Những động thái mới nhất của Nhật Bản nhằm khuyến khích đầu tư vào Đông Nam Á

Nhật Bản sẽ tăng cường đáng kể các chương trình khuyến khích doanh nghiệp nước này xây dựng thêm cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
THANH TRẦN
16, Tháng 10, 2020 | 12:57

Nhật Bản sẽ tăng cường đáng kể các chương trình khuyến khích doanh nghiệp nước này xây dựng thêm cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

e2c44952348a40e6ce64aef23c913c34

Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ công bố kế hoạch khuyến khích đầu tư vào ASEAN trong chuyến thăm Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tới một nửa chi phí cho các công ty lớn và 2/3 cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ hơn khi họ đầu tư vào các nước khu vực ASEAN. Các khoản trợ cấp được áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng sản xuất tập trung ở một quốc gia.

Những chính sách này là nhằm hỗ trợ các công ty mở rộng số lượng quốc gia nơi họ có hoạt động ở nước ngoài, chứ không phải để lôi kéo họ rời khỏi bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù Trung Quốc không được nêu tên cụ thể trong kế hoạch, nhưng mục tiêu dường như là giảm sự phụ thuộc vào quốc gia này.

Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ công bố kế hoạch này trong chuyến thăm Việt Nam, qua đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông trên cương vị lãnh đạo Nhật Bản. Chuyến công du ASEAN của ông, bao gồm cả chặng dừng chân ở Indonesia, sẽ được sử dụng để kêu gọi các biện pháp thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á.

Chương trình này nhằm hỗ trợ cụ thể các dự án liên quan đến việc mở rộng mạng lưới sản xuất tại các quốc gia thành viên ASEAN. Các kế hoạch liên quan đến việc rút khỏi một quốc gia nhất định sẽ có thể bị loại trừ.

Mặt khác, xây nhà máy mới ở một nước Đông Nam Á và bỏ lại cơ sở ở Trung Quốc sẽ được coi là hình thức đa dạng hóa hợp pháp. Chương trình không nêu đích danh Trung Quốc, vì làm như vậy có thể khiến Tokyo phải hứng chịu những lời chỉ trích rằng nước này đang bóp méo thương mại tự do.

Yorizumi Watanabe, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai, Nhật Bản, cho biết kế hoạch sẽ không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, miễn là nó có các tiêu chuẩn khách quan để cung cấp hỗ trợ, thay vì trợ cấp cho các công ty cụ thể.

Xét về mức chi phí, Đông Nam Á được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn đối với các DN sản xuất. Tiền lương năm trung bình của một công nhân ngành sản xuất tại Indonesia là 5.956 USD và 4.041 USD ở Việt Nam, so với mức gần 10.000 USD ở Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Ngay cả trước khi trở thành thủ tướng, ông Suga cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết về việc giải quyết sự phụ thuộc quá mức của chuỗi cung ứng ở các quốc gia cụ thể, với lý do các nhà sản xuất ô tô buộc phải đóng cửa các nhà máy khi họ không thể nhận được các linh kiện bộ phận từ Trung Quốc trong những ngày đầu bùng phát đại dịch COVID-19.

Chính phủ Nhật Bản sẽ dành một khoản tiền đáng kể trong ngân sách bổ sung thứ ba cho chương trình này để đánh dấu tầm quan trọng của nó như một sáng kiến ​​chính sách.

Ngân sách bổ sung đầu tiên của Nhật Bản cho năm tài chính 2020 đã chi ra 23,5 tỷ yên (223 triệu USD) để giúp các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á và mở rộng mạng lưới cung ứng của họ. Sau đó, chính phủ nước này cũng đã duyệt 30 dự án trong vòng đăng ký đầu tiên kết thúc hồi tháng 6.

Tuy nhiên, chương trình này ít được biết đến hơn so với một sáng kiến ​​tương tự nhưng lớn hơn nhiều, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Sáng kiến đó đã nhận được hơn 1.700 đơn đăng ký, trong đó 57 dự án với tổng trị giá 544 triệu USD đã được phê duyệt.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cũng như sự chậm trễ trong việc tìm nguồn cung ứng khẩu trang và các mặt hàng quan trọng khác trong đại dịch, đã nêu bật những rủi ro khi các mạng lưới cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Washington đã chặn các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc từ thị trường Mỹ, với lý do thông tin nhạy cảm có thể bị rò rỉ cho Bắc Kinh cũng như thúc đẩy các đồng minh bao gồm Nhật Bản, Anh và Australia làm điều tương tự.

Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất ở Mỹ. Các doanh nghiệp Nhật Bản có các cơ sở ở Trung Quốc có nguy cơ bị mắc kẹt hàng hóa khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trả đũa nhau.

(Theo Nikkei Asian Reviews)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ