MXV chỉ ra 6 mặt hàng hưởng lợi nhờ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chia sẻ với Nhadautu.vn rằng sản phẩm chăn nuôi, cà phê, dệt may, sắt thép, khí đốt, dầu khí là những ngành được hưởng lợi sau khi quan hệ Việt - Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.
ĐỖ LAN
15, Tháng 09, 2023 | 13:51

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chia sẻ với Nhadautu.vn rằng sản phẩm chăn nuôi, cà phê, dệt may, sắt thép, khí đốt, dầu khí là những ngành được hưởng lợi sau khi quan hệ Việt - Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ là 62,3 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 9,3 tỷ USD để nhập hàng hoá từ thị trường trên. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong 8 tháng qua. 

Do đó, việc chuyển đổi quan hệ từ đối tác toàn diện lên mức cao nhất đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden ngày 11/9 vừa qua được kỳ vọng đem đến những bước trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) chỉ ra 6 nhóm hàng được hưởng lợi sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

du-an-1314

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV. Ảnh: MXV.

Thứ nhất là ngành chăn nuôi. Việt Nam phụ thuộc tới 60-70% nguyên liệu đầu vào nhập khẩu trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này cũng đặt ra bài toán dài hạn cho các doanh nghiệp sản xuất và hộ nhỏ lẻ khi nguồn cung tại các nước sản xuất lớn bị đứt gãy, kéo giá nguyên liệu tăng cao.

Khối lượng khô đậu tương và lúa mì nhập từ Mỹ về Việt Nam đã tăng lần lượt là 8% và 12% trong năm 2022. Mặc dù tỉ trọng vẫn thấp hơn so với các thị trường truyền thống như Brazil, Argentina hay Australia do chênh lệch về giá thành nhưng Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng và quan trọng với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Đặc biệt, sau giai đoạn chuỗi cung ứng liên tục trải qua các vấn đề đứt đoạn, các mặt hàng nông sản vốn là nhóm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, việc gia tăng hợp tác với Mỹ trong lúc chưa thể giải quyết được bài toán tự chủ nguồn cung sẽ càng có ý nghĩa hơn.

Quan hệ mới với Mỹ sẽ giúp Việt Nam không chỉ có thêm lựa chọn về nguồn cung nguyên liệu cho ngành chăn nuôi mà còn gia tăng thúc đẩy sản xuất và thương mại đầu ra của ngành.

Ngành được hưởng lợi thứ hai là cà phê. Bên cạnh ngành chăn nuôi, hiện tại, Mỹ đang là một trong ba thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 8, Việt Nam xuất khẩu hơn 90.500 tấn cà phê sang Mỹ, với kim ngạch đạt khoảng 214 triệu USD, theo Tổng cục Hải quan.

Với việc nâng cấp quan hệ 2 nước lên đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ có cơ hội duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn mạnh này trong bối cảnh Mỹ đang có xu hướng giảm nhập khẩu cà phê robusta.

Thứ ba là hàng dệt may. Trong 8 tháng qua, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD.

Bông cũng được hưởng lợi từ sự phát triển vượt bậc trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện, bông tự nhiên phục vụ cho quá trình sản xuất hàng dệt may của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ.

Việc nâng cấp quan hệ đối tác kỳ vọng sẽ giúp nhập khẩu bông từ Mỹ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt bên cạnh ưu đãi 5% từ quan hệ đối xử tối huệ quốc (MNF).

Điều này có thể giúp chi phí nguyên liệu đầu vào được giảm bớt, từ đó tạo cơ hội giảm chi phí và gia tăng lợi thế cạnh tranh về giá với các đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới.

Thứ tư là mặt hàng sắt thép. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,4 triệu tấn, trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm thị phần khoảng 8,81%, chỉ sau ASEAN (31,56%) và khu vực EU (25,24%).

Chỉ riêng trong tháng 6, xuất khẩu thép sang Mỹ trở thành điểm sáng khi sản lượng xuất khẩu gấp 3 lần so với tháng 5.

Mặc dù sắt thép không phải mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể nhờ tận dụng tối đa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính về mặt chất lượng sản phẩm nhập khẩu.

Trong thời gian tới, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự hợp tác và hỗ trợ của Mỹ trong việc phòng vệ thương mại, đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đây là lực cản rất lớn đối với ngành thép của nước ta khi xuất khẩu thép liên tục phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất thép, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng “thép Việt”.

Đáng chú ý, trong tiến trình thế giới tăng tốc chuyển dịch sang năng lượng xanh, Đạo luật Giảm phát ban hành năm 2022 của chính quyền Tổng thống Biden được coi là động lực để Việt Nam hướng tới xuất khẩu mặt hàng “thép xanh”. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam.

Thứ năm là năng lượng, đặc biệt là khí đốt, LNG, phù hợp với định hướng của Việt Nam trong ngành năng lượng xanh. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 8,5% đến 9,5% mỗi năm trong vòng 3 năm tới.

Vào thời điểm cần phải giảm lệ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng than, Việt Nam đang tìm cách tăng nguồn cung cấp dầu khí và phát triển các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên. Với vai trò là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Việt Nam, Mỹ đang nổi lên thành một đối tác quan trọng.

Từ năm 2019, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác hợp tác năng lượng toàn diện. Với những tín hiệu tích cực sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, cơ hội sẽ càng rộng mở cho lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn khí dầu mỏ và các loại khí hydrocarbon, kim ngạch 1,9 tỷ USD.  Nhập khẩu khí đốt từ Mỹ của Việt Nam đạt 377.000 tấn, tương đương 313 triệu USD, chiếm 16,5% tổng kim ngạch trong năm 2022, chỉ đứng sau Trung Quốc với 17% về tổng kim ngạch.

Việt Nam cũng có rất nhiều nhà máy điện chạy bằng khí đốt, tất yếu sẽ phải sẽ phải tăng nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), trong đó Mỹ là một trong các đối tác quan trọng hàng đầu.

Sự tăng cường hợp tác, quan hệ ngoại giao với Mỹ sẽ giúp hoạt động nhập khẩu có thể nhận được nhiều ưu đãi hơn, góp phần nâng cao chất lượng ngành năng lượng quốc gia và hướng tới đúng mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo.

Thứ sáu là dầu khí. Quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới mở ra cơ hội cho Việt Nam nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động khai thác dầu khí trong nước. Việt Nam và Mỹ đã và đang triển khai nhiều hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu.

Nhiều tập đoàn lớn về dầu khí của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron. Năm ngoái, tập đoàn lớn của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí Murphy Oil đã đầu tư 300 triệu USD vào tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Việt Nam.

Việc tăng cường hợp tác sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ đối với lĩnh vực khai thác dầu khí nội địa, từ đó tăng cường tự chủ về nguồn cung, và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ