Liều thuốc nào cho nền kinh tế chống đỡ dịch COVID-19?

Nhàđầutư
Bức tranh kinh tế thế giới ngày càng trở nên ảm đạm hơn cùng với sự lây lan của đại dịch COVID-19. Đọc đúng bệnh, bốc đúng thuốc, hành động kịp thời là yêu cầu đang được đặt ra với mỗi Chính phủ trên thế giới.
ANH TRUNG
19, Tháng 03, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Bức tranh kinh tế thế giới ngày càng trở nên ảm đạm hơn cùng với sự lây lan của đại dịch COVID-19. Đọc đúng bệnh, bốc đúng thuốc, hành động kịp thời là yêu cầu đang được đặt ra với mỗi Chính phủ trên thế giới.

anh189-0920

Cuộc chiến chống dịch Cobid-19 đang ngày càng quyết liệt trên mặt trận kinh tế. (Ảnh minh họa: fpri.org)

Dự báo được đưa ra gần đây cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cả khủng hoảng toàn cầu năm 1997 và năm 2008. Những gì đang diễn ra với kinh tế Việt Nam cũng đang đòi hỏi phải tìm kiếm liều thuốc hữu hiệu và khẩn trương hành động để chống đỡ, vượt qua tác động của dịch COVID-19.

Các nước đang làm gì?

Mới đây nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị một gói kích thích quy mô khoảng 1.000 tỷ USD, nhằm xoa dịu tác động kinh tế từ COVID-19. Các chính sách chi tiết vẫn đang được thảo luận và con số cuối cùng có thể thay đổi. "Đây là một con số lớn. Chúng tôi đã đề xuất bơm 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế", ông Mnuchin cho biết.

Nội dung gói kích thích gồm 50 – 100 tỷ USD hỗ trợ ngành hàng không, 200 – 300 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, 500 – 550 tỷ USD giảm thuế và hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Khoản tiền thanh toán cho người dân sẽ được chia làm hai giai đoạn, mỗi lần 250 tỷ USD. Giai đoạn một sẽ được triển khai trong vài tuần tới.

Tổng quy mô gói này đã vượt xa gói 787 tỷ USD năm 2009 trong khủng hoảng tài chính. Đến nay, Mỹ đã thông qua gói kích thích đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD cho việc phát triển vaccine và các nỗ lực phòng ngừa. Các nhà làm luật cũng sắp sửa hoàn tất gói thứ hai, tập trung vào bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ ốm có trả lương và xét nghiệm miễn phí bắt buộc cho người dân.

Còn với Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương quốc gia này tiếp tục mạnh tay nới lỏng tiền tệ, bao gồm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm %, giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay trung và dài hạn, giảm 0,1 điểm % lãi suất cho vay cơ bản, bơm mạnh tiền trên thị trường mở (khoảng 240 tỷ USD) và dự kiến có thể đưa vào nền kinh tế 550 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 78,5 tỷ USD) từ các khoản dự trữ dài hạn.

Chậm chân trong việc ngăn nCoV lây lan nhưng giới chức châu Âu đã lập tức "sửa sai" bằng gói kích thích kinh tế hơn 1.500 tỷ USD. Đến nay, Pháp là nước mạnh tay nhất, khi cam kết không để công ty nào sụp đổ. Chính phủ sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ USD, hoãn thu thuế, tiền thuê nhà, điện - nước - gas cho các doanh nghiệp nhỏ. Pháp cũng sẵn sàng làm nhiều hơn, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp nếu cần thiết.

"Không công ty nào của Pháp, bất kể quy mô, phải đối mặt rủi ro sụp đổ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết.

Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ hỗ trợ ít nhất 500 tỷ euro (550 tỷ USD) dưới dạng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp, và cam kết cung cấp thanh khoản không hạn chế cho các công ty chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Đây là một trong các biện pháp được Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz công bố tuần trước.

Nước này cũng sẽ giúp các công ty dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển quốc gia và hoãn thu thuế với các doanh nghiệp đang gặp khó. "Vì mức độ bất ổn cao với tình hình hiện nay, chính phủ sẽ không giới hạn quy mô các biện pháp này", chính phủ Đức cho biết, "Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về sự gián đoạn nghiêm trọng của nền kinh tế, chính phủ sẽ dùng mọi tài nguyên có thể để ngăn chặn".

Anh hôm qua cũng gia nhập cuộc chiến, sau khi bị chỉ trích phản ứng chậm chạp vì chỉ khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ khoản vay ban đầu trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD) cho các công ty. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay thế chấp cũng đồng ý hoãn thanh toán 3 tháng cho những người bị ảnh hưởng vì đại dịch.

"Chúng tôi chưa bao giờ đối mặt với cuộc chiến kinh tế như thế này, nhưng đã rất sẵn sàng", Sunak nói, "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể".

Tổng cộng, các nước châu Âu nói trên đã cam kết tung ra hơn 1.500 tỷ USD. Con số này có thể còn tăng cao.

Còn tại châu Á, tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo một loạt các biện pháp tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay, trị giá khoảng 270 tỉ yên (2,62 tỉ USD), cho các gói hỗ trợ tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Singapore cũng đã công bố gói hỗ trợ 4 tỉ USD trong các tháng tới cho người lao động và các doanh nghiệp. Đồng thời thông báo giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và một loạt các biện pháp về thuế doanh nghiệp khác trong thời gian một năm.

Liều thuốc nào cho kinh tế Việt Nam?

Trở lại trong nước, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19. Trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng, đó là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành cũng đã rà soát đánh giá thiệt hại của các ngành, lĩnh vực và đề xuất các biện pháp hỗ trợ. Mới đây nhất, một gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải vừa được Bộ GTVT gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép bộ này được áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cành tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong  thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác tại các cảng hàng không thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Không chỉ hỗ trợ cho các hãng bay, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế VAT cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5%, qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy. Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hải Phòng xem xét không thu phí cơ sở hạ tầng đối với container hàng hóa xuất nhập khẩu được vận tải bằng đường thủy.

Các bộ ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương… cũng đang đề xuất giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Đó là những hành động cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tác động của dịch. Song thực tế đang đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ hơn và phải hành động kịp thời hơn để giải cứu cả nền kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời chuẩn bị cho tăng trưởng nhanh thời hậu dịch.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt phải ưu tiên chống dịch, ngăn chặn lây lan và sớm dập tắt được dịch ở trong nước. Đây cũng chính là tiền đề để các gói hỗ trợ của Chính phủ được thực thi có hiệu quả.

T.S Lê Xuân Nghĩa, thành viên hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ Nhà nước Việt Nam cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chống dịch bằng mọi giá là biện pháp số một. Doanh nghiệp sẽ không “hấp thụ” được gói hỗ trợ tín dụng và chính sách miễn giảm thuế nếu không duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam cần khơi thông nguồn vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Ước tính nếu tháo gỡ được các rào cản về quy trình, thủ tục pháp lý thì hơn 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ không chỉ là “cứu cánh” cho tăng trưởng GDP mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các dự án như sân bay Long Thành, cải tạo nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đường cao tốc Bắc – Nam, Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ nếu được đẩy nhanh tiến độ sẽ tạo cú hích mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Chính phủ và Quốc hội để tháo gỡ các rào cản về pháp lý và cơ chế, chính sách.

Cũng chính vì vậy, một số chuyên gia kiến nghị, bên cạnh Ban chỉ đạo phòng chống dịch, cần có một Ban chỉ đạo giải cứu nền kinh tế vượt qua dịch bao gồm đại diện của cả Chính phủ và Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho hoạt động đầu tư công.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và có các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn FDI một cách thiết thực và hiệu quả hơn cũng là một trong các khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế đưa ra.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ