Nhìn lại thị trường trái phiếu 8 tháng đầu năm

Nhàđầutư
Sau khi cơ quan quản lý có các động thái mạnh tay, quyết tâm làm sạch thị trường, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại đáng kể so với giai đoạn trước.
NHẬT HUỲNH
18, Tháng 09, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Sau khi cơ quan quản lý có các động thái mạnh tay, quyết tâm làm sạch thị trường, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại đáng kể so với giai đoạn trước.

a-ttrai-phieu-7001

Nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu trong 8 tháng đầu năm. Ảnh Internet.

Trái phiếu doanh nghiệp chững lại

Theo báo cáo thị trường tháng 8/2022 do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố, trong tháng 8 có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị hơn 14.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành 1.800 tỷ đồng.

Các đợt phát hành lớn nhất của tháng 8/2022 được ghi nhận là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá trị TPDN đạt 1.500 tỷ đồng; Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) với giá trị phát hành cùng đạt 1.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, sau sự bùng nổ và gia tăng trong những năm trước, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay, đặc biệt, sự vắng bóng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cho thấy các doanh nghiệp vẫn khá lo lắng với các biện pháp thắt chặt quản lý.

Cụ thể, trong 3 năm 2018-2021, với sự "cởi trói" từ Nghị định 163, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất nóng. Sang đến 3 tháng đầu năm 2022, thị trường này vẫn khá sôi động với tổng lượng trái phiếu phát hành (tính cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng) đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, sau việc hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ cùng với những giải pháp mạnh mẽ để lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Tháng 4/2022 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ nhóm ngân hàng (chiếm đến 90,7% tổng giá trị). Nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành. Đáng chú ý, nhóm bất động sản trong tháng này không phát hành một đợt trái phiếu nào. 

Tháng 5 và tháng 6/2022, trái phiếu doanh nghiệp đã dần ấm lên khi nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại. Riêng trong tháng 5/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 34 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 24.105 tỷ đồng. Đến tháng 6, số liệu của VBMA cho thấy có 1 đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 100 triệu USD của CTCP VinGroup và 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị là 18.210 tỷ đồng. 

Sang đến tháng 7, có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng. Trong đó ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỷ đồng, chiếm 81% tổng giá trị phát hành. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản chỉ có duy nhất CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An – thành viên của Đất Xanh Group, phát hành 200 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54,2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91.998 tỷ đồng, chiếm 76,9%. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21,3%. CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10,2%/năm.

Áp lực đáo hạn

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 745.400 tỷ đồng là giá trị phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn từ nay đến hết năm 2024. Cụ thể, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng nhiều nhất là nhóm bất động sản và các tổ chức tín dụng.

Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, tổng giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2023 là 120.400 tỷ đồng, năm 2024 là 121.100 tỷ đồng. Công ty này nhận định, cuối năm 2022 và năm 2023, 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn.

Tương tự, FiinRatings (FiinGroup) cũng lưu ý, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang tăng cao trong thời gian qua trong bối cảnh nhiều "sóng gió" của ngành bất động sản đã làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay. Thực tế này có thể sẽ còn xảy ra với một số trường hợp khác khi mà phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là các doanh nghiệp chưa niêm yết, bao gồm công ty dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định. Do đó, hồ sơ tín dụng chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng hoặc huy động nguồn vốn khác trong bối cảnh hiện nay.

"Giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm nay sẽ đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn với 84% tổng giá trị so với con số 16% của các doanh nghiệp niêm yết. Áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết", FiinGroup cho biết.

Về vấn đề này, tại toạ đàm "Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - niềm tin và trách nhiệm" vào ngày 13/9, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết các doanh nghiệp có khối lượng phát hành TPDN lớn hầu hết đều đã có chuẩn bị nguồn lực cho số lượng TPDN đáo hạn sắp tới. Vì vậy, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu gần như là rất thấp.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, khả năng đổ vỡ thị trường TPDN là khó. Theo ông Thành, việc Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sắp được ban hành chính thức sẽ thiên về xử lý dòng tiền trước mắt, giảm thiểu rủi ro mới phát sinh bên cạnh nỗ lực từng bước tiến tới nền tảng tốt hơn cho thị trường dài hạn. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ