đai 2; các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM như mở rộng các quốc lộ 1, 13, 22, 51...

Sở GTVT TP.HCM sẽ kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với 3 tuyến đường vành đai tại TP.HCM là đường vành đai 2; vành đai 3 (điểm kết nối đầu tuyến quan trọng của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài) và vành đai 4.

Được biết, 3 tuyến đường vành đai tại TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 356km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thời gian qua TP.HCM đã đưa vào khai thác được khoảng 71km đường vành đai (trong đó, vành đai 2 khoảng 55km, vành đai 3 hơn 16km), đối với đường vành đai 4 còn đang trong quá trình chuẩn bị để đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 diễn ra vào ngày 5/1/2021, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, mục tiêu năm 2021, đơn vị sẽ tập trung trình phê duyệt 40 dự án. Trong đó, dự kiến có 21 dự án được duyệt, trình duyệt 27 dự án đầu tư công, việc khởi công mới sẽ phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã đề ra chỉ tiêu hoàn thành 45 dự án, gói thầu như dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Đồng Văn Cống, nhánh 1 cầu Bưng, cầu Vàm Sát 2…và quyết toán 32 dự án. Chỉ tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn, quyết toán hoàn thành 32 dự án.

Trong đó có 8 nhóm dự án: dự án mang tính chiến lược (cao tốc liên vùng, cửa ngõ); các dự án ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất; dự án giải quyết giao thông trong hệ thống TP. Thủ Đức; dự án nối kết trục giao thông Bắc – Nam (tăng cường nhiều cây cầu như cầu Nguyễn Khoái, cầu Bình Tiên…);

Ngoài ra, ông Phúc cho biết thêm, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng sẽ tiếp tục hoàn thành hệ thống giao thông đường thủy (nút giao, tuyến đường hiện hữu); hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn (tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối metro số 1); các tuyến dự án đường thủy nối kết sông Sài Gòn; hoàn thiện dự án cải thiện môi trường giai đoạn 2.

Loạt dự án hứa hẹn làm thay đổi diện mạo TP.HCM

Tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra vào ngày 7/12/2020, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, định hướng năm 2021, TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ kết nối hạ tầng giao thông và giải quyết việc tồn đọng đối với các nhóm dự án trọng điểm.

Theo ông Liêm, TP.HCM sẽ ưu tiên hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án như: Dự án chống ngập; tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); hoàn tất giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với một số dự án như: Nhà hát giao hưởng - nhạc, vũ kịch tại Thủ Thiêm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; hoàn thành sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2 ); cầu Thủ Thiêm 2;….

Đây cũng là những dự án trọng điểm được chính quyền và người dân TP.HCM mong mỏi trong thời gian qua, đồng thời, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo thành phố trong năm 2021.

Cụ thể, dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012, với 4 gói thầu chính, có tổng chiều dài 19,7km, trong đó, đoạn đi ngầm 2,6km và đoạn đi trên cao 17,1km. Với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) và 1 depot.  Đi qua các quận gồm: Quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.757,15 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 13/10/2020, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng đã tổ chức lễ đón đoàn tàu đầu tiên tuyến metro số 1 trong tổng số 17 đoàn tàu được sản xuất cho tuyến metro số 1 từ Nhật Bản về TP.HCM để tiến hành vận hành thử nghiệm trong khu vực depot.

Theo kế hoạch, đoàn tàu sẽ được tiến hành vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn như: Ở quý I/2021, vận hành thử nghiệm trong depot; quý III/2021, vận hành thử nghiệm từ depot đến Bình Thái; quý IV/2021 vận hành thử nghiệm từ depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray,... Hiện, tuyến metro số 1 đạt gần 82% khối lượng công việc.

Đối với dự án metro số 2 (Bến Thành  - Tham Lương), hiện đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, đây là dự án thuộc công trình đường sắt đô thị thuộc cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư gần 47.891 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài là 11,2km, dự kiến đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình với đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2km, đoạn đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2km. Công trình bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot.  Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 sẽ khởi công năm 2021 và hoàn thành sau 5 năm.

Đặc biệt, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 – quy mô 10.000 tỷ đồng (dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng) do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư, được khởi công vào hồi tháng 6/2016, với 8 hạng mục chính, trong đó gồm 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân, Tân Thuận, cùng các tuyến đê kè, hệ thống SCADA.

Tính đến ngày 1/1/2021, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành hơn 96% khối lượng công việc, theo kế hoạch dự án sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2021. Tuy nhiên, Trung Nam Group cho biết, dự án có nguy cơ sẽ tạm ngừng nếu không được tháo gỡ khó khăn về vốn, phụ lục hợp đồng.

Một dự án đáng chú ý khác là cầu Thủ Thiêm 2, được khởi công từ đầu năm 2015 do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, với tổng số vốn là 4.260 tỷ đồng. Cầu có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài là 1.465m. Trong đó, phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm thành phố qua Khu ĐTM Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm.

Đến thời điểm hiện tại, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng. Theo dự kiến, công trình sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 9/2021.

Ngoài ra, một số dự án khác đã hoàn thành trong năm 2020 và đầu năm 2021 như: Công trình Bến xe Miền Đông mới (hoạt động từ ngày 10/10/2020); hầm chui nút giao thông An Sương (khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 19/9/2020); dự án mở rộng đường Tô Ký (khánh thành ngày 3/10/2020; cầu sắt An Phú Đông (thông xe ngày 31/12/2020) hay cầu Phước Lộc; cầu Mỹ Thủy 3 (được thông xe trong tháng 1/2021);...

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ