Hệ sinh thái Việt Phương và niềm 'cảm hứng' mới Capella Group

Nhàđầutư
Khác với Capella Holdings có lịch sử lâu đời của doanh nhân Nguyễn Cao Trí, Capella Group của ông chủ Việt Phương dù đến sau và đầy kín tiếng, song lại mang trong mình tham vọng không nhỏ, tất nhiên, với sự hậu thuẫn đắc lực của VietABank.
NGHI ĐIỀN - XUÂN TIÊN
11, Tháng 07, 2020 | 11:16

Nhàđầutư
Khác với Capella Holdings có lịch sử lâu đời của doanh nhân Nguyễn Cao Trí, Capella Group của ông chủ Việt Phương dù đến sau và đầy kín tiếng, song lại mang trong mình tham vọng không nhỏ, tất nhiên, với sự hậu thuẫn đắc lực của VietABank.

Screen Shot 2020-07-11 at 11.10.13 AM

Chủ tịch VietABank ông Phương Hữu Việt

Cấu trúc kinh doanh đồ sộ

Nhắc tới VietABank là nói về Việt Phương Group. Tập đoàn kinh tế tư nhân thuộc sở hữu của doanh nhân quê Bắc Ninh Phương Hữu Việt hoạt động không quá nổi bật, kể cả sau khi "vào" VietABank năm 2010; tuy nhiên ẩn sau bề ngoài tĩnh lặng đó là cả một hệ sinh thái kinh doanh khổng lồ chưa từng được đề cập trên mặt báo.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Việt Phương Group hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thuỷ điện, khai khoáng, bất động sản, khu công nghiệp, ngân hàng, đầu tư tài chính.

Trong đó, thuỷ điện là một trong số các mảng lõi, tập trung nhiều nguồn lực của Tập đoàn, với những dự án điển hình là Thủy điện Tà Niết (Mộc Châu, Sơn La); Thủy điện Mường Mươn và Thuỷ điện Huổi Vang (Mường Chà, Điện Biên); Thuỷ điện Nậm Be (Tân Uyên, Lai Châu); Thuỷ điện Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái); Thủy điện Đá Đen (Tây Hòa, Phú Yên); Thuỷ điện Đa Klong (Đắk G'long, Đắk Nông)...

Không chỉ đầu tư/ mua lại các dự án đơn lẻ, Việt Phương còn dần ghi dấu ấn rõ nét tại CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HoSE: TTE) - chủ sở hữu nhiều dự án thuỷ điện vừa và nhỏ tại Tây Nguyên như Đăk Ne, Đăk Pia, Tà Vi, Đăk Bla 1, với tổng tài sản tới cuối năm 2019 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2020, ĐHĐCĐ bất thường của TTE đã thông qua miễn nhiệm và bầu bổ sung hai thành viên HĐQT. Sau sự thay đổi này, 5/5 vị trí trong HĐQT TTE đều trực tiếp hoặc gián tiếp có liên hệ tới Việt Phương Group, trong đó Chủ tịch Đinh Xuân Hoàng là Phó TGĐ Việt Phương Group; ông Trần Văn Hải từng là Trưởng phòng Tài chính Việt Phương Group; đáng lưu ý là hai vị Lê Thị Thu Hường và Nguyễn Văn Quân vừa được bầu bổ sung vào vị trí Thành viên độc lập, song cũng là "người" của Việt Phương. Cụ thể bà Hường là Trợ lý TGĐ Việt Phương Group, còn ông Quân là Tổng giám đốc CTCP Thuỷ điện Huổi Vang Thành Bưởi - chủ đầu tư dự án thuỷ điện Huổi Vang tại Mường Chà, Điện Biên. Dự án này đã được nhóm Việt Phương mua lại từ nhóm Thành Bưởi (TP.HCM) đầu năm 2015. Vị Thành viên HĐQT còn lại của TTE là ông Trần Quang Chung, nên biết, cũng là Thành viên HĐQT của CTCP Habada - nơi bà Phương Minh Huệ làm Chủ tịch HĐQT.

Thuỷ điện cũng là "khẩu vị" của VSD Holdings - một doanh nghiệp có nhiều liên hệ tới Việt Phương, đã được Nhadautu.vn đề cập thời gian qua. 

Ở mảng khai khoáng, Việt Phương Group trực tiếp sở hữu mỏ cát trắng quy mô 427ha ở Thừa Thiên Huế, công suất 0,5-1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên ồn ào hơn cả chắc hẳn là thương vụ mua lại CTCP Vàng Phước Sơn. VietABank tham gia tài trợ vốn cho doanh nghiệp này từ năm 2013. Vàng Phước Sơn sau đó lâm vào cảnh khó khăn, nhóm Việt Á - Việt Phương mua dần cổ phần, ban đầu là 35% và hiện nay đã nâng tỷ lệ lên 100%, gồm CTCP Vàng VACO (trước đây là CTCP Vàng Việt Á), bà Nguyễn Đắc Quỳnh Anh và bà Lương Thị Linh - phu nhân của ông Phương Hữu Lĩnh, anh trai ông Phương Hữu Việt.

Con trai thứ của vợ chồng ông Phương Hữu Lĩnh - ông Phương Thành Long hiện là Phó TGĐ CTCP Sam Holdings - một công ty niêm yết khác cũng mang đậm hình bóng của nhóm Việt Phương. Tổng giám đốc Sam Holdings là ông Trần Việt Anh - phu quân bà Phương Thanh Nhung, cựu TGĐ VietABank. Thương vụ hợp tác điển hình giữa Sam Holdings và nhóm Việt Phương là tại dự án Khu nghỉ dưỡng Sam Tuyền Tâm tại Đà Lạt, Lâm Đồng; hay thương vụ đầu tư vào CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ - cổ đông lớn nhất của Công viên nước Đầm Sen ở TP.HCM.

Như nhiều ông chủ nhà băng khác, với dòng vốn dồi dào, giá rẻ, bất động sản là lĩnh vực đầu tư không thể không đề cập với Việt Phương Group.

Một trong những dự án lâu đời nhất của Việt Phương là Sơn Trà Resort do CTCP Sơn Trà làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 14ha đất và 20ha mặt biển, trải dài 1,3km bờ biển Sơn Trà (Đà Nẵng), được chủ đầu tư xin đất từ đầu những năm 2000.

Ngoài ra, tập đoàn này thông qua các công ty thành viên còn sở hữu nhiều dự án ở TP.HCM như Khu phức hợp 1591-1595 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, Quận 7 (mua lại từ KITA Group); Khu đô thị mới Thới An tại Phường Thới An, Quận 12; Dự án Lô Br 20- 21-22 thuộc Khu công viên – Trung tâm công cộng và dân cư – Khu 13B – Đô Thị mới Nam thành phố; Dự án Cửa hàng thương mại dịch vụ Conic Plaza. Tại Hà Nội có dự án Khu đô thị mới Sơn Đồng - Đất Việt, xã Sơn Đồng, Lại Yên, huyện Hoài Đức và một số dự án "chung" với nhóm Vimedimex đã đề cập ở kỳ trước. Tại Quảng Bình, nhóm Việt Phương cũng đã mua lại CTCP Đồng Hới Tourist - chủ khu đất 11.386,6m2 tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới từ CTCP Tập đoàn Đầu tư Trường Sơn.

Ở một lĩnh vực kín tiếng hơn, nhóm chủ Việt Phương dường như có sự hứng thú không nhỏ với ngành gỗ, với hai doanh nghiệp CTCP Xuất nhập khẩu và Chế biến Gỗ Hưng Thịnh và CTCP Đầu tư Capital TLV. Trong quá khứ, các thành viên Việt Phương Group sở hữu nhiều triệu cổ phần TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành; VietABank có giai đoạn cũng là chủ nợ lớn nhất, cho tập đoàn này vay tới 650 tỷ đồng.

Capella Group

Nói đến cái tên Capella, không ít người nhớ đến CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) của doanh nhân Sài Gòn Nguyễn Cao Trí có lịch sử hoạt động từ năm 2008.

Ở Hà Nội, tháng 7/2015, một doanh nghiệp mang tên Capella khác âm thầm được thành lập, là Công ty TNHH Tập đoàn Capella Group có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, thuộc sở hữu của ông Phương Hữu Việt. Chủ tịch VietABank thoái vốn khỏi Capella Group vào tháng 4/2018, song đây có chăng chỉ là động thái mang tính "ẩn mình" bởi sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sở hữu, cổ đông lớn nhất, nắm 98% Capella Group ở thời điểm hiện tại là ông Nguyễn Văn Trọng - người đang đứng đầu ban điều hành VietABank, và là một trong những cánh tay phải của Chủ tịch VietABank.

Capella Group đóng vai trò trung tâm, cùng ông Phương Hữu Việt và các pháp nhân, cá nhân liên quan đầu tư và quản lý vốn tại một loạt thành viên quan trọng, là CTCP Đầu tư Infinity Group có vốn 800 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; CTCP Bất động sản Capella (Capella Land), và thông qua Capella Land đầu tư vào nhiều pháp nhân như Công ty TNHH Đầu tư Capella Hà Nam, CTCP Capella Quảng Nam, Công ty TNHH Đầu tư Capella Bắc Giang, tương ứng là chủ đầu tư Khu công nghiệp Thanh Liêm 293ha, Khu công nghiệp Tam Thăng II quy mô 103ha tại Khu kinh tế mở Chu Lai và Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư 75ha.

Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến thương vụ Capella Land thông qua Capella Quảng Nam mua cổ phần chi phối trong CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Nhân Hoà - chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Nhân Hoà - Phương Liễu 44,9ha và Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 cùng tại Quế Võ, Bắc Ninh. Bên bán là nhóm Hải Phát Invest của doanh nhân Đỗ Quý Hải. Hải Phát và Việt Phương là "cặp bài trùng" được biết đến trong giới kinh doanh với nhiều thương vụ làm ăn chung. Chẳng hạn, nhóm Việt Phương sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần tại CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô, hay Hải Phát Invest cuối năm 2015 mua cổ phần phát hành riêng lẻ và trở thành cổ đông "gần lớn", nắm 4,71% cổ phần VietABank, trước khi thoái hết trong năm 2017.

Ở một diễn biến có phần bất ngờ, Capella Group vào giữa năm ngoái đã trở thành cổ đông lớn của CTCP TV Hub - một nhà sản xuất nội dung truyền hình giải trí và quản lý truyền thông. Trước đó, năm 2018, Capella Group tham gia mua nhiều triệu cổ phần phát hành riêng lẻ và trở thành cổ đông lớn của CTCP Nhựa Đồng Nai. 

Trong một thương vụ đáng chú ý, Capella Group cuối năm 2018 cùng với CTCP OTE Group và Công ty TNHH Đầu tư VNC góp vốn thành lập CTCP LEC Group với tỷ lệ 50:35:15, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. LEC Group hoạt động trong lĩnh vực logistics và nhập khẩu than đá. Trong số các cổ đông nêu trên, Đầu tư VNC có liên hệ tới nhóm Việt Phương, còn OTE Group được thành lập trên sự hợp tác giữa VNC và nhóm Otran Logistics.

Mảng bất động sản của Capella Group hay Việt Phương Group giai đoạn 2017-2018 được phụ trách bởi doanh nhân kỳ cựu Đào Ngọc Thanh. Ông Thanh vào nửa đầu năm 2017, khi đó vẫn còn là CEO Tập đoàn Ecopark, đã được bổ nhiệm, đứng tên tại nhiều doanh nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái của ông Phương Hữu Việt, như Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của CTCP Sơn Trà, vị trí tương tự tại CTCP Đầu tư Infinity Group hay Thành viên HĐQT CTCP Habada. Nửa sau năm 2018, ông Thanh dần rút khỏi các vị trí trên. Cuối năm 2018, như đã biết, doanh nhân sinh năm 1946 tham gia thương vụ thâu tóm Vinaconex và trở thành Chủ tịch HĐQT Vinaconex vào đầu năm 2019.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24560.00 24580.00 24900.00
EUR 26330.00 26436.00 27602.00
GBP 30806.00 30992.00 31943.00
HKD 3100.00 3112.00 3214.00
CHF 27305.00 27415.00 28276.00
JPY 159.75 160.39 167.85
AUD 15863.00 15927.00 16413.00
SGD 18093.00 18166.00 18706.00
THB 668.00 671.00 699.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD   14721.00 15211.00
KRW   17.71 19.34
DKK   3539.00 3670.00
SEK   2326.00 2418.00
NOK   2279.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ