[Gặp gỡ thứ Tư] PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ: Hoàn thiện danh mục phân loại xanh là vấn đề cấp bách

Nhàđầutư
PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ đánh giá danh mục phân loại xanh được thông qua có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi chuyển đổi xanh.
N.THOAN
27, Tháng 03, 2024 | 07:00

Nhàđầutư
PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ đánh giá danh mục phân loại xanh được thông qua có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi chuyển đổi xanh.

Xu hướng thúc đẩy thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên thế giới đã phát triển 20 năm trở lại nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đến nay, tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên toàn cầu đã trở thành 2 nguồn tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định đối với đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính xanh to lớn trên thế giới. Để thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng xanh, nhiều tổ chức, khu vực, quốc gia đã xây dựng và ban hành các danh mục phân loại xanh, tạo thuận lợi phát triển nguồn tài chính xanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng dự thảo Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (Danh mục phân loại xanh).

Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao xây dựng, hoàn thiện dự thảo "Danh mục phân loại xanh". Để có góc nhìn chi tiết hơn về định hướng phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, hiện trạng Danh mục phân loại xanh, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

PGS-Nguyen-dinh-tho

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trước tiên, xin ông những đánh giá về vai trò tài chính xanh trong hỗ trợ thúc đẩy chuyển xanh?

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ: Thế giới hiện cùng lúc phải giải quyết 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu. Một là ô nhiễm môi trường, hai là biến đổi khí hậu và ba là suy giảm đa dạng sinh học. Tương ứng với 3 cuộc khủng hoảng cũng sẽ có các cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề. Đối với biến đổi khí hậu là Net Zero; với ô nhiễm môi trường là phát thải ròng bằng 0, giảm chôn lấp và xử lý nước thải; còn đối với đa dạng sinh học là vấn đề bảo vệ rừng, đất ngập nước và các khu vực bảo tồn.

Do đó, khi thiết kế "Danh mục phân loại xanh" cũng cần đáp ứng đồng thời giải quyết 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu. Danh mục phân loại xanh của Việt Nam là một bộ phận trong phân loại xanh toàn cầu.

Về tài chính xanh, trên thế giới và ở cả Việt Nam hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Có thể hình dung theo 2 dạng. Một là tài chính xanh được hiểu là tài chính khí hậu - loại hình này khá phổ biến ở cả nguồn tài trợ quốc tế và nguồn tài chính trong nước hỗ trợ cho vay các dự án xanh.

Thứ hai là nguồn tài chính xanh theo danh mục phân loại mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban hành, mục tiêu lớn nhất là phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh có sự hỗ trợ của nhà nước nhằm thúc đẩy các dự án xanh như điện gió ngoài khơi, chuyển đổi năng lượng (các lĩnh vực thuộc ưu tiên của Chính phủ).

Phân tích một cách chi tiết hơn, loại hình tài chính xanh thứ nhất là bài toán tổng thể và phụ thuộc vào từng dự án theo quy trình của các tổ chức cung cấp tài chính như IFC, WB, CBI. Mỗi tổ chức sẽ có những tiêu chí khác nhau và thực tế mỗi dự án cũng sẽ có đặc thù, quy trình khác nhau.

Mới đây, WB cũng đã hỗ trợ dự án REDD+ để Việt Nam bán tín chỉ carbon đầu tiên và giá trị nhận được là 51,5 triệu USD (để mua 5%, còn 95% là của Việt Nam), giá trị tương đương 100 USD/tấn carbon.

WB cũng đang hỗ trợ Việt Nam để có 1 triệu ha lúa phát thải thấp để bán 100 USD/ tấn carbon. Dự kiến số tiền thu về cho nông dân khoảng 16.000 tỷ đồng.

Có thể nói, nội dung tài chính xanh khá đa dạng, mỗi dự án sẽ theo quy trình khác nhau. Huy động tài chính qua tín chỉ carbon khác với hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đa phương quốc tế như WB, IFC, cũng khác với thoả thuận song phương giữa các quốc gia...

Thời gian qua, một số ngân hàng đã phát hành loại hình trái phiếu xanh để phục vụ các dự án xanh khá thuận lợi. Các thiết kế này dựa trên cơ sở phân loại xanh của Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu - là tổ chức đi đầu trong trái phiếu xanh, tín dụng xanh.

Với loại hình thứ hai là nguồn tài chính xanh có hỗ trợ của nhà nước. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị bộ ngành, đặc biệt Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được WB hỗ trợ khi làm Danh mục phân loại xanh, mục tiêu là hài hoà với tất cả bộ chỉ số xanh mà các tổ chức quốc tế đang xác dụng, đảm bảo nếu một đơn vị được xác nhận xanh bởi của các tổ chức quốc tế thì cũng được Việt Nam công nhận.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu ban hành "Danh mục phân loại xanh" trước ngày 31/12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể ban hành, xin ông cho biết lý do tại sao?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Danh mục phân loại xanh đang triển khai theo đúng tinh thần là phục vụ mục đích hỗ trợ chuyển đổi xanh có ưu đãi của Nhà nước. Ví dụ như, nếu có gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, Danh mục phân loại xanh sẽ là bộ tiêu chí để sàng lọc doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu và được hưởng ưu đãi từ Nhà nước. 

Có thể nói việc Danh mục phân loại xanh được thông qua có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi chuyển đổi xanh.

Về vướng mắc để ban hành được Danh mục phân loại xanh cấp quốc gia, chúng ta đã ở bước cuối cùng trong quy trình. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để huy động nguồn vốn xanh. Điều này liên quan tới tổ chức xác nhận doanh nghiệp hoặc dự án đáp ứng yêu cầu xanh để cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Liên quan tới tổ chức có chức năng xác nhận, một cơ quan nhà nước có thể đứng ra xác nhận nhưng lại làm tăng thủ tục hành chính. Vì vậy, hiện nay Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và NHNN đều mong muốn để đơn vị kiểm toán đứng ra xác nhận. Tuy nhiên, phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì việc giao đơn vị kiểm toán cấp phép chưa đạt độ tin tưởng. Vì vậy, phương án Bộ TN&MT đang đề xuất là để trực tiếp các tổ chức tín dụng (TCTD) khi cấp trái phiếu xanh, tín dụng xanh sẽ căn cứ vào bộ chỉ số, Danh mục phân loại xanh của Bộ TN&MT xây dựng để xác định dự án có đạt yêu cầu về trái phiếu xanh, tín dụng xanh hay không.

Thông lệ quốc tế của các tổ chức như WB, IFC thì việc để TCTD vừa cấp tín dụng, trái phiếu vừa thẩm định dự án có đạt chuẩn không là phù hợp và diễn ra khá suôn sẻ. Điều này giúp giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng không tránh khỏi tăng thêm gánh nặng cho các TCTD.

PGS-nguyen-dinh-tho-4

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, Việt Nam cần nguồn lực hàng trăm tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero nhưng hiện nay doanh nghiệp rất lúng túng, không biết nguồn tài chính xanh từ đâu và tiếp cận như thế nào. Ảnh: Trọng Hiếu.

Vậy theo ông, thời gian tới làm sao để thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam, mà cốt lõi là tài chính xanh?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Vấn đề cần đặt ra thời điểm hiện tại là doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận được tài chính xanh, tài chính khí hậu và Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Mỗi dự án, mỗi tổ chức cụ thể có tôn chỉ, mục tiêu riêng, vì vậy muốn nhận được nguồn vốn từ mỗi tổ chức, doanh nghiệp phải tuân thủ những mục tiêu, yêu cầu riêng của họ. Điều này cần sự hỗ trợ của Chính phủ, phối hợp với nhà tài trợ xây dựng sổ tay hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp để họ biết cách đi từ A - Z, tiếp cận được nguồn vốn xanh.

Việt Nam hiện nay có 15,5 tỷ USD hỗ trợ từ các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Theo thống kê của WB, nhu cầu tài chính của Việt Nam ước tính lên tới gần 400 tỷ USD để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng doanh nghiệp hiện vẫn rất lúng túng, không biết nguồn tài chính này đến từ đầu và làm sao tiếp cận.

Thời gian qua, WB, IFC đã tổ chức và triển khai nhiều dự án tại Việt Nam. Cùng với đó, còn có hoạt động hợp tác song phương phương giữa các nước, ví dụ: Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Úc ký thoả thuận để tổ chức triển khai, hỗ trợ từ các định chế tài chính lớn để phát triển kinh tế xanh, dự án, doanh nghiệp xanh.

Bộ TN&MT cũng đã ký thoả thuận với một số ngân hàng lớn trong và ngoài nước để đồng hành cùng các TCTD thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.

Riêng Danh mục phân loại xanh cấp quốc gia, doanh nghiệp có thể yên tâm rằng, bộ tiêu chí này sẽ hài hoà với các quy định quốc tế, đi theo đúng các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ, nông nghiệp, xử lý chất thải, xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp.... 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhằm góp phần khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, Tạp chí Nhà đầu tư với sự phối hợp của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách".

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, các chuyên gia tài chính kinh tế, đại diện ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cơ quan truyền thông, báo chí.

Sự kiện được tổ chức vào thứ Tư ngày 3/4/2024 tại Hội trường tầng 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. Mọi sự quan tâm, đóng góp ý kiến xin liên hệ hòm thư [email protected], hoặc Ms. Nguyễn Hồng (Tel: 098.966.8400).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ