HoREA: Chưa cần thiết thắt chặt tín dụng bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP HCM quan ngại lộ trình siết tín dụng địa ốc đầu năm 2019 có thể gây sốc cho thị trường.
VŨ LÊ
28, Tháng 09, 2018 | 08:32

Hiệp hội Bất động sản TP HCM quan ngại lộ trình siết tín dụng địa ốc đầu năm 2019 có thể gây sốc cho thị trường.

Chiều 27/9, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Công văn của HoREA nêu rõ việc thực hiện Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước về lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn đang tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp địa ốc.

Diễn biến thị trường có dấu hiệu giảm tốc trong những tháng đầu năm 2018 cho thấy các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức lớn khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản vào năm 2019.

Năm 2018, các ngân hàng thương mại được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong khi các năm 2016-2017 lần lượt là 60-50%.

Mới đây, khoản 17 điều 1 Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung điều 17 Thông tư 36 quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%. Như vậy, từ đầu năm 2019, dòng vốn trung và dài hạn mà ngân hàng cho vay bất động sản sẽ teo tóp dần và sụt giảm đến 20% so với năm 2016.

a-tb-bds-khu-dong-tp-vu-le-5479-1538062880

Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Mặt tích cực của điều này là đã tạo áp lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Các ngân hàng cũng buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn huy động tiết kiệm bền vững hơn theo hướng tăng tỷ lệ huy động trung hạn, dài hạn. Trên thực tế, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn, nhất là kỳ hạn trên 12 tháng để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 19.

Song mặt hạn chế là các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường bất động sản thu hẹp cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng ngay từ đầu năm 2018 và sẽ càng khó khăn hơn vào năm 2019. Trước thực trạng này, Hiệp hội nêu quan điểm chưa cần thiết áp dụng quy định kể từ đầu năm 2019.

HoREA phân tích, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước phát triển thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản. Nguồn vốn tín dụng chủ yếu phục vụ người mua nhà, trong lúc phần lớn người tiêu dùng ở các nước này lựa chọn phương thức thuê nhà.

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng, và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà. Thế nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động, nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường bất động sản.

Theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư. Còn lại 80-85% nhu cầu vốn doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

Mặt khác, việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan. Đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài, cả nước mới chỉ có một Quỹ đầu tư bất động sản là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỷ đồng.

Điều này cho thấy một thực tế nan giải là các quỹ đầu tư chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi còn rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản. Còn thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường bất động sản do mới chỉ có rất ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Do đó, Hiệp hội quan ngại rằng nếu siết quá chặt tín dụng bất động sản, thị trường có thể tiếp nhận cú sốc.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của HoREA, các chuyên gia tài chính cho rằng siết tín dụng bất động sản với lộ trình như hiện nay là cần thiết. Điều này hướng tới mục tiêu đưa thị trường địa ốc vào quỹ đạo phát triển bền vững hơn. Bởi lẽ, trong giai đoạn 2014-2017 và đầu năm 2018 bất động sản đã liên tục có nhiều biểu hiện tăng trưởng nóng, các cơn sốt đất liên tục với diễn biến khó lường và thị trường đầu cơ phát triển ngoài tầm kiểm soát.

(Theo Vnexpress)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ