Những doanh nghiệp đầu tiên ước lợi nhuận quý II

Agriseco Research nhận định dòng tiền tiếp tục tìm kiếm những ngành, cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng.
LAN ĐIỀN
19, Tháng 06, 2021 | 08:35

Agriseco Research nhận định dòng tiền tiếp tục tìm kiếm những ngành, cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng.

forecast-a23-5948-1623920312

Ảnh: Internet.

Theo số liệu từ FiinPro, doanh thu thuần và lãi sau thuế quý I tính chung các doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng lần lượt gần 12% và 118% so với cùng kỳ, do mặt bằng so sánh thấp của cùng kỳ năm 2020. Trong đó lãi khối doanh nghiệp phi tài chính tăng tới 141%.

Agriseco Research dự báo quý II sẽ tiếp tục chứng kiến hàng loạt mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh cao đột biến so với cùng kỳ. Trong bối cảnh dòng tiền vẫn mạnh mẽ và đang tìm kiếm những ngành, cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng thì đây là những câu chuyện đầu tư đáng chú ý.

Mặc dù chưa kết thúc tháng 6 nhưng một số doanh nghiệp đã bắt đầu công bố những kết quả kinh doanh sơ bộ, cho thấy những tín hiệu đầu tiên của mùa báo cáo kinh doanh nửa đầu năm đến gần.

Lợi nhuận PVTrans, Minh Phú, SHS tăng trưởng

Trong lĩnh vực vận tải biển, lãnh đạo PV Trans (HoSE: PVT) mới đây ước tính doanh thu nửa đầu năm đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và thực hiện 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế tính đến nay đat khoảng 420 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ và thực hiện 84% kế hoạch năm.

CEO Phạm Việt Anh tin tưởng kết quả này sẽ tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận 10 năm liên tiếp cho PVTrans, mặc dù thời gian tới còn nhiều biến động nhất là dịch Covid-19 và biến động giá dầu. Doanh nghiệp cũng tận dụng các cơ hội để đầu tư đổi mới đội tàu thêm 15 chiếc thời gian tới.

PVTrans là doanh nghiệp liên quan đến hoạt động vận tải nhưng lại ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu mà chủ yếu phụ thuộc hoạt động giao thương như cung đội tàu và nguồn hàng vận chuyển, phụ thuộc kho chứa, vấn đề đầu cơ… Khoảng 80% đội tàu tổng công ty này đang vận tải thị trường quốc tế và đội tàu trong nước chiếm 20% số lượng còn lại.

Lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) cũng vừa dự báo lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó lợi nhuận riêng tháng 6 ước khoảng 100 tỷ đồng. 

Đến giữa tháng 6, công ty ngành tôm này đã ký kết các hợp đồng bán hàng với khoảng 16.500 tấn và giá trị 195 triệu USD. Công ty sẽ đẩy mạnh ký kết từ giữa tháng 7 và kết quả kinh doanh dự kiến tăng trưởng hơn nữa vào tháng 7-10 tới. Đây là giai đoạn giá tôm có thể tăng lên do sản lượng từ Ấn Độ giảm mạnh và nhu cầu tích trữ lớn cho mùa lễ Noel và cuối năm.

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) mới đây ước tính lợi nhuận trước thuế đạt trên 600 tỷ đồng, thực hiện đến 80% kế hoạch đề ra. Lãnh đạo công ty tin tưởng giai đoạn cuối năm nếu tình hình thuận lợi thì lợi nhuận năm nay sẽ cao hơn năm 2020.

Năm 2021, công ty chứng khoán này đặt mục tiêu kinh doanh khá thận trọng với tổng doanh thu tăng hơn 4% lên 1.887 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 751 tỷ đồng, giảm gần 20% do chuyển khoản đầu tư cổ phiếu SHB sang đầu tư dài hạn (nằm ở khoản mục AFS) nên không phản ánh vào báo cáo tài chính năm nay.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ 10.000 tỷ đồng

Ở chiều ngược lại, Vietnam Airlines (HoSE: HVN) dự báo lỗ lên tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Hãng hàng không quốc gia đang có số nợ phải trả quá hạn tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Từ cuối tháng 3, Vietnam Airlines đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. 

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Hay như Danameco (HNX: DNM) ước tính doanh thu nửa đầu năm đạt khoảng 120 tỷ đồng. Chỉ tiêu này chỉ bằng 1/3 so cùng kỳ năm trước và cũng mới hoàn thành 1/3 kế hoạch năm. Doanh thu giảm do nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2020 khi sức tiêu thụ khẩu trang, thiết bị y tế tăng đột biến trong đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên.

Vinachem, FPT, SCS có kết quả tích cực

Chưa có kết quả 6 tháng nhưng một số đơn vị cũng thông báo tình hình kinh doanh sơ bộ 5 tháng khá tích cực như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hầu hết các chỉ tiêu chính có mức tăng so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu 5 tháng tăng hơn 33% đạt 20.851 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành phân bón doanh thu tăng mạnh nhất 58,4% so với cùng kỳ, nhóm cao su đạt mức tăng 18,1% hay nhóm pin - ắc quy tăng 14,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế các nhóm ngành có mức tăng 58,6% so với cùng kỳ đạt gần 766 tỷ đồng và bằng 49% kế hoạch cả năm.

Vinachem đã sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 1,25 triệu tấn phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật, gần 1,5 triệu sản phẩm săm lốp ôtô, xe máy các loại… đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo các cân đối lớn về hàng hoá trong nước.

Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt 13.279 tỷ đồng và 2.428 tỷ đồng, tăng gần 19% và 22% so với cùng kỳ. Theo đó doanh nghiệp hoàn thành 39% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đà tăng trưởng 2 con số này là nhờ doanh thu ký mới của dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh ở cả thị trường nội địa và nước ngoài. Ngoài ra lợi nhuận còn được hỗ trợ từ tăng trưởng dịch vụ internet băng thông rộng và mảng quảng cáo trực tuyến.

Công ty Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) cho biết sản lượng 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 98.339 tấn, tăng 22%; trong đó sản lượng quốc tế tăng 15,7% và quốc nội tăng 41,1%. Lãi trước thuế ước đạt 247 tỷ đồng, tăng 25% và thực hiện 46% kế hoạch năm.

Lãnh đạo SCS cho biết đã chuẩn bị tốt các nguồn lực để tổ chức sản xuất và đón cơ hội thị trường. Việc giá cước biển tăng mạnh, cùng rối loạn trong chuỗi cung ứng có tác động tích cực đến sản lượng hàng hóa hàng không, đặc biệt là với các mặt hàng yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh như điện tử, hàng tươi sống.

(Theo NDH)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ