Lãi suất tiết kiệm vẫn cao chót vót: Tiền chảy vào ngân hàng

Lãi suất tiết kiệm ở mức cao, người dân và doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng thay vì đầu tư, kinh doanh. Người dân ùn ùn gửi tiền vào ngân hàng
THANH XUÂN - MAI PHƯƠNG
14, Tháng 06, 2023 | 09:23

Lãi suất tiết kiệm ở mức cao, người dân và doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng thay vì đầu tư, kinh doanh. Người dân ùn ùn gửi tiền vào ngân hàng

Người dân ùn ùn gửi tiền vào ngân hàng

Chị Thanh Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hồi đầu năm chị có 3 tỉ đồng gửi tạm tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, lãnh lãi 6%/năm để chờ xem có cơ hội thì mua bất động sản (BĐS). Nghe ngóng một hồi, cũng như tham khảo ý kiến những người xung quanh cho rằng giá nhà đất còn cao, trong khi đó cuộc đua lãi suất (LS) trong ngân hàng (NH) lên cao, có nơi nhận 10 - 11%/năm kỳ hạn 6 tháng, chị quyết định gửi số tiền này vào NH hưởng lãi 10%/năm, kỳ hạn 6 tháng. "Tính ra tiền lãi 150 triệu đồng thay vì gửi hằng tháng chỉ bằng khoảng một nửa. Còn đầu tư BĐS lúc đó thì đến nay lỗ rồi vì giá nhà đất giờ cũng giảm khá mạnh do nhiều người kẹt vốn, buộc phải bán để trả nợ", chị Mai nói.

Khảo sát nhanh của Thanh Niên với khoảng gần 20 người cùng câu hỏi "Có tiền nhàn rỗi thì nên đầu tư vào đâu?", đa số câu trả lời cho rằng vẫn tiếp tục duy trì gửi tiết kiệm trong hệ thống NH. Chỉ có 2/10 người đã từng tham gia đầu tư chứng khoán gần đây cũng bắt đầu mua vào một số cổ phiếu nhưng chỉ mang tính thăm dò. Số tiền chuyển vào chứng khoán chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số tiền đang có. Theo lý giải chung của những người được khảo sát thì chưa thấy kinh tế khởi sắc. Kênh đầu tư như BĐS vẫn hầu như đứng yên. 

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 sụt giảm mạnh hoặc thua lỗ. Dự báo quý 2/2023 cũng chưa khả quan. Vì vậy dù cổ phiếu đang từng bước phục hồi nhưng xu hướng chưa có gì chắc chắn. Như vậy gửi tiền tiết kiệm vẫn là an toàn, an tâm nhất. Đặc biệt LS vẫn lên gần 9%/năm thì không có kênh đầu tư nào hiện nay vượt qua được tỷ suất sinh lời này.

Dữ liệu từ NH Nhà nước (NHNN) công bố mới đây cho thấy tiền gửi của nhóm khách hàng cá nhân tính đến cuối tháng 3 tăng khá nhanh, thêm 100.000 tỉ đồng, nâng mức tăng trong 3 tháng đầu năm lên thêm 415.058 tỉ đồng so với cuối năm 2022. Các cá nhân gửi tiền tại NH tăng 7,08% so với cuối năm 2022, lên 6,28 triệu tỉ đồng. Từ đầu năm ngoái đến nay, hệ thống NH liên tục nhận được tiền gửi của người dân mỗi tháng tăng nhanh. So với cuối năm 2021, lượng tiền gửi của khối khách hàng cá nhân tăng 1,28 triệu tỉ đồng, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023 hệ thống NH đã nhận 415.058 tỉ đồng từ người dân.

Sau nhiều tháng tụt giảm liên tục vào năm 2022 kéo qua những tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi của khối khách hàng tổ chức kinh tế đã tăng trở lại trong tháng 3 với con số 48.000 tỉ đồng. Con số này đã làm cho mức sụt giảm tiền gửi của tổ chức kinh tế chậm lại, còn 290.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022, tương đương mức giảm 4,87% thay vì 5,68% của tháng 2. Số tiền mà các tổ chức kinh tế gửi tại các nhà băng ở mức 5,615 triệu tỉ đồng.

Triệt tiêu nhu cầu đầu tư, kinh doanh

Kể từ khi các NH bắt đầu rục rịch tăng LS từ tháng 7.2022, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân vào NH dần tăng lên và chính thức vượt cao hơn so với các tổ chức vào cuối tháng 1.2023. Ở thời điểm hiện tại, do bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều DN cũng đã chọn NH làm nơi gửi tiền.

Đơn cử, Công ty CP Licogi 14 tính đến cuối quý 1/2023 không còn nắm giữ các chứng khoán kinh doanh, thay vào đó là 114,4 tỉ đồng tiền gửi NH có kỳ hạn, gấp đôi so với cùng kỳ. Cuối quý 1/2023, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát nắm giữ 85.000 tỉ đồng tài sản ngắn hạn, tăng 5.000 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 35.000 tỉ đồng và lượng tiền này được kỳ vọng sẽ dùng cho dự án ở Dung Quất (Quảng Ngãi). Tổng công ty Khí VN - Công ty CP (PV Gas) cũng có khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi NH với tổng trị giá 36.879 tỉ đồng - chiếm 44% tổng tài sản, đem về 480 tỉ đồng tiền lãi.

Giám đốc một DN có 50 tỉ đồng đang gửi tiết kiệm NH nói thẳng kinh doanh bây giờ rủi ro, vì vậy trước mắt công ty tạm dừng hoạt động, gửi tiền vào NH lấy lãi 5 tỉ đồng/năm cho "lành". Chưa kể tỷ lệ lãi suất 10%/năm không phải thấp so với mức lợi nhuận kinh doanh của công ty. Khi nào thị trường khởi sắc hay có mối làm ăn nhiều hơn so với lãi tiền gửi thì công ty sẽ hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng hành động gửi tiền vào NH của nhiều cá nhân, tổ chức thay vì đầu tư, kinh doanh là hoàn toàn dễ hiểu. DN hiện không có đơn hàng mới, dự án mới trong khi LS tiền gửi cao nên đương nhiên dòng vốn bị hút về phía NH.

"LS ở mức cao, vượt qua cả mức sinh lời của một số ngành nghề thì tất nhiên nhiều người chọn gửi tiền vào NH vừa an toàn, vừa có lãi", ông Huân nói và phân tích, từ nhiều tháng trở lại đây Chính phủ cũng như NHNN đều kêu gọi các NH giảm LS cho vay, nhưng muốn giảm lãi vay thì LS huy động phải đi xuống. Trong khi đa số nhà băng đang duy trì mức LS huy động ở mức cao để thu hút vốn thì khó nói đến chuyện giảm lãi vay. Mà để LS huy động giảm nhanh, cần giải tỏa nút thắt vấn đề thanh khoản cho các NH đang huy động vốn với lãi suất cao. NHNN cho vay tái cấp vốn, giải quyết vấn đề trái phiếu của những nhà băng này (có thể cho cầm cố trái phiếu để bơm thanh khoản).

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bày tỏ ngạc nhiên với mặt bằng LS tiết kiệm ở nhiều NH hiện nay. Bởi sau nhiều đợt giảm LS điều hành của NHNN, các nhà băng liên tục thông báo giảm lãi huy động đầu vào khiến hầu hết người dân đều nghĩ rằng LS tiết kiệm sẽ nhanh quay về mức thấp như trước đại dịch Covid-19. Vì thế, mức LS 9%/năm là quá cao, "quá khó hiểu". Với mức LS này, chắc chắn người dân lẫn DN nếu có tiền dư sẽ lựa chọn ngay việc gửi vào NH vừa hưởng lãi cao, vừa đảm bảo an toàn nhất.

"Tâm lý người dân vẫn mang tính phòng thủ cao nên họ càng tiếp tục giữ tiền trong các nhà băng. Còn các DN, nếu chỉ có một khoản tiền dư tạm thời mà đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh doanh thì phải vay thêm vốn NH. Nhưng vì khó tiếp cận vốn, đồng thời LS cho vay vẫn cao trên 11 - 12%/năm thì không DN nào dám hay muốn vay nên quay ngược lại, gửi số dư vào NH hưởng lãi", ông Điền phân tích và cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh nhiều giải pháp thuộc chính sách tài khóa như giảm thuế, phí; đẩy mạnh đầu tư công, thì phải kết hợp song song chính sách tiền tệ như tăng cung tiền, kéo giảm LS. Từ đó mới có thể đạt được hiệu quả là kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

"Chúng ta mở rộng chính sách tài khóa nhưng chính sách tiền tệ quá thận trọng thì không thể đạt được hiệu quả. LS neo cao khiến tiền trên thị trường chỉ chảy vào NH, không thể đi vào các kênh đầu tư truyền thống hay đi vào sản xuất. Từ đó DN càng khó khăn thì cắt giảm lao động, người dân sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay vấn đề lạm phát cơ bản của VN đã ổn định nên việc thận trọng quá là không hợp lý" - TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

(Theo Thanh Niên)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ