Mối quan hệ giữa tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng tại 16 quốc gia châu Á

Nhàđầutư
Bốn rào cản chính đối với đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước thu nhập trung bình nói chung và Việt Nam nói riêng là chi phí tài chính cao, nguồn vốn dài hạn còn thiếu, khung chính sách thiếu hiệu quả và tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư.
PGS.TS. CHU KHÁNH LÂN - THS. ĐÀO BÍCH NGỌC (*)
02, Tháng 04, 2024 | 07:00

Nhàđầutư
Bốn rào cản chính đối với đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước thu nhập trung bình nói chung và Việt Nam nói riêng là chi phí tài chính cao, nguồn vốn dài hạn còn thiếu, khung chính sách thiếu hiệu quả và tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư.

tai-chinh-xanh

Ảnh minh họa: Maeching

Tóm tắt

Quá trình chuyển đổi năng lượng đang được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quan tâm do ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không. Trong bối cảnh của các quốc gia châu Á, nghiên cứu về ảnh hưởng của chính sách tài chính xanh, năng lực sản xuất của nền kinh tế, lượng khí thải carbon và thu nhập tới quá trình chuyển đổi năng lượng còn khá hạn chế. Bài nghiên cứu này sử dụng phương pháp hồi quy phân vị để đánh giá tác động của các nhân tố kể trên tới kết quả chuyển đổi năng lượng tại 16 quốc gia châu Á.

Kết quả ước lượng chỉ ra rằng việc ban hành chính sách tài chính xanh và nâng cấp năng lực sản xuất của nền kinh tế giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh. Tuy nhiên, gia tăng thu nhập có thể cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn đầu và giữa của tiến trình. Để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng, cần có thêm các chính sách tài chính xanh phù hợp, đồng thời phải quản lý tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

1. Đặt vấn đề

Suy thoái môi trường đã nổi lên như một vấn đề cấp bách toàn cầu. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (2023), nhiệt độ toàn cầu được dự đoán sẽ tăng ở mức chưa từng có trong vòng 5 năm tới. Tương tự, thế giới sẽ chứng kiến những năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử trong khoảng thời gian tới. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân không chỉ gây ra bệnh tật và tử vong mà còn gây ra tình trạng nghèo đói, với hơn 2 triệu người chết và thiệt hại khoảng 3,6 nghìn tỷ USD. Suy thoái môi trường do con người gây ra xuất phát từ việc tiêu thụ năng lượng, sử dụng đất, khai thác tài nguyên và phát thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt, trong đó sản xuất năng lượng được coi là nguyên nhân chính.

IPCC (2023) báo cáo rằng ngành năng lượng đóng góp 34% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tiếp theo là công nghiệp (24%), nông nghiệp (22%), giao thông vận tải (15%) và xây dựng (6%). Để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đó là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C, cần phải thực hiện các hành động giúp giảm khoảng 45% lượng khí thải so với năm 2010. Mục tiêu cuối cùng là đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, gia tăng sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng sạch là giải pháp hữu hiệu để cải thiện chất lượng môi trường.

Vì vậy, chuyển đổi năng lượng đã trở thành trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất trên toàn cầu, chiếm hơn 90% trong giai đoạn 2012-2022 (BP, 2023). Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã tăng từ 2% lên 6,7%, nhưng con số này chưa thực sự tương xứng với mức tăng mạnh về công suất tái tạo trong 10 năm gần đây (BP, 2023). Khoảng cách giữa công suất và tiêu thụ năng lượng tái tạo xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân từ việc thiếu nguồn lực về tài chính, trình độ công nghệ và chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi những nỗ lực có tính hệ thống nhằm tạo ra năng lượng bền vững, với ba mục tiêu chính: giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch và thúc đẩy mở rộng các ngành công nghiệp và dịch vụ để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững (Aldieri và cộng sự, 2019; Lantz và cộng sự, 2021). Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng là những yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi vì chúng có khả năng cải thiện tình trạng suy thoái môi trường bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch (Al Mamun và cộng sự, 2018).

Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng có thể diễn ra nhanh chóng trong những trường hợp cụ thể, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn lực hạn chế và tiến bộ trong công nghệ (Sovacool, 2016). Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra hiện có đặc điểm là tiến triển chậm chạp và chậm trễ, có thể là do cơ sở hạ tầng kém và các chính sác hỗ trợ chưa phù hợp (Smil, 2016). Ngoài ra, việc thực hiện các dự án chuyển đổi năng lượng cần được quản lý hiệu quả trên nhiều khía cạnh, bao gồm xã hội, kinh tế và kỹ thuật (Papadis và Tsatsaronis, 2020).

Các quốc gia châu Á đang ngày càng hứng chịu nhiều thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu do việc ưu tiên công nghiệp hóa và đô thị hóa mà không quan tâm đến chất lượng môi trường. Từ năm 1970 đến 2019, châu Á đã phải hứng chịu 31% số thảm họa khí hậu của thế giới, 47% số người chết và 31% thiệt hại về kinh tế so với toàn cầu (Tổ chức Khí tượng Thế giới, 2023). Trung Quốc, Ấn Độ, Iran (thuộc nhóm quốc gia thu nhập trung bình) và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi (thuộc nhóm quốc gia thu nhập cao) thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất. Trong khi đó, tốc độ chuyển đổi năng lượng diễn ra không đồng đều dù có nhiều tiềm năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Năm 2019, than chiếm 36% nguồn cung cấp năng lượng chính trong khu vực, tiếp theo là dầu mỏ ở mức 23%, năng lượng tái tạo ở mức 20%, khí tự nhiên ở mức 16% và năng lượng hạt nhân ở mức 5%. Như vậy, tỷ trọng sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới chỉ giảm từ 87% năm 2009 xuống mức 75% vào năm 2019.

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức (Pandey và Asif, 2022; Sun và cộng sự, 2022). Nhiều quốc gia chậm cải thiện cường độ năng tiêu thụ lượng, dẫn đến khả năng không đạt được mục tiêu SDG 7 (ESCAP, 2023). Những thách thức này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm đầu tư không thỏa đáng, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế, hạ tầng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh đó, việc chuyển dịch năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch phụ thuộc khá nhiều vào chính sách tài chính xanh của các quốc gia châu Á. Một số quốc gia đã kịp thời thực hiện một loạt chính sách tài chính xanh để hạn chế nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng và gây bất lợi với hệ sinh thái (Liu và Wang, 2023) đồng thời phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường (Wang và cộng sự, 2022).

2. Các nghiên cứu trước đây về vai trò của tài chính xanh

Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Do đó, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính cần định hướng các dòng tài chính hướng tới các dự án bảo vệ môi trường (Galaz và cộng sự, 2018). Hành động này phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhằm đảm bảo rằng các nguồn lực tài chính sẽ hỗ trợ quá trình giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy khả năng chống chịu của các quốc gia trước biến đổi khí hậu.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tài chính xanh tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo. Tài chính xanh ưu tiên nguồn vốn cho các hoạt động bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các tài nguyên, từ đó tạo điều kiện phát triển bền vững và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Galaz và cộng sự, 2018). Wang và Zhi (2016), Wang và cộng sự (2021) đã phân tích vai trò của tài chính xanh trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới thân thiện với môi trường. Nghiên cứu của Dong và cộng sự (2023) chỉ ra tác động tích cực của trái phiếu xanh đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các quốc gia Đông Nam Á.

Alharbi và cộng sự (2023) đã phát hiện ra rằng tài chính xanh có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển năng lượng tái tạo trong cả ngắn hạn và dài hạn. Kết luận này được rút ra từ phân tích 44 quốc gia trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2020. Ngoài việc xem xét tác động của tài chính xanh tại cấp độ quốc gia, Zhang và cộng sự (2022) cho rằng tài chính xanh tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn ở hai nền kinh tế hàng đầu hiện nay là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tầm quan trọng của tài chính xanh ở Trung Quốc đã được xác định là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc quản lý và phân bổ rủi ro đối với các dự án năng lượng tái tạo (Fu và Ng, 2021) cũng như sự phát triển bền vững của năng lượng tái tạo (Wang và cộng sự, 2021).

Đóng góp ngày càng quan trọng của tài chính xanh đối với sự chuyển dịch năng lượng đòi hỏi chính phủ và các cơ quan liên quan phải có chính sách hỗ trợ để phát triển tài chính xanh. Benkhodja và cộng sự (2023) đã xem xét tính cấp thiết của các quy định về tài chính xanh trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Những chính sách này có thể tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi cho các dự án phát triển bền vững. Wang và cộng sự (2022) cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một cơ chế tài chính hiệu quả ở tầm quốc gia để hướng dòng tài chính xanh vào các sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo.

3. Mô hình, dữ liệu và phương pháp ước lượng

3.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình ước lượng

Bài nghiên cứu đo lường tác động của chính sách tài chính xanh, năng lực sản xuất của nền kinh tế, lượng khí thải carbon và thu nhập tới quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Thứ nhất, nỗ lực chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nguồn tài chính bền vững. Nói cách khác, tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh hơn và thay đổi thói quen tiêu thụ năng lượng, hướng tới hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường (Wang và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo còn khá mới lạ và chứa đựng nhiều rủi ro (Chebotareva và cộng sự, 2020). Do đó, chính sách tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguồn tài chính xanh phù hợp và hạn chế thiệt hại khi rủi ro xảy ra.

Thứ hai, tác động của năng lực sản xuất quốc gia tới chuyển đổi năng lượng diễn ra ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực (Adekoya và cộng sự, 2023). Các quốc gia với năng lực sản xuất cao sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, song song với một thể chế vững mạnh. Những yếu tố này có thể được sử dụng để nâng cấp quy trình sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Ngược lại, quá trình nâng cao năng lực sản xuất cũng có thể dẫn đến nhu cầu tiêu thụ năng lớn hơn và làm gia tăng quy mô lẫn tỷ trọng các loại năng lượng hóa thạch.

Thứ ba, không thể phủ nhận rằng suy thoái môi trường thu hút sự chú ý từ nhiều chủ thể khác nhau (Khan và cộng sự, 2023). Tình trạng ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Nhiều bằng chứng cho thấy khi khủng hoảng môi trường xảy ra, cộng đồng sẽ đòi hỏi phải có nhiều quy trình sản xuất sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường (Usman và cộng sự, 2020).

Thứ tư, theo giả thuyết thang năng lượng (Leach, 1992), tăng thu nhập có thể khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Dựa trên các lập luận nêu trên, mô hình kinh tế lượng được sử dụng để đánh giá mối liên hệ giữa quá trình chuyển đổi năng lượng và các yếu tố kể trên có dạng như sau:

cong-thuc1

 

Các biến ENT, GFP, ECI, CO2 và INC đại diện cho quá trình chuyển đổi năng lượng, chính sách tài chính xanh, năng lực sản xuất quốc gia, phát thải các-bon (chất lượng môi trường) và thu nhập. Các chỉ số i và t chỉ quốc gia và thời gian.

3.2. Dữ liệu

Khái niệm chuyển đổi năng lượng mô tả sự chuyển đổi từ các nguồn năng lượng mà quá trình sản xuất và tiêu thụ có hại cho môi trường sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Năng lượng có hai loại: năng lượng không thể tái tạo và năng lượng tái tạo. Thành tựu của quá trình chuyển đổi năng lượng xảy ra khi một quốc gia thay đổi thành công mô hình tiêu thụ năng lượng theo hướng sạch hơn và bền vững hơn với môi trường.

Bài nghiên cứu này đã chọn sử dụng khung chỉ số chuyển đổi năng lượng do Hu và cộng sự đề xuất (2022) để đo lường mức độ chuyển đổi năng lượng. Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) của Hu và cộng sự (2022) đánh giá sự biến động trong các cấu phần của hai nhóm năng lượng chính là năng lượng không thể tái tạo (than, dầu thô, khí tự nhiên và hạt nhân) và năng lượng tái tạo (nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời, thủy điện, nhiệt điện và gió). Mỗi cấu phần của ETI được tính toán dựa trên phép đo của Lilien (1982). Giá trị cao hơn của mỗi cấu phần hàm ý cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Sau đó, chỉ số chuyển đổi năng lượng sẽ được tính toán dựa trên giá trị trung bình có trọng số của các cấu phần này.

Chỉ số chính sách tài chính xanh, được lấy từ kết quả nghiên cứu của D'Orazio và Thole (2022), bao gồm năm lĩnh vực của chính sách tài chính, bao gồm các quy định an toàn, chính sách phân bổ tín dụng xanh, nguyên tắc, phân loại và phát hành trái phiếu xanh, và các yêu cầu công bố thông tin khác. D'Orazio và Thole (2022) thu thập thông tin về việc xây dựng hoặc triển khai các chính sách tài chính xanh và “người hưởng lợi” cuối cùng của các chính sách liên quan đến tài chính xanh, tài chính liên quan đến khí hậu, tín dụng xanh… sau đó phân loại thông tin thành năm loại kể trên. Các thông tin được thu thập từ công bố của ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính.

Năng lực sản xuất của quốc gia được đo lường bằng chỉ số phức tạp về kinh tế được thu thập từ Hausmann và cộng sự (2014). Dữ liệu về lượng khí thải carbon và thu nhập bình quân đầu người được khai thác từ cơ sở dữ liệu của Ngân hàng thế giới.

Dựa trên sự sẵn có của dữ liệu, nghiên cứu hiện tại sử dụng dữ liệu của 16 nền kinh tế châu Á là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Kazakhstan, Malaysia, Philippines, Ả Rập Saudi, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam trong giai đoạn 2000-2019.

3.3. Phương pháp ước lượng

Basset và Koenker (1978) giới thiệu phương pháp hồi quy phân vị với dữ liệu bảng (PQR). Phương pháp này được sử dụng để đánh giá giá trị trung bình có điều kiện tại các phân vị khác nhau của biến phụ thuộc. Do đó, PQR hữu dụng hơn đối với sự xuất hiện của các giá trị ngoại lai trong các ước tính và cũng giải thích được mối quan hệ giữa các giá trị trung bình có điều kiện. Machado và Silva (2019) đã giới thiệu một kỹ thuật PQR nâng cao, được gọi là kỹ thuật phương pháp mô men hồi quy phân vị (MMQR) với hiệu ứng cố định. MMQR cho phép từng hiệu ứng riêng lẻ tác động đến phân phối thay vì chỉ dao động trung bình giữa các hiệu ứng khác.

4. Kết quả ước lượng

Thống kê mô tả về các biến số trong mô hình được trình bày tại Bảng 1. Chỉ số chuyển hóa năng lượng có giá trị trung bình là 0,152 với độ lệch chuẩn là 0,145. Hàn Quốc là quốc gia có chỉ số trung bình về chuyển đổi năng lượng cao nhất trong khi Saudi Arabia là quốc gia có chỉ số thấp nhất. Giá trị trung bình của chỉ số chính sách tài chính xanh là 9,945 với độ lệch chuẩn là 16,81. Năm 2019, Indonesia đứng đầu còn Sri Lanka đứng cuối. Độ lệch trung bình và độ lệch chuẩn của chỉ số độ phức tạp kinh tế lần lượt là 0,506 và 0,924. Năm 2019, Nhật Bản có nền kinh tế phức tạp nhất trong mẫu nghiên cứu trong khi Bangladesh có nền kinh tế kém phức tạp nhất. 

bang1

 

Bài nghiên cứu trình bày các hệ số ước lượng cùng với sai số chuẩn tại 11 phân vị khác nhau của chỉ số chuyển đổi năng lượng, từ phân vị thứ 5 (giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi trong giai đoạn 2000 - 2019) đến phân vị thứ 95 (giai đoạn sau của quá trình chuyển đổi) tại Bảng 2. Các phân vị từ thứ 5 đến thứ 30 phản ánh quá trình chuyển đổi năng lượng ban đầu (ETI thấp), các phân vị từ thứ 40 đến thứ 60 đề cập đến giai đoạn giữa của quá trình chuyển đổi năng lượng (ETI trung bình) và các phân vị từ thứ 70 đến thứ 95 đề cập đến quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả (ETI cao).

Kết quả ước lượng chỉ ra tác động tích cực của chính sách tài chính xanh tới quá trình chuyển đổi năng lượng. Chính sách tài chính xanh có thể khuyến khích một quốc gia chuyển sang sử dụng nhiều nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Tác động tích cực này gia tăng cùng với tiến trình chuyển đổi năng lượng khi hệ số ước lượng tăng từ mức 0,017% tại phân vị thứ 5 lên 0,022% tại phân vị thứ 95. Trong số 16 quốc gia châu Á của mẫu nghiên cứu, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia là các quốc gia đang đi đầu trong chuyển đổi năng lượng và được hưởng lợi nhiều hơn khi ban hành các chính sách tín dụng xanh. Thực vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia đi đầu trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi năng lượng, hay Indonesia là quốc gia đang tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng sử dụng các nguồn tài nguyên thân thiện với môi trường. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Wang và cộng sự (2022).

Hệ số ước lượng cho thấy năng lực sản xuất quốc gia có mối tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê với tiến trình chuyển đổi năng lượng ở tất cả các phân vị. Tương tự như chính sách tài chính xanh, quy mô tác động của sự phức tạp về kinh tế ngày càng lớn tại các phân vị cao hơn. Các quốc gia với trình độ sản xuất hiện đại hơn có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại hơn để sản xuất và tiêu thụ các loại năng lượng sạch. Độ co giãn chỉ số chuyển đổi năng lượng của chỉ số mức độ phức tạp kinh tế là 0,052 ở phân vị thứ 5 và tăng lên 0,117 ở phân vị thứ 95. Các quốc gia có mức độ chuyển đổi năng lượng cao nhận được nhiều lợi ích hơn từ việc nâng cao năng lực sản xuất so với các quốc gia có mức chuyển đổi năng lượng thấp hơn. Phát hiện này giống với kết quả nghiên cứu của Sun và cộng sự (2022) và Wang và cộng sự (2023).

Chất lượng môi trường xấu đi chẳng những không thúc đẩy chuyển đổi năng lượng có thể cản trở quá trình này, đặc biệt là tại các quốc gia có chỉ số chuyển đổi năng lượng ở mức trung bình (từ phân vị thứ 30 đến 50). Phát hiện này có thể được lý giải như sau. Đối với trường hợp các quốc gia có chuyển đổi năng lượng ở mức độ thấp, việc thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo phải đối mặt với một số thách thức do các vấn đề về công nghệ, chính trị và thể chế tại các quốc gia này. Trong khi đó, các quốc gia đã chuyển đổi năng lượng ở mức độ cao thì việc bảo vệ môi trường đã trở thành một yêu cầu thiết yếu. Do đó, tăng lượng khí thải carbon không còn là nhân tố chủ chốt thúc đẩy chuyển đổi năng lượng nữa mà chuyển đổi năng lượng đã trở thành một xu thế tất yếu. Kết quả này giống với kết quả nghiên cứu của Usman và cộng sự (2020) và Abdul-Salam và cộng sự (2022).

Hệ số ước lượng của thu nhập có dấu âm, thể hiện ảnh hưởng tiêu cực của việc gia tăng thu nhập tới quá trình chuyển đổi năng lượng từ phân vị thứ 5 đến phân vị thứ 60. Quy mô tác động của thu nhập ngày càng nhỏ hơn tại các phân vị cao hơn khi hệ số ước lượng giảm từ -0,025 ở phân vị thứ 5 xuống -0,012 ở phân vị thứ 60 . Điều này cho thấy ảnh hưởng tiêu cực từ thu nhập giảm dần và khi quốc gia đạt tới tiến trình cao của chuyển đổi năng lượng, tăng thu nhập không còn tạo áp lực tiêu cực tới quá trình chuyển đổi. Các kết quả tương tự đã từng được tìm thấy trong các nghiên cứu của Kumaran và cộng sự (2020) và Shahbaz và cộng sự (2021).

Empty

 

4. Những gợi ý cho Việt Nam trong thời gian tới

Trong những năm gần đây, tài chính xanh ở Việt Nam đang trở thành một chủ đề thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt NamTuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.

Việc huy động đủ nguồn lực tài chính từ trong và ngoài nước, từ khu vực tư nhân và sử dụng ngân sách nhà nước cho chuyển đổi năng lượng đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn năm 2050. Chiến lược này hướng tới mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, và đạt được thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường và công bằng xã hội. Đặc biệt, Chiến lược nhấn mạnh vào mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ.

Thực hiện chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng liên quan tới tăng trưởng xanh như Quyết định 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Quyết định 1604/QĐ-NHNN năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Về phía thị trường vốn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Sáng kiến trái phiếu khí hậu ban hành Hướng dẫn phát hành Trái phiếu Xanh, Trái phiếu Xã hội và Trái phiếu Bền vững, về cách áp dụng các tiêu chuẩn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững để giúp huy động nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững, thân thiện với môi trường.  

Các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã và đang tích cực phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh như là tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, bảo hiểm xanh... Một số ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam đã công bố cam kết đầu tư và hỗ trợ các dự án và doanh nghiệp tài chính xanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, Sacombank, VPBank… 

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh đã tăng trưởng ở mức cao, với tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt trên 25% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế. Đến giữa năm 2023, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đã đạt hơn 528 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp xanh chiếm 31%, năng lượng sạch và tái tạo chiếm 45% tổng dư nợ tín dụng xanh. Bên cạnh đó, trái phiếu xanh đang trở thành một phần quan trọng trong thị trường tài chính ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương, theo thống kê, từ năm 2019-2023, quy mô phát hành trái phiếu xanh đạt 1,157 tỷ USD. Các trái phiếu này thường được phát hành để tài trợ cho các dự án về năng lượng tái tạo, xử lý nước, phát triển hạ tầng xanh và các dự án khác liên quan đến bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển tài chính xanh. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển châu Á, Tổ chức liên hợp quốc thường cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo để tăng cường năng lực và khả năng thực thi của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính xanh.

Do tác động tích cực của chính sách tài chính xanh tới chuyển đổi năng lượng đã chỉ ra ở trên, Việt Nam cần khẩn trương hơn trong việc gia tăng quy mô và đa dạng hóa các nguồn tài chính xanh. Bốn rào cản chính đối với đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước thu nhập trung bình nói chung và Việt Nam nói riêng là chi phí tài chính cao, nguồn vốn dài hạn còn thiếu, khung chính sách thiếu hiệu quả và tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư.

Vì vậy, cần ban hành các giải pháp để định hướng các nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh như hình thành cơ chế tài chính hỗn hợp giữa tài chính công và tư, tăng cường tiếp cận có hiệu quả các nguồn tài trợ ưu đãi từ nước ngoài, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với tài chính xanh nói riêng và kinh tế xanh nói chung, ban hành các tiêu chí đầu tư xanh và phân loại các dự án xanh làm căn cứ để các tổ chức tài chính phê duyệt tín dụng, khuyến khích phát hành trái phiếu xanh thông qua cơ chế tăng cường tín dụng để cải thiện hồ sơ rủi ro của trái phiếu...

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực sản xuất quốc gia là cần thiết để các nền kinh tế chuyển sang sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và sạch hơn. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu và phát triển diễn ra. Bên cạnh các chương trình đổi mới và phát triển công nghệ hiện tại, bao gồm ưu đãi thuế và tài trợ nghiên cứu, cần ưu tiên thúc đẩy khả năng tiếp cận đến các công nghệ mới và phổ biến những quy trình sản xuất đã được hoàn thiện nhờ nâng cao năng lực quản lý.

                                   (*) PGS.TS. Chu Khánh Lân - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN; ThS. Đào Bích Ngọc - Giảng viên Đại học Phenikaa

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ