Năng lượng tái tạo - tiềm năng to lớn!

An ninh năng lượng là một trọng những nhân tố quan trọng của quốc gia để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, giảm dần khí phát thải nhà kính. Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ Quy hoạch năng lượng giai đoạn 2021- 2030 theo hướng thay đổi cơ cấu năng lượng, tăng tốc độ và tỷ trọng năng lượng tái tạo.
GS.TSKH. NGUYỄN MẠI
29, Tháng 10, 2020 | 10:50

An ninh năng lượng là một trọng những nhân tố quan trọng của quốc gia để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, giảm dần khí phát thải nhà kính. Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ Quy hoạch năng lượng giai đoạn 2021- 2030 theo hướng thay đổi cơ cấu năng lượng, tăng tốc độ và tỷ trọng năng lượng tái tạo.

Đến nay nguồn năng lượng sơ cấp của nước ta đang cạn dần, khả năng cung ứng hạn chế, nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện gia tăng; cơ cấu điện năng không còn thích hợp với định hướng phát triển “kinh tế xanh” của quốc gia. Để khắc phục thực trạng đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nhiều giải pháp như khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, bổ sung điện khí sử dụng LNG; xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) được nhiều chuyên gia kì vọng là “đòn bẩy” bù đắp nguy cơ thiếu điện trong tương lai.

Dự báo mới nhất của Viện Năng lượng ở kịch bản cơ sở, điện thương phẩm tăng khoảng 8%/năm giai đoạn 2021 – 2030; năm 2025 đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Với tốc độ tăng trưởng đó, bình quân mỗi năm cần có thêm khoảng 5.000 - 6.000 MW công suất nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD.

nltt

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, tuy nhiên để khai thác hiệu quả cần có chính sách đồng bộ.

Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện NLTT đạt gần 6.000 MW, trong đó gần 5.245 MW điện mặt trời, khoảng 450 MW điện gió, 325 MW điện sinh khối, gần 10 MW điện chất thải rắn và trên 47.000 điện mặt trời mái nhà với công suất khoảng 1.000 MW, chiếm trên 10% tổng công suất điện năng. Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đặt mục tiêu đến năm 2025 công suất điện mặt trời khoảng 14.500 MW và điện gió khoảng 11.500 MW.

Năm 2020 nhiệt điện than chiếm khoảng 33,2%, điện khí, dầu chiếm 14,8%, thủy điện chiếm 30,1%, thủy điện nhỏ và NLTT chiếm 20,3% tổng công suất; tổng sản lượng điện gió và điện mặt trời đạt 12 tỷ kWh, vượt Chiến lược phát triển NLTT khoảng 3 lần. Năm 2025 nhiệt điện than chiếm khoảng 37,1%; điện khí, dầu chiếm 13,7%, thủy điện chiếm 18,2%, thủy điện nhỏ và NLTT chiếm 25,5% tổng công suất; tổng sản lượng của điện gió và điện mặt trời đạt 36 tỷ kWh, vượt Chiến lược phát triển NLTT khoảng 2,6 lần.

Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia ghi nhận một hiện tượng “chưa từng có trong lịch sử 65 năm ngành điện” khi đón nhận gần một trăm nguồn điện vào hệ thống chỉ trong một thời gian rất ngắn. Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện, 3 tháng đầu năm 2019 thêm 5 nhà máy, từ tháng 4 đến tháng 6 có 81 nhà máy mới vào hệ thống điện năng; 6 tháng đầu năm 2019 có gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới với công suất gần 4.500 MW.

Báo cáo của Bộ Công Thương ngày 20/3/2020 cho biết, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch là khoảng 4.800 MW, dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2021.

Các con số thống kê đã thể hiện tiềm năng của năng lượng tái tạo của nước ta và chính sách khuyến khích phát triển NLTT đã phát huy tác dụng rõ rệt.

Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020. 

Khi xây dựng quy hoạch, Bộ Công thương chưa dự báo chính xác tác động của chính sách ưu đãi đối với NLTT nên không điều chỉnh kịp thời quy hoạch điện năng, do đó công suất điện gió và điện mặt trời đã vượt xa mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo phản ảnh của nhiều nhà đầu tư thì đã nảy sinh tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch cơ sở hạ tầng khác; quy trình xem xét, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường kéo dài thời gian, gây chậm trễ và lãng phí lớn. Tình trạng “chạy quy hoạch” năng lượng điện, nhất là NLTT kể từ khi Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi hấp dẫn, quy định thời gian được hưởng ưu đãi NLTT để đưa vào quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch đã diễn ra khá phổ biến vì thiếu công khai, minh bạch đối với nhà đầu tư.

Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định, thông tư khuyến khích đầu tư phát triển NLTT trên cơ sở tham chiếu Luật Điện lực, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các Nghị định hướng dẫn của các luật đó. Tuy vậy do hiệu lực pháp lý các luật và quyết định của Chính phủ cao hơn thông tư của bộ nên gây ra nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng.

Một số cơ chế mới đối với đầu tư và phát triển dự án NLTT như cơ chế đấu thầu giá điện cạnh tranh để giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản xuất điện năng, tăng tính cạnh tranh và tính minh bạch, cơ chế “Hợp đồng mua bán điện” trực tiếp với bên mua điện tư nhân là cơ chế hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực NLTT, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ điện lớn muốn mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện tư nhân, hiện chưa có hướng dẫn nên chưa được triển khai; nhà đầu tư tư nhân quan ngại về tính minh bạch và chắc chắn của cơ chế chia sẻ, phân bổ, quản lý rủi to để đảm bảo thành công của hợp đồng.

Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với điện mặt trời quy định các dự án vận hành thương mại trước tháng 7/2019 được hưởng giá ưu đãi 2.100 đồng/ kWh trong 20 năm kể từ ngày vận hành.

Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án điện gió quy định dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 được hưởng giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh trong 20 năm kể từ ngày vận hành.

Hai quyết định quan trọng đó đã tạo nên cao trào đầu tư vào NLTT, tuy vậy cũng nảy sinh khó khăn cho nhà đầu tư. Không ít nhà đầu tư “ăn không ngon ngủ không yên“ do không kịp đưa dự án vào vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi nên có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Cuối năm 2019, hàng chục nhà đầu tư điện mặt trời đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá cho những dự án điện mặt trời đang đầu tư xây dựng dở dang.

Chính sách thiếu đồng bộ cũng gây lãng phí nguồn năng lượng mới, trong khi khuyến khích đầu tư tư nhân vào dự án NLTT thì chưa cho tư nhân đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện nên nhiều dự án sau khi hoàn thành chỉ phát lên lưới 30-40% công suất do đường dây quá tải, trầm trọng nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hầu hết dự án NLTT đã và đang triển khai là đầu tư tư nhân nhưng quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của nhà đầu tư, trong đó thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng thường tốn nhiều thời gian nhất, do vậy nảy sinh tình trạng sách nhiễu của môt số công chức nhà nước, nhà đầu tư buộc phải có “chi phí bôi trơn”. Thực trạng đó đã ảnh hưởng đến tính hấp đẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Do quy trình thiếu công khai, minh bạch nên một số nhà đầu tư trong nước dù không đủ năng lực thực hiện, nhưng thông qua quan hệ thân hữu và “chi phí lót tay” xin được dự án NLTT sau đó bán cho nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời nhiều chục tỷ đồng. Hai ví dụ điển hình về chuyển nhượng dự án.

Tháng 3/2019 các cổ đông của VSP Bình Thuận II đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar (99%) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc và hai người Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%).

Năm 2019, Reonyuan Power Singapore được thành lập tại Singapore, là công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vật liệu hợp kim, đã mua lại toàn bộ cổ phần trong HCG Tây Ninh và Hoàng Thái Gia, trở thành chủ sở hữu dự án quy mô 100MW, nắm trong tay khu đất 117ha tại biên giới với Campuchia.

Cần lưu ý rằng, an ninh quốc gia trong quá trình phát triển các dự án năng lượng, trong đó có NLTT cần được coi trọng khi lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài trong điều kiện tình hình chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường trước.

Triển vọng NLTT cần quy hoạch đồng bộ

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, NLTT sẽ phát triển nhanh trong 5 năm tới bởi vì công nghệ ngày càng hiện đại nên hạ thấp chi phí đầu tư, chính phủ nhiều nước có chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng này; năm 2021 sản lượng điện NLTT đạt khoảng 825 GW, chiếm 28% sản lượng điện toàn cầu.

Nước ta còn nhiều dự địa để phát triển nhanh và có hiệu quả hơn NLTT nếu từ kinh nghiệm của hơn 6 năm vừa qua để đề ra hệ thống giải pháp đồng bộ, nhằm thu hút có chọn lọc nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án NLTT ở nhiều địa phương.

Với quy mô dự án và vốn đầu tư vào NLTT ngày càng lớn đang đòi hỏi nhanh chóng rà soát các văn bản pháp lý có liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh tạo hành lang pháp lý đủ thông thoáng, hấp dẫn, chặt chẽ từ việc lập và sửa đổi quy hoạch, sử dụng đất đai có hiệu quả theo hướng hạn chế dùng đất nông nghiệp, chủ yếu dùng đất đồi và mặt nước, xây dựng danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hướng dẫn, hổ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và thanh tra, giảm sát thực hiện đúng pháp luật.

Càn cân nhắc việc xây dựng Luật khuyến khích đầu tư, phát triển NLTT để giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh không thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, cũng như bổ sung cơ chế mới như cơ chế đấu thầu cạnh tranh điện mặt trời và điện gió và cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm NLTT để thực hiện trong một giai đoạn dài trong khi nhiều yếu tố khách quan về công nghệ, giá cả thị trường, tăng trưởng kinh tế là những ẩn số khó dự báo chính xác; do đó cần phải đủ linh hoạt điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhưng vẩn bảo đảm tính ổn định về định hướng và chính sách.

Quy hoạch phát triển NLTT không những đòi hỏi đồng bộ giữa tăng công suất phát điện và mạng lưới truyền tải điện, mà trong vài năm trước mắt phải tăng nhanh tốc độ truyền tải điện để khắc phục khiếm khuyết hiện tại, mà cần lưu ý tận dụng cơ hội có nhiều dự án NLTT để đề ra định hướng đầu tư các dự án sản xuất máy móc, thiết bị, vật liệu thay thế dần nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu sang nước khác.

Quy hoạch khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư tiếp cận một cách bình đẳng, cũng như để cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức tư vấn xã hội theo giõi, giám sát.

Quy hoạch phải được thực hiện nghiêm minh, không để tình trạng “chạy dự án”, mua bản dự án để trục lợi, coi nhẹ an ninh quốc gia.

Chính sách giá điện cần kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư (tài chính, tín dụng) theo cơ chế thị trường, ổn định, minh bạch, có tính dự báo cao để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách khuyến khích NLTT không chỉ đối với dự án phát điện NLTT, mà còn cả dự án xây dựng mạng lưới truyền tải điện và dự án sản xuất máy móc, thiết bị, vật liệu phục vụ cho NLTT, đào tạo nguồn nhân và nghiên cứu phát triển NLTT.

Chính sách giá điện NLTT cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ, góp phần tích cực vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và có hiệu quả.

Cần áp dụng nguyên tắc “không hồi tố” đối với nhà đầu tư để bảo đảm lợi ích hợp pháp của họ khi nhà nước thay đổi chính sách giá điện.

Cải tiến cơ chế chia sẻ rủi ro trong HĐMBĐ đối với điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ. Cơ chế này cũng có liên quan đến vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế khi số lượng và quy mô các dự án NLTT gia tăng nhanh chóng.

Cũng cần có chính sách khuyến khích cao hơn phát triển điện thông minh (smart power), bao gồm lưới điện thông minh (smart grid) và ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành năng lượng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nền kinh tế; đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện năng (energy storage) phù hợp với tình hình phát triển của quốc gia.

Quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án cần được đổi mới theo hướng chính phủ số đang được chính phủ chỉ đạo rốt ráo để Việt Nam sớm nằm trong tốp đầu ASEAN.

Để đến năm 2025 đạt được mục tiêu có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (cho phép người dùng thanh toán lệ phí trực tuyến) được cung cấp trên nhiều phương tiện, bao gồm di động thông minh, 90% hồ sơ công việc cấp bộ, tỉnh và 80% hồ sơ cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng thì cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia bao gồm dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được kết nối, chia sẻ trên toàn quốc theo hướngDữ liệu mởđể cả doanh nghiệp và người dân cũng có thể tiếp cận và sử dụng nhưng cần ghi nhận nguồn. Cần coi dữ liệu là tài sản của người chủ sở hữu, từ đó hình thành quan hệ giữa chủ sở hữu với người sử dụng được pháp luật quy định.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cần ban hành quy định thực hiện Chính phủ số trong lĩnh vực năng lượng. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ