Nhộn nhịp Ngoại giao cuối Đinh Dậu

Nhàđầutư
Với “các thao tác lịch sử” vào những tuần cuối năm Đinh Dậu, dường như chính sách “đa dạng hóa” các quan hệ đối ngoại của Việt Nam chuyển sang bước ngoặt mới, một thời kỳ cân bằng và năng động với các cường quốc, tiến lên vị thế trung tâm của ASEAN, tiếp tục hội nhập sâu rộng cùng các trào lưu thời đại...
TS. ĐINH HOÀNG THẮNG
27, Tháng 01, 2018 | 13:11

Nhàđầutư
Với “các thao tác lịch sử” vào những tuần cuối năm Đinh Dậu, dường như chính sách “đa dạng hóa” các quan hệ đối ngoại của Việt Nam chuyển sang bước ngoặt mới, một thời kỳ cân bằng và năng động với các cường quốc, tiến lên vị thế trung tâm của ASEAN, tiếp tục hội nhập sâu rộng cùng các trào lưu thời đại...

Lần đầu tiên, một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé thăm Việt Nam sau Tết Nguyên Đán (tháng 3/2018). Đây sẽ là cơ hội hiếm hoi đối với hai quốc gia cựu thù nhưng nay đã trở thành những đối tác đặc biệt, hợp lực vì an ninh và an toàn trên khu vực Biển Đông. Thông tin này được đưa ra hôm 25/1/2018, ngày thứ hai trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Lần theo dấu vết lịch sử, cách đây khoảng sáu tháng, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du Hoa Kỳ và đến Nhà Trắng hội đàm với ông Trump hôm 31/5/2017, chính Tổng thống Donald Trump đã hứa với thủ tướng Phúc về việc điều tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam.

Cũng là “vì độc lập, vì tự do…”

Đúng như một trong những nội dung cốt yếu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tại trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất, ngày 25/1/2018, khi ông nhấn mạnh phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Sứ mệnh này rõ ràng cần được tích hợp với xu thế “tích cực và chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đúng vào chiều 25/1/2018 ấy, tại Trụ sở Trung ương Đảng, khi tiếp xã giao Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dẫn đầu, Tổng Bí thư đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đưa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện ấy đi vào chiều sâu, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tong bi thu nguyen phu trong tiep bo truong quoc phong my James Mattis

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis 

Tổng Bí thư còn cho rằng chuyến thăm lần này của Bộ trưởng James Mattis sẽ góp phần củng cố và triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Hoa Kỳ có khả năng, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có việc rà phá bom mìn, tẩy độc môi trường, hỗ trợ nhân đạo và tìm kiếm quân nhân mất tích, tăng cường lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, gác lại quá khứ, cùng nhau vượt qua khác biệt, phát huy điểm đồng, hướng tới tương lai để đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chính dư địa của quan hệ song phương Việt-Mỹ qua đánh giá của Tổng Bí thư, cho chúng ta thấy triển vọng tươi sáng của quá trình thực thi hai bản Tuyên bố chung có ý nghĩa lịch sử Mỹ-Việt (31/5/2017) và Việt-Mỹ (12/11/2017) cách nhau chưa đầy nửa năm.

Cũng vào chiều 25/1/2018, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại điểm lại mối quan hệ lịch sử về thương mại và văn hóa giữa khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, tái khẳng định ASEAN và Ấn Độ đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực suốt phần tư thế kỷ qua.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc va lanh dao cac nuoc tai hoi nghi

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước tại hội nghị.

Tin rằng hợp tác ASEAN - Ấn Độ sẽ là điểm sáng trong thành công của thế kỷ “Ấn Thái Dương”, Thủ tướng Việt Nam đã chia sẻ một số phương hướng hợp tác trong thời gian tới, theo đó coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính, ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng khẳng định hai bên cần tăng cường kết nối, bảo đảm tính bền vững liên khu vực bằng cách sớm triển khai các dự án đường cao tốc, cảng biển, hoàn tất đàm phán các hiệp định vận tải biển và hàng không…

Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước Luật biển 1982, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực “Ấn Thái Dương”.

Trở lại chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, phát ngôn viên của bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đại tá Jeff Davis cho biết, lãnh đạo hai nước đã chuẩn thuận tổ chức chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào tháng 3 tới. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, đây sẽ là một cột mốc lịch sử, vì cho tới nay, chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam.

Bo truong Ngo Xuan Lich và Bo truong Mattis

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Mattis.

Trước đây, trong thời gian chiến tranh, các hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng chỉ di chuyển ngoài khơi, chứ chưa hề ghé vào các cảng biển của Việt Nam. Từ chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của bộ trưởng Jim Mattis, ông đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an ninh, an toàn và quyền tự do hàng hải trên toàn vùng Biển Đông.

Cân bằng và đối trọng giữa các bên

Đối với giới quan sát, quyết định điều tàu sân bay ghé thăm Việt Nam là dấu hiệu cho thấy quyết tâm cao của Washington can dự vào Đông Nam Á để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông đang ngày càng bị đe dọa. Mục tiêu của Mỹ được thể hiện một cách rõ rệt trong bản thông cáo được Lầu Năm Góc công bố ngày 9/8/2017, theo đó, các bên nhấn mạnh đến lợi ích chung Mỹ-Việt, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia.

Dù không chính thức nhấn mạnh, nhưng khi nhắc đến nhu cầu an ninh, an toàn và bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, rõ ràng là hai nước Mỹ-Việt ám chỉ các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông vừa qua như: bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này, đe dọa tự do lưu thông trong khu vực.

Tờ “International Business Times”, thuộc tổ hợp truyền thông Newsweek, vào ngày 9/8 năm ngoái đã bình luận rằng, quyết định gửi một tàu sân bay tới Việt Nam, một trong những nước can trường dám thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, là tín hiệu mà chính quyền Donald Trump đưa ra cho thấy đà tăng cường quan hệ song phương.

Theo chuyên gia phân tích chiến lược Rodger Baker từ Trung tâm tham vấn địa-chính trị có uy tín (Stratfor), cuộc tiếp xúc giữa thủ tướng Phúc và tổng thống Trump hồi mùa hè 2017 là một “động thái đã được tính toán cẩn trọng nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ để đối phó lại những nỗ lực liên tục của Trung Quốc âm mưu quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông".

Đối với chuyên gia nói trên, Việt Nam có một vị trí rất đáng chú ý tại Đông Nam Á. Chính quyền Mỹ đã bắt đầu chuyển giao một số tàu tuần tra nhỏ cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, đã có những chuyến thăm viếng giao lưu giữa Hải Quân hai bên và Mỹ cũng đã bãi bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam.

Đối với Mỹ, Việt Nam là một đồng minh tự nhiên, có thể cùng Hoa Kỳ đối phó với kế hoạch bành trướng Trung Quốc. Một chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề Đông Nam Á tại đại học Tế Nam ở Quảng Châu, gần đây đã khẳng định rằng "Việt Nam luôn luôn là quốc gia ở ASEAN có thái độ nghi kỵ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất... bởi vì Việt Nam có chung biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc". Việt Nam cũng đã tăng cường Hải Quân, gia cố một số hòn đảo và đã không ngần ngại lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước khi đón tiếp người đồng nhiệm từ Washington, ngày 23/1/2017, đại tướng Ngô Xuân lịch cũng đã có một ngày bận rộn với người đồng cấp đến từ nước Nga là ông Sergei Shoigu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu thăm chính thức Việt Nam trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một ngày. Theo phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, bà Markovskaya, ông Sergei Shoigu sang Hà Nội là để thảo luận về các quan hệ hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực quốc phòng và kỹ thuật quân sự.

chu tich nuoc tran dai quang tiep bo truong quoc phong Nga Sergei Shoigu ngay 23-1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 23/1 

Nga hiện nay là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, từ máy bay chiến đấu, tên lửa phòng thủ bờ biển, cho đến chiến hạm và tàu ngầm. Chuyến công du Việt Nam gần như cùng một thời điểm của cả hai Bộ trưởng Quốc phòng cả Nga lẫn Mỹ cũng đã thu hút sự quan tâm của Trung Quốc. Ngày 22/1 mới đây, “Hoàn cầu Thời báo” (GT) (một phiên bản tiếng Anh của cơ quan ngôn luận chính thức từ Bắc Kinh) đã nhắc lại Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ coi Trung Quốc và Nga là “các đối thủ” của Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa công khai đả kích chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Hôm 26/1, khi được hỏi về việc này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc không phản đối “quan hệ hợp tác, thân thiện bình thường giữa các nước". Nhưng vào thời điểm chiếc Khu trục hạm USS Hopper của Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý ở bãi cạn Scaborough trước đây, trang mạng “GT” vẫn bình luận, hoạt động của Khu trục hạm USS Hopper có thể là để khởi động cho chuyến công du của James Mattis đến Indonesia và Việt Nam.

Liên quan đến kế hoạch tuần tra của Mỹ ở Biển Đông thời gian qua (FONOB), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 7/9/2017 tuyên bố rằng, Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải-hàng không phù hợp với luật quốc tế. Tuyên bố này là cách Việt Nam ủng hộ các hoạt động FONOP của Mỹ.

Trong khi đó, trang mạng “GT” nói trên lại thách thức, nếu Mỹ muốn gia tăng cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc tại Biển Đông thì quả thật, đấy sẽ là một trong những nơi tốt nhất. Hẳn nhiên, Trung Quốc theo dõi chặt chẽ cách thức mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quản trị vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam lần này. “GT” nhắc nhở Hoa Kỳ chớ có quá tự tin về vai trò của Mỹ tại khu vực và cũng đừng quá lý tưởng về mức độ các nước ASEAN sẽ đi theo chính sách của Mỹ./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ