Nghi Xuân hướng đến đô thị xanh, nền kinh tế xanh

Nhàđầutư
Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện là cột mốc lịch sử quan trọng đối với người dân của quê hương Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, đồng thời cũng là cột mốc quan trọng bằng tư duy đổi mới sáng tạo, Nghi Xuân tiến cùng cả nước với khát vọng vươn lên mạnh mẽ “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
GS-TSKH NGUYỄN MẠI
21, Tháng 08, 2019 | 16:34

Nhàđầutư
Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện là cột mốc lịch sử quan trọng đối với người dân của quê hương Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, đồng thời cũng là cột mốc quan trọng bằng tư duy đổi mới sáng tạo, Nghi Xuân tiến cùng cả nước với khát vọng vươn lên mạnh mẽ “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

I. Nghi Xuân hôm nay

Nghi Xuân giáp với thành phố Vinh, đô thị lớn Bắc miền Trung, có sông Lam chảy phía Tây Bắc với chiều dài 28 km, có 32 km bờ biển với khu du lịch Xuân Thành, cảng cá Xuân Hội, cảng Xuân Hải, có hệ thống đường bộ thuận lợi.

Nghi Xuân là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, Tướng công Nguyễn Công Trứ, có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như Đình Hội Thống, Đền Củi, Đền Huyện, Chùa Phong Phạn, Chùa Thanh Lương, Chùa Đà Liễu.

nong-nghiep-co-gioi-nghi-xuan

Trong mấy năm gần đây, bà con nông dân Nghi Xuân đã áp dụng cơ giới hóa trong hầu hết các khâu sản xuất

Nghi Xuân có nhiều làng nghề truyền thống như làng mộc Đan Phổ, làng nước mắm Cương Gián, làng nồi đất Cổ Đạm, làng nghề nón Tiên Điền. 

Nghi Xuân trở thành “Nông thôn của khát vọng khởi nghiệp và làm giàu”, “Miền quê đáng sống”,  quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng thiết chế văn hóa thôn xã; đang hướng tới mục tiêu huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Những thành quả kinh tế- xã hội mà huyện Nghi Xuân đã thu được trong gần 10 năm vừa qua rất đáng  tự hào, tạo tiền đề để vươn lên tầm cao mới.

Tuy vây, khi sắp kết thúc chiến lược phát triển 2011- 2020 và chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển 2021- 2030 thì cần lưu ý 4 vấn đề quan trọng:

+ Quy mô kinh tế còn nhỏ

Năm 2019 tổng thu ngân sách của Nghi Xuân ước đạt 350 tỷ đồng, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.900 tỷ; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng (tương đương 1.740 USD, bằng 62% GDP/người của cả nước). Nghi Xuân chưa có những sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, vẩn là nền nông nghiệp manh mún, công nghiệp quy mô nhỏ.

+ Chậm chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Nghi Xuân vẫn dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp là chính, mới hình thành khu công nghiệp nhưng còn ít nhà máy, du lịch chủ yếu là khách nội địa nhưng số lượng còn ít, thiếu cơ sở hạ tầng và mạng lưới du lịch có chất lượng; dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thương mại chưa phát triển.

+ Chưa phát huy được lợi thế

Nghi Xuân có lợi thế so sánh vượt trội do về địa lý tiếp giáp với thành phố Vinh, có bờ biển dài với nhiều bãi tắm tốt, có hệ thống đường bộ khá thuận lợi, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh, người dân chân tình, mến khách. Đáng tiếc là lợi thế chưa được khai thác để trở thành các khu du lịch có chất lượng, khu công nghiệp hiện đại, khu đô thị lớn nhằm biến tiềm năng thành của cải vật chất, phục vụ cho cuộc sống của con người, góp phần xây dựng Hà Tĩnh giàu đẹp.

+ Thiếu cơ chế, chính sách thích hợp

Kinh nghiệm của nhiều địa phương trong quá trình xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư là trong khung khổ luật pháp của Nhà nước cần hình thành hệ thống chính sách, cơ chế, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi thì chỉ trong một thời gian không dài có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư, thành lập khu công nghiệp, xây dựng khu đô thị, gia tăng nhanh chóng tốc độ phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đô thị. Đáng tiếc là Nghi Xuân chưa hình thành được thiết chế như vậy.

II.  Nghi Xuân tiến cùng đất nước

Loài người đã trải quan nhiều giai đoạn phát triển; trong một thời gian khá dài chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản  và đất đai. Đó là những nhân tố phát triển có giới hạn và ngày càng khan hiếm. Loài người đã tìm được nhân tố phát triển không có giới hạn là đổi mới và sáng tạo bằng sáng chế, phát minh về khoa học và công nghệ.

Tại Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình”.

Trong giai đoạn 2021- 2030 phải phát triển mạnh mẽ KH&CN, lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, của ngành và lĩnh vực, của quốc gia, thực sự trở thành động lực chính đối của tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sebastian Eckardt khuyến nghị: “Việt Nam cần tăng cường đầu tư và thúc đẩy tăng năng suất để tái tạo đà tăng trưởng, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, sở hữu trí tuệ, tài chính cho khởi nghiệp, hệ sinh thái cho cạnh tranh và đổi mới sáng tạo”.

Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Nguyễn Xuân Thành cho biết, doanh nghiệp công nghệ có thể giúp các nước thu nhập trung bình gia tăng năng suất lên 0,8-1,4% mỗi năm. Trong khi Chính phủ luôn muốn GDP tăng khoảng 7%/năm, nếu có thêm các doanh nghiệp công nghệ lớn, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 0,8-1,4%/năm.

Theo TS Trần Đình Thiên và TS  Võ Trí Thành thì “ CMCN 4.0 và kinh tế số vẫn diễn ra nhờ sự vận động của thị trường, song sẽ có đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng GDP... Chênh lệch tác động giữa kịch bản tốt nhất (chuyển đổi số) và kịch bản ít mong muốn nhất (truyền thống) là 1 điểm phần trăm GDP/năm, khoảng 3 triệu tỷ đồng trong vòng 20 năm” (Việt Nam thời chuyển đổi số, tr. 210).

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và hai kế hoạch 5 năm của chiến lược này phải thay đổi cơ bản tiêu chí đánh giá kết quả kinh tế- xã hội, bổ sung hệ thống chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng: TFP, năng suất lao động, tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao/tổng sản lượng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Doanh nghiệp cần coi đổi mới sáng tạo là phương châm hành động lâu dài, nâng cao tỷ trọng đầu tư R&D, ứng dụng KH&CN, liên kết với các tổ chức khoa học, giáo dục, kết nối theo chuỗi cung ứng sán phẩm trong nước và toàn cầu, tham gia thực hiện chủ trương của Nhà nước xã hội hóa đầu tư xây dựng, thành lập các quỹ đổi mới, quỹ khuyến khích KH&CN, quỹ đầu tư mạo hiểm đối với doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ, cũng như tham gia tích cực giải quyết các vấn đề xã hội như giảm đói nghèo, giảm thất nghiệp, tăng cường sức khỏe sinh sản, cứu trợ trẻ em đường phố và người già không nơi nương tựa.

Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để Chiến lược phát triển 2021- 2030 được thực hiện thành công theo hướng lấy đổi mới sáng tạo làm nhân tố chính của tăng trưởng.

Lúc này hoặc không bao giờ để khát vọng của dân tộc Việt Nam tiến kịp trình độ phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới: “Đạt đến một xã hội thịnh vượng, sẽ là ngưỡng cao hướng tới của nhóm nước có thu nhập trung bình cao của thế giới. Một nền kinh tế thị trường do khu vực tư nhân dẫn dắt, mang tính cạnh tranh và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới... nền kinh tế dựa vào tri thức, dựa vào mạng lưới kết nối tốt” (Bộ KH&ĐT và WB: Tầm nhìn 2035).

Mục tiêu đầy tham vọng đó có thể đạt được (thậm chí sớm hơn) nếu: 1) Tăng trưởng với tốc độ cao hơn hiện nay; 2) Tăng trưởng có hiệu suất, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm; 3) Phát triển bền vững về xã hội và môi trường và 4) Có thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Khi bàn đến định hướng phát triển Nghi Xuân cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước: khát vọng của dân tộc Việt Nam vươn lên tầm cỡ quốc gia phát triển và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng chủ yếu của chiến lược phát triển 2021- 2030.

III  Nghi Xuân với mô hình tăng trưởng mới

Mô hình tăng trưởng mới dựa vào KH&CN, nguồn nhân lực có kỹ năng, tạo nên sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Mô hình tăng trưởng mới có hiệu quả kinh tế- xã hội cao nhờ khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng địa phương trong quá trình liên kết, hợp tác với các địa phương khác.

Từ cách tiếp cận đó, Nghi Xuân cần lựa chọn ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên trong quá trình phát triển.

+ Du lịch xanh

Nghi Xuân cần và có thể phát triển du lịch xanh bao gồm du lịch văn hóa, tâm linh, nghĩ dưỡng, tham quan, hội họp, mua sắm, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái; coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng được phát triển với tốc độ nhanh theo hướng hiện đại, đạt đến đẳng cấp quốc gia và vươn lên đẳng cấp quốc tế.

tuong-dai-nguyen-du

Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân

Huyện cần xây dựng đề án phát triển du lịch xanh dựa trên khảo sát và đánh giá thực trạng các di tích văn hóa, lịch sử, cơ sở nghĩ dưỡng, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, các tour du lịch, nguồn nhân lực qua đào tạo, sự hài lòng của khách hàng, đối chiếu với mục tiêu đạt đến đẳng cấp quốc gia để biết được khoảng cách giữa thực trạng; đề ra giải pháp thiết thực cho từng loại công việc, định thời gian phải hoàn thành; tiếp đó vươn lên đẳng cấp quốc tế.

+ Nông nghiệp xanh

Huyện đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với những tiêu chí và giải pháp mới. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng cánh đồng mẫu lớn với một số cây trồng và vật nuôi quy mô lớn, tạo ra sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng với giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao. Việc lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi cần dựa trên kinh nghiệm của nông dân, thành lập hợp tác xã kiểu mới lấy dịch vụ làm chính, khảo sát mô hình trang trại tại địa phương và ở các địa phương khác, gắn kết với một số viện nghiên cứu nông nghiệp để hổ trợ nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, tìm được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo nên sự thay đổi nhanh chóng phương thức canh tác mới.

Không thể chuyển nông nghiệp sang sản xuất lớn nếu không coi trọng cả 4 yếu tố: i) tích tụ ruộng đất; ii) hình thành hợp tác xã kiểu mới; iii) liên kết với doanh nghiệp và iv) hợp tác với viện nghiện cứu khoa học. Huyện cần nghiên cứu để vận dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với nông dân và nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Huyện cần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống theo hướng “mỗi làng một sản phẩm” (OVOP), ly nông không ly hương.

Tiếp tục khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh dựa vào khoa học và công nghệ trong tạo giống, phương thức canh tác, thức ăn chăn nuôi. Tận dụng lợi thế giáp biển để xây dựng đội tàu đánh bắt gần và xa bờ.

+ Công nghiệp xanh

Theo Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Công nghiệp Xanh là một chiến lược hoạt động mà các ngành công nghiệp ở tất cả các giai đoạn được phát triển bền vững, bằng cách tách tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc sử dụng quá mức tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng phát thải, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo làm nguyên liệu cũng như năng lượng đầu vào. Việt Nam đã từng bước gia nhập, tham gia vào chiến lược hoạt động của công nghiệp xanh, trong bối cảnh là nước đang phát triển phấn đấu đạt tới phát triển bền vững bất chấp dân số đông, áp lực về môi trường và biến đổi khí hậu. 

Nghi Xuân cần hướng phát triển công nghiệp xanh, xây dựng thêm một vài khu công nghiệp quy mô 50- 100 ha/khu với định hướng thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn và lỏng, thông tin, cung ứng điện. Hai yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của các khu công nghiệp: i) Đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và có môi trường đầu tư thuận lợi và ii) Biết lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng và dự án đầu tư đúng định hướng.

+ Dịch vụ

Du lịch, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp phát triển quy mô dần đủ lớn để các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, tư vấn luật... có điều kiện hình thành và phát triển.

Có thể hình dung sau 5 đến 10 năm, Nghi Xuân sẽ có cơ cấu kinh tế du lịch, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

 IV. Nghi Xuân hướng đến đô thị xanh

Thành phố xanh (green city) được phát triển từ ba ý niệm: sinh thái, bền vững và thông minh. Trước hết là thành phố sinh thái (eco-city), nơi có một tỷ lệ đáng kể cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái trên một địa bàn dân cư đông đúc. Tiếp đến phải thể hiện yếu tố phát triển bền vững (sustainable city) với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và ứng phó hữu hiệu với tình trạng biến đổi khí hậu. Cuối cùng  đạt đến cấp độ thành phố thông minh (smart city) nhờ tích hợp công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh. Bản thân CNTT đã là một hạ tầng cơ sở thiết yếu cho việc phát triển đô thị bền vững. 

Thành phố xanh được bắt đầu từ quy hoạch, áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại, có kiến trúc vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc vừa phù hợp với xu thế đô thị mới, tạo nên giá trị bền vững cho cuộc sống của dân cư.

Cùng với thành phố Hà Tĩnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh nên khai thác lợi thế về địa lý của Nghi Xuân để đưa vào Quy hoạch phát triển của tỉnh: xây dựng  Nghi Xuân trở thành đô thị có quy mô 10- 15 vạn dân (bao gồm cả Hồng Lĩnh), tạo nên động lực tăng trưởng mới đối với các huyện phụ cận.

UBND huyện có ý tưởng theo hướng từ một số thị trấn hiện có mở rộng diện tích, phát triển dân số để tiến tới hình thành thị xã, từng bước xây dựng thành phố. Với khung khổ luật pháp hiện có thì việc định ra hướng phát triển như vậy là thích hợp.

Tuy vậy, chúng ta cần tư duy theo hướng đổi mới và sáng tạo để trong vòng 10 năm hình thành bằng được thành phố đối trọng với Vinh, với cây cầu đang bắc qua Sông Lam nối Cửa Hội với Nghi Xuân (và một vài cây cầu khác) đất nước có thêm thành phố đẹp hai bên bờ con sông đã đi vào những bài ca nổi tiếng.

Vấn đề quan trọng nhất là: i) lãnh đạo tỉnh cần lắng nghe kiến nghị của các chuyên gia và của huyện để đưa vào quy hoạch phát triển đến 2030 và tầm nhìn đên 2045 của tỉnh; ii) từ ý tưởng ban đầu này, huyện cùng một số chuyên gia chi tiết hóa thành chủ trương xây dựng thành phố bên bờ Sông Lam; iii) lựa chọn công ty (trong hoặc ngoài nước) có đủ năng lực lập quy hoạch thành phố; iv) tổ chức quá trình đánh giá, phản biện và nghiệm thu nghiêm túc.

Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đang hình thành dự án quy mô lớn, điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của vị trí địa lý, càng củng cố thêm ý tưởng xây dựng thành phố ven Sông Lam. Một số chuyên gia lưu ý với huyện: để phát triển bài bản, lâu dài thì nên có quy hoạch tổng thể, từ đó xác định từng loại dự án ở các phân khu chức năng; nên thận trọng khi phê duyệt dự án đầu tư mà chưa có quy hoạch.

V. Giải pháp

+ Thống nhất nhận thức

Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của Nghi Xuân là một bước ngoặt trong quá trình phát triển, do đó cần thống nhất nhận thức trong lãnh đạo huyện, các xã, cán bộ, đảng viên, thông quan cơ quan tuyên giáo và truyền thông của huyện để giải thích cho nhân dân, tự giác và tích cực thực hiện chủ trưởng đổi mới mô hình tăng trưởng của huyện. 

Những ý tưởng hình thành mô hình tăng trưởng mới của Nghi Xuân là sự chuyển hướng cơ bản so với mô hình hiện tại, do đó cần được nghiên cứu toàn diện hơn để hình thành “Chiến lược phát triển Nghi Xuân giai đoạn 2021- 2030”, chia ra 2 kế hoạch 5 năm, trong đó chú trọng đề ra mục tiêu và nội dung của kế hoạch 5 năm 2021- 2015.

Huyện cũng cần lựa chọn một số nội dung của mô hình tăng trưởng mới đưa vào kế hoạch năm 2020, tạo đà cho việc thực hiện đầy đủ từ năm 2021.

+ Tạo nguồn lực

Để xây dựng được đô thị hiện đại với 10- 15 vạn dân, đồng thời thực hiện các mục tiêu về du lịch xanh, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh đòi hỏi khối lượng vốn đầu tư rất lớn. Do đó, huyện cần nghiên cứu các nguồn lực có thể huy động bằng cơ chế, chính sách và phương thức thích hợp để bảo đảm vốn đầu tư cho tăng trưởng. Có 4 nguồn lực chủ yếu:

- Tại chổ

Huyện đã có kinh nghiệm thành công trong việc huy động nguồn lực của dân để xây dựng nông thôn mới; từ đó nên nghiên cứu các vấn đề có liên quan như giải phóng mặt bằng, quy hoạch lại dân cư, nâng cấp giao thông, xây dựng điện mặt trời trên nóc nhà... để có chính sách huy động nguồn lực tại chỗ từ từng hộ dân cư đến doanh nghiệp và thương nhân tại huyện.

- Trong tỉnh

Khi đã đưa được vào quy hoạch phát triển của tỉnh Hà Tĩnh về việc xây dựng thành phố bên bờ Sông Lam thì huyện sẽ được nhận một khoản đầu tư từ ngân sách của tỉnh (có thể cả ngân sách trung ương) để xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tuy nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm một tỷ trọng không lớn, nhưng lại rất quan trọng để huyện chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng một số nhà ở để di dân.

- Doanh nghiệp trong nước

Hiện nay đã có môt số doanh nghiệp xây dựng các công trình và dự án tại huyện, điều đó cho thấy khả năng huy động vốn đầu tư để thực hiện chiến lược phát triển, trong đó có xây dựng thành phố bên bờ Sông Lam là khả thi.

Huyện cần bắt đầu quá trình vận động đầu tư bằng cách tiếp cận với các tập đoàn lớn mà chủ là người Hà Tĩnh như Vingroup, Sungroup và các tập đoàn khác như T&T, FPT, TrueMilk, cũng như những doanh nghiệp đang tìm cơ hội đầu tư dự án mới, để tham gia xây dựng quy hoạch tổng thể thành phố, xây dựng cơ sở hạ tầng kỷ thuật, xã hội.

- Nhà đầu tư nước ngoài

Cơ hội để Hà Tĩnh và Nghi Xuân thu hút thêm dự án FDI là rất lớn khi hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không đã được cải thiện, các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực, xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc đang gia tăng; do đó vấn đề không phải là thiếu nguồn cung, mà chính là tạo ra lực hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, mà quan trọng nhất là giảm thiểu thủ tục hành chính gây phiền hà, công khai, minh bạch luật pháp, hổ trợ nhà đầu tư từ khâu đầu làm thủ tục cấp Giấy đăng ký đầu tư đến khâu cuối triển khai dự án đầu tư, bảo đảm thời gian và chi phí cơ hội.

 III. Chính sách, cơ chế

Trong khung khổ luật pháp, chính sách của trung ương và quy định của tỉnh, huyện cần nghiên cứu cụ thể hóa bằng các quy định của UBND huyện về từng ngành, lĩnh vực, công bố công khai trên các phương tiện truyền thông để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân biết. Có như vậy tránh được tình trạng tùy tiện của một vài cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định ưu đãi đối với dự án đầu tư.

Kinh nghiệm của môt vài địa phương đã cho thấy rằng, do thiếu các quy định cụ thể nên có nơi giảm thuế, giảm tiền thuê đất đến mức tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư giải phóng mặt bằng.

Nên gộp tất cả quy định của UBND huyện và quy định của tỉnh có liên quan đến dự án đầu tư vào “ Cẩm nang đầu tư tại Nghi Xuân”, ghi những địa chỉ của các cơ quan của huyện mà nhà đầu tư cần liên hệ.

IV. Xúc tiến đầu tư

Huyện cần liên hệ với cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh, ba Trung tâm xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch & Đầu tư để hợp tác quảng bá cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Nghi Xuân.

Huyện nên lựa chọn một số chuyên viên tại các phòng chức năng để giúp UBND huyện thiết lập mối liên kết với các cơ quan xúc tiến đầu tư, liên hệ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để  “xúc tiển đầu tư có định hướng”, giữ mối quan hệ thường xuyên, giải đáp kịp thời các vấn đề đặt ra đối với dự án mà họ đang quan tâm hoặc đang thực hiện. Đây cũng là kinh nghiệm thành công của môt số địa phương, bởi vì nhà đầu tư nhận biết họ đang được lãnh đạo huyện quan tâm.

Huyện nên xây dựng “cơ chế một cửa” đối với đầu tư trong nước và FDI để giảm thiểu thời gian thực hiện dự án cho nhà đầu tư.

Kết luận

Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện là cột mốc lịch sử quan trọng đối với người dân của quê hương Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, đồng thời cũng là cột mốc quan trọng bằng tư duy đổi mới sáng tạo, Nghi Xuân tiến cùng cả nước với khát vọng vươn lên mạnh mẽ “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Di chức của Hồ Chủ tịch) sánh vai cùng các quốc gia phát triển, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ