Chứng nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế và những khuyến nghị với Việt Nam

Nhàđầutư
Danh mục phân loại xanh là bước đầu tiên để mở ra một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm khuyến khích phát hành và đầu tư trái phiếu xanh. Tuy nhiên, hoàn thiện danh mục này lại không hề đơn giản khi vừa phải đảm bảo chặt chẽ, tránh "tẩy xanh", lại vừa dễ tiếp cận, phù hợp với quốc tế.
NGUYỄN TÙNG ANH (*)
29, Tháng 03, 2024 | 07:00

Nhàđầutư
Danh mục phân loại xanh là bước đầu tiên để mở ra một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm khuyến khích phát hành và đầu tư trái phiếu xanh. Tuy nhiên, hoàn thiện danh mục này lại không hề đơn giản khi vừa phải đảm bảo chặt chẽ, tránh "tẩy xanh", lại vừa dễ tiếp cận, phù hợp với quốc tế.

green-bond

Ảnh: World Bank/Jamesteoh

Trái phiếu xanh đang dần chứng minh vai trò của một công cụ tài chính hữu hiệu để huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Tại Việt Nam, hiện nay tuy mới chỉ có hai lô trái phiếu doanh nghiệp xanh theo chuẩn quốc tế được phát hành trên thị trường nội địa, nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và dành nguồn lực để thu hút dòng vốn xanh hấp dẫn và tiềm năng.

Một vấn đề được đặt ra hiện nay là việc phải đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của trái phiếu xanh cũng như xây dựng hình ảnh minh bạch với thị trường quốc tế, do đó việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế là một xu hướng tất yếu. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ tập trung phân tích về chứng nhận trái phiếu xanh theo chuẩn mực toàn cầu và đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Trái phiếu xanh trong hệ sinh thái trái phiếu dán nhãn

Thời gian vừa qua là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ không chỉ của trái phiếu xanh mà còn là cả các trái phiếu dán nhãn khác, hay còn gọi là các trái phiếu xanh, xã hội, bền vững (“GSS+”).

Trên thế giới, năm 2023 là một năm phát hành trái phiếu xanh kỷ lục khi đạt 575 tỷ USD, theo số liệu của DZ Bank, chiếm 59% tổng giá trị trái phiếu GSS+. Theo đánh giá của GGGI Việt Nam, trái phiếu GSS+ đã cho thấy đây là công cụ hiệu quả để hướng các kênh vốn vào các doanh nghiệp biến đổi khí hậu.

bieu-do-1

 

Với đặc thù phân định rõ mục đích sử dụng vốn, trái phiếu xanh hay những công cụ khác như tín chỉ các bon đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Các tài sản và dự án mang tính chất xanh như năng lượng tái tạo, trồng rừng, xử lý chất thải,… mang tính chất dài hạn và cần có sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm giảm gánh nặng cho đầu tư công, cũng chính là đặc điểm của trái phiếu, do đó khi kết hợp với yếu tố đầu tư tác động từ các quỹ đầu tư và định chế trong và ngoài nước, các dự án và tài sản trên có thể nhận được vốn đầu tư ổn định với chi phí hợp lý, giảm rủi ro tín dụng và cuối cùng dẫn đến gia tăng khả năng thành công của dự án.

Bên cạnh đó, một số loại hình dự án có thể khai thác được nhiều công cụ khác nhau để gia tăng lợi nhuận, ví dụ như mô hình phát hành trái phiếu xanh cho dự án điện gió và điện mặt trời, sau đó có thể thực hiện đánh giá xác nhận để bán tín chỉ carbon, giúp doanh nghiệp có thêm giá trị và tăng tính khả thi của dự phóng tài chính.

Như đã nêu ở trên, trái phiếu xanh của các tổ chức tín dụng cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường để có thể nhận được các khoản vay xanh. Do đó có thể nói trái phiếu xanh đem lại tác động nhiều mặt lên thị trường vốn nợ và thực hành xanh của các doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn quốc tế về chứng nhận trái phiếu xanh

Trên thế giới, các nhà phát hành trái phiếu xanh thực hiện các nguyên tắc theo hai tiêu chuẩn chính là Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu (CBS) của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative - CBI) và Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (Green Bond Principles - GBP) do Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA).

Hiện nay, Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Standard) của CBI được coi là chuẩn mực uy tín và phổ biến nhất trên thế giới trong việc chứng nhận trái phiếu xanh. Tiêu chuẩn này đã được áp dụng tại hơn 30 quốc gia, tạo nên một nền tảng đáng tin cậy cho các nhà đầu tư và tổ chức phát hành.

Theo CBI, để được chứng nhận là trái phiếu xanh, tổ chức phát hành cần đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn, đánh giá và lựa chọn dự án, quản lý nguồn vốn và báo cáo định kỳ. Đồng thời, dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh phải đóng góp vào ít nhất một trong năm mục tiêu môi trường cốt lõi, bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn ngừa ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (Green Bond Principles - GBP) do Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) phát triển cũng là bộ hướng dẫn tự nguyện quan trọng đối với thị trường trái phiếu xanh. GBP bao gồm 4 trụ cột chính: Một là sử dụng nguồn vốn; hai là quy trình đánh giá và lựa chọn dự án; ba là quản lý nguồn vốn, và bốn là báo cáo. Nguyên tắc này khuyến khích sự đánh giá và xác nhận bên ngoài để đảm bảo tuân thủ các trụ cột trên.

GBP đã được áp dụng rộng rãi bởi các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và các bên liên quan khác. Việc tuân thủ GBP giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính toàn vẹn của thị trường trái phiếu xanh, từ đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào các dự án và hoạt động thân thiện với môi trường.

Dưới đây là bảng so sánh Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu và Nguyên tắc Trái phiếu Xanh trên ba khía cạnh chính:

bieu-do-2

 

Tóm lại, tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu cung cấp một chương trình chứng nhận nghiêm ngặt hơn với các tiêu chí đủ điều kiện rõ ràng cho các dự án xanh, yêu cầu báo cáo bắt buộc và xác minh của bên thứ ba.

Nguyên tắc trái phiếu Xanh đưa ra các hướng dẫn thực hành tốt nhất tự nguyện nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công bố thông tin nhưng để cho bên phát hành linh hoạt hơn trong việc xác định những gì được coi là "xanh" và dựa vào báo cáo tự nguyện, cũng như chỉ khuyến khích mà không yêu cầu chứng nhận bên ngoài.

Cả hai đều nhằm thúc đẩy tính toàn vẹn và sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh, nhưng Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu đặt ra tiêu chuẩn cao hơn về định nghĩa, yêu cầu và đảm bảo để tạo sự tự tin lớn hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tuân thủ các Nguyên tắc Trái phiếu Xanh vẫn là cách tiếp cận phổ biến hơn trên thị trường hiện nay.

Tình hình chứng nhận trái phiếu xanh ở Việt Nam

Trước hết cần phải phải hiểu rõ hơn về trái phiếu xanh tại Việt Nam được tính là các lô trái phiếu được phát hành bằng tiền VND tại thị trường trong nước, tức là cũng đã các doanh nghiệp tiên phong phát hành trái phiếu xanh và vay các khoản vay xanh nhưng là ở nước ngoài, còn phạm vi trong nước từ trước đến nay mới chỉ có hơn 3.650 tỷ đồng trái phiếu xanh được phát hành, đến từ EVN Finance và Ngân hàng BIDV.

Hiện nay có thể thấy các ngân hàng đã dần đi theo xu hướng tài chính xanh, tài chính bền vững với những động thái xây dựng khung tài chính bền vững và chuẩn bị cho những lô trái phiếu xanh, xã hội, bền vững tiếp theo. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.

Theo các chuyên gia, những rào cản chính bao gồm thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, hạn chế về thông tin và dữ liệu và sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh.

Tính đến nay mới chỉ có FiinRatings (trong năm 2022) trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được CBI ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn xanh từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về Tiêu chuẩn hay Nguyên tắc Trái phiếu Xanh trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

Khuyến nghị về chính sách thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh

Mặc dù là hoạt động chứng nhận theo chuẩn mực quốc tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có xu hướng chờ đợi định hướng và khuyến nghị của Chính phủ để khi thực hiện sẽ không vướng mắc các quy định trong tương lai. Trong đó, nhiều nhà phát hành trái phiếu xanh tiềm năng cho rằng họ muốn tham gia thị trường tài chính xanh, nhưng vẫn muốn chờ Danh mục phân loại xanh được ban hành để thực sự tự tin, bởi nếu không họ vẫn có thể huy động từ các nguồn vốn khác chứ chưa cần phát hành trái phiếu xanh.

Chính bởi vậy, một trong những khuyến nghị được quan tâm nhất hiện nay là về công tác hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu xanh, trong đó làm rõ các khái niệm, tiêu chí và quy trình chứng nhận trái phiếu xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước. Đây là một việc không hề đơn giản, bởi các quy tắc vừa phải đủ chặt chẽ để tránh "tẩy xanh", vừa phải dễ tiếp cận và rõ ràng để thị trường không e ngại trong việc tăng thêm nguồn lực và chi phí cho công tác chuẩn bị, nhất là trong việc thiết lập Khung Tài chính Xanh/Bền vững tuân thủ CBS hay GBP.

Theo đó, Việt Nam cần xây dựng Danh mục phân loại các dự án xanh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo các tiêu chí môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tiễn của đất nước. Danh mục này sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý xác định, đánh giá và giám sát các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh, đảm bảo tính xanh và tác động tích cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, bởi thị trường tài chính xanh mới bắt đầu nhen nhóm và tập trung ở các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn, do đó cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư, về lợi ích của trái phiếu xanh và tầm quan trọng của chứng nhận xanh.

Sau khi có những bước đầu như Danh mục phân loại xanh, Chính phủ có thể sẽ cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí đối với hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu xanh, tạo động lực cho thị trường phát triển. Các ưu đãi có thể bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm phí niêm yết, phí giao dịch cho trái phiếu xanh, hoặc trợ cấp lãi suất cho các dự án xanh được tài trợ từ trái phiếu.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi vai trò của bên xác nhận sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định đến việc các doanh nghiệp phát hành công cụ tài chính xanh có được tiếp cận với các chính sách ưu đãi hay không. Đối với các thị trường trong khu vực như Singapore hay Thái Lan, các cơ quan quản lý này xây dựng các chương trình trợ cấp chi phí kỹ thuật và xác nhận cho các nhà phát hành đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện giao dịch tại thị trường trong nước, trong đó Singapore tài trợ lên đến 125.000 SGD cho mỗi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, miễn là hoạt động tư vấn phát hành, tư vấn xây dựng khung tài chính Xanh/Bền vững, và xác nhận khung, được thực hiện tại quốc gia này.

Cuối cùng, để học tập được những kinh nghiệm trên, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong phát triển thị trường trái phiếu xanh, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư xanh uy tín trên thế giới. Việt Nam có thể tham gia tích cực vào các sáng kiến, diễn đàn khu vực và toàn cầu về tài chính xanh để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực cho thị trường trong nước.

Định hướng và giải pháp xây dựng hệ thống tài chính xanh

Để hỗ trợ sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống tài chính xanh vững mạnh. Trong quá trình này, các định hướng có thể được xem xét gồm:

Xây dựng khung phân loại xanh phù hợp với tiêu chuẩn ASEAN, EU và thông lệ quốc tế, tạo sự thống nhất trong đánh giá và phân loại dự án xanh.

Phát triển các điều kiện phát hành trái phiếu xanh theo nguyên tắc đơn giản hóa, quản trị rủi ro, hướng tới sự thuận tiện và khả thi trong việc áp dụng để khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và tham gia.

Xây dựng quy định chặt chẽ và có các chế tài đối với hành vi "tẩy xanh" nhằm đảm bảo niềm tin của các nhà đầu tư vào tính minh bạch và hiệu quả của thị trường trái phiếu xanh.

Xác định các trái phiếu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ về tài chính và phi tài chính, tạo động lực cho các tổ chức phát hành hướng tới việc tuân thủ các thông lệ tốt nhất.

Giải pháp và kiến nghị thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh

Như đã nêu ở trên, các trái phiếu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là những đối tượng cần được hỗ trợ và khích lệ để tạo tiền đề phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam, các giải pháp có thể được chia ra thành giải pháp tài chính và phi tài chính như sau:

Về giải pháp tài chính:

Ưu đãi về thuế, phí đối với việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm phí niêm yết, phí giao dịch.

Trợ cấp hỗ trợ chi phí xây dựng Khung Tài chính Xanh và chi phí xác nhận, chứng nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Yêu cầu/khuyến khíchcác ngân hàng phân bổ một phần định mức tín dụng vào cho vay dự án xanh, mua trái phiếu xanh để thúc đẩy nguồn cung.

Trợ cấp lãi suất cho các dự án xanh được tài trợ bởi trái phiếu xanh.

Về giải pháp phi tài chính:

Vinh danh, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tiên phong trong lĩnh vực tài chính xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Ghi nhận và khích lệ các lô trái phiếu xanh tuân thủ các tiêu chuẩn, nguyên tắc của khu vực và quốc tế như GBP của ICMA, Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu của CBI.

Nâng cao sự minh bạch trong công bố thông tin, phân biệt và ghi nhận rõ ràng các lô trái phiếu xanh so với trái phiếu thông thường trên các cổng thông tin, báo cáo.

Trong giai đoạn hiện nay, giải pháp ghi nhận và khích lệ trái phiếu xanh tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế có thể được xem là giải pháp khả thi, hiệu quả để thúc đẩy thị trường. Việc này không tốn thêm chi phí nhưng đem lại giá trị về danh tiếng, đồng thời thể hiện nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc khuyến khích phát triển thị trường tài chính xanh.

(*) Nguyễn Tùng Anh – Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Bền vững, FiinRatings

Nhằm góp phần khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, Tạp chí Nhà đầu tư với sự phối hợp của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách".

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, các chuyên gia tài chính kinh tế, đại diện ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cơ quan truyền thông, báo chí.

Sự kiện được tổ chức vào thứ Tư ngày 3/4/2024 tại Hội trường tầng 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. Mọi sự quan tâm, đóng góp ý kiến xin liên hệ hòm thư [email protected], hoặc Ms. Nguyễn Hồng (Tel: 098.966.8400).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24675.00 24695.00 25015.00
EUR 26141.00 26246.00 27411.00
GBP 30532.00 30716.00 31664.00
HKD 3113.00 3126.00 3228.00
CHF 26871.00 26979.00 27815.00
JPY 159.92 160.56 168.00
AUD 15832.00 15896.00 16382.00
SGD 18029.00 18101.00 18636.00
THB 660.00 663.00 690.00
CAD 17973.00 18045.00 18577.00
NZD   14540.00 15029.00
KRW   17.60 19.20
DKK   3510.00 3640.00
SEK   2258.00 2345.00
NOK   2225.00 2313.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ