Nên dừng hẳn dự án thép Cà Ná

Nhàđầutư
GS.TSKH Nguyễn Mại - người từng đưa ra nhiều ý kiến phản biện về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) - cho hay quyết định của Thủ tướng về việc tạm dừng đề xuất dự án thép hơn 10 tỷ đô này là hợp lý. GS cũng đưa ra khuyến nghị: Tốt nhất nên dừng hẳn dự án!
HỒ MAI
04, Tháng 05, 2017 | 09:00

Nhàđầutư
GS.TSKH Nguyễn Mại - người từng đưa ra nhiều ý kiến phản biện về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) - cho hay quyết định của Thủ tướng về việc tạm dừng đề xuất dự án thép hơn 10 tỷ đô này là hợp lý. GS cũng đưa ra khuyến nghị: Tốt nhất nên dừng hẳn dự án!

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức yêu cầu tạm dừng đề xuất Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận, quy mô hơn 10 tỷ USD. Đây được đánh giá là chỉ đạo hợp lý, hợp tình trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, nhất là sau thảm họa ô nhiễm biển do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra.

cana

Phối cảnh Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná 

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu mặt hàng thép để có quyết định thích hợp về quy mô, tổng vốn đầu tư, công suất và thời điểm phát triển dự án. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ và thiết bị của dự án thép Cà Ná để đảm bảo an toàn cho môi trường, không để xảy ra sự cố như nhà máy thép Formosa trước đây. Thủ tướng nhấn mạnh sau khi nghiên cứu và làm rõ các vấn đề vừa nêu thì tỉnh Ninh Thuận cần phối hợp với các cơ quan ban ngành để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét.

Không nên theo vết xe đổ

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí Nhà đầu tư, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, mặc dù là dự án tư nhân nhưng rốt cuộc phải bảo lợi ích chung, trong đó có vấn đề môi trường. Cho đến nay, ngành thép Việt Nam chỉ sản xuất gang bằng công nghệ lò cao. Trên thế giới hiện nay, hầu như chỉ còn Trung Quốc sản xuất theo công nghệ lò cao để sản xuất thép. Với công nghệ lò cao, việc phát thải ra môi trường là không thể tránh được. “Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói phải đảm bảo môi trường để phát triển bền vững là rất cần thiết”, GS Nguyễn Mại nói.

GS Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh, trên thực tế, không có nhà máy sản xuất thép nào hiện nay có thể xử lý được khói bụi, các khí khải như CO2 gây hiệu ứng nhà kính. “Trung Quốc hiện nay đã cắt giảm rất nhiều nhà máy sản xuất thép thế hệ cũ. Theo thông tin mới nhất, người ta sẽ cắt giảm nữa vì hiện nay thép thế giới đang dư thừa, thép Trung Quốc cũng thừa. Chúng ta không nên đi theo vết xe đổ”, GS Mại khẳng định.

Hơn nữa, vốn đầu tư 10,2 tỷ USD đổ vào thép Cà Ná với một tập đoàn như Hoa Sen, theo GS Mại đặt câu hỏi, vốn này sẽ vay từ đâu, lấy vốn ở đâu để đảm bảo cho các công trình của nhà máy, cảng, công trình phụ trợ xử lý rác thải, khí thải, nước thải…?

formosa

 Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh từng gây thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung

"Trong các tờ trình cũng như những ý khiến của các nhà tư vấn giúp cho Hoa Sen đã được đưa ra trình cho Bộ Công thương mà tôi là một trong những người được Bộ Công Thương mời tham gia góp ý, thì không có đủ tư liệu để khẳng định rằng dự án này, dù chia làm 2-3 giai đoạn, có thể đủ vốn để đảm bảo thực hiện được. Một dự án tư nhân nếu dang dở sẽ gây ra hậu quả lớn”, Chủ tịch VAFIE nói.

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận đặt nhiều nghi vấn về dự án thép Cà Ná, ngay cả khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã cam kết là “không có lợi ích nhóm nào ở đây, sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh”, còn ông Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ thì nhấn mạnh “nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường thì sẽ đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho nhà nước”.

Theo GS Nguyễn Mại, “việc Bộ Công Thương đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép là không nên”. GS phân tích, Bộ trưởng Công Thương đứng ra đảm bảo là không đánh đổi môi trường bằng mọi giá và sẽ kiên quyết đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường, nhưng nhìn từ thực tế Nhà máy thép Fomorsa Hà Tĩnh, thậm chí đã duyệt đi duyệt lại các phương án về môi trường, nước, chất thải, kể cả việc nhập hóa chất cũng được Bộ Công thương cho phép, nhưng rồi vẫn gây thảm họa môi trường như vậy mà không ai lường trước được.

“Nhiều lắm là ông từ chức, dùng chức vụ của ông đánh đổi thiệt hại to lớn như vậy là không tương xứng”, GS Mại nhấn mạnh.

Về nguyên vật liệu để sản xuất thép, toàn bộ nguyên liệu sản xuất của Formosa Hà Tĩnh đều nhập từ Trung Quốc, khi khảo sát cũng dựa vào chuyên gia Trung Quốc, khi nhập thiết bị cũng lấy kỹ sư và công nhân lành nghề của họ lắp đặt. 

"Ông Vũ cứ nói sẽ sử dụng công nghệ của Đức, châu Âu. Làm gì có! Đức người ta làm gì sản xuất thép nữa. Một trung tâm gang thép lớn bây giờ cũng đã đóng cửa các nhà máy sản xuất để làm dịch vụ, xây bảo tàng lịch sử, không còn sản xuất nữa", GS Nguyễn Mại cho biết.

GS Mại nói thêm: "Ông Vũ là nhà đầu tư, vì lợi nhuận là chính. Giả dụ ông làm ra rồi gây ra thảm họa môi trường rồi trả lại lại cho Chính phủ thì Chính phủ dùng làm gì, là một đống sắt vụn, và phải xử lý bao nhiêu hậu quả. Trước hết là công ăn việc làm của hàng vạn người thất nghiệp, hàng trăm ha đất chôn vào đấy không sinh lợi, máy móc rỉ ra thành một đống sắt".

Ninh Thuận nên phát triển theo hướng nào?

Theo GS Nguyễn Mại, Ninh Thuận là nơi khô hạn. Nước ăn hiện nay Ninh thuận có nhà máy nước công suất 30.000m3/ngày đêm, trong khi dự án này đòi hỏi lượng nước rất nhiều. Trong đề xuất dự án có nói hiện nay đang làm hồ chứa nước có thể đảm bảo cho dự án này. Tuy nhiên, Ninh Thuận thời tiết khắc nghiệt, mùa khô người không có nước, gia súc không có nước, cây trồng không có nước thì lấy đâu ra nước ngọt để đảm bảo cho một dự án lớn như vậy.

NT

 Ninh Thuận thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, lấy đâu ra nước ngọt để đảm bảo cho một dự án lớn như Cà Ná

Ninh Thuận, như góp ý của GS Nguyễn Mại, nên đi theo hướng mà địa phương rất có tiềm năng, vừa có lợi tỉnh, vừa có lợi đất nước, đó là phát triển năng lượng mặt trời. Trước đây, Ninh Thuận có 14-15 dự án điện gió nhưng do chính sách của nhà nước chưa thích hợp, cách đầu tư của các chủ đầu tư cách đây 3-4 năm chưa thích hợp, nên nhiều dự án chưa thực hiện được.

Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định mới về điện mặt trời và ưu đãi về giá điện. Công nghệ điện mặt trời mấy năm gần đây cũng được cải tiến, chi phí giá thành giảm đi rất nhiều. Theo đó, GS Mại đề xuất Ninh Thuận nên xem xét theo hướng phát triển mạnh điện mặt trời, điện gió.

“Làm như vậy có thể thay thế các dự án khác, có thể cung cấp điện tại chỗ và cho các địa phương khác mà không phải tính đến ô nhiễm môi trường. Tất nhiên việc thực hiện các dự án sẽ phải cần rất nhiều đất, vì vậy, sử dụng quỹ đất như thế nào cho hợp lý là phải tính toán”, GS Mại khuyến nghị.

GS Nguyễn Mại cũng cho biết thêm, hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đang bàn với một số đối tác như Hàn Quốc, không chỉ đầu tư vào sản xuất điện mà còn đầu tư vào các nhà máy sản xuất thiết bị sản xuất ra điện, có lợi cho công nghiệp cũng như ngành điện, tạo công ăn việc làm.

Tốt nhất nên dừng hẳn thép Cà Ná

GS Nguyễn Mại mong rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục thẩm tra và sẽ thấy rằng, dự án này không có lợi gì. Riêng chuyện dự án tính lấy quặng ở mỏ sắt Thạch Khê -  thì đến hiện nay, mỏ này cũng đang ngừng chưa sản xuất.

Trước đó, vào tháng 12/2016, lãnh đạo Bộ Công Thương từng cho biết, mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) - mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng lên tới 544 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD – sẽ được xem xét tái khởi động để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận.

 
Với tất cả những phi lý ấy, tôi sẽ khẳng định dự án không có tính khả thi. Tốt nhất nên dừng dự án này sẽ có lợi cho cả địa phương và đất nước... người ta đã cảnh báo bao nhiêu chuyện, khi xảy ra rủi ro thì 5-10 năm nữa thì các đồng chí về hưu hết rồi, chỉ có người dân là chịu thiệt thôi

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

GS Nguyễn Mại đặt câu hỏi, nếu lấy quặng sắt Thạch Khê tại sao không đặt nhà máy ở Hà Tĩnh mà lại đặt cách xa Hà Tĩnh như vậy, lại phải làm cảng xuất từ Hà Tĩnh để xuất hàng triệu tấn quặng rồi lại nhập vào Ninh Thuận, mất bao nhiêu phí vận tải khi ở trong cùng một nước.

"Với tất cả những phi lý ấy, tôi khẳng định dự án không có tính khả thi. Tốt nhất nên dừng dự án này, sẽ có lợi cho cả địa phương và đất nước. Tất nhiên, một số lãnh đạo Ninh Thuận không bằng lòng với những ý kiến phản biện như vậy nhưng vì lợi ích chung của đất nước cũng như lợi ích của tỉnh, không dại gì lãnh đạo tỉnh lại đi chấp nhận một dự án chứa đựng nhiều rủi ro như vậy. Chưa biết có lợi hay không nhưng người ta đã cảnh báo bao nhiêu chuyện, khi xảy ra rủi ro thì 5-10 năm nữa thì các đồng chí về hưu hết rồi, chỉ có người dân là chịu thiệt thôi", Chủ tịch VAFIE khẳng định như vậy.

Hơn nữa, dự án cho tư vấn nào làm cũng phải dựa trên tiêu chí của một đất nước khi chúng ta đã ký vào Công ước Paris về Biến đổi khí hậu (COP21). Việt Nam cũng là một trong những tích cực tham gia chống biến đổi khí hậu.

“Rõ ràng chúng ta phải thay đổi nhận thức, thay đổi cơ cấu kinh tế, đi vào những ngành công nghiệp hiện đại, sử dụng công nghệ cao, đảm bảo môi trường. Gần đây, có một thông tin đáng quan ngại, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng khí CO2 nhiều nhất trong những nước đang phát triển do chúng ta có quá nhiều xi măng, sắt thép, hóa dầu. Chúng ta chẳng dại gì khi đang ở mức thấp về khả năng giảm phát thải mà lại làm mọi cách để bán dự án theo tính toán theo kiểu ăn sổi hiện nay”, Chủ tịch Hiệp hội VAFIE đưa ra khuyến nghị.

Tất nhiên Thủ tướng chưa hạ bút phê và cho dừng dự án để nghiên cứu kỹ tác động môi trường và những vấn đề liên quan thì Dự án thép Cà Ná vẫn chưa phải dấu chấm hết. Nếu tất cả các vấn đề mà Chính phủ đặt ra được Tập đoàn Hoa Sen giải đáp và giải quyết thấu đáo, thì vẫn có cửa mở ra cho thép Cà Ná.

Tuy nhiên, sự thận trọng của Chính phủ với những “siêu dự án” là cần thiết, bởi việc đầu tư các dự án như thép Cà Ná không thể bỏ qua các vấn đề dân sinh, hệ lụy môi trường. Chắc hẳn, không địa phương nào muốn đi vào vết xe đổ của  Formosa Hà Tĩnh, cũng như những dự án nghìn tỷ thua lỗ đang chờ "giải cứu".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ