[Kỷ niệm 95 năm báo chí cách mạng việt nam]: Nhà báo đi… chống dịch!

Khẩu lệnh: “Chống dịch như chống giặc” được phát đi từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã trở thành ý chí của cả quốc gia.
NGUYỄN HOÀNG NHẬT
20, Tháng 06, 2020 | 13:53

Khẩu lệnh: “Chống dịch như chống giặc” được phát đi từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã trở thành ý chí của cả quốc gia.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng tổng động viên tinh thần và đoàn kết toàn dân, toàn quân, tất cả các lực lượng và mọi thành phần xã hội kết thành một nguồn lực lớn lao để đương đầu với đại dịch COVID-19.

Không súng nổ, bom rơi, nhưng ý chí, tinh thần, thái độ của đại đa số những người Việt Nam trong thời đại dịch giống như trong bầu không khí của một cuộc chiến đấu tổng lực, căng thẳng, quyết liệt và tập trung cao độ. Đây cũng là một cuộc chiến đấu thực sự, mang ý nghĩa sinh tử của đất nước.

Việt Nam đã từng bước khống chế, đẩy lùi đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng các biện pháp tổng thể, cả trên phương diện phòng, chống trực tiếp và gián tiếp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ ngành đã quyết liệt vào cuộc. Công tác thông tin tuyên truyền đã được đẩy mạnh để người dân hiểu, tuân thủ đúng các chỉ đạo, chung sức, đồng lòng chống dịch.

FF

 

Trong cuộc chiến đấu này, các nhà báo đã nhập cuộc, như trong thời chiến tranh trước đây gọi là lên đường đi chiến dịch và đã thực hiện rất tốt sứ mệnh cao cả của mình.

Các tổ chức, các cơ quan truyền thông lớn và có uy tín toàn cầu đã đánh giá rất cao Việt Nam trong cung cách vượt qua đại dịch. Việt Nam đứng vào tốp đầu danh sách các quốc gia ngăn chặn hiệu quả nhất tác động nguy hại của đại dịch. Chính phủ Việt Nam đứng vào tốp đầu danh sách các chính phủ được toàn dân tin tưởng. Và trong những “đứng đầu” ấy, báo chí Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận.

Tổ chức Forbes đã tôn vinh báo chí Việt Nam khi được người dân tin tưởng nhất về thông tin COVID-19. Theo Forbes, dịch COVID-19 đã mang lại nhiều thách thức cho báo chí trong việc tìm ra sự thật cũng như lọc bỏ những “tin vịt”, tin “giả” và chưa bao giờ mức độ tin cậy của truyền thông, báo chí lại có ý nghĩa quan trọng như lúc này.

Tổ chức YouGov của Anh đã tiến hành cuộc khảo sát về mức độ tin tưởng của người dân một số quốc gia đối với tin tức trên báo chí ở đất nước của họ về đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, 89% người Việt Nam tham gia khảo sát bày tỏ sự tin tưởng đối với tin tức trên báo chí về công tác phòng chống dịch của đất nước. Tỷ lệ người dân tin tưởng vào báo chí đưa tin về kết quả chống dịch ở các nước như Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha cũng đứng ở mức cao.

Cụ thể, Trung Quốc là 62%, Đức là 54%, Tây Ban Nha là 50%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Pháp chỉ có 26%, Anh 31% và Italia 38%. Đáng chú ý nhất là tại Mỹ, nơi đang là ổ dịch lớn nhất thế giới về cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong, dù tình hình dịch bệnh hết sức nghiêm trọng và Tổng thống Trump liên tục tấn công tin “giả” hay các thông tin truyền thông tiêu cực, song mức độ người dân tin tưởng vào báo chỉ cũng chỉ đạt có 42% mà thôi.

Trong thời điểm đại dịch bùng phát và căng thẳng nhất, các phóng viên của nhiều cơ quan báo chí lớn của Việt Nam đã có mặt tại các điểm “nóng” về dịch bệnh, đã kịp thời phản ánh tình hình dịch bệnh ở trong nước và quốc tế, góp phần khích lệ, động viên, lan tỏa các tấm gương “người tốt việc tốt” trong xã hội để cùng chung tay, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Báo chí đã đem đến những thông tin chính xác, chuẩn mực, kịp thời, phân tích đúng, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể, giúp người dân nắm được tình hình, nhất là những chủ trương, chính sách, để định hướng dư luận, phản ánh thực tiễn, phê phán những sai sót, bất cập trong xã hội.

Những ngày đại dịch diễn biến phức tạp là thời điểm thực sự gây ra những áp lực lớn với những người làm báo. Hoạt động của ngành nghề khác có thể tạm dừng, nhưng dòng tin tức của báo chí phải luôn luôn song hành với thời cuộc.

Công tác chỉ đạo thông tin và truyền thông của các cơ quan chức năng đã được thực hiện theo mô hình tác chiến, tạo nên sự tương tác lớn và hiệu quả, trở thành nguồn tin ban đầu để các cơ quan báo chí cập nhật thông tin. Các cơ quan báo chí không chạy theo việc đưa tin tức đơn thuần về các ca bệnh, mà tăng cường thông tin tuyên truyền việc ứng xử đối với người bệnh, người bị cách ly, khuyến cáo không kỳ thị những nhóm người mắc bệnh.

Báo chí cũng đã chuyển hướng mạnh với những tin bài nhân văn, chống lại sự kỳ thị, tổ chức các tuyến bài dài hơi, chất lượng, đưa thông điệp để người dân sống tốt, an toàn, ý nghĩa hơn, quan tâm đến người già, gia đình và hướng nội hơn.

Nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin bài về những mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch thành công vừa phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức, thông tin kịp thời về những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã khẳng định: Báo chí góp phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh lại đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này.

Ngoài việc đưa tin, báo chí đã có rất nhiều phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người. Chính phủ luôn đánh giá cao báo chí, là một lực lượng trực tiếp, đã cùng xung trận cùng với quân đội, y tế, công an trong công tác phòng, chống dịch.

Đánh giá cao vai trò của báo chí và chia sẻ với những khó khăn của báo chí hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng: Qua dịch COVID-19, đã thể hiện niềm tin của xã hội và báo chí tăng lên nhiều. Mỗi ngày, có tới 20 - 30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch COVID-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí.

Trước nguồn thu của báo chí bị sụt giảm mạnh với hàng ngàn nhà báo, phóng viên bị ảnh hưởng đời sống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Chính phủ cần sớm có những giải pháp hỗ trợ báo chí trong giai đoạn khó khăn này. Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ về chính sách cho báo chí, như: Phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19 cần được hưởng chế độ đặc thù; Hỗ trợ chuyển đổi số cho báo chí; Xây dựng hạ tầng công nghệ tốt hơn để cho báo chí phát triển.

Cũng tại cuộc giao ban báo chí trực tuyến nói trên, sau khi đưa ra đánh giá cao vai trò của báo chí trong tuyên tuyền về dịch COVID -19 góp phần quan trọng trong công tác chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của báo chí hiện nay và cho biết: Tới đây, Chính phủ sẽ họp bàn để sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho báo chí.

Với những thành quả bước đầu mà đất nước đã đạt được, cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19 giống như đã chiến thắng đại dịch SARS vào năm 2003.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ