Ngân hàng không còn dễ kiếm lời từ trái phiếu

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp “sốt nóng” và rủi ro gia tăng, các cơ quan quản lý đã có động thái kiểm soát chặt hơn thị trường này, cho nên “khách quen” như các ngân hàng khó tránh bị ảnh hưởng.
VÂN LINH
28, Tháng 11, 2020 | 07:14

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp “sốt nóng” và rủi ro gia tăng, các cơ quan quản lý đã có động thái kiểm soát chặt hơn thị trường này, cho nên “khách quen” như các ngân hàng khó tránh bị ảnh hưởng.

1-9343

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trên thị trường trái phiếu. Ảnh: Dũng Minh.

Siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp

Trong 2 năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, không trả được nợ nên đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn và đối tác chính không ai khác ngoài ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp bất động sản dùng một phần tiền bán trái phiếu đó để trả nợ cho chính ngân hàng và đây là một hình thức đảo nợ. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc này gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế nên cơ quan quản lý cần đặc biệt chú ý. Cộng hưởng thêm vào đó là đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế rơi vào trì trệ và rất nhiều doanh nghiệp vay vốn trước đây khó trả được nợ nên phải xin giãn, hoãn trả nợ. Vì thế, việc cho vay của ngân hàng càng trở nên khó khăn hơn.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng đều cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp được đầu tư mạnh thời gian gần đây. Đơn cử, tại MB, danh mục trái phiếu doanh nghiệp tính đến 30/9/2020 đã tăng gấp đôi so với đầu năm, với tổng giá trị trái phiếu nắm giữ lên tới 27.500 tỷ đồng. Tương tự, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà Techcombank nắm giữ đến cuối tháng 9/2020 là 54.400 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 79% so với cùng kỳ 2019… Chính điều này khiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phát đi cảnh báo.

Mặt khác, NHNN đang lấy ý kiến thị trường về dự thảo Thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn. Theo cơ quan này, thực tiễn quản lý cho thấy có những rủi ro trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại.

Dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa Thông tư 22/2016 và Thông tư 15/2018 về mua - bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm chỉnh sửa, bổ sung cũng như thay thế các nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng… Trong đó, NHNN đưa ra quy định, các ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề.

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành. Bởi theo NHNN, thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Vì qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, NHNN đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác...

“Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án”, NHNN nhấn mạnh.

Trái phiếu địa ốc sẽ hạ nhiệt?

Lý giải việc doanh nghiệp tăng phát hành trái phiếu, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA) cho biết, trước khi thị trường trái phiếu được hình thành, tín dụng ngân hàng là kênh cho vay duy nhất. Đến khi thị trường đi vào hoạt động, bên mua chủ yếu cũng là các ngân hàng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011 trở đi, ngành ngân hàng đẩy mạnh tái cấu trúc, NHNN đã đưa ra trần tăng trưởng tín dụng và phân bổ hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng theo năng lực của từng ngân hàng, đồng thời các ngân hàng phải áp chuẩn Basel II kể từ năm 2020, nên tỷ lệ vốn cho vay/huy động tối đa ở mức 80%. Thậm chí ở một số nhà băng (Vietcombank, VietinBank), tỷ lệ này chỉ ở mức 60-70%. Như vậy, các ngân hàng sẽ có khoảng 20-40% dự trữ thanh khoản thứ cấp.

“Với tỷ lệ dự trữ này, các ngân hàng có thể gửi tiền tại NHNN lãi suất 0%, cho vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, hay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ để tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn của mình. Nhưng hiện nay, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp nên các ngân hàng đẩy mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp do có lãi suất cao”, ông Quỳnh nói.

Trước thực tế ngân hàng tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, không loại trừ khả năng ngân hàng mua để đảo nợ. Bởi những doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn thì những khoản vay trước đó không trả được sẽ bị chuyển thành nợ xấu, trong khi nợ xấu của ngân hàng hầu hết đều liên quan đến bất động sản. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, ngân hàng liên tục rao bán giải chấp tài sản của các công ty bất động sản hoặc công ty có liên quan bất động sản.

"Với việc siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu và hạn chế ngân hàng rót tiền mua trái phiếu doanh nghiệp địa ốc, thị trường trái phiếu bất động sản sẽ khó tiếp tục tăng", ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính.

“Với việc siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu và hạn chế ngân hàng rót tiền mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, thị trường trái phiếu địa ốc sẽ khó tiếp tục tăng”, ông Khánh nhận định.

Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 10/2020 được Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố cho thấy, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh. Cụ thể, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 10/2020 đạt 8.700 tỷ đồng, giảm 39,4% so với tháng 9 và giảm 90% so với tháng cao điểm là tháng 8.

Dẫu vậy, nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 tổ chức phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường, chiếm tới hơn 72,7% tổng giá trị phát hành của tháng 10. Trong đó, nhóm ngân hàng phát hành thành công hơn 3.000 tỷ đồng, với đóng góp chính đến từ 2 ngân hàng BIDV và VIB. Nhóm ngành bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 3.345 tỷ đồng, chủ yếu đến từ CTCP Vinpearl (chiếm 66% tổng giá trị phát hành của nhóm này).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp “hạ nhiệt” rõ rệt trong 2 tháng qua chủ yếu do các quy định mới theo hướng siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp phải “chạy đua” phát hành trái phiếu trong tháng 8.

Theo đánh giá của KBSV, với những quy định mới, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng, sẽ không còn dễ dàng huy động vốn qua kênh trái phiếu như trước.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 75/2004/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu ra công chúng, chỉ những doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi trong năm liền trước năm đăng ký phát hành và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký phát hành mới được phát hành trái phiếu, mà để có lãi trong một năm khó khăn như năm 2020 là không đơn giản.

Hơn nữa, việc các “khách hàng thân thiết” là ngân hàng không còn được thoải mái đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới cũng khiến thị trường này giảm sức hút.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang cho thấy sự dịch chuyển từ tổ chức sang cá nhân khi NHNN có động thái kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua trái phiếu của các ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ khó có thể thay thế vai trò của ngân hàng trên thị trường này”, ông Quỳnh nhìn nhận.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ